TỨC NƯỚC VỠ BỜ
(Trích tiểu thuyết Tắt đèn – Ngô Tất Tố)
Bạn đang xem: Soạn bài Tức nước vỡ bờ – trích – Soạn văn 8
I. TÁC GIẢ – TÁC PHẨM
1. Tác giả:
Nhà văn Ngô Tất Tố (1893-1954) quê ở làng Lộc Hà (nay thuộc huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội).
– Trước 1945, Ngô Tất Tố làm nhiều nghề: dạy học, bốc thuốc, làm báo, viết văn. Ông từng cộng tác với nhiều tờ báo: An Nam tạp chí, Đông Pháp thời báo, Thần chung, Phổ thông, Đông Phương, Công dân, Hải Phòng tuần báo, Hà Nội tân văn, Thực nghiệp, Tương lai, Thời vụ, Con ong, Việt nữ, Tiểu thuyết thứ ba,…
– Trong Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia Uỷ ban Giải phóng xã (Lộc Hà). Năm 1946: gia nhập Hội Văn hoá Cứu quốc và lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp, Nhà văn từng là Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Việt Bắc, hoạt động ở Sở Thông tin khu XII, tham gia viết các báo: Cứu quốc khu VII, Thông tin khu VII, Tạp chí Văn nghệ và báo Cứu quốc Trung ương… và viết văn. Ông đã là Uỷ viên Ban chấp hành Hội văn nghệ Việt Nam (trong Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ I – 1948).
– Tác phẩm đã xuất bản: Ngô Việt xuân thu (dịch, 1929); Hoàng Hoa Cương (dịch, 1929); Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ (truyện kí lịch sử, 1935); Đề Thám (truyện kí lịch sử, viết chung, 1935); Tắt đèn (tiểu thuyết, báo Việt Nữ, 1939; Mai Lĩnh xuất bản, 1940); Lều chõng (phóng sự tiểu thuyết, 1940; đăng báo Thời vụ, 1941; Mai Lĩnh xuất bản, 1952); Thơ và tình (dịch thơ Trung Quốc, 1940); Đường Thi (sưu tầm, chọn và dịch, 1940); Việc làng (phóng sự, báo Hà Nội tân văn, 1940; Mai Lĩnh xuất bản, 1941); Thi văn bình chú (tuyển chọn, giới thiệu, 1941); Văn học đời Lí(tập I) và Văn học đời Trần (tập II, trong bộ Việt Nam văn học – nghiên cứu, giới thiệu, 1942); Lão Tử(soạn chung, 1942); Mặc Tử (biên soạn, 1942); Hoàng Lê nhất thống chí (dịch, tiểu thuyết lịch sử, 1942; báo Đông Pháp, 1956); Kinh dịch (chú giải, 1953); Suối thép (dịch, tiểu thuyết, 1946); Trước lửa chiến đấu (dịch, truyện vừa, 1946); Trời hửng (dịch, truyện ngắn, 1946); Duyên máu (dịch, truyện ngắn, 1946); Doãn Thanh Xuân (dịch, truyện ngắn, 1946, 1954); Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác (chèo, 1951).
Tác phẩm của Ngô Tất Tố sau này được tập hợp trong tuyển tập: Ngô Tất Tố và tác phẩm, gồm 2 tập, do Nhà Xuất bản Văn học ấn hành, 1971 – 1976.
– Nhà văn đã được nhận hai giải thưởng trong giải thưởng văn nghệ 1949 -1952 của Hội Văn nghệ Việt Nam: Giải ba dịch (Trời hửng, Trước lửa chiến đấu) và giải khuyến khích (vở chèo Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác); Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 1996).
2. Tác phẩm:
Tóm tắt:
Gia đình chị Dậu đã dứt ruột bán con mà chưa đủ tiền nộp sưu. Anh Dậu đang ốm cũng bị bọn tay sai lôi ra đình, đánh cho dở sống dở chết. Được bà hàng xóm cho bát gạo, chị Dậu vừa nấu xong nồi cháo thì cai lệ và người nhà lí trưởng ập đến. Mặc dầu chị Dậu hết lời van xin, cai lệ vẫn toan hành hạ anh Dậu. Chị Dậu xông vào đỡ tay, bị cai lệ đánh, và chị đã túm cổ đẩy tên này ngã chổng quèo. Người nhà lí trưởng sấn sổ giơ gậy định đánh thì bị chị Dậu túm tóc lẳng cho một cái ngã nhào ra thềm.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1- Tên cai lệ:
* Cai lệ là một viên cai chỉ huy một tốp lính ở nông thôn thời trước CM, thường được bọn quan lại cho phép sử dụng bạo lực để dàn áp người dân theo lệnh của chính quyền.
* Thuế sưu là thứ thuế mà người đàn ông là dân thường tuổi từ 18-60 hằng năm phải nộp cho nhà nước phong kiến thực dân.
* – Gõ đầu roi xuống đất, cai lệ thét bằng giọng khàn khàn … : Thằng kia…
– Trợn ngược hai mắt hắn quát: Mày định nói…
– Giọng vẫn hầm hè: Nếu không có tiền nộp sưu cho ông bây giờ …
– Tha này! Tha này! Vừa nói hắn vừa bịch …
* Tàn bạo, không chút tính người là bản chất , tính cách của hắn. Tên cai lệ mang tính cách dã thú đó là một trong những hiện thân sinh động của trật tự thực dân phong kiến đương thời .
2. Phân tích tình thế của chị Dậu khi bọn tay sai xông đến.
* Anh Dậu ốm nặng ,bị đánh, trói, cùm kẹp. Chị Dậu phải bán con, ổ chó tưởng đủ nộp sưu cho chồng. Nào ngờ lại còn cả suất sưu người chết. Anh rũ người như một xác chết, bọn hào lí sai khiêng trả anh về nhà. Anh vừa được cứu tỉnh, cai lệ và người nhà lí trưởng xông vào – chị Dậu đứng trước tình thế mạng sống của chồng rất mong manh.
3. Diễn biến tâm lí, hành động chị Dậu.
* Chị Dậu
– “van xin tha thiết”
-“liều mạng cự lại” cư lại” bằng lí lẽ – quyết ra tay đấu lực với chúng.
– (tìm các từ ngữ thể hiện ngôn ngữ của chị Dậu )
* Ông – cháu -> tôi – ông -> Mày – bà
* Ban đầu chị cố khơi gợi từ tâm và lương tri của “ông cai”. Tức quá không thể chịu được chị mới liều mạng cự lại, bằng lý lẽ đứng dậy với lòng căm thù ngùn ngụt bốc cao, trừng trị chúng.
– Với cai lệ ”lẻo khoẻo”, chị: ”túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa”, hắn đã ”ngã chỏng quèo trên mặt đất” ! Đến tên người nhà lí trưởng, ”hai người giằng co nhau, du đẩy nhau, rồi ai nấy đều buông gậy ra, áp vào vật nhau”, kết cục anh chàng ”hầu cận ông lí” yếu hơn chị chàng con mọn, hắn bị chị túm tóc lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm ” !
– Sức mạnh ghê gớm và tư thế ngang tàng của chị Dậu, đối lập với hình ảnh, bộ dạng thảm hại hết sức hài hước của hai tên tay sai
Đoạn văn đặc biệt sống động và toát lên một không khí hào hứng rất thú vị ”làm cho đọc giả hả hê một chút sau khi đọc những trang rất buồn thảm”
Do đâu chị Dậu có được sức mạnh như thế ?
– Sức mạnh của lòng căm hờn – đó cũng là sức mạnh của lòng yêu thương.
– Chị Dậu mộc mạc, hiền dịu, đầy vị tha, sống khiêm nhường, biết nhẫn nhục chịu đựng, nhưng vẫn có một sức sống mạnh mẽ, một tinh thần phản kháng tiềm tàng; một thái độ bất khuất.
Kết thúc cảnh này, anh Dậu nói: “U nó không được thế ! Người ta đánh mình không sao, mình đánh người ta thì mình phải tù, phải tội” còn chị Dậu lại nói : “ Thà ngồi tù để chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được…” Vì sao có ý kiến khác nhau như thế ?
– Anh Dậu tuy nói đúng cái lí, cái sự thật, nhưng chị Dậu không chấp nhận cái lí vô lí đó : Câu trả lời của chị cho thấy chị không còn chịu cứ phải sống cúi đầu, mặc cho kẻ ác chà đạp. Ở chị có một tình thần phản kháng tiềm tàng mà mãnh liệt.
4. Về nhan đề của đoạn trích : Tức nước vỡ bờ
– Nhà văn đã cảm nhận được xu thế ”tức nước vỡ bờ” và sức mạnh to lớn khôn lường của sự ”vỡ bờ” đó. Và không phải quá lời nếu nói rằng cảnh ”Tức nước vỡ bờ” trong đoạn trích đã dự báo cơn bão táp quần chúng nông dân nổi dậy sau này. Nhà văn Nguyễn Tuân đã nói rằng Ngô Tất Tố, với Tắt đèn đã ”xui người nông dân nổi loạn” quả không sai.
5. Giá trị nghệ thuật của đoạn trích:
* Đoạn văn tuyệt khéo:
– Sự dồn nén, “ tức nước” để đến ”vỡ bờ” được Ngô Tất Tố diễn tả rất tự nhiên, hợp lí.
– Nghệ thuật diễn tả câu chuyện, hành động cũng thật tài tình, sinh động. Chú ý cách diễn tả theo lối tăng tiến động tác, lời nói của nhân vật cai lệ và chị Dậu. Đoạn văn này sống động như một màn kịch ngắn.
Nhân vật được khắc hoạ rất chân thực, sinh động, rõ nét, thể hiện sự diễn biến tâm lí của nhân vật chi Dậu rất hợp lí.
6. Ý nghĩa:
– Tác phẩm đã nêu lên một hiện thực xã hội lúc bấy giờ, những hiện thực về những tên quan lại thối nát.- Con người đã biết đứng lên đấu tranh để đòi lại công lý.