Đề Thám là ai?
Hoàng Hoa Thám (chữ Hán: 黃花探; 1858 – 10 tháng 2 năm 1913), còn gọi là Đề Dương, Đề Thám (“Đề đốc” Thám) hay Hùm thiêng Yên Thế, là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp (1885 – 1913).
Thân thế và sự nghiệp của Đề Thám
Hoàng Hoa Thám còn gọi là Đề Dương, Đề Thám hay Hùm xám Yên Thế, là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp. Hoàng Hoa Thám hồi còn bé tên là Trương Văn Nghĩa, quê làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, bố là Trương Văn Thận và mẹ là Lương Thị Minh. Sinh thời, bố mẹ Hoàng Hoa Thám đều là những người rất trọng nghĩa khí; cả hai ông bà đều gia nhập cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Văn Nhàn (Nùng Văn Vân) ở Sơn Tây. Năm 16 tuổi, ông tham gia khởi nghĩa của Đại Trận (1870-1875). Khi Pháp chiếm Bắc Ninh (3-1884) thì Hoàng Hoa Thám gia nhập nghĩa binh của Trần Quang Loan, lãnh binh Bắc Ninh, rồi nghĩa quân của Hoàng Đình Kinh (1882-1888), và sau đó ông đứng dưới cờ nghĩa Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm) và trở thành một tướng lĩnh có tài. Tháng 4-1892, Đề Nắm bị thủ hạ Đề Sặt sát hại và Hoàng Hoa Thám trở thành thủ lĩnh tối cao của phong trào Yên Thế.
Trong ba năm (1893-1895) giặc Pháp đã tập trung lực lượng để đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế, chúng không từ một thủ đoạn nào, từ phủ dụ đến bao vây tàn sát. Hoàng Hoa Thám bằng chiến thuật du kích tài tình đã tránh được mũi nhọn của giặc và đã gây cho chúng những tổn thất nặng nề. Nghĩa quân đã trừng trị những tên phản bội như Đề Sặt… Thấy chưa thể dập tắt được phong trào Yên Thế, giặc Pháp đã yêu cầu giảng hòa. Hoàng Hoa Thám cũng muốn tranh thủ thời gian để chuẩn bị thêm lực lượng, ông đồng ý hòa hoãn. Nhưng chỉ vài tháng sau (đến 10-1895), giặc Pháp đã bội ước, chúng huy động lực lượng mở những cuộc tấn công trên quy mô lớn vào Yên Thế. Chúng treo giải thưởng 30.000 Franc cho kẻ nào bắt được Hoàng Hoa Thám. Lần ra quân này của giặc Pháp cũng không đàn áp được phong trào nông dân Yên Thế. Chúng yêu cầu giảng hòa lần thứ 2.
Trong hơn 10 năm hòa hoãn (từ 12-1897 đến 29-1-1909), nghĩa quân Yên Thế đã có những bước phát triển mới: Địa bàn hoạt động được mở rộng từ trung du đến đồng bằng, kể cả vùng Hà Nội. Hoàng Hoa Thám tổ chức ra “đảng Nghĩa Hưng” và “Trung Chân ứng nghĩa đạo” làm nòng cốt. Đặc biệt, Hoàng Hoa Thám đã chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ngày 27-6-1908 của binh lính yêu nước ở Hà Nội (gọi là vụ Hà thành đầu độc). Sự kiện làm chấn động khắp cả nước.
Ngày 29-1-1909, Thống sứ Bắc kỳ đã huy động 15.000 quân chính quy và khố xanh, 400 lính dõng là một lực lượng lớn nhất từ trước tới lúc đó do tên đại tá Batay và tên Việt gian Lê Hoan chỉ huy. Chúng mở cuộc tổng tấn công vào căn cứ Yên Thế. Cuộc chiến đấu không cân sức này đã làm cho nghĩa quân tổn thất nặng nề.
Đến cuối năm 1919, Hoàng Hoa Thám chỉ còn lại bên mình hai thủ hạ tâm phúc. Tuy vậy, ba thầy trò vẫn sống chết đến cùng ở núi rừng Yên Thế.
Cuối tháng 12-1912, Lương Tam Kỳ, một tên trùm thổ phỉ đã đầu hàng Pháp, cùng với bọn chỉ điểm người Hoa sát hại Hoàng Hoa Thám ngày 10-2-1913. Năm ấy ông 55 tuổi.
Cuộc khởi nghĩa Yên Thế
Cuộc khởi nghĩa Yên Thế nổ ra trong bối cảnh thực dân Pháp đã xâm chiếm và cơ bản đặt ách đô hộ lên đất nước ta. Sau khi đã chiếm được thành Tỉnh Đạo – phủ Lạng Thương, ngày 16/3/1884, một cánh quân của thực dân Pháp đã đánh lên Yên Thế để mở đường tấn công lên Thái Nguyên. Trên đường vào Yên Thế, tại Đức Lân thuộc huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên), quân Pháp đã bị nghĩa quân do Đề Nắm chỉ huy tập kích gây thiệt hại nặng buộc phải rút lui.
Với 02 trận mở màn thắng lợi, Đề Nắm cùng các nghĩa binh trở về đình làng Hả (xã Tân Trung, huyện Tân Yên ngày nay), tổ chức lễ tế cờ, chính thức phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang của nông dân Yên Thế chống lại thực dân Pháp xâm lược và tay sai. Những năm đầu của cuộc khởi nghĩa, Nghĩa quân đã lập nên một cụm cứ điểm gồm 07 hệ thống công sự trong vùng rừng núi dọc sông Sỏi. Với thế trận liên hoàn và lối đánh du kích, Nghĩa quân Yên Thế đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của địch.
Tháng 3/1892, để trả thù cho các tướng lĩnh bị chết trận, thực dân Pháp đã tổ chức một cuộc tấn công quy mô lớn với hơn 2.200 quân do tướng Voa-rông chỉ huy vào căn cứ Yên Thế. Sau 01 tháng chiến đấu kiên cường, nghĩa quân đã đẩy lùi nhiều đợt tấn công của giặc. Song do chênh lệch về tương quan lực lượng quá lớn, thủ lĩnh Đề Nắm hy sinh, nghĩa quân buộc phải rút lui khỏi căn cứ.
Sau cái chết của Đề Nắm, tinh thần của cuộc khởi nghĩa tưởng như bị dập tắt thì Hoàng Hoa Thám – một vị tướng tài của nghĩa quân đã đứng lên tiếp tục giương cao ngọn cờ khởi nghĩa. Ông đã củng cố, tập hợp lại lực lượng, tổ chức tế cờ tại đình Đông (Bích Động – Việt Yên), chính thức tiếp tục lãnh đạo phong trào khởi nghĩa Yên Thế.
Với chiến thuật tài tình, nhiều trận đánh do Hoàng Hoa Thám chỉ huy làm cho giặc Pháp phải kinh hồn bạt vía, đến nay vẫn còn in đậm trong tâm trí của người dân Yên Thế như các trận Hố Chuối, Đồn Hom (Yên Thế), Cao Thượng (Tân Yên),… gây thiệt hại nặng nề cho quân giặc. Không những vậy, ông đã buộc thực dân Pháp phải hai lần ký hòa hoãn vào các năm 1894 và 1901.
Trong thời gian này ông đã lãnh đạo xây dựng căn cứ Yên Thế như một “Tiểu vương quốc” bình yên và tự do trước một kẻ thù lớn. Cũng chính thời gian này, nhân dân cả nước đều hướng về phong trào khởi nghĩa Yên Thế, tiêu biểu nhất là các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm đã tìm về Yên Thế gặp Đề Thám bàn kế đánh giặc, giúp phong trào tiếp tục phát triển.
Trước phong trào ngày càng lớn mạnh của cuộc khởi nghĩa, Hoàng Hoa Thám đã cho lực lượng nghĩa quân đi khắp các tỉnh đồng bằng và Hà Nội gây dựng phong trào. Điển hình là, ngày 27/6/1908, nghĩa quân Yên Thế đã phối hợp với đảng Nghĩa Hưng gây ra vụ “Hà thành đầu độc” gây tiếng vang lớn trong toàn quốc, nhằm đầu độc quân Pháp ở địa bàn thủ đô Hà Nội. Vụ đầu độc bị bại lộ, nhiều nghĩa sĩ bị bắt và sát hại. Nhân cơ hội này, thực dân Pháp đã tập trung một lực lượng lớn khoảng 15.000 quân ồ ạt tấn công vào Yên Thế.
Suốt 4 năm sau đó, nghĩa quân vừa chống đỡ, vừa di chuyển dần về Phúc Yên, Vĩnh Yên, Tam Đảo, Thái Nguyên. Trên đường di chuyển, nghĩa quân đã tổ chức nhiều trận đánh trả quyết liệt, gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề. Điển hình là các trận Đồn Hom (Yên Thế), Hàm Lợn (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Trước cuộc tấn công vây quét gắt gao của quân Pháp, nhiều tướng lĩnh giỏi của nghĩa quân lần lượt bị sa vào tay giặc, lực lượng nghĩa quân ngày càng giảm sút. Sau khi thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám bị sát hại vào năm 1913, cuộc khởi nghĩa Yên Thế chấm dứt.
Khởi nghĩa Yên Thế nổ ra với gần 30 năm gian khổ, hy sinh và những chiến công lừng lẫy, được đánh giá là cuộc khởi nghĩa có vũ trang lớn nhất, bền bỉ nhất, oanh liệt nhất trong các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp trước khi có Đảng. Cuộc khởi nghĩa tuy bị dập tắt song đã để lại một trang sử hào hùng về truyền thống chống giặc ngoại xâm, về lòng yêu nước, ý chí quật cường, sự mưu trí, dũng cảm và những chiến công hiển hách của các tướng lĩnh, Nghĩa quân Yên Thế, đặc biệt là hình tượng người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám. Trong khói lửa tàn khốc của kẻ xâm lược, Hoàng Hoa Thám đã trở thành một Anh hùng dân tộc, một thiên tài, người mà chính giới Pháp cũng phải thừa nhận “Mỗi thế kỷ chỉ xuất hiện một lần mà thôi”.
Cuộc khởi nghĩa là một minh chứng đầy thuyết phục về sức mạnh tiềm tàng của nhân dân, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu vào kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam, đặc biệt là những nét độc đáo về chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân, về xây dựng lực lượng, căn cứ làng xã chiến đấu liên hoàn trên một địa bàn rộng khắp.
Dưới sự chỉ huy của Đề Thám, nghĩa quân Yên Thế trong nhiều năm đã thực sự vươn lên trở thành một lực lượng kháng chiến uy lực, gây nên những tổn thất nặng nề cho thực dân Pháp và tay sai. Căn cứ Yên Thế đã trở thành một cái gai khó nhổ đối với kẻ xâm lược, mặc dù chúng đã đô hộ được hầu hết nước ta. Kẻ thù đã phải tập trung rất nhiều quân tinh nhuệ và sử dụng vô số những mưu ma chước quỷ nhằm dập tắt ngọn lửa yêu nước của Nghĩa quân.
Bản thân Đề Thám cũng trở thành đối tượng tiễu trừ hàng đầu của thực dân Pháp. Trong bối cảnh cực kỳ bất lợi của thời vận lịch sử, nghĩa quân Yên Thế đã dần dà bị lâm vào thế kẹt. Đã không chỉ một lần Đề Thám gần như chuẩn bị sa chân vào những cái bẫy tinh ma mà kẻ thù đã giăng mắc. Có lúc tưởng như vận mệnh của ông cũng đã bị kết liễu bởi những trò phản bội từ chính những kẻ từng là thân cận nhất. Thế nhưng, trong nhiều năm liền, “Hùm thiêng Yên Thế” bằng những chiến thuật khôn khéo và quả cảm đã vượt qua được mọi nguy nan.
Anh hùng Hoàng Hoa Thám, linh hồn của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, tên thật là Trương Văn Nghĩa, quê làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, sau di cư lên Sơn Tây (nay bao gồm một phần ngoại thành Hà Nội, một phần các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Tuyên Quang và toàn tỉnh Vĩnh Phúc), rồi lại lên Yên Thế (Bắc Giang). Cha của ông là Trương Văn Thận, một nông dân nghèo. Sinh thời, bố mẹ Hoàng Hoa Thám đều là những người rất trọng nghĩa khí; cả hai ông bà đều gia nhập cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Văn Nhàn (Nùng Văn Vân) ở Sơn Tây.
Hơn một thế kỷ đã trôi qua, hình ảnh vị thủ lĩnh kiên cường Hoàng Hoa Thám vẫn còn in sâu trong tâm trí của mỗi người dân nước Việt. Những dư âm và chiến tích của cuộc khởi nghĩa Yên Thế vẫn còn hiện hữu trên nhiều trang sử, trên nhiều vùng quê. Tên tuổi Hoàng Hoa Thám và các thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế giờ đây đã gắn liền với nhiều tên đường, tên phố, địa danh, các công viên, quảng trường, trường học ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tưởng nhớ công đức Hoàng Hoa Thám, ở tất cả 23 di tích và cụm di tích lịch sử của vùng đất Bắc Giang và ngay trên quê hương của người anh hùng ở xã Dị Chế – huyện Tiên Lữ – tỉnh Hưng Yên, nhân dân đều lập đền thờ ông. Với những vai trò to lớn của cuộc khởi nghĩa Yên Thế và giá trị của hệ thống di tích có liên quan, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận “Di tích lịch sử Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế” là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây không chỉ là niềm vinh dự tự hào của cán bộ, nhân dân tỉnh Bắc Giang mà còn niềm tự hào của quê hương Hưng Yên, nơi sinh danh nhân Hoàng Hoa Thám.
Khởi nghĩa Yên Thế đã trở thành bản hùng ca đầy tự hào và khát vọng tự do của nhân dân ta. Nhớ về công lao to lớn của tướng lĩnh, nghĩa quân Yên Thế, đặc biệt là người anh hùng Hoàng Hoa Thám, nhân dân ta đã ca ngợi ông bằng những câu ca “Ba mươi năm giữ núi rừng; Danh ông Đề Thám vang lừng trời Nam”!
********************
Đăng bởi: Trường THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Tổng hợp