Gilgamesh là ai?
Gilgamesh là nhân vật chính trong cuốn Sử Thi Gilgamesh, là vị vua thứ năm của Vương Triều Uruk, nay là Iraq, triều đại của ông cách đây 2500 Năm TCN.
Theo Danh Sách Vua Sumerian, ông đã cai trị 126 năm. Trong cuốn Tummal Inscription thì Gilgamesh, và con trai của ông là Urlugal, đã xây dựng lại đền thờ nữ thần Ninlil, ở Tummal, và một 1/4 Thành phố Nippur thuộc về Thần Thánh.
Gilgamesh là nhân vật chính trong cuốn Sử Thi Gilgamesh, là một thiên sử thi vĩ đại trong văn học Lưỡng Hà, trong đó cha của ông là Lugalbanda và mẹ của ông là Ninsun (một số gọi là Rimat Ninsun), là một vị nữ thần. trong Mesopotamian mythology, Gilgamesh là một Á thần với 2 phần 3 dòng máu của thần linh trong người hoặc là người có sức mạnh siêu nhiên, là người đã xây dựng bức tường thành Uruk để chống lại mọi sự đe dọa từ bên ngoài.
Nhân vật Gilgamesh trong phim The Eternals
Tuy được sinh ra vào thời đồ đá mới và trước kỷ băng hà, nhưng mãi đến 3000 năm trước công nguyên nhân vật này mới có tên Gilgamesh – vua của người Uruk vùng Sumer (hiện là Iraq). Suốt thời cổ đại, Gilgamesh dùng sức mạnh của mình để giúp đỡ con người đánh bại bạo chúa và quái thú. Tuy vậy ông không hay biết rằng mình là người của Eternals. Rất lâu sau đó Gil mới được thủ lĩnh của Eternals nhận ra và trao cho ông vị trí xứng đáng trên Olympia.
– Gilgamesh có sức khỏe phi thường (thuộc hàng đầu trong các Eternal), nhanh nhẹn, có sức chịu đựng cao và hồi phục nhanh.
– Vì là 1 Eternal nên tất nhiên Gil bất tử, không già đi từ khi trưởng thành.
– Ngoài ra Gil còn có thể bay và bắn năng lượng từ tay
Ngoài việc chiến đấu cùng Eternals, Gilgamesh đã từng giúp đỡ Avengers và Fantastic Four. Ngoài ra ông còn từng ở nhờ căn hộ của Hercules để hồi phục trong một tháng. (Suốt thời gian đó Gil chỉ ngồi xem TV và ăn vặt, đến nỗi Hercules ép ông quay lại làm việc cũng không được.)
Trong bộ phim điện ảnh The Eternals sắp tới, nhân vật Gilgamesh sẽ do nam diễn viên Ma Dong Seok thủ vai.
Nhân vật Gilgamesh trong sử thi Gilgamesh
Nguồn gốc và văn bản của sử thi Gilgamesh
Sử thi Gilgamesh kể về vị vua nổi tiếng của Uruk ở Lưỡng Hà. Đó là một trong những câu chuyện cổ nhất và xúc động nhất đến từ thời kì mà có lẽ giờ đây chúng ta đã lãng quên. Gilgamesh ra đời cách đây hơn 4000 năm. Nó có một chỗ đứng quan trọng trong nền văn học thế giới, không chỉ bởi nó xuất hiện trước sử thi của Hômerơ ít nhất 1500 năm mà còn chủ yếu bởi những đặc tính riêng biệt của câu chuyện được kể. Các thế hệ hiện đại chỉ biết đến Gilgamesh sau khi những phiến đất sét được viết bằng văn tự chữ hình đinh đầu tiên được phát hiện và giải mã vào năm 1853. Từ đó đến nay, các nhà khảo cổ học đã bắt đầu hé mở bức màn về những thành phố bị chôn vùi của miền Trung Cận Đông. Mặc dù công việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng những chứng tích về thời đại anh hùng đã cho chúng ta biết nhiều điều về một thế giới cổ sơ.
Sử thi Gilgamesh đã được biết đến rộng rãi trong thiên niên kỉ thứ II và III tr.CN. Không có văn bản nào thực sự là văn bản chuẩn vì chúng ta chỉ có những sự kết hợp sử thi Gilgamesh khác nhau từ Sumer, Akkad, Hittite… Trong khi đó, sự duyệt lại và xuất bản cuốn Gilgamesh hầu hết là trong thế kỉ VII tr.CN (668-627). Đó là công việc của vua Assurbanipal – vị vua vĩ đại của kinh thành Assyri, ở vùng đất Nineveh. Thư viện của vị vua này lừng danh khắp Egypt và Susa. Ông là người thích sưu tập những câu chuyện về văn chương, lịch sử, tôn giáo để mang về cho thư viện của mình. Chính Assurbanipal kể rằng, ông đã cử tất cả những người thư kí của mình đến Uruck để chép lại và dịch các văn bản bằng các ngôn ngữ Sumer cổ sang ngôn ngữ thời ông (ngôn ngữ Akkad). Trong các văn bản được dịch ấy có một bài thơ dài mà chúng ta gọi là sử thi Gilgamesh. Tuy nhiên, văn bản sử thi này chưa phải là cổ nhất, mà có lẽ văn bản đầu tiên về Gilgamesh là những phiến đất khắc ngôn ngữ Assyria. Gần đây nhất, giáo sư Samuelramer đã gây ấn tượng cho độc giả bởi văn bản mới mà ông tìm thấy. Ông còn có những bộ sưu tập về sử thi của người Sumer và đã mang lịch sử của sử thi Gilgamesh đến với chúng ta. Bây giờ, sử thi Gilgamesh đã có thể được nghiên cứu trong sự kết hợp và so sánh với những văn bản viết trước đây. Theo các nhà nghiên cứu, sử thi Gilgamesh được lưu lại ở dạng chữ viết vào khoảng năm 2750 – 2500 tr.CN, tức là cách ngày nay khoảng hơn 4,5 ngàn năm. Đó là một thiên sử thi ngắn gọn nhưng hàm súc, có hơn 3000 câu thơ. Sử thi Gilgamesh gồm 12 chương (viết trên 12 phiến đất sét), mỗi phiến đất sét lại được chia thành 6 cột và khắc khoảng 300 câu thơ.
Từ lịch sử cổ sơ của người Sumer, thế giới thần linh rất gần gũi với con người. Gia phả ghi các vị vua ở Sumer kể về tám vị vua thiêng liêng đã cai trị Lưỡng Hà trong khoảng 200 năm, quyền lực của các vua là do trời ban. Tai họa Đại hồng thủy đã phá hủy cả năm kinh thành của họ. Sau thời hồng thủy, vua lại được trời ban xuống và Gilgamesh là vị vua thứ năm của kinh thành Uruk. Cũng từ gia phả các vị vua của Sumer, chúng ta biết một Gilgamesh lịch sử (tiếng Sumer phát âm là: Gis – bil – ga – mes). Ông là một nhân vật có thật, một ông vua vĩ đại của Uruk, sống vào khoảng năm 2700 tr.CN. Ông cai trị thành bang Uruk vào khoảng giữa những năm 3000 – 2500 tr.CN, gần dòng sông Euphrates (vùng này hiện nay là miền nam Iraq). Theo lịch sử của người Babylon thì đích thân Gilgamesh đã ghi lại câu chuyện của mình trên những phiến đá. Sau đó, câu chuyện về vị vua anh hùng này được truyền khẩu trong dân gian dưới dạng những truyền thuyết, huyền thoại. Cuối cùng, sử thi Gilgamesh được một nhà thơ tài ba nào đó, mà có lẽ là một nhà thơ của Babylon, sáng tạo thành một tác phẩm văn chương kiệt xuất. Người sáng tạo tài ba này không chỉ đơn giản kết nối các văn bản riêng lẻ lại với nhau mà còn ra sức suy ngẫm và tổ chức những tư liệu mà ông có, nhằm mục đích nhất định là tạo cho tác phẩm của mình một ý nghĩa triết lý sâu xa. Không phải mọi truyền thuyết về anh hùng Gilgamesh của người Sumer đều được tác giả chọn lựa. Chẳng hạn, bài thơ về Gilgamesh và Agga, Gilgamesh và cây Khuluppu không được tác giả hoặc người Babylon cho vào trong sử thi. Ngược lại, truyền thuyết về Đại hồng thủy trong văn học Sumer và cả văn học Akkad được xếp là một tác phẩm riêng biệt đã trở thành một phần, một chương quan trọng trong sử thi để nhấn mạnh sự bất tử và mục đích chuyến phiêu lưu của anh hùng Gilgamesh.
Việc tồn tại nhiều văn bản và các dị bản về sử thi Gilgamesh ở các quốc gia cổ khác nhau đã nói lên tầm quan trọng của tác phẩm này trong nền văn học Lưỡng Hà nói riêng và văn học thế giới nói chung. Những dị bản có khi là bài thơ dài, có khi được diễn xuôi theo cách kể chuyện, cũng thể hiện sự quan tâm và yêu thích của nhân loại đối với thiên sử thi anh hùng này. Gilgamesh mãi là tấm gương phản chiếu tư tưởng, tôn giáo, lối sống của con người ở một thời đại – thời ấu thơ của lịch sử loài người.
Giá trị nội dung của sử thi Gilgamesh
Trong sử thi Gilgamesh, tình bạn được thể hiện xuyên suốt chiều dài tác phẩm. Những sắc thái tình cảm khi tạo thành sức mạnh, khi trở thành động lực cho Gilgamesh và Enkidu, khiến cho người đọc vô cùng xúc động. Tình bạn còn tạo nên sức mạnh phi thường và hoàn hảo: sức mạnh của trời (Gilgamesh) kết hợp với sức mạnh của đất (Enkidu). Đó là sự kết hợp, sự sánh đôi rất hài hòa trong thế giới bao la rộng lớn. Sự hài hòa, đan quyện của tình cảm con người như được tỏa rộng đến mênh mông, tạo thành sự gắn kết chặt chẽ của thiên đàng và trần thế, của mặt đất và bầu trời, của thiên nhiên với cuộc sống… Không chỉ là bổ sung để giúp nhau hoàn thiện mà Enkidu và Gilgamesh còn là đôi bạn của sự “hòa hợp”, bởi nó xuất phát từ một mục đích cao cả của hai chàng là: chiến công và bất tử.
Cũng như mọi anh hùng sử thi sau này, Gilgamesh và Enkidu là hai anh hùng với khát vọng lập chiến công để đạt sự vinh quang vĩnh hằng. Tình bạn là động lực giúp Gilgamesh thực hiện ý định vào rừng gỗ tuyết tùng (cây tùng Bá hương) tìm giết quỷ dữ Humbaba. Đó là một quyết định lớn lao thể hiện ý thức bảo vệ cộng đồng và bảo vệ quyền linh thánh tuyệt đối. Hai chàng dũng sĩ luôn động viên tinh thần, hiệp sức với nhau trên con đường vào rừng đầy gian nan, nguy hiểm. Tiếng hát hùng tráng của Gilgamesh vang lên khiến bạn Enkidu vùng đứng dậy, mọi tật bệnh đều tan biến và “đôi tay chàng trở lại cứng tợ sắt, đôi chân chàng gân guốc, rắn rỏi như xưa”. Enkidu vừa là bạn vừa là anh em và cũng là trợ thủ đắc lực của chàng Gilgamesh trí tuệ thông mẫn. Enkidu như lá chắn che chở cho vị vua trẻ, anh dẫn đường và bảo vệ cho Gilgamesh… Đó là sự hy sinh, sự gắng sức vì nhau của một tình bạn tốt đẹp.
Câu chuyện về tình bạn tri kỉ chân thành, cao cả của hai vị anh hùng trong cuộc chiến vì chính nghĩa và công danh đã làm rung động lòng người. Tình bạn giữa Gilgamesh và Enkidu được miêu tả ở nhiều khía cạnh, nhiều cung bậc khác nhau và càng ngày càng thắm thiết, bền chặt. Không chỉ hy sinh vì nhau trong những lúc đầy “cam go thử thách” mà cả trong cuộc sống thường ngày. Khi các vị thần trên trời hội họp quyết định kẻ giết hại thú vật nhà trời sẽ “phải chết về những tội ấy”, Gilgamesh và Enkidu phải gặp cảnh chia lìa. Có dị bản kể rằng thần Enlin quyết định Enkidu phải chết, nhưng dị bản khác lại nói Enkidu tự nhận cái chết về mình vì tình bạn thiêng liêng. Trong khi đó, mất người bạn yêu quý nhất, Gilgamesh buồn đau tột cùng, chàng ôm bạn khóc thảm thiết: “Ôi người anh em của ta, bạn là người từng săn bắt con lừa hoang trên núi và con báo dữ…Tai bạn không nghe thấy, đôi mắt bạn nhắm nghiền… và tim bạn thôi không còn đập nữa lòng ta đang quặn thắt kinh hoàng”. Bảy ngày bảy đêm liền, Gilgamesh không rời khỏi thi hài của bạn thân, thân thể chàng trở nên suy nhược, tiều tụy, sự cường tráng tiêu tan, vẻ đẹp dũng mãnh không còn nữa. Nỗi đau trước cái chết của bạn thân làm “hốc hác gương mặt… gặm mòn con tim… quặn thắt ruột gan” Gilgamesh. Chàng nghĩ về sự bất công, tàn ác ngự trị trên đời và quyết tâm làm tất cả để bạn thân được trở lại trần gian. Điều đó cho thấy rằng, ngay từ thời cổ đại, con người đã có một khái niệm về tình cảm lớn lao đến thế. Họ xây dựng cho mình một điểm tựa vững chắc về tinh thần để cuộc sống luôn luôn chan hòa, bình đẳng. Tư duy, tình cảm của người văn minh cổ đã vượt xa xã hội đương thời, băng qua thời gian và còn giá trị cho đến hôm nay.
Sử thi Gilgamesh bất diệt trước thời gian và anh hùng Gilgamesh mãi trường tồn, bởi chàng đã đem đến cho chúng ta một thông điệp vô cùng ý nghĩa là hãy làm những việc có ích trên đời, đó chính là vinh quang vĩnh hằng mà con người đạt được. Cuộc hành trình xuyên bóng tối, đi tìm thuốc trường sinh cứu bạn của Gilgamesh là minh chứng cho điều đó. Gilgamesh đi tìm cuộc sống bất tận với một niềm tin và hy vọng là thủa xưa, các thần linh đã từng ban cho một người ân huệ được sống bất tử, đó là Ut-Napishtim. Ông là người duy nhất vượt qua nạn hồng thủy, một mình sống sót sau đại họa để duy trì nòi giống nhân loại. Nhưng khi trở thành người bất tử, các chư thần lại tách ông ra khỏi cuộc sống loài người, ông cùng gia đình phải sống cuộc sống biệt lập với những con người trần thế. Gilgamesh quyết tâm tìm gặp Ut-Napishtim để mong học hỏi bí quyết trường sinh cho nhân loại.
Cuộc viễn du dài dằng dặc và đầy gian nan nguy hiểm như thách thức lòng can đảm của vị anh hùng. Nhưng nào có sá gì nguy hiểm, vì bạn thân, vì mình và cả cộng đồng nhân loại được sống mãi, Gilgamesh đã vượt qua tất cả. Chàng đi trên con đường tối tăm mù mịt mà chưa ai từng đi. Cũng như cuộc hành trình vào rừng diệt quỷ dữ, vị anh hùng Gilgamesh cũng “tiến bước ròng rã hai lần mười hai giờ” trong đêm tối đen như mực. Băn khoăn về sự sống và cái chết, về sinh tồn, phát triển và hủy diệt… là động lực thúc đẩy lòng quyết tâm của Gilgamesh. Chàng say sưa ảo mộng, bỏ ngoài tai tất cả những lời khuyên bảo của mọi người. Chàng băng qua bóng đêm đen đặc và cuối cùng nhìn thấy ánh sáng mặt trời.
Câu chuyện về Gilgamesh và hành trình tìm bí mật sự sống vĩnh hằng của chàng cuối cùng không thành. Nhưng qua đây, chúng ta đã được nhìn lại, được sống lại cội nguồn lịch sử xa xưa – một quá khứ lịch sử mà nơi ấy đã ghi dấu chân can trường, dũng mãnh của vị anh hùng khai sáng. Gilgamesh đã cho chúng ta biết về một trận Đại hồng thủy có thật mà ngày nay, tàn tích của nó vẫn tồn tại trong lòng đất. Hơn nữa, cuộc hành trình của chàng còn là một câu trả lời, là lời giải thích cho nỗi băn khoăn, khát khao của nhân loại về sự sống và ý nghĩa cuộc sống của họ. Sau khi nghe được và đã hiểu cuộc sống đời người, Gilgamesh tạm biệt ông già bất tử Ut-Napishtim, trở về thành phố có những bức tường vững mạnh, lộng lẫy ở kinh đô yêu dấu của chàng. Gilgamesh lại vinh quang trong thiên chức tuyệt vời là vị vua vĩ đại xây dựng đất nước bền vững. Chàng hân hoan giới thiệu với người chèo đò những thành quả lao động kỳ vĩ của mình, đó là sự phồn vinh tráng lệ của kinh đô Uruk. Kinh thành yêu dấu ấy là quê hương, là cuộc sống và niềm hạnh phúc nhất trần gian của chàng. Sau bao chuyến phiêu du để tìm kiếm sự bất tử, khi quay lại quê hương “mệt rã rời nhưng lòng thanh thản”, vị anh hùng Gilgamesh đã truyền cho nhân loại bài học về tình yêu và lòng thương, về ý nghĩa của cuộc sống và cái chết, ý nghĩa của sự mất mát và trưởng thành…
Gilgamesh thấm nhuần các quan niệm thần thoại, truyền thuyết ở Lưỡng Hà cổ đại. Nó đã cho thấy quá trình phân rã bắt đầu diễn ra trong đời sống sơ khai, mông muội của con người và đang dần chuyển sang một hình thái xã hội mới. Cùng với sự đổi mới hình thái xã hội là hệ thống những quan niệm mới ra đời, chống lại niềm tin của cộng đồng đối với những thế lực thần bí. Sử thi Gilgamesh đã trình bày và giải thích một cách tỉ mỉ cái đã tồn tại, cái đang tồn tại và cái sẽ mãi vĩnh hằng. Đằng sau thực tại hỗn mang của xã hội nguyên thuỷ ấy, loé sáng lên tình người thiêng liêng và sự bất tử cho cuộc sống của con người. Cùng với sự tiến bộ của nền văn minh Lưỡng Hà, sử thi Gilgamesh đã góp phần làm nền tảng cho sự phát triển triết học của Mesopotamia và cả triết học của phương Đông.
Sử thi Gilgamesh không chỉ có giá trị văn học mà còn có ý nghĩa lịch sử, triết học, tôn giáo… Cho đến nay, các nhà nghiên cứu văn học ở nước ta chưa thực sự đi sâu vào tìm hiểu một cách kỹ lưỡng về sử thi Gilgamesh. Trong công trình này, chúng tôi chỉ đưa ra một số nội dung về Gilgamesh trong giới hạn hiểu biết của mình.
********************
Đăng bởi: Trường THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Tổng hợp