Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đang được sinh ra, tuy nhiên, có nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau được ra đời. một loại hình công ty mà được nhiều người quan tâm và được biết đến nhiều nhất hiện nay là công ty đối nhân. Việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp là một vấn đề vô cùng quan trọng và thiết yếu nhằm mục đích làm sao cho phù hợp với điều kiện kinh doanh và dịnh hướng hoạt động lâu dài của doanh nghiệp đó. Tuy nhiên không phải ai cùng biết rõ về loại hình công ty đối nhân này. Đặc điểm của loại hình này ra sao và có những ưu, nhược điểm gì? Bài viết hôm nay Luật Dương gia Đà Nẵng sẽ giúp khách hàng phân tích cụ thể về loại hình công ty đối nhân này.
Căn cứ pháp lý: Luật Doanh nghiệp số 59/2020/ QH14;
1. Khái niệm công ty đối nhân:
Công ty đối nhân là loại hình doanh nghiệp được thành lập dựa trên sự tin tưởng, liên kết chặt chẽ giữa các thành viên với nhau. Các thành viên có quan hệ gần gũi, tin tưởng với nhau sẽ cùng nhau góp vốn, thành lập công ty, liên đới chịu mọi trách nhiệm vô hạn đối với khoản nợ của công ty.
Với loại hình công ty đối nhân này, các thành viên có tư cách thương gia độc lập và phải chịu thuế thu nhập cá nhân, còn bản thân công ty sẽ không bị đánh thuế.
2. Thuật ngữ tiếng anh:
A partnership company is a type of enterprise established on the basis of trust and close association between members. Members who have a close and trusting relationship with each other will jointly contribute capital, establish a company, and jointly bear all unlimited liability for the company’s debt.
With this type of partnership, the members have independent merchant status and are subject to personal income tax, while the company itself will not be taxed.
3. Đặc điểm của công ty đối nhân
Thứ nhất, khi thành lập công ty đối nhân, họ không để ý đến phần vốn góp của thành viên là bao nhiêu, bản thân các thành viên có tư cách thương gia độc lập và phải chịu thuế thu nhập cá nhân, bản thân công ty sẽ không bị đánh thuế. Tuy nhiên, do vấn đề không để ý đến phần vốn góp là bao nhiêu, hoạt động dựa trên sự tin tưởng, nên khi có vấn đề pháp lý xảy ra, các thành viên thường khó để xác định lại số phần vốn và lợi nhuận thu về. Ngoài ra, khả năng chịu rủi ro của các thành viên trong công ty là rất lớn, do không có sự tách bạch về tài sản cá nhân của các thành viên và tài sản công ty. Hoặc trong trường hợp công ty kinh doanh bị lỗ, các thành viên phải chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty hoặc theo tại Điều lệ đã được quy định của công ty trước đó.
Thứ hai, các thành viên liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản hoặc ít nhất một thành viên chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của mình về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của công ty. Không có sự tách bạch giữa tài sản cá nhân và tài sản công ty.
Trong trường hợp công ty không còn đủ khả năng chi trả hết số nợ của công ty, các thành viên phải liên đới chịu trách nhiệm với các thành viên khác để thanh toán hết số nợ còn lại của công ty.
Đặc biệt, khi trường hợp nếu thành viên đã tự nguyện rút vốn khỏi công ty, hoặc bị khai trừ khỏi công ty, trước ngày chấm dứt tư cách thành viên trong thời hạn 02 năm, tính từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh, thành viên đó vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty mà đã phát sinh ngay trước đó.
Thứ ba, số lượng thành viên thường ít nên cơ cấu tố chức, hoạt động của công ty đối nhân thường đơn giản.
Loại hình tồn tại chủ yếu của công ty đối nhân là tồn tại dưới dạng công ty hợp danh. Theo quy định pháp luật, công ty hợp danh không quy định cụ thể số lượng thành viên tối đa là bao nhiêu, tuy nhiên tại điều 177 Luật doanh nghiệp 2020, “công ty hợp danh phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn”. Ngoài ra, do thành lập dựa trên sự tin tưởng, nên số lượng thành viên của công ty đối nhân tương đối ít và cơ cấu tổ chức thường đơn giản.
Dễ dàng nhận biết công ty đối nhân qua 3 đặc điểm chủ yếu là số lượng thành viên; sự tách biệt giữa tài sản cá nhân và tài sản công ty; bản thân cá nhân bị đánh thuế còn công ty thì không bị đánh thuế, các thành viên cùng nhau thành lập dựa trên sự tin tưởng và cùng liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các khoản nợ và nghĩa vụ của công ty. Tuy nhiên, cũng do những đặc điểm này, thực trạng hiện nay việc thành lập công ty đối nhân là rất ít, nguyên nhân là do chế độ chịu trách nhiệm của các thành viên trong công ty khiến nhiều cá nhân khi đăng kí thành lập thường e dè và không muốn lựa chọn loại hình doanh nghiệp này.
4. Công ty đối nhân tồn tại dưới dạng nào?
Công ty đối nhân tổn tại dưới dạng cơ bản là công ty hợp danh.
Khoản 1 Điều 177 Luật doanh nghiệp 2020 quy định cụ thể, công ty hợp danh là doanh nghiệp trong đó:
- Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung( gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty còn có thể có thêm thành viên góp vốn;
- Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
- Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
Một, công ty hợp danh có đặc điểm gì
- Như đã đề cập ở trên, công ty hợp danh thực chất là công ty đối nhân, dựa trên sự góp vốn giữa các thành viên với nhau, và số vốn góp giữa các thành viên không có sự đồng đều, không có sự tách bạch giữa tài sản cá nhân và tài sản công ty. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 34 Luật doanh nghiệp 2020, pháp luật quy định tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Quy định về phần vốn góp này thường dẫn đến nhiều bất cập khác nhau khi có sự tranh chấp về phần vốn góp giữa các thành viên hoặc tài sản của thành viên với công ty.
- Khó kiểm soát về sự chuyển dịch quyền sở hữu đối với khối tài sản chung sang tài sản riêng. Thành viên góp vốn chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn mà mình đã cam kết góp vào. Trong trường hợp công ty không đủ khả năng chi trả hết số nợ, các cá nhân phải liên đới chịu trách nhiệm để thanh toán hết số nợ. Chính vì vậy khả năng rủi ro và nguy hiểm đối với mỗi thành viên là rất lớn nếu ngay cả khi thành viên chưa được hưởng chút lợi nhuận nào vẫn phải chịu trách nhiệm.
- Cơ cấu tổ chức của loại hình công ty đối nhân này đơn giản, các thành viên có quyền thỏa thuận trong hợp đồng về việc tổ chức, điều hành và đại diện của công ty. Do được thành lập dựa trên sự tin tưởng giữa các thành viên với nhau, ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh đồng thời là đại diện theo pháp luật, đại diện công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ quan trọng. Còn thành viên góp vốn chỉ được góp ý kiến những vấn đề ít quan trọng, các thành viên góp này thường đi kèm trách nhiệm hữu hạn và vô hạn. Công ty hợp danh có mô hình tổ chức đơn giản gồm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng thành viên và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Hai, về tư cách pháp lý: Khoản 2 Điều 177 Luật doanh nghiệp 2020, công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp. Tuy nhiên, công ty hợp danh không có quyền phát hành bất kì loại chứng khoán nào. Là loại hình doanh nghiệp có hạn chế về vốn điều lệ, quy mô hoạt động, số lượng thành viên trong công ty. Các thành viên trong công ty hợp danh thường phải chịu trách nhiệm vô hạn hoặc hữu hạn, đặc biệt khi xảy ra tranh chấp, thành viên phải chịu toàn bộ trách nhiệm bằng tài sản của mình với công ty và không có sự tách bạch nào giữa tài sản cá nhân và tài sản của công ty, dẫn đến không có sự phân định rõ ràng, không thể gánh chịu tỉ lệ rủi ro với những nhà đầu tư chứng khoán khác. Việc mua đi bán lại chứng khoán sẽ bị hạn chế khi đây là loại hình thành lập dựa trên sự tin tưởng giữa các thành viên với nhau
Ba, về tài sản: Tài sản của công ty hợp danh được quy định cụ thể tại Điều 179 Luật doanh nghiệp 2020, bao gồm:
- Tài sản góp vốn của các thành viên đã được chuyển quyền sở hữu cho công ty;
- Tài sản tạo lập được mang tên công ty;
- Tài sản thu được từ hoạt động kinh doanh do thành viên hợp danh thực hiện nhân danh công ty và từ hoạt động kinh doanh của công ty do thành viên hợp danh nhân danh cá nhân thực hiện;
- Tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Vì là loại hình của công ty đối nhân, công ty hợp danh có các đặc điểm đặc trưng như số lượng thành viên ít, khó kiểm soát giữa tài sản cá nhân và tài sản công ty, thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn mà mình đã cam kết góp vào và cùng liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Tư cách pháp nhân của công ty hợp danh được xác lập khi có giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh và tài sản của công ty hợp danh được quy định cụ thể tại Điều 179 Luật doanh nghiệp 2020.
Bốn, các thành viên hợp danh có quyền và nghĩa vụ gì?
Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh được pháp luật quy định cụ thể tại Điều 181 Luật Doanh nghiệp 2020, theo đó thành viên hợp danh có các quyền nhất định như:
- Được tham gia họp, thảo luận và biểu quyết về các vấn đề của công ty; mỗi thành viên hợp danh có một phiếu biểu quyết hoặc có số phiếu biểu quyết khác quy định tại Điều lệ công ty
- Được nhân danh công ty kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty; đàm phán và ký kết hợp đồng, giao dịch hoặc giao ước với những điều kiện mà thành viên hợp danh đó cho là có lợi nhất cho công ty
- Được sử dụng tài sản của công ty để kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty; trường hợp ứng trước tiền của mình để kinh doanh cho công ty thì có quyền yêu cầu công ty hoàn trả lại cả số tiền gốc và lãi theo lãi suất thị trường trên số tiền gốc đã ứng trước
- Thành viên cũng có quyền yêu cầu công ty bù đắp thiệt hại từ hoạt động kinh doanh trong phạm vi nhiệm vụ được phân công nếu thiệt hại đó xảy ra không phải do sai sót cá nhân của thành viên đó. Có quyền yêu cầu công ty, thành viên hợp danh khác cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của công ty; kiểm tra tài sản, sổ kế toán và tài liệu khác của công ty khi thấy cần thiết
- Được chia lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp hoặc theo thỏa thuận quy định tại Điều lệ công ty. Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được chia giá trị tài sản còn lại tương ứng theo tỷ lệ phần vốn góp vào công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác
- Trường hợp thành viên hợp danh chết thì người thừa kế của thành viên được hưởng phần giá trị tài sản tại công ty sau khi đã trừ đi phần nợ và nghĩa vụ tài sản khác thuộc trách nhiệm của thành viên đó. Người thừa kế có thể trở thành thành viên hợp danh nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận
- Quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.
- Bên cạnh các quyền được quy định tại Khoản 1 Điều 181 Luật doanh nghiệp 2020, thành viên hợp danh cũng có các nghĩa vụ sau đây:
- Tiến hành quản lý và thực hiện hoạt động kinh doanh một cách trung thực, cẩn trọng và tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa cho công ty;
- Tiến hành quản lý và thực hiện hoạt động kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên; nếu làm trái quy định tại điểm này, gây thiệt hại cho công ty thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại
- Không được sử dụng tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác
- Hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản đã nhận và bồi thường thiệt hại gây ra đối với công ty trong trường hợp nhân danh công ty, nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác để nhận tiền hoặc tài sản khác từ hoạt động kinh doanh của công ty mà không đem nộp cho công ty
- Liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty;
- Chịu khoản lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty hoặc theo thỏa thuận quy định tại Điều lệ công ty trong trường hợp công ty kinh doanh bị lỗ;
- Định kỳ hằng tháng báo cáo trung thực, chính xác bằng văn bản tình hình và kết quả kinh doanh của mình với công ty; cung cấp thông tin về tình hình và kết quả kinh doanh của mình cho thành viên có yêu cầu;
- Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.
Năm, hạn chế quyền đối với thành viên hợp danh:
- Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân; không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
- Thành viên hợp danh không được nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
- Thành viên hợp danh không được chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho tổ chức, cá nhân khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.
Các thành viên của công ty hợp danh bao gồm thành viên hợp vốn và thành viên hợp danh. Các thành viên hợp danh có các quyền và nghĩa vụ nhất định được quy định tại Điều 181 Luật doanh nghiệp 2020 như được quyền tham gia họp, thảo luận, biểu quyết các vấn đề của công ty… và các nghĩa vụ bắt buộc như tiến hành hoạt động kinh doanh một cách trung thực, cẩn trọng; không sử dụng tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác… Bên cạnh đó, thành viên hợp danh cũng có một số hạn chế nhất định, thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân, không là thành viên của công ty hợp danh khác…
5. Các đối tượng không được tham gia vào việc thành lập công ty đối nhân
Các đối tượng không được tham gia góp vốn và thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật bao gồm:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình
- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức
- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp 2020, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác
- Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
- Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, trừ trường hợp sau đây:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
- Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Pháp luật quy định các cá nhân có quyền thành lập công ty đối nhân, có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, trừ một số trường hợp như cán bộ, công chức, viên chức; hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp…hoặc người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án… nhằm tránh những trường hợp không mong muốn xảy ra hoặc vi phạm điều luật khác mà pháp luật quy định.
6. Ưu, nhược điểm của loại hình công ty đối nhân:
Về ưu điểm:
- Công ty hợp danh có thể kết hợp được uy tín cá nhân của nhiều người lại với nhau để tạo dựng hình ảnh cho công ty.
- Các thành viên liên đới chịu trách nhiệm vô hạn nên dễ dàng nhận được sự tin tưởng từ các đối tác khách hàng cũng như dễ dàng huy động vốn vay từ các ngân hàng thương mại.
- Giữa các thành viên có sự tin tưởng lẫn nhau, việc điều hành, tổ chức và hoạt động của công ty trở nên đơn giản.
Về hạn chế:
- Việc tìm kiếm được đối tác đủ uy tín, tin tưởng lẫn nhau để cùng thành lập công ty đối nhân thường rất khó khăn, thông thường thì các thành viên hợp danh trong công ty sẽ có một mối quan hệ thân thiết nhất định.
- Do cơ chế liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ của công ty nên mức độ rủi ro cho các thành viên là rất lớn.
- Khó kiểm soát trong việc chuyển quyền sở hữu tài sản do không có sự tách bạch giữa tài sản của công ty và thành viên.
Được hình thành và thành lập dựa trên sự tin tưởng giữa các thành viên với nhau, tuy nhiên loại hình công ty đối nhân thường có những đặc điểm nhất định. Những lưu ý khi thành lập công ty đối nhân cần phải lưu ý một số đặc điểm, và ưu nhược điểm nhất định, khi thành lập, cần phải tìm hiểu kĩ và hãy tìm đến luật sư tư vấn cụ thể về quyền và nghĩa vụ khi thành lập công ty, và trách nhiệm khi thành lập công ty đối nhân.
Trên đây là những vấn đề mà Luật Dương gia xin gửi đến bạn đọc về loại hình công ty đối nhân. Trường hợp thắc mắc xin vui lòng liên hệ để được giải đáp cụ thể.