Hóa học 10 Kết nối tri thức Bài 8: Định luật tuần hoàn – Ý nghĩa của bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học được THPT Ngô Thì Nhậm biên soạn hy vọng sẽ là là tài liệu hữu ích giúp các em nắm vững kiến thức bài học và đạt kết quả tốt trong các bài thi, bài kiểm tra trên lớp.
Tóm tắt lý thuyết Hóa học 10 Kết nối tri thức Bài 8
I. Định luật tuần hoàn
– Nội dung định luật tuần hoàn: Tính chất của các nguyên tố và đơn chất, cũng như thành phần và tính chất của các hợp chất tạo nên từ các nguyên tố đó biến đổi tuần hoàn theo chiều tăng của điện tích hạt nhân nguyên tử.
II. Ý nghĩa của bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học
– Vị trí của nguyên tố trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học cho biết cấu hình electron của nguyên tử, cấu hình electron của nguyên tử quyết định tính chất của các nguyên tố.
– Có thể dự đoán được tính chất hóa học của các nguyên tố khi biết vị trí của nó trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học hay cấu hình electron của nó.
– Ví dụ: Nguyên tố sulfur (S) ở ô thứ 16, nhóm VIA, chu kì 3.
Nguyên tử S có:
+ 16 proton, 16 electron (do số proton = số electron = Z).
+ 3 lớp electron (do số lớp electron bằng số thứ tự chu kì).
+ 6 electron ở lớp ngoài cùng (do số electron ở lớp ngoài cùng bằng số thứ tự nhóm A).
+ Cấu hình electron của S: 1s22s22p63s23p4. S là nguyên tố phi kim. Oxide cao nhất (SO3) là acidic oxide và acid tương ứng H2SO4 là acid mạnh.
– Dựa vào định luật tuần hoàn, có thể so sánh tính chất của một nguyên tố hóa học với các nguyên tố xung quanh.
Ví dụ: So sánh tính phi kim của P (Z = 15) với N (Z = 7) và S (Z = 16):
Nguyên tố P và N cùng nhóm nên N có tính phi kim mạnh hơn P, P và S cùng chu kì nên P có tính phi kim yếu hơn S.
Giải bài tập SGK Hóa học 10 Kết nối tri thức Bài 8
Mở đầu trang 43 Hóa học 10
Định luật tuần hoàn đóng vai trò như thế nào trong việc dự đoán tính chất của các chất?
Lời giải:
Định luật tuần hoàn đóng vai trò quan trọng trong việc dự đoán tính chất của các chất.
Cho đến ngày nay, định luật tuần hoàn vẫn còn là sợi chỉ dẫn đường và là lý thuyết chủ đạo của hóa học. Trên cơ sở của định luật tuần hoàn, các nguyên tố sau uranium đã được điều chế nhân tạo và được xếp sau uranium trong bảng tuần hoàn.
Câu hỏi 1 trang 43 Hóa học 10
Nêu một số tính chất của các đơn chất biến đổi tuần hoàn theo chu kì để minh họa nội dung của định luật tuần hoàn.
Lời giải:
Một số tính chất của các đơn chất biến đổi tuần hoàn theo chu kì:
– Độ âm điện
Trong chu kì, theo chiều tăng của điện tích hạt nhân, độ âm điện của nguyên tử tăng dần.
– Tính phi kim, tính kim loại
Xét theo chu kì, theo chiều tăng của điện tích hạt nhân, tính kim loại giảm dần và tính phi kim tăng dần.
Câu hỏi 2 trang 44 Hóa học 10
Nguyên tố magnesium thuộc ô số 12, chu kì 3, nhóm IIA của bảng tuần hoàn.
a) Viết cấu hình electron của magnesium, nêu một số tính chất cơ bản của đơn chất và oxide, hydroxide chứa magnesium.
b) So sánh tính kim loại của magnesium với các nguyên tố lân cận trong bảng tuần hoàn.
Lời giải:
a) Nguyên tố magnesium thuộc ô số 12, chu kì 3, nhóm IIA của bảng tuần hoàn.
⇒ Nguyên tử magnesium có 12 electron phân bố trên 3 lớp electron và có 2 electron lớp ngoài cùng.
⇒ Cấu hình electron của magnesium là 1s2 2s2 2p6 3s2.
⇒ MgO là basic oxide, Mg(OH)2 là base yếu.
b) Các nguyên tố lân cận với Mg là Na, Al, Be, Ca.
– Trong cùng chu kì 3, theo chiều điện tích hạt nhân tăng dần Na (Z = 11), Mg (Z = 12), Al (Z = 13) thì tính kim loại giảm dần từ Na > Mg > Al.
– Trong một nhóm IIA, theo chiều điện tích hạt nhân tăng dần Be (Z = 4), Mg (Z = 12), Ca (Z = 20) thì tính kim loại tăng dần từ Be < Mg < Ca.
Câu hỏi 3 trang 44 Hóa học 10
Potassium (Z = 19) là nguyên tố dinh dưỡng thiết yếu cho thực vật và con người.
a) Nêu vị trí của potassium trong bảng tuần hoàn.
b) Nêu một số tính chất cơ bản của đơn chất và hợp chất chứa potassium.
Lời giải:
a) Nguyên tử potassium có Z = 19 = số electron.
⇒ Cấu hình electron của potassium: 1s22s22p63s23p64s1
⇒ Trong bảng tuần hoàn nguyên tố potassium thuộc ô số 19 (do Z = 19), chu kì 4 (do có 4 lớp electron), nhóm IA (do nguyên tố s, 1 electron hóa trị).
b) Potassium (K) có 1 electron lớp ngoài cùng ⇒ là kim loại điển hình.
Oxide cao nhất (K2O) là basic oxide; hydroxide tương ứng (KOH) là base mạnh.
Em có thể trang 44 Hóa học 10
Từ vị trí của nguyên tố trong bảng tuần hoàn, có thể:
– Viết được cấu hình electron của nguyên tử và ngược lại.
– Dự đoán được tính chất (tính kim loại, tính phi kim) của nguyên tố đó.
– Viết được công thức oxide, hydroxide và nêu tính acid, base tương ứng.
Lời giải:
Ví dụ: Nguyên tố X thuộc chu kì 3, nhóm VIIA.
⇒ Nguyên tử X có 3 lớp electron và 7 electron lớp ngoài cùng.
⇒ Cấu hình electron của X là 1s2 2s2 2p6 3s2 3p5.
– Do có 7 electron lớp ngoài cùng nên nguyên tố X là phi kim.
– Công thức oxide ứng với hóa trị cao nhất là X2O7 là acidic oxide.
– Công thức hydroxide ứng với hóa trị cao nhất là HXO4 là acid mạnh.
Trắc nghiệm Hóa 10 Kết nối tri thức Bài 8 (có đáp án)
Câu 1. Phát biểu nào sau đây sai?
A. Tính chất của các nguyên tố và hợp chất của nó biến thiên theo chiều tăng dần của điện tích hạt nhân một cách tuần hoàn;
B. Có thể dự đoán được tính chất hóa học của các nguyên tố dựa vào vị trí của nó trong bảng tuần hoàn;
C. Tính chất của các nguyên tố và hợp chất của nó biến thiên theo chiều giảm dần của khối lượng một cách tuần hoàn;
D. Có thể dự đoán được tính chất hóa học của các nguyên tố dựa vào cấu hình electron của nó trong bảng tuần hoàn.
Lời giải
Đáp án đúng là: C
Nội dung định luật tuần hoàn: “Tính chất của các nguyên tố và đơn chất, cũng như thành phần và tính chất của các hợp chất tạo nên từ các nguyên tố đó biến đổi tuần hoàn theo chiều tăng của điện tích hạt nhân nguyên tử”.
Câu 2. Tính chất của các nguyên tố và đơn chất, cũng như thành phần và tính chất của các hợp chất tạo nên từ các nguyên tố đó biến đổi như thế nào?
A. Biến đổi liên tục theo chiều tăng của khối lượng nguyên tử;
B. Biến đổi tuần hoàn theo chiều tăng của khối lượng nguyên tử;
C. Biến đổi liên tục theo chiều tăng của điện tích hạt nhân;
D. Biến đổi tuần hoàn theo chiều tăng của điện tích hạt nhân.
Lời giải
Đáp án đúng là: D
Nội dung định luật tuần hoàn: “Tính chất của các nguyên tố và đơn chất, cũng như thành phần và tính chất của các hợp chất tạo nên từ các nguyên tố đó biến đổi tuần hoàn theo chiều tăng của điện tích hạt nhân nguyên tử”.
Câu 3. Cấu hình electron của chlorine (Cl) là: 1s22s22p63s23p5. Cho các phát biểu sau:
1) Nguyên tử Cl có số hiệu nguyên tử là 17
2) Nguyên tử Cl ở chu kì 3, nhóm VA
3) Cl là nguyên tố phi kim
4) Oxide cao nhất là Cl2O5
5) Hydroxide ứng với hóa trị cao nhất là HClO4
Số phát biểu đúng là?
A. 3;
B. 4;
C. 5;
D. 6.
Lời giải
Đáp án đúng là: A
Những phát biểu đúng: 1, 3, 5.
2 sai vì nguyên tử Cl ở chu kì 3, nhóm VIIA do có 3 lớp electron và có 7 electron ở lớp ngoài cùng.
4 sai vì oxide cao nhất là Cl2O7.
Câu 4. Nguyên tố oxygen (O) ở ô số 8, chu kì 2, nhóm VIA. Cho các phát biểu sau:
(1) Cấu hình electron của oxygen (O) là: 1s22s22p5
(2) O là nguyên tố phi kim
(3) Oxide cao nhất là SO2
(4) Nguyên tử O có 6 electron lớp ngoài cùng
(5) O thuộc nguyên tố s
Số phát biểu đúng là?
A. 2;
B. 3;
C. 4;
D. 5.
Lời giải
Đáp án đúng là: A
Những phát biểu đúng: 2, 4.
1 sai vì cấu hình electron của oxygen (O) là: 1s22s22p4.
3 sai không có oxide cao nhất của oxygen.
5 sai vì O thuộc nguyên tố p.
Câu 5. Nguyên tử copper ở ô số 29, nhóm IB. Cấu hình electron của nguyên tử copper là?
A. 1s22s22p63s23p63d94s2;
B. 1s22s22p63s23p63d104s1;
C. 1s22s22p63s23p63d104s14p1;
D. 1s22s22p63s23p63d104s14p2.
Lời giải
Đáp án đúng là: B
Nguyên tử copper ở ô số 29, nhóm IB
Cấu hình electron của nguyên tử copper là: 1s22s22p63s23p63d104s1.
Câu 6. Cấu hình electron hóa trị của nguyên tử X là 3d54s1. Vị trí của X là?
A. Chu kì 4, nhóm VIB;
B. Chu kì 4, nhóm IA;
C. Chu kì 4, nhóm VIA;
D. Chu kì 4, nhóm VIB.
Lời giải
Đáp án đúng là: A
Cấu hình electron hóa trị của nguyên tử X là 3d54s1
Cấu hình electron của nguyên tử X là: 1s22s22p63s23p63d54s1
Vị trí của X là: ô số 24, chu kì 4, nhóm VIB.
Câu 7. Theo quy luật biến đổi tính chất của các đơn chất trong bảng tuần hoàn thì?
A. Phi kim mạnh nhất là fluorine;
B. Phi kim mạnh nhất là iodine;
C. Kim loại mạnh nhất là magnesium;
D. Kim loại mạnh nhất là aluminium.
Lời giải
Đáp án đúng là: A
Phi kim mạnh nhất là fluorine vì theo chiều tăng dần của điện tích hạt nhân:
– Trong một chu kì, tính phi kim tăng dần → phi kim mạnh nhất ở nhóm VIIA.
– Trong một nhóm, tính phi kim giảm dần → phi kim mạnh nhất là fluorine.
Câu 8. Nguyên tố nitrogen (N) ở ô số 7, chu kì 2, nhóm VA. Tính chất cơ bản của đơn chất nitrogen là gì?
A. Tính kim loại;
B. Tính phi kim;
C. Tính acid;
D. Tính base.
Lời giải
Đáp án đúng là: B
Nguyên tố nitrogen (N) ở ô số 7, chu kì 2, nhóm VA
Cấu hình electron của nitrogen (N) là: 1s22s22p3.
N có 5 electron lớp ngoài cùng
N có tính phi kim.
Câu 9. Cấu hình eletron lớp ngoài cùng của nguyên tố X là 3s1. Tính chất cơ bản của hợp chất hydroxide chứa X là gì?
A. Tính kim loại;
B. Tính phi kim;
C. Tính acid;
D. Tính base.
Lời giải
Đáp án đúng là: D
Cấu hình eletron lớp ngoài cùng của nguyên tố X là 3s1
X ở chu kì 3, nhóm IA.
XOH có tính base mạnh.
Câu 10. Cho các nguyên tố X, Y Z với số hiệu nguyên tử lần lượt là 11, 12, 13. Phát biểu nào sau đây là sai?
A. Các nguyên tố này đều là kim loại;
B. Các nguyên tố này đều thuộc cùng một chu kì;
C. Thứ tự giảm dần tính kim loại: X > Y > Z;
D. Thứ tự tăng dần tính base: XOH < Y(OH)2 < Z(OH)3.
Lời giải
Đáp án đúng là: D
Thứ tự tăng dần tính base: Z(OH)3 < Y(OH)2 < XOH.
Câu 11. Cho X và Y là hai nguyên tố thuộc cùng một chu kì và đứng kế tiếp nhau (biết MY > MX). Tổng số proton của X và Y là 33. Công thức oxide ứng với hóa trị cao nhất của Y là?
A. Y2O3;
B. YO2;
C. YO3;
D. Y2O7.
Lời giải
Đáp án đúng là: D
X và Y là hai nguyên tố thuộc cùng một chu kì và đứng kế tiếp nhau
(1) ZY − ZX = ZY − ZX = 1
Tổng số proton của X và Y là 33
(2) ZX + ZY = ZX + ZY = 33
Giải hệ phương trình (1) và (2)
Cấu hình electron của Y: 1s22s22p63s23p5
Y thuộc chu kì 3, nhóm VIIA
Công thức oxide ứng với hóa trị cao nhất của Y là Y2O7.
Câu 12. Yếu tố nào quyết định tính chất hóa học của các nguyên tố?
A. Khối lượng nguyên tử;
B. Cấu hình electron;
C. Số neutron;
D. Số lớp electron.
Lời giải
Đáp án đúng là: B
Cấu hình electron nguyên tử quyết định tính chất của các nguyên tố.
Câu 13. Dãy nguyên tố nào sau đây sắp xếp theo chiều tăng dần tính kim loại?
A. Mg, Be, N, O;
B. O, N, Be, Mg;
C. N, O, Mg, Be;
D. Mg, Be, O, N.
Lời giải
Đáp án đúng là: B
O, N, Be đều thuộc chu kì 2 nên tính kim loại của Be > N > O;
Be, Mg đều thuộc nhóm IIA nên tính kim loại Mg > Be.
Vậy tính kim loại tăng dần theo dãy: O < N < Be < Mg.
Câu 14. Dãy nguyên tố nào sau đây sắp xếp theo chiều tăng dần độ âm điện?
A. Na, K, S, P, F;
B. F, S, P, Na, K;
C. K, Na, P, S, F;
D. F, P, S, K, Na.
Lời giải
Đáp án đúng là: C
K, Na đều thuộc nhóm IA nên độ âm điện của K < Na;
P, S đều thuộc chu kì 3 nên độ âm điện của P < S;
S, O đều thuộc nhóm VIA nên độ âm điện S < O mà O và F thuộc chu kì 2 nên độ âm điện O < F nên độ âm điện của S < F.
Vậy thứ tự độ âm điện: K < Na < P < S < F.
Câu 15. Cho các nguyên tố X, Y, Z với số hiệu nguyên tử lần lượt là 9, 17, 35. Phát biểu nào sau đây là sai?
A. Các nguyên tố này đều là phi kim;
B. Các nguyên tố này đều thuộc cùng một nhóm;
C. Thứ tự tăng dần tính kim loại: X < Y < Z;
D. Thứ tự độ âm điện: X < Y < Z.
Lời giải
Đáp án đúng là: D
X, Y Z lần lượt là các nguyên tố F, Cl, Br đều thuộc cùng 1 nhóm nên thứ tự độ âm điện là F > Cl > Br hay X > Y > Z.
******************
Trên đây là nội dung bài học Hóa học 10 Kết nối tri thức Bài 8: Định luật tuần hoàn – Ý nghĩa của bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học do THPT Ngô Thì Nhậm biên soạn bao gồm phần lý thuyết, giải bài tập và các câu hỏi trắc nghiệm có đáp án đầy đủ. Hy vọng các em sẽ nắm vững kiến thức về Định luật tuần hoàn – Ý nghĩa của bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Chúc các em học tập thật tốt và luôn đạt điểm cao trong các bài thi bài kiểm tra trên lớp.
Biên soạn bởi: Trường THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Hoá học 10