Sức mạnh dân tộc là gì?
Sức mạnh dân tộc Việt Nam là sự tổng hợp của các yếu tố vật chất và tinh thần, truyền thống và hiện đại, là sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chính nghĩa dân tộc, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại
Theo Hồ Chí Minh, sức mạnh dân tộc là sức mạnh tổng hợp của các cộng đồng quốc gia dân tộc và các dân tộc trong một quốc gia. Sức mạnh ấy được biểu hiện thông qua sức mạnh của thể chế chính trị, tiềm lực kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh; sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; sức mạnh của truyền thống và các giá trị văn hóa; trong đó, yếu tố quyết định để phát huy sức mạnh dân tộc là giữ vững tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Còn sức mạnh thời đại là sức mạnh của chân lý, lẽ phải, niềm tin, lương tri, trí tuệ của nhân loại; là sức mạnh của tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội và các nhân tố tiến bộ xã hội của thời đại.
Nghiên cứu về toàn bộ quá trình hoạt động cách mạng và lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Người, có thể khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại được thể hiện cụ thể trên một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, gắn cách mạng Việt Nam trong trong qũy đạo cách mạng vô sản thế giới
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người là yêu cầu cấp thiết không chỉ của cách mạng Việt Nam mà của tất cả các dân tộc thuộc địa và nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới. Người ví chủ nghĩa đế quốc giống như “con đỉa hai vòi”. Một vòi hút máu chính quốc và một vòi hút máu thuộc địa. Từ đó Người khẳng định, muốn tiêu diệt con đỉa đó, phải đồng thời cắt đứt cả hai vòi, tức là phải kết hợp cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc. Nghĩa là phải xem hai cuộc cách mạng đó như là “hai cánh của một con chim”. Người chỉ rõ: “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều làm đồng chí của dân An Nam cả”[1].
Như vậy, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, cần phải đặt cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa nói chung, ở Việt Nam nói riêng trong quỹ đạo của cách mạng vô sản và là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới, đó là con đường đúng đắn của cách mạng Việt Nam. Ðó là đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Thứ hai, kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tinh thần yêu nước chân chính khác hẳn với tinh thần “vị quốc” của bọn đế quốc phản động. Nó là một bộ phận của tinh thần quốc tế”. Cách mạng giải phóng dân tộc khi đã đặt vào quỹ đạo cách mạng vô sản thì chủ nghĩa yêu nước truyền thống sẽ phát triển thành chủ nghĩa yêu nước hiện đại, kết hợp trong đó cả chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Để có thể kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các Đảng Cộng sản phải tiến hành có hiệu quả việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp với chủ nghĩa quốc tế trong sáng cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước mình. Người khẳng định: “Tinh thần yêu nước là kiên quyết giữ gìn quyền độc lập, tự do và đất đai toàn vẹn của nước mình. Tinh thần quốc tế là đoàn kết với các nước bạn và nhân dân các nước khác để giữ gìn hòa bình thế giới, chống chính sách xâm lược và chính sách chiến tranh của đế quốc… Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế liên hệ khăng khít với nhau”
Thứ ba, dựa vào sức mình là chính, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới
Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Độc lập tự chủ, tự lực cánh sinh là tư duy nổi bật, nhất quán trong toàn bộ hoạt động chính trị của Người. Theo Hồ Chí Minh, muốn người ta giúp cho, thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình. Hồ Chí Minh chủ trương phát huy sức mạnh của dân tộc, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, đại đoàn kết dân tộc; đó là cơ sở để thực hiện hợp tác quốc tế và tranh thủ sự giúp đỡ bên ngoài. Hồ Chí Minh đánh giá cao sự ủng hộ vật chất và tinh thần của các nước xã hội chủ nghĩa, sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới. “Tinh thần quốc tế ấy là một trong những điều kiện giúp ta kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”.
Hồ Chí Minh luôn khẳng định, độc lập tự chủ, tự lực tự cường phải gắn với đoàn kết và hợp tác quốc tế nhằm tăng cường nội lực và sức mạnh tổng hợp để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của mình. Đồng thời, nhân dân Việt Nam có nghĩa vụ đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh của nhân thế giới theo tinh thần “giúp bạn tức là tự giúp mình”. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh phấn đấu không mệt mỏi cho việc tăng cường hiểu biết giữa các dân tộc, xây dựng tình đoàn kết giữa các lực lượng cách mạng, thúc đẩy quan hệ quốc tế hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia, nhằm bảo vệ hòa bình và độc lập dân tộc. Người kiên quyết đấu tranh chống chiến tranh xâm lược, cường quyền, áp đặt trong quan hệ quốc tế, cũng như mọi hành động can thiệp và xâm phạm lợi ích chính đáng của các dân tộc.
Thứ tư, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ
Sau khi nước ta giành được độc lập, Hồ Chí Minh với những hoạt động không mệt mỏi của mình đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Phương châm đối ngoại của Hồ Chí Minh là sẵn sàng làm bạn với mọi nước dân chủ, không gây thù oán với một ai. “Chính sách ngoại giao của Chính phủ thì chỉ có một điều tức là thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để giữ gìn hoà bình”. Ngay đối với nước Pháp, nước đang tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Việt Nam sẵn sàng cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp. Những người Pháp tư bản hay công nhân, thương gia hay trí thức, nếu họ muốn thật thà cộng tác với Việt Nam thì sẽ được nhân dân Việt Nam hoan nghênh họ như anh em bầu bạn. Song nhân dân Việt Nam kiên quyết cự tuyệt những người Pháp quân phiệt”. Người luôn khẳng định: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc: tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp nội trị của nhau”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là di sản vô giá, là bài học lớn và xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Thấm nhuần và quán triệt tư tưởng của Người, trải các thời kỳ cách mạng, Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn đề ra các chủ trương, giải pháp nhằm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong sự nghiệp cách chính là bài học kinh nghiệm quý báu đối với Đảng và nhân dân ta.
Đại hội lần thứ XI của Đảng (2011) đã thông Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011). Cương lĩnh đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm lớn của cách mạng Việt Nam; trong đó bài học kinh nghiệm thứ tư là: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại”. Đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tư tưởng về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại được Đảng ta xác định ngay trong chủ đề Đại hội: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại…”. Từ chủ đề Đại hội chothấy, việc kết hợp kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là một trong những vấn đề hệ trọng được quan tâm nhất trong công tác lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
********************
Đăng bởi: Trường THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Tổng hợp