Hóa học 10 Kết nối tri thức Bài 10: Quy tắc octet được THPT Ngô Thì Nhậm biên soạn hy vọng sẽ là là tài liệu hữu ích giúp các em nắm vững kiến thức bài học và đạt kết quả tốt trong các bài thi, bài kiểm tra trên lớp.
Tóm tắt lý thuyết Hóa học 10 Kết nối tri thức Bài 10
I. Khái niệm liên kết hóa học
– Liên kết hóa học là sự kết hợp giữa các nguyên tử tạo thành phân tử hay tinh thể bền vững hơn.
– Trong các phản ứng hóa học, chỉ có các electron thuộc lớp ngoài cùng và phân lớp sát lớp ngoài cùng tham gia vào quá trình tạo thành liên kết (electron hóa trị).
– Các electron hóa trị của nguyên tử một nguyên tố được quy ước biểu diễn bằng các dấu chấm đặt xung quanh kí hiệu nguyên tố.
II. Quy tắc octet
– Quy tắc octet (bát tử): Khi hình thành liên kết hóa học, các nguyên tử có xu hướng nhường, nhận hoặc góp chung electron để đạt tới cấu hình electron bền vững của nguyên tử khí hiếm.
– Ví dụ 1: Vận dụng quy tắc octet trong sự hình thành phân tử nitrogen (N2)
Liên kết giữa 2 nguyên tử nitrogen (N) trong phân tử nitrogen (N2) được tạo thành do mỗi nguyên tử N đã góp chung 3 electron hóa trị, tạo nên 3 cặp electron chung.
Phân tử N2 được biểu diễn:xung quanh mỗi nguyên tử N đều có 8 electron.
– Ví dụ 2: Vận dụng quy tắc octet trong sự tạo thành phân tử NaF.
Nguyên tử sodium có 1 electron ở lớp ngoài cùng. Nếu mất đi 1 electron nguyên tử sodium sẽ tạo thành hạt mang điện dương, có cấu hình electron bền vững, giống với khí hiếm gần nhất là Ne.
Viết gọn: Na → Na+ + 1e
Nguyên tử fluorine có 7 electron ở lớp ngoài cùng. Khi nhận vào 1 electron nguyên tử fluorine sẽ tạo thành hạt mang điện âm, có cấu hình electron bền vững giống khí hiếm Ne.
Viết gọn: F + 1e → F-
Các hạt tạo thành Na+; F- có điện tích trái dấu hút nhau tạo nên phân tử NaF.
Giải bài tập SGK Hóa học 10 Kết nối tri thức Bài 10
Mở đầu trang 49 Hóa học 10
Khi các nguyên tử kết hợp với nhau tạo thành phân tử theo một tỉ lệ xác định, yếu tố nào quyết định tỉ lệ số nguyên tử của mỗi nguyên tố trong phân tử đó?
Lời giải:
Yếu tố quyết định đến tỉ lệ số nguyên tử của mỗi nguyên tố trong phân tử đó là tỉ lệ số electron nhường, nhận hay góp chung của nguyên tử khi tham gia liên kết để hình thành phân tử.
Câu hỏi 1 trang 49 Hóa học 10
Khi nguyên tử fluorine nhận thêm 1 electron thì ion tạo thành có cấu hình electron của nguyên tử nguyên tố nào?
Lời giải:
Cấu hình electron của nguyên tử fluorine là 1s2 2s2 2p5.
⇒ Khi nguyên tử fluorine nhận thêm 1 electron thì ion tạo thành có cấu hình electron của nguyên tử nguyên tố Ne (1s2 2s2 2p6).
Câu hỏi 2 trang 49 Hóa học 10
Để giảm năng lượng, các nguyên tử kết hợp lại thành phân tử theo xu hướng nào?
Lời giải:
Để giảm năng lượng, các nguyên tử kết hợp lại thành phân tử theo xu hướng đạt tới cấu hình electron bền vững của khí hiếm.
Câu hỏi 3 trang 50 Hóa học 10
Vận dụng quy tắc octet để giải thích sự hình thành liên kết trong các phân tử F2, CCl4 và NF3.
Lời giải:
– Hình thành liên kết trong phân tử F2
Khi hình thành liên kết hoá học trong phân tử F2, nguyên tử fluorine có 7 electron hoá trị, mỗi nguyên tử fluorine cần thêm 1 electron để đạt cấu hình electron bão hoà theo quy tắc octet nên mỗi nguyên tử fluorine góp chung 1 electron.
Phân tử F2 được biểu diễn như sau:
Xung quanh mỗi nguyên tử fluorine đều có 8 electron.
– Hình thành liên kết trong phân tử CCl4
Khi hình thành liên kết hoá học trong phân tử CCl4, nguyên tử chlorine có 7 electron hoá trị, mỗi nguyên tử chlorine cần thêm 1 electron để đạt cấu hình electron bão hoà, nguyên tử carbon có 4 electron hóa trị nên nguyên tử carbon sẽ góp chung với mỗi nguyên tử chlorine 1 electron.
Phân tử CCl4 được biểu diễn như sau:
– Hình thành liên kết trong phân tử NF3
Khi hình thành liên kết hoá học trong phân tử NF3, nguyên tử fluorine có 7 electron hoá trị, mỗi nguyên tử fluorine cần thêm 1 electron để đạt cấu hình electron bão hoà, nguyên tử nitrogen có 5 electron hóa trị nên nguyên tử nitrogen sẽ góp chung với mỗi nguyên tử fluorine 1 electron.
Phân tử NF3 được biểu diễn như sau:
Câu hỏi 4 trang 50 Hóa học 10
Phosphine là hợp chất hoá học giữa phosphorus với hydrogen, có công thức hóa học là PH3. Đây là chất khí không màu, có mùi tỏi, rất độc, không bền. Phosphine sinh ra khi phân huỷ xác động, thực vật và thường lẫn một lượng nhỏ diphosphine (P2H4) nên nó có thể tự cháy trong không khí ở điều kiện thường và tạo thành khối phát sáng bay lơ lửng (hiện tượng “ma trơi”).
Vận dụng quy tắc octet để giải thích sự tạo thành liên kết hoá học trong phosphine.
Lời giải:
Khi hình thành liên kết hoá học trong phân tử PH3, nguyên tử hydrogen có 1 electron hoá trị, mỗi nguyên tử hydrogen cần thêm 1 electron để đạt cấu hình electron bão hoà. Nguyên tử phosphorus có 5 electron hóa trị còn thiếu 3 electron thì đạt octet nên nguyên tử phosphorus sẽ góp chung với mỗi nguyên hydrogen 1 electron.
Phân tử PH3 được biểu diễn như sau:
Em có thể trang 50 Hóa học 10
Vận dụng quy tắc octet để giải thích sự hình thành liên kết hóa học trong một số phân tử của các nguyên tử nguyên tố nhóm A.
Lời giải:
Quy tắc octet: Khi hình thành liên kết hoá học, các nguyên tử có xu hướng nhường, nhận hoặc góp chung electron để đạt tới cấu hình electron bền vững của nguyên tử khí hiếm.
Ví dụ:
– Phân tử O2
Khi hình thành liên kết hoá học trong phân tử O2, nguyên tử oxygen có 6 electron hoá trị, mỗi nguyên tử oxygen cần thêm 2 electron để đạt cấu hình electron bão hoà theo quy tắc octet nên mỗi nguyên tử oxygen góp chung 2 electron.
Phân tử O2 được biểu diễn như sau:
Trắc nghiệm Hóa 10 Kết nối tri thức Bài 10 (có đáp án)
Câu 1. Liên kết hóa học là?
A. Sự kết hợp giữa phân tử khác với nhau;
B. Sự kết hợp giữa các nguyên tử tạo thành phân tử hay tinh thể bền vững hơn;
C. Sự kết hợp giữa electron của các phân tử;
D. Sự kết hợp giữa các electron ngoài cùng của các phân tử.
Lời giải
Đáp án đúng là: B
Theo thuyết cấu tạo hóa học, sự liên kết giữa các nguyên tử tạo thành phân tử hay tinh thể được giải thích bằng sự giảm năng lượng khi các nguyên tử kết hợp lại với nhau. Khi tạo liên kết thì nguyên tử có xu hướng đạt tới cấu hình electron bền vững của khí hiếm.
Liên kết hóa học là sự kết hợp giữa các nguyên tử tạo thành phân tử hay tinh thể bền vững hơn.
Câu 2. Phát biểu nào sau đây là sai?
A. Liên kết hóa học là sự kết hợp giữa các nguyên tử tạo thành phân tử hay tinh thể bền vững hơn;
B. Trong các phản ứng hóa học, tất cả các electron của phân tử tham gia vào quá trình tạo thành liên kết;
C. Khi tạo liên kết thì nguyên tử có xu hướng đạt tới cấu hình electron bền vững của khí hiếm;
D. Các electron hóa trị của nguyên tử được quy ước biểu diễn bằng các dấu chấm đặt xung quanh kí hiệu nguyên tố.
Lời giải
Đáp án đúng là: B
Trong các phản ứng hóa học, chỉ có các electron thuộc lớp ngoài cùng và phân lớp sát lớp ngoài cùng tham gia vào quá trình tạo thành liên kết (electron hóa trị).
Câu 3. Khi nguyên tử oxygen nhận thêm 2 electron thì ion tạo thành có cấu hình electron của nguyên tử nguyên tố nào?
A. Helium (He);
B. Neon (Ne);
C. Argon (Ar);
D. Krypton (Kr).
Lời giải
Đáp án đúng là: B
Cấu hình electron của oxygen: 1s22s22p4
Oxygen có xu hướng nhận thêm 2 electron để đạt cấu hình bền vững
Cấu hình electron của oxygen khi nhận thêm 2 electron: 1s22s22p6
Đây là cấu hình electron của neon (Ne).
Câu 4. Nguyên tử aluminium nhường đi 3 electron thì ion tạo thành có cấu hình electron của nguyên tử nguyên tố nào?
A. Sodium (Na);
B. Magnesium (Mg);
C. Silicon (Si);
D. Neon (Ne).
Lời giải
Đáp án đúng là: D
Cấu hình electron của aluminium: 1s22s22p63s23p1
Oxygen có xu hướng nhường đi 3 electron để đạt cấu hình bền vững
Cấu hình electron của aluminium khi nhường đi 3 electron: 1s22s22p6
Đây là cấu hình electron của neon (Ne).
Câu 5. Khi nguyên tử nhường electron thì ion tạo thành mang điện tích gì?
A. Điện tích âm;
B. Điện tích dương;
C. Không mang điện;
D. Cả điện tích âm và điện tích dương.
Lời giải
Đáp án đúng là: B
Khi nguyên tử nhường electron thì ion tạo thành mang điện tích dương.
Khi nguyên tử nhận electron thì ion tạo thành mang điện tích âm.
Ví dụ: Khi hình thành liên kết hóa học trong phân tử NaCl
+ Nguyên tử Na nhường 1 electron hóa trị tạo thành hạt mang điện tích dương:
Na → Na+ + 1e
+ Nguyên tử Cl nhận 1 electron tạo thành hạt mang điện tích âm:
Cl + 1e → Cl-
Câu 6. Khi nguyên tử nhận electron thì ion tạo thành mang điện tích gì?
A. Điện tích âm;
B. Điện tích dương;
C. Không mang điện;
D. Cả điện tích âm và điện tích dương.
Lời giải
Đáp án đúng là: A
Khi nguyên tử nhận electron thì ion tạo thành mang điện tích âm.
Ví dụ: Cl + 1e → Cl-
Câu 7. Khi hình thành liên kết hóa học trong phân tử F2, mỗi nguyên tử fluorine góp chung bao nhiêu electron theo quy tắc octet?
A. 1;
B. 2;
C. 3;
D. 4.
Lời giải
Đáp án đúng là: A
Nguyên tử fluorine có 7 electron hóa trị. Khi hình thành liên kết hóa học trong phân tử F2, mỗi nguyên tử fluorine cần thêm 1 electron để đạt cấu hình electron bền vững theo quy tắc octet nên mỗi nguyên tử fluorine góp chung 1 electron.
Câu 8. Khí hiếm nào không có 8 elctron lớp ngoài cùng?
A. Helium (He);
B. Neon (Ne);
C. Argon ( Ar);
D. Krypton (Kr).
Lời giải
Đáp án đúng là: A
Helium (He) là khí hiếm chỉ có 2 electron lớp ngoài cùng.
Câu 9. Theo quy tắc octet, các nguyên tử có xu hướng nhường, nhận hoặc góp chung electron để đạt tới cấu hình electron bền vững của nguyên tử nào?
A. Khí hiếm;
B. Kim loại nhóm IA;
C. Kim loại nhóm IIA;
D. Nhóm halogen.
Lời giải
Đáp án đúng là: A
Theo quy tắc octet, các nguyên tử có xu hướng nhường, nhận hoặc góp chung electron để đạt tới cấu hình electron bền vững của nguyên tử khí hiếm với 8 electron lớp ngoài cùng (trừ helium).
Câu 10. Trong phân tử KCl nguyên tử potassium nhường hay nhận bao nhiêu electron?
A. Nhường 1 electron;
B. Nhận 1 electron;
C. Nhường 2 electron;
D. Nhận 2 electron.
Lời giải
Đáp án đúng là: A
Khi hình thành liên kết hóa học trong phân tử KCl, nguyên tử K có 1 electron hóa trị, nguyên tử Cl có 7 electron hóa trị, nguyên tử K nhường 1 electron hóa trị tạo thành hạt mang điện tích dương, nguyên tử Cl nhận 1 electron tạo thành hạt mang điện tích âm.
K → K+ +1e
Cl + 1e → Cl-
Câu 11. Cấu hình electron của nguyên tử chứa bao nhiêu electron lớp ngoài cùng thì đạt cấu hình bền vững?
A. 5;
B. 6;
C. 7;
D. 8.
Lời giải
Đáp án đúng là: D
Cấu hình electron của nguyên tử chứa 8 electron lớp ngoài cùng thì đạt cấu hình bền vững (khí hiếm).
Câu 12. Trong các nguyên tử của các nguyên tố sau: Ca, Cl, Fe, O, Mg. Có bao nhiêu nguyên tử có xu hướng nhận thêm electron để đạt tới cấu hình bền vững?
A. 2;
B. 3;
C. 4;
D. 5.
Lời giải
Đáp án đúng là: A
Các nguyên tử của các nguyên tố phi kim có xu hướng nhận thêm electron để đạt tới cấu hình bền vững: Cl, O.
Cấu hình electron của Ca: 1s22s22p63s23p64s2
Ca có xu hướng nhường 2 electron để đạt tới cấu hình bền vững.
Cấu hình electron của Cl: 1s22s22p63s23p5
Cl có xu hướng nhận 1 electron để đạt tới cấu hình bền vững.
Cấu hình electron của Fe: 1s22s22p63s23p63d64s2
Fe có xu hướng nhường 2 hoặc 3 electron để đạt tới cấu hình bền vững.
Cấu hình electron của O: 1s22s22p4
O có xu hướng nhận 2 electron để đạt tới cấu hình bền vững.
Cấu hình electron của Mg: 1s22s22p63s2
Mg có xu hướng nhường 2 electron để đạt tới cấu hình bền vững.
Câu 13. Nguyên tử X có điện tích hạt nhân là +12. Khi hình thành liên kết hóa học X có xu hướng
A. Nhường 2 electron;
B. Nhận 2 electron;
C. Nhận 6 electron;
D. Nhận 8 electron.
Lời giải
Đáp án đúng là: A
Nguyên tử X có Z = 12. Cấu hình electron là: 1s22s22p63s2
⇒ Có 2 electron lớp ngoài cùng
⇒ Có xu hướng nhường electron lớp ngoài cùng để có cấu hình electron bền vững giống khí hiếm Ne: 1s22s22p6
Câu 14. Nguyên nhân hình thành liên kết giữa các nguyên tử tạo thành phân tử hay tinh thể là?
A. Sự giảm năng lượng của các nguyên tử khi kết hợp lại với nhau;
B. Sự tương tác giữa các nguyên tử phân tử này và nguyên tử phân tử khác;
C. Sự kết hợp của các electron có trong phân tử;
D. Sự giảm số electron khi các phân tử tương tác với nhau.
Lời giải
Đáp án đúng là: A
Nguyên nhân hình thành liên kết giữa các nguyên tử tạo thành phân tử hay tinh thể là sự giảm năng lượng của các nguyên tử khi kết hợp lại với nhau.
Câu 15. Các electron nào được tham gia vào quá trình tạo thành liên kết trong các phản ứng hóa học?
A. Electron thuộc lớp ngoài cùng và phân lớp sát lớp ngoài cùng;
B. Electron lớp thứ nhất;
C. Electron ở lớp thứ hai;
D. Tất cả các electron.
Lời giải
Đáp án đúng là: A
Trong các phản ứng hóa học, chỉ có các electron thuộc lớp ngoài cùng và phân lớp sát ngoài cùng tham gia vào quá trình tạo thành liên kết (electron hóa trị).
******************
Trên đây là nội dung bài học Hóa học 10 Kết nối tri thức Bài 10: Quy tắc octet do THPT Ngô Thì Nhậm biên soạn bao gồm phần lý thuyết, giải bài tập và các câu hỏi trắc nghiệm có đáp án đầy đủ. Hy vọng các em sẽ nắm vững kiến thức về Quy tắc octet. Chúc các em học tập thật tốt và luôn đạt điểm cao trong các bài thi bài kiểm tra trên lớp.
Biên soạn bởi: Trường THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Hoá học 10