Võ Tắc Thiên là ai?
Võ Tắc Thiên sinh ngày 17 tháng 2 năm 624 và mất ngày 16 tháng 12 năm 705, thường được gọi là Võ hậu hoặc Thiên hậu. Khi nhắc đến Võ Tắc Thiên, mọi người sẽ nhớ đến bà là Nữ hoàng đế duy nhất được sự công nhận chính thức trong lịch sử phong kiến của Trung Hoa.
Võ Tắc Thiên từng là phi tần trong hậu cung của Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Sau đó bà đã trở thành Hoàng hậu thứ hai của Đường Cao Tông Lý Trị và cuối cùng lên làm Hoàng đế của triều đại Võ Chu. Lấy Đường Cao Tông, Võ Tắc Thiên đã sinh được 6 người con, gồm 4 hoàng tử và 2 công chúa, trong đó có 2 người mất sớm.
Sau khi Đường Cao Tông qua đời, bà đã từng bước thay mặt cho hoàng đế cai quản công việc triều chính trong sự phản đối của các đại thần lúc bấy giờ. Trải qua các đời Đường Trung Tông và Đường Duệ Tông với tư cách Hoàng thái hậu. Cuối cùng, bà trở thành Hoàng đế duy nhất của triều đại Võ Chu, triều đại mà bà sáng lập tồn tại từ năm 690 đến năm 705
Bên cạnh nhân vật Tần Thủy Hoàng, Võ Tắc Thiên bị người dân xem như vị hoàng đế tàn bạo và máu lạnh bậc nhất trong lịch sử.
Con đường trở thành Hoàng đế của Võ Tắc Thiên
Trải qua nhiều sóng gió trong đời, từ phi tần thành Hoàng hậu và cuối cùng là 15 năm chính thức trở thành nữ hoàng duy nhất được lịch sử Trung Quốc ghi nhận. Con đường đi đến ngôi vị Hoàng đế của Võ Tắc Thiên đã được sử sách lưu truyền như thế nào?
Giai đoạn mới bước chân vào hậu cung nhà Đường
Võ Tắc Thiên được sinh ra trong một gia đình quý tộc, cha là Võ Sĩ Hoạch, mẹ là Kế thất phu nhân Dương thị. Trong bối cảnh gia đình khá giả, Võ Tắc Thiên có cơ hội học hành vì vậy bà am hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau cũng như có nhiều kiến thức uyên bác hơn các nữ nhân cùng thời.
Năm 637, hoàng đế Đường Thái Tông vì nghe danh Võ Tắc Thiên thông minh xinh đẹp nên đã quyết định triệu bà vào cung và phong chức Tài nhân. Cho nên từ năm 14 tuổi, Võ Tắc Thiên bắt đầu vào cung hầu Đường Thái Tông.
Võ thị làm Tài nhân 10 năm nhưng chưa có con thế nên sau khi Đường Thái Tông băng hà bà đã phải cạo tóc xuất gia tại Cảm Nghiệp Tự. Nhưng vì Thái tử Đường Cao Tông say mê nhan sắc bà từ trước nên trong một lần gặp lại tại Cảm Nghiệp tự, ông đã nảy ý định rước bà về cung.
Năm 652, Võ thị chính thức quay lại hậu cung đồng thời cũng là lúc bà đang mang thai đứa con đầu lòng Lý Hoằng – con của vua Đường Cao Tông. Với việc hạ sinh con trai thì Võ Tắc Thiên đã được vua phong làm Chiêu Nghi. Đây là một vị trí rất cao trong hàng ngũ cung tần.
Tháng giêng năm 654, Võ Tắc Thiên hạ sinh một cô công chúa tên là An Định Tư nhưng không bao lâu sau thì cô qua đời. Sự việc được ghi chép theo hai cuốn sách An Đường Tư và Tư Trị Thông Giám thì chính Chiêu Nghi đã giết con gái mình để đổ lỗi cho Vương hoàng hậu ngay sau khi Hoàng hậu đến thăm công chúa và ra về. Sau sự kiện đó, Đường Cao Tông muốn “Phế Vương lập Võ”.
Võ Tắc Thiên trở thành Hoàng hậu nhà Đường
Năm 655, Vương Hoàng hậu bị phế truất. Đường Cao Tông muốn đưa Võ Tắc Thiên lên làm Hoàng hậu nhưng đã phải chịu nhiều sự phản đối. Không chấp nhận điều này, Võ Tắc Thiên đã âm thầm lôi kéo một số đại thần ủng hộ mình lên ngôi. Trong sách Tư trị thông giám ở trang 200 có chép lại câu nói của bà với các đại thần rằng “Đây là việc nhà của Bệ hạ, người ngoài không có tư cách can thiệp”.
Với lý lẽ đó của mình, Võ Tắc Thiên đã thành công và có được quyền hành trong tay. Sau khi Võ Tắc Thiên trở thành Hoàng hậu và bắt đầu trả thù những ai đã từng không ủng hộ mình. Năm 656 Lý Trung bị phế truất và con của Võ hậu là Lý Hoằng lên làm Hoàng thái tử.
Với sự trợ giúp của Võ Tắc Thiên, Đường Cao Tông đã có nhiều chính sách giúp đất nước phát triển tốt hơn. Quyền lực mà Võ Tắc Thiên có được ngày càng lớn, nên lúc Đường Cao Tông mắc bệnh nặng đã giao việc triều chính cho bà quản lý.
Mặc dù từng bị tố là lạm quyền Hoàng hậu nhưng Võ Tắc Thiên đã không ngồi yên để bị phế truất. Trong những ngày cuối đời của Cao Tông, mọi việc lớn nhỏ trong triều đều phải qua sự đồng ý của bà. Năm 675, sự kiện Thái tử Lý Hoằng chết, Đường Cao Thông lập Hoàng lục tử là Ung vương Lý Hiền làm thái tử.
Thế nhưng, thời điểm Lý Hiền lên làm thái tử cũng là lúc Võ hậu tham quyền nhất muốn thao túng triều chính, nên bà luôn tìm cách lật đổ thái tử. Năm 680, bà tố cáo Thái tử mưu đồ bất chính nên Thái tử bị phế truất.
Vào năm 683, Đường Cao Tông băng hà. Sau đó, Võ Tắc Thiên đã đưa con trai của mình là Lý Hiển lên ngôi nhưng vì không vừa lòng mà bà đã tự mình điều hành vương triều với danh nghĩa Thái hậu. Sự kiện này gây ra ba cuộc binh biến nhưng tất cả đều bị đánh bại.
Võ Tắc Thiên lập nên nhà Võ Chu, xưng danh Thánh Thần Hoàng Đế
Với thế lực đang nắm trong tay, Võ thái hậu đã quyết định diệt trừ ngôi vị của nhà họ Lý, lên ngôi hoàng đế. Khi đã nhận được sự đồng ý từ hơn 6 vạn người dân cùng các quan lớn nhỏ trong triều, Võ Tắc Thiên chính thức lập ra nhà Võ Chu (690 – 705), tự xưng danh là Thánh Thần Hoàng đế.
Trải qua nhiều sóng gió, Võ Tắc Thiên đã có 15 năm cuối cùng chính thức trở thành nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Năm 705, Đường Trung Tông Lý Hiển lên làm vua còn Võ Tắc Thiên nay đã ốm yếu và hơn 80 tuổi với chức danh là Thái thượng hoàng.
Ít lâu sau, vào tháng 11 năm 705, Võ Tắc Thiên đã qua đời. Mộ của bà được đặt cạnh mộ Đường Cao Tông với tấm bia mộ để trống hoàn toàn, được gọi là “Vô tự bia”.
Những ấn tượng về Võ Tắc Thiên
Với khoảng thời gian cai trị đất nước ngắn ngủi, Võ Tắc Thiên đã để lại rất nhiều ấn tượng, có tốt có xấu trong lòng người dân. Dưới thời Võ Tắc Thiên, đất nước yên ổn lớn mạnh, không có tranh quyền trong triều. Bởi vậy, nhiều đại thần đã ủng hộ và coi bà là người có tài trị nước, thông minh và quyết đoán.
Võ Tắc Thiên cũng đã có công to lớn trong việc mở mang lãnh thổ Trung Hoa, chinh phục bán đảo Triều Tiên. Bà coi trọng vấn đề duy trì ổn định tình hình đất nước, ưu tiên hàng đầu việc phát triển kinh tế, vươn tầm ảnh hưởng sang các nước ở Trung Á. Phật giáo dưới thời Võ Tắc Thiên ngày càng phổ biến hơn.
Trong Tư trị thông giám có ghi chép lại về Võ Tắc Thiên qua lời đánh giá của Sử gia Trung Quốc Tư Mã Quang như sau: “Nếu bà nhìn thấy một đại thần nào đó là không đủ năng lực, sẽ ngay lập tức sẽ bãi chức. Thái hậu có óc quan sát và phán đoán tốt, vì vậy những nhân tài đương thời cũng đều có cơ hội được dùng”.
Tuy nhiên, việc Võ Tắc Thiên lên nắm quyền cai trị đất nước đã bị chỉ trích mạnh mẽ bởi nền văn hóa Nho giáo của Trung Quốc không cho phép phụ nữ lên ngôi. Võ Tắc Thiên cùng với hai vị “Nữ hoàng không miện” là Từ Hi Thái hậu và Lã hậu là ba người phụ nữ đã từng nắm quyền lực cao nhất ở các triều đại phong kiến Trung Hoa. Nhưng họ lại bị dân gian coi là những người tàn ác, cả với chính những người thân.
Bên cạnh những điểm đáng kính như biết thưởng phạt nghiêm minh, trọng dụng người tài, giúp dân an cư lạc nghiệp, thì Võ Tắc Thiên cũng có một số điểm tàn ác là đã giết hại nhiều người máu mủ ruột thịt, làm lòng dân khiếp sợ bởi sự hà khắc, chuyên quyền, độc ác.
Năm 705, Võ Tắc Thiên đã phải thoái vị và bị giam lỏng tại Lạc Dương cho đến khi qua đời hưởng thọ 82 tuổi. Bà cũng là một trong ba vị Hoàng đế ở Trung Quốc có tuổi thọ cao nhất cùng Thanh Cao Tông Càn Long hoàng đế (89 tuổi) và Lương Vũ Đế Tiêu Diễn (87 tuổi).
Nhắc đến Võ Tắc Thiên, chắc hẳn nhiều khán giả phim truyền hình, điện ảnh cũng hay theo dõi nhân vật lịch sử này qua sự dàn dựng, diễn xuất của các diễn viên. Có thể nói rằng, Võ Tắc Thiên là một hiện tượng “độc nhất vô nhị” trong việc dám xưng danh Hoàng đế. Hy vọng bài viết trên đã mang đến cho bạn đọc nhiều thông tin đáng giá.