Đề bài: Phân tích khổ 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Phân tích khổ 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Bạn đang xem: Phân tích khổ 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính
I. Dàn ý Phân tích khổ 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về Bài thơ về tiểu đội xe không kính và khái quát nội dung khổ 6 của bài thơ.
2. Thân bài
– Khổ thơ đã thể hiện chất thơ, chất lính đậm nét trong tâm hồn của những người lính lái xe.
– Sau những giây phút làm nhiệm vụ đầy căng thẳng, mệt mỏi, những người lính đã dừng chân giữa rừng để nghỉ ngơi, ăn uống lấy lại sức cho hành trình sắp tới.+ “Bếp Hoàng Cầm” là loại bếp dã chiến được dùng phổ biến trong chiến tranh.+ Ngọn lửa ấm áp đã thắt chặt hơn tình cảm đồng đội, đồng chí của những người chiến sĩ+ “Chung bát đũa” à Gia đình+ Từ “chung” gợi ra được không khí “gia đình” hài hòa, tình đồng đội gắn bó giữa hiện thực dữ dội của cuộc chiến tranh.- Những chiếc võng được mắc tạm trên đường hành quân, “chông chênh” gợi ra tư thế không cân bằng, chắc chắn.=> Hiện thực về cuộc sống gian khổ của những người lính giữa rừng Trường Sơn hiểm trở: mỗi bữa ăn, giấc ngủ của họ đều rất ngắn ngủi, tạm bợ.
– “Lại đi, lại đi trời xanh thêm”+ Hình ảnh những đoàn xe nối đuôi nhau vượt qua mưa bom bão đạn để chi viện cho chiến trường.+ Tinh thần lạc quan và quyết tâm chiến đấu vì miền Nam của những người lính.+ “Trời xanh” không chỉ là hình ảnh tả thực mà còn biểu tượng cho tự do, hòa bình và cả những hi vọng về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp
3. Kết bài
Khái quát về giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ.
II. Bài văn mẫu Phân tích khổ 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Chuẩn)
Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một trong những bài thơ hay nhất viết về chủ đề chiến tranh- người lính trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Lần đầu tiên hình ảnh “trần trụi”, méo mó của những chiếc xe không kính xuất hiện trên những trang thơ, không những thế nó còn vút lên thành thơ và làm nổi bật được vẻ đẹp của những người lính lái xe. Không chỉ tập trung khắc họa “diện mạo” những chiếc xe bị tàn phá bởi bom đạn chiến tranh, nhà thơ Phạm Tiến Duật còn hướng ngòi bút của mình đến đời sống tâm hồn phong phú và tình cảm gắn kết thiêng liêng giữa những người lính. Điều này được thể hiện rõ nét qua khổ thơ thứ 6 của bài thơ.
Khổ thơ đã thể hiện chất thơ, chất lính đậm nét trong tâm hồn của những người lính lái xe, đó cũng chính là trong phong cách sáng tác nổi bật của nhà thơ Phạm Tiến Duật khi viết về chiến tranh và những người lính:
“Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trờiChung bát đũa nghĩa là gia đình đấyVõng mắc chông chênh đường xe chạyLại đi, lại đi trời xanh thêm”
Sau những giây phút làm nhiệm vụ đầy căng thẳng, mệt mỏi, những người lính đã dừng chân giữa rừng để nghỉ ngơi, ăn uống lấy lại sức cho hành trình sắp tới. “Bếp Hoàng Cầm” là loại bếp dã chiến được dùng phổ biến trong chiến tranh, công dụng của bếp là làm chín thức ăn mà không xuất hiện khói, tránh bị máy bay địch phát hiện từ trên cao. “Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời”, câu thơ thể hiện được không khí thoải mái, tự do và tinh thần làm chủ hoàn cảnh rất “lính” của những người lính lái xe. Cái hiểm nguy thường trực nơi chiến trường cùng cảm giác mỏi mệt, căng thẳng khi làm nhiệm vụ như được xua đi bởi hơi ấm của bếp lửa. Ngọn lửa ấm áp đã thắt chặt hơn tình cảm đồng đội, đồng chí của những người chiến sĩ. Trong giây phút này đây họ tựa như những người thân thiết trong một gia đình, bữa cơm vội giữa rừng sâu cũng ấm áp, chan chứa yêu thương như bữa cơm sum họp
“Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”
Cách định nghĩa về gia đình thật đơn giản nhưng cũng thực gần gũi, xúc động. Những người lính không chỉ chung nhau lí tưởng chiến đấu, cùng đối diện với những gian khó, hiểm nguy của cuộc chiến tranh mà họ còn chia sẻ với nhau mọi “cay đắng ngọt bùi” của cuộc sống. Từ “chung” mà nhà thơ Phạm Tiến Duật sử dụng trong câu thơ rất “đắt” vì nó gợi ra được không khí “gia đình” hài hòa, tình đồng đội gắn bó giữa hiện thực dữ dội của cuộc chiến tranh.
Sau bữa cơm gần gũi, thân mật, những người lính tranh thủ mắc võng nghỉ ngơi, tâm tình trước khi tiếp tục hành trình chi viện cho miền Nam:
“Võng mắc chông chênh đường xe chạy”
Những chiếc võng được mắc tạm trên đường hành quân, “chông chênh” gợi ra tư thế không cân bằng, chắc chắn. Câu thơ đã gợi ra hiện thực về cuộc sống gian khổ của những người lính giữa rừng Trường Sơn hiểm trở. Trong cuộc kháng chiến gian khổ, hiểm nguy mỗi bữa ăn, giấc ngủ của họ đều rất ngắn ngủi, tạm bợ để nghỉ ngơi, lấy lại sức lực cho hành trình dài phía trước.
“Lại đi, lại đi trời xanh thêm”
Câu thơ kết thúc khổ 6 thật đẹp, thật ý nghĩa, nó gợi ra hình ảnh những đoàn xe nối đuôi nhau vượt qua mưa bom bão đạn để chi viện cho chiến trường, mặt khác cũng thể hiện được tinh thần lạc quan và quyết tâm chiến đấu vì miền Nam của những người lính. “Trời xanh” không chỉ là hình ảnh tả thực mà còn biểu tượng cho tự do, hòa bình và cả những hi vọng về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp. Những người lính lái xe mang theo lí tưởng cứu nước cao đẹp và một quyết tâm mạnh mẽ để tiến về miền Nam, đấu tranh giành lại độc lập, thống nhất đất nước.
Bằng ngôn ngữ giản dị, gần gũi cùng giọng điệu vui tươi, hóm hỉnh, nhà thơ Phạm Tiến Duật không chỉ mở ra không gian hiện thực còn nhiều gian khó, thiếu thốn, hiểm nguy mà còn mang đến những cảm nhận thật đặc biệt về tình đồng đội, đồng chí. Những người lính gắn bó với nhau như những người thân trong gia đình, họ lên đường mang theo hành trang là sự lạc quan, quyết tâm chiến đấu và một niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của đất nước, dân tộc.
——————HẾT——————-
Trên đây là nội dung bài Phân tích khổ 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính, để khám phá thêm vẻ đẹp tâm hồn, quyết tâm đấu tranh vì miền Nam của những người lính, các em có thể tham khảo thêm: Cảm nhận của em về Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Vẻ đẹp người chiến sĩ trong tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính và Những ngôi sao xa xôi, Phân tích bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phân tích hình tượng chiếc xe không kính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục