Đê được nhà Lý quan tâm đắp nhưng chưa có quy hoạch quy mô, nhiều lần nước vẫn tràn vào kinh thành. Năm 1238 và 1243, nước lại tràn vào cung điện. Năm 1248, Trần Thái Tông lập ra cơ quan Hà đê, có chánh sứ, phó sứ phụ trách để trông coi việc đắp đê và bảo vệ đê điều ; Khuyến nông sứ chăm lo, khuyến khích nông dân sản xuất ; Đồn điền sứ tuyển mộ người đi khẩn hoang. Việc đắp đê thực hiện suốt từ đầu nguồn cho tới bờ biển để ngăn nước lũ tràn ngập, gọi là đắp đê quai vạc.
Đắp đê quai vạc được xem là bước ngoặt to lớn trong lịch sử thủy lợi Việt Nam. Triều đình trực tiếp tổ chức đắp đê trên các triền sông và có cơ quan chuyên trách chỉ đạo quản lý đê điều. Triều đình đã bỏ ra nhiều tiền của cho công trình này, đoạn đê nào lấn vào ruộng đất tư nhân thì được đền bù. Hiện nay nhiều địa phương ven sông Hồng vẫn còn đê quai vạc.
Việc đắp đê quai vạc không chỉ thực hiện ở đồng bằng sông Hồng mà còn thực hiện tại Thanh Hóa, Nghệ An.
Đê đỉnh nhĩ không phải là công trình mới và không chỉ đắp một lần có thể xong. Trên cơ sở những đê vùng cũ, nhà Trần cho đắp nối lại, hợp nhất thành tuyến từ đầu nguồn tới biển cho đê to hơn và vững hơn.
Việc hộ đê mùa lũ lụt được triều đình rất quan tâm. Triều đình quy định khi có lụt thì mọi người cùng phải có trách nhiệm. Vua đi thân chinh và huy động cả học sinh trường Quốc Tử Giám
Ngoài đắp đê ngăn nước sông, nhà Trần còn tổ chức đắp đê biển ngăn nước mặn. Đê biển là những công trình mới có từ thời Trần. Các quý tộc nhà Trần thường cho nô tì đắp đê tại ven biển các điền trang.
********************
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục