Phân tích tác phẩm cổng trường mở ra hay, đầy đủ
I. Dàn ý Phân tích tác phẩm cổng trường mở ra (Chuẩn)
1. Mở bài
Bạn đang xem: Phân tích tác phẩm Cổng trường mở ra
Giới thiệu khái quát về tác giả Lý Lan và tác phẩm “Cổng trường mở ra”
2. Thân bài
* Hành động quan tâm của mẹ đối với con:– Lặng lẽ quan sát và cảm nhận những thay đổi của con trước ngày khai trường “con hăng hái tranh với mẹ dọn dẹp đồ chơi”- Mẹ cẩn thận chuẩn bị đồ cho con, nhẹ nhàng ôm ấp vỗ về ru con ngủ “mẹ đắp mền cho con, buông mùng, ép góc”…
* Tâm trạng của mẹ trước ngày con khai trường– Người mẹ không thể tập trung cho những việc khác, chỉ muốn nghĩ đến ngày khai trường của con “mẹ không tập trung được vào việc gì cả”.- Tâm trạng thao thức, khó ngủ.- Hồi tưởng lại ngày đầu tiên đi học của mẹ “ấn tượng của mẹ về buổi…”.=> Người mẹ rất quan tâm và lo lắng cho con, từng hành động, suy nghĩ đều đong đầy tình yêu thương, đặt niềm tin vào con
* Tầm quan trọng của nhà trường đối với thế hệ trẻ– Qua câu chuyện về ngày khai trường ở Nhật, người mẹ khẳng định vai trò của giáo dục- Người mẹ bày tỏ niềm tin vào sự nghiệp giáo dục.
3. Kết bài
Khẳng định đặc sắc nội dung và nghệ thuật của tác phẩm
II. Bài văn mẫu Phân tích tác phẩm cổng trường mở ra (Chuẩn)
Ngày khai trường đầu tiên vào lớp một luôn là ngày khai trường đặc biệt và ấn tượng nhất đối với mỗi con người. Thấm thía những cảm xúc thiêng liêng trong ngày khai trường đầu tiên, nhà văn Lý Lan đã viết nên tác phẩm “Cổng trường mở ra”. Dù là người đã trải qua nhiều lần khai trường thì khi đọc tác phẩm này chúng ta đều cảm nhận được tình cảm thiêng liêng, sự chăm chút của cha mẹ đối với con cái. Đồng thời thấy được giáo dục trong nhà trường là cực kỳ quan trọng đối với thế hệ trẻ nói riêng và cuộc đời của mỗi con người nói chung.
Khoảng thời gian buổi tối trước ngày khai trường chính là thời điểm cha mẹ và cả người con đều có những tâm trạng bồi hồi khó tả. Sự háo hức của người con được mẹ kể lại bằng việc tự dọn dẹp đồ chơi mà không cần nhắc nhở, hay tâm trạng háo hức không thể che giấu được “con lại háo hức đến nỗi lên giường mà không sao nằm yên được”. Thế nhưng con vẫn là đứa trẻ, dù háo hức hay hồi hộp đến mấy chỉ cần vài lời ru của mẹ là đã ngủ say yên giấc. Người mẹ đã dành cho con những tình cảm dịu dàng và ân cần nhất, cẩn thận chuẩn bị đồ cho con, nhẹ nhàng ôm ấp vỗ về ru con ngủ “mẹ đắp mền cho con, buông mùng, ép góc”. Người mẹ cũng mang rất nhiều tâm trạng trong đêm trước ngày con khai giảng, tác giả đã rất nhập tâm vào nhân vật, thấu hiểu sự lo lắng, bất an và sự trăn trở của bậc làm cha mẹ trước một cánh cửa tương lai đang chờ đón con. Người mẹ cảm nhận được đứa con của mình đã lớn thật rồi, biết tự giác dọn dẹp, biết giúp đỡ mẹ và hơn cả là rất háo hức được đi học. Khác với những ngày thường, mẹ không còn tất bật với những việc như dọn dẹp nhà cửa hay bất cứ việc gì, mẹ thậm chí “không định làm việc ấy tối nay”, nghĩa là mẹ đã dành trọn vẹn buổi tối hôm nay đề kề cạnh bên con. Có rất nhiều lý do khiến cho người mẹ “lên giường và trằn trọc” không ngủ được, nhưng nhìn lại thì tất cả đều đã được chuẩn bị tươm tất, sẵn sàng cho buổi khai trường ngày mai “con đã làm quen với bạn bè và cô giáo mới,… con sẽ không bỡ ngỡ trong ngày đầu năm học”. Dường như sự trằn trọc ấy xuất phát từ những cảm xúc từ ngày đầu khai trường của mẹ “cứ nhắm mắt lại là dường như vang bên tai tiếng đọc bài trầm bổng…”. Người mẹ đang hồi tưởng về những kí ức đẹp đẽ trong ngày khai trường đầu tiên của mình, trong lòng mong muốn ngày mai của con cũng sẽ giống như mẹ, những cảm xúc của ngày khai trường sẽ “nhẹ nhàng, cẩn thận và tự nhiên ghi vào lòng con”. Ấn tượng về ngày khai trường của người mẹ rất sâu đậm, nhớ từng khoảnh khắc nôn nao, hồi hộp, nhớ hình ảnh bà ngoại đứng ngoài cánh cổng và “nỗi chơi vơi hốt hoảng khi cổng trường đóng lại”. Trong dòng tâm trạng của mẹ, một phần là lo lắng, không thể ngừng suy nghĩ về buổi khai trường đầu tiên của con, một phần lại là sự mong mỏi, đặt niềm tin rằng đứa con sẽ có một buổi khai trường ấn tượng và ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Những dòng cảm xúc tuôn trào của người mẹ như đang được viết lên trang nhật ký, người mẹ chỉ tự suy nghĩ và nói chuyện với chính mình, những xúc cảm ấy thật khiến người đọc xúc động. Đối với người mẹ ngày khai trường của con là quan trọng và vai trò của giáo dục lại càng quan trọng hơn. Mẹ kể về ngày khai trường ở đất nước Nhật Bản, nơi đây họ coi trọng nền giáo dục và ở nước ta cũng vậy. “Không có ưu tiên nào lớn hơn ưu tiên giáo dục thế hệ trẻ cho tương lai”, ngày khai trường là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, đường đi ngập sắc cờ hoa, các quan chức đều đi dự khai giảng rồi xem xét để điều chỉnh những chính sách giáo dục phù hợp, kịp thời. Ngành gì có thể phạm sai lầm nhưng riêng ngành giáo dục thì không, bởi nó ảnh hưởng đến cả một thế hệ, sai một ly đi vạn dặm. Đoạn văn cuối bài như một lời động viên, thôi thúc con hãy tự tin bước vào cánh cổng trường bởi “bước qua cánh cổng trường là một thế giới diệu kỳ sẽ mở ra”. Thế giới ấy sẽ cho con biết vô vàn điều mới lạ, giúp con trưởng thành, nên người và trở thành công dân có ích cho xã hội.
“Cổng trường mở ra” tuy chỉ là lời tâm sự của riêng người mẹ nhưng với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc cùng với hình thức tự bạch, lời văn giàu cảm xúc đã cho người đọc cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng. Dù là ngày khai trường nào các bậc cha mẹ hãy cùng là người đồng hành với các con bởi gia đình cũng là một thành tố quan trọng trong giáo dục thế hệ trẻ.
—————-HẾT—————-
Trên đây là bài Phân tích tác phẩm “Cổng trường mở ra”, tác phẩm đã cho chúng ta rất nhiều cảm nhận sâu sắc, đặc biệt là nhân vật người mẹ cũng là người kể chuyện của bài văn. Hãy tham khảo một số bài: Phát biểu cảm nghĩ về bài Cổng trường mở ra, Phân tích nhân vật người mẹ trong Cổng trường mở ra để tìm hiểu rõ hơn về nhân vật này, Cảm nhận về bài Cổng trường mở ra, Phân tích tác phẩm Cổng trường mở ra.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục