Đề bài: Thuyết minh về bài thơ Đồng chí của Chính Hữu
Thuyết minh về bài thơ Đồng chí của Chính Hữu
Bạn đang xem: Thuyết minh về bài thơ Đồng chí của Chính Hữu
I. Dàn ý Thuyết minh về bài thơ Đồng chí của Chính Hữu (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu tác phẩm Đồng chí.
2. Thân bài
a. Tác giả:– Chính Hữu (1926-2007), tên thật là Trần Đình Đắc, quê gốc ở huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1946, ông gia nhập Trung đoàn Thủ đô.- Từng được giữ nhiều chức vụ quan trọng trong nhà nước, vinh dự nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật lần hai được trao tặng năm 2000.- Bắt đầu sáng tác vào năm 1947, với đề tài chính là người lính và chiến tranh. Đầu súng trăng treo (1966) là tác phẩm chính của ông, trong đó có bài thơ Đồng chí (2/1948) là đặc biệt nổi tiếng.- Phong cách sáng tác hàm súc, ngôn từ giản dị, linh hoạt, và hình ảnh được chọn lọc.
b. Tác phẩm:– Đồng chí được Chính Hữu sáng tác vào đầu năm 1948, in trong tập Đầu súng trăng treo (1966).- Ra đời nhân dịp tác giả cùng đồng đội tham gia vào chiến dịch Việt Bắc Thu đông năm 1947.- Đồng chí có thể xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu và xuất sắc nhất khi viết về đề tài người lính cách mạng giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945-1954).- Nội dung thể hiện hình tượng người chiến sĩ cách mạng những năm đầu kháng chiến chống Pháp, đồng thời bộc lộ và làm sáng rõ tình cảm gắn bó keo sơn giữa những người lính cùng chiến tuyến, điều kiện tiên quyết làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
– Bố cục:+ Phần một (7 câu thơ đầu), nêu ra cơ sở chính để hình thành tình đồng chí.+ Phần hai (11 câu thơ tiếp theo) thể hiện tình cảm gắn bó giữa những người lính và vẻ đẹp của hình tượng người lính.+ Phần cuối (3 câu thơ còn lại) cảm hứng lãng mạn cách mạng, những hình tượng có ý nghĩa biểu trưng cho người lính chiến.+ Nhan đề “Đồng chí”: Là cách gọi hàm súc thể hiện những tình cảm gắn bó keo sơn, thắm thiết nghĩa tình của những người cùng chung một chiến tuyến, có cùng lý tưởng.
* Những nét chính về nội dung:– “Quê hương anh nước mặn đồng chua…Đồng chí !”:+ Xuất thân người lính: Nghèo khó, đứng lên từ những vùng đất sỏi đá, khô cằn nơi miền trung nắng gió khắc nghiệt.+ Họ đến từ những vùng quê khác nhau, chưa từng quen biết, thế nhưng trên cơ sở cùng chung một lý tưởng chiến đấu, cùng một niềm tin về đất nước ngày mai được tự do, độc lập.+ Trong viễn cảnh chiến đấu khắc nghiệt, gian khổ, việc cùng sát cánh bên nhau chiến đấu, cùng ăn, cùng ngủ, đưa họ thành những người tri kỷ, thân thiết như anh em ruột thịt một nhà.- “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày…Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!”+ Chấp nhận rời bỏ quê hương, rời bỏ cuộc sống yên ấm, rời bỏ nhà cửa, người thân để bước ra chiến tuyến, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc.+ Phải chịu nhiều khó khăn vất vả, đó không chỉ là những hiểm nguy bom đạn, mà còn là sự thiếu thốn vật chất, tinh thần, quân nhu yếu phẩm.+ Áo rách vai, quần vài mảnh vá, chân không giày, chịu đựng cái hoang lạnh khắc nghiệt của vùng núi rừng Việt Bắc để tiếp tục chiến đấu.=> Sức mạnh phi thường, một nghị lực vượt bậc mà chỉ có những con người cách mạng, mang trong mình lý tưởng cao đẹp, phấn đấu vì đất nước mới có được, một vẻ đẹp của thời đại anh hùng.
– “Đêm nay rừng hoang sương muối…Đầu súng trăng treo”+ Hiện thực khắc nghiệt “rừng hoang sương muối”, sự mạnh mẽ, chủ động hơn trong hình ảnh “chờ giặc tới”.+ Hình ảnh “đầu súng trăng treo”: Có ý nghĩa hình tượng sâu sắc.
- Trăng gắn liền với sự hòa bình, dịu êm, niềm vui sum họp đoàn tụ.
- Súng chính là biểu tượng của tinh thần chiến đấu bất diệt vì độc lập tự do.
=> Phản ánh hiện thực chiến trường khắc nghiệt nhưng vẫn len lỏi, cài cắm một chút tinh thần lãng mạn cách mạng, tạo thêm niềm tin và sức mạnh trong chiến đấu, cũng là một nét nghệ thuật độc đáo trong phong cách sáng tác của Chính Hữu.
3. Kết bài
Nêu cảm nhận chung.
II. Bài văn mẫu Thuyết minh về bài thơ Đồng chí của Chính Hữu (Chuẩn)
Lịch sử anh hùng một thời máu lửa của đất nước đã trở thành một trong những đề tài hay và nhiều xúc cảm đối với các tác giả, đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khi cách mạng vẫn còn non trẻ, sự thiếu thốn cả về cơ sở vật chất lẫn quân nhu yếu phẩm khiến cuộc kháng chiến của chúng ta càng gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng đứng trước những thách thức ấy người lính cộng sản vẫn hiên ngang đứng vững, ôm súng bảo vệ Tổ quốc bằng mọi giá. Đặc biệt giữa những người chiến sĩ lại hình thành một thứ tình cảm rất đỗi thiêng liêng và cao đẹp ấy là tình đồng chí, điều đó được bộc lộ một cách rõ nét trong tác phẩm nổi tiếng, tiêu biểu nhất cho văn học cách mạng thời kháng Pháp ấy là Đồng chí của tác giả Chính Hữu.
Chính Hữu (1926-2007), tên thật là Trần Đình Đắc, quê gốc ở huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1946, ông gia nhập Trung đoàn Thủ đô, chiến đấu chống lại Pháp tại Hà Nội và đưa cơ quan đầu não của Việt Minh an toàn rút ra khỏi Hà Nội. Sống sót sau cuộc chiến ác liệt, Chính Hữu được điều đi bồi dưỡng chính trị và tiếp tục tham gia chiến đấu trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở những giai đoạn tiếp theo. Ông đã từng được giữ nhiều chức vụ quan trọng trong nhà nước ta như nguyên Đại tá, Phó cục trưởng cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Đồng thời vinh dự nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật lần hai được trao tặng năm 2000. Chính Hữu bắt đầu đời làm thơ của mình gần như cùng lúc với đời cách mạng, khi bắt đầu sáng tác vào năm 1947, với đề tài chính là người lính và chiến tranh, đó là những trang thơ viết về những gì mà ông cảm nhận được một cách chân thực và sâu sắc nhất trong suốt những năm ở tại các chiến trường. Đầu súng trăng treo (1966) là tác phẩm chính của ông, trong đó có bài thơ Đồng chí (2/1948) là đặc biệt nổi tiếng, có thể xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất không chỉ của đời thơ Chính Hữu mà còn là nền văn học cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thơ của Chính Hữu tính ra không có nhiều tác phẩm, thế nhưng cũng đủ ghi dấu ấn trong nền văn học Việt Nam hiện đại bởi một phong cách sáng tác hàm súc, ngôn từ giản dị, linh hoạt, và hình ảnh được chọn lọc.
Đồng chí được Chính Hữu sáng tác vào đầu năm 1948, in trong tập Đầu súng trăng treo (1966). Tác phẩm ra đời nhân dịp tác giả cùng đồng đội tham gia vào chiến dịch Việt Bắc Thu đông năm 1947, phá vỡ cuộc tấn công quy mô lớn của thực dân Pháp lên chiến khu Việt Bắc, bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não của Đảng. Đồng chí có thể xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu và xuất sắc nhất khi viết về đề tài người lính cách mạng giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945-1954), và cả trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Nội dung chính của tác phẩm tập trung thể hiện hình tượng người chiến sĩ cách mạng những năm đầu kháng chiến chống Pháp, trong những hoàn cảnh gian khổ ác liệt, đồng thời bộc lộ và làm sáng rõ tình cảm gắn bó keo sơn giữa những người lính cùng chiến tuyến, điều kiện tiên quyết làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Có thể phân chia tác phẩm ra làm ba phần chính, phần một (7 câu thơ đầu), nêu ra cơ sở chính để hình thành tình đồng chí, phần hai (11 câu thơ tiếp theo) thể hiện tình cảm gắn bó giữa những người lính và vẻ đẹp của hình tượng người lính, phần cuối (3 câu thơ còn lại) cảm hứng lãng mạn cách mạng, những hình tượng có ý nghĩa biểu trưng cho người lính chiến.
Về ý nghĩa nhan đề “Đồng chí”, đây là một nhan đề có tính khái quát cao, hầu như đã gói trọn và thể hiện hầu hết chủ đề chính yếu của bài thơ. “Đồng chí” là cách gọi hàm súc thể hiện những tình cảm gắn bó keo sơn, thắm thiết nghĩa tình của những người cùng chung một chiến tuyến, có cùng lý tưởng, chí hướng cách mạng, không biên biệt xuất thân tầng lớp, vùng miền, dân tộc.
“Quê hương anh nước mặn đồng chuaLàng tôi nghèo đất cày lên sỏi đáAnh với tôi đôi người xa lạTự phương trời chẳng hẹn quen nhauSúng bên súng, đầu sát bên đầuĐêm rét chung chăn thành đôi tri kỉĐồng chí !”
Những người lính trong thơ của Chính Hữu đều có một xuất thân nghèo khó, đứng lên từ những vùng đất sỏi đá, khô cằn nơi miền trung nắng gió khắc nghiệt “chó ăn đá gà ăn sỏi”. Họ đến từ những vùng quê khác nhau, chưa từng quen biết, thế nhưng trên cơ sở cùng chung một lý tưởng chiến đấu, cùng một niềm tin về đất nước ngày mai được tự do, độc lập. Đặc biệt là trong viễn cảnh chiến đấu khắc nghiệt, gian khổ, việc cùng sát cánh bên nhau chiến đấu, cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm đã trở thành chất liên kết bền chặt mang tên “Đồng chí”, đưa họ thành những người tri kỷ, thân thiết như anh em ruột thịt một nhà. Trở thành cơ sở vững chắc cho cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta.
“Ruộng nương anh gửi bạn thân càyGian nhà không mặc kệ gió lung layGiếng nước gốc đa nhớ người ra lính.Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,Sốt run người, vầng trán ướt mồ hôi.Áo anh rách vaiQuần tôi có vài mảnh váMiệng cười buốt giáChân không giàyThương nhau tay nắm lấy bàn tay!”
Ở những dòng thơ tiếp theo hình tượng người lính hiện lên một cách thật chân thực với những vẻ đẹp tâm hồn đáng quý. Họ là những người con chấp nhận rời bỏ quê hương, rời bỏ cuộc sống yên ấm, rời bỏ nhà cửa, người thân để bước ra chiến tuyến, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc thân thương, sẵn sàng hy sinh tất cả mọi thứ để đổi lấy một ngày mai đất nước được hòa bình. Trong suốt quãng thời gian chiến đấu, người lính trong kháng chiến đã phải chịu nhiều khó khăn vất vả, đó không chỉ là những hiểm nguy bom đạn, mà còn là sự thiếu thốn vật chất, tinh thần, quân nhu yếu phẩm. Đặc biệt là sự hoành hành của căn bệnh sốt rét, nỗi ám ảnh kinh hoàng suốt một đời lính của nhiều chiến sĩ cách mạng. Bên cạnh đó, hình tượng người lính còn xuất hiện với những hình ảnh chân thực, giản đơn, phản ánh rất rõ nét một thời chiến đấu oai hùng gian khó, đó là cảnh, áo rách vai, quần vài mảnh vá, chân không giày, và họ phải chịu đựng cái hoang lạnh khắc nghiệt của vùng núi rừng Việt Bắc để tiếp tục chiến đấu. Đó là một sức mạnh phi thường, một nghị lực vượt bậc mà chỉ có những con người cách mạng, mang trong mình lý tưởng cao đẹp, phấn đấu vì đất nước mới có được, một vẻ đẹp của thời đại anh hùng.
“Đêm nay rừng hoang sương muốiĐứng cạnh bên nhau chờ giặc tớiĐầu súng trăng treo”
Bên cạnh những hiện thực khắc nghiệt “rừng hoang sương muối”, thế nhưng tình đồng chí cao đẹp, gắn bó vẫn tỏa sáng chói lòa, sưởi ấm trái tim mỗi một người lính, khiến tinh thần chiến đấu của họ càng trở nên mạnh mẽ, chủ động hơn trong hình ảnh “chờ giặc tới”. Đặc biệt hình ảnh “đầu súng trăng treo” là một hình ảnh khá thú vị, có ý nghĩa hình tượng sâu sắc, trong khi trăng gắn liền với sự hòa bình, dịu êm, niềm vui sum họp đoàn tụ, thì súng chính là biểu tượng của tinh thần chiến đấu bất diệt vì độc lập tự do. Có thể thấy rằng thơ Chính Hữu phần nhiều là phản ánh hiện thực chiến trường khắc nghiệt nhưng vẫn len lỏi, cài cắm một chút tinh thần lãng mạn cách mạng, tạo thêm niềm tin và sức mạnh trong chiến đấu, cũng là một nét nghệ thuật độc đáo trong phong cách sáng tác của Chính Hữu.
Đồng chí của Chính Hữu là một bài thơ hay và xuất sắc khi viết về đề tài người lính, bên cạnh chủ đề chính là tình đồng chí, đồng đội giữa những con người cùng chung chí hướng, lý tưởng trên mặt trận, tác phẩm còn thể hiện những vẻ đẹp rất chân thực giản dị của người lính trong những năm tháng chiến đấu đầy khó khăn gian khổ, thời kỳ đầu chống Pháp. Với cách thể hiện tự nhiên, bình dị mà sâu sắc, Đồng chí đã bộc lộ được vẻ đẹp tinh thần và sức mạnh vĩ đại của người lính cách mạng, một vẻ đẹp mang tính thời đại.
—————————-HẾT——————————
Bài Thuyết minh về bài thơ Đồng chí của Chính Hữu là những điểm khái quát chung nhất về tác phẩm, nổi tiếng tiêu biểu cho nền văn học kháng chiến chống Pháp, để tìm hiểu sâu hơn về bài thơ Đồng chí, mời các em tìm đọc thêm các bài viết Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, Cảm nghĩ về bài Đồng chí, Vẻ đẹp của tình đồng chí được thể hiện trong bài thơ Đồng chí, Phân tích hình tượng đầu súng trăng treo trong Đồng chí và hình ảnh ánh trăng trong Ánh trăng.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục