Đề bài: Em hãy phân tích Ý nghĩa hình ảnh chiếc lá cuối cùng trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O’henry.
Ý nghĩa hình ảnh chiếc lá cuối cùng trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng
Bạn đang xem: Ý nghĩa hình ảnh chiếc lá cuối cùng trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng
I. Dàn ý Phân tích ý nghĩa hình ảnh chiếc lá cuối cùng trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu về tác giả và tác phẩm Chiếc lá cuối cùng- Giới thiệu hình ảnh Chiếc lá cuối cùng – chi tiết đặc sắc nhất của câu chuyện.
2. Thân bài
– Tóm tắt nội dung tác phẩm:+ Kể về tình bạn của những người họa sĩ nghèo sống cùng một khu nhà+ Họ đều có niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật.+ Nổi bật lên là tình bạn của Xiu, Giôn-xi và cụ Bơ-men.+ Giôn-xi bị mắc bệnh viêm phổi nặng, mất niềm tin vào cuộc sống, chờ chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống, cô sẽ từ bỏ mọi hi vọng…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích ý nghĩa hình ảnh chiếc lá cuối cùng trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng tại đây.
II. Bài văn mẫu Ý nghĩa hình ảnh chiếc lá cuối cùng trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng (Chuẩn)
Ô Henri là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn xuất sắc của nền văn học Mỹ. Ông có nhiều tác phẩm truyện ngắn nổi tiếng với giá trị nội dung sâu sắc như: Tên cảnh sát và gã lang thang, Quà tặng của các đạo sĩ, … Và truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng là một trong những tác phẩm như thế. Câu chuyện chứa đựng nhiều hình tượng giàu ý nghĩa, đặc biệt là hình ảnh chiếc lá cuối cùng. Đó là một hình ảnh giàu ý nghĩa không chỉ về mặt nghệ thuật mà còn cả về tinh thần nhân đạo cao cả nữa.
Truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” kể về tình bạn của những người họa sĩ nghèo sống tại một khu nhà chung. Họ là những con người có cùng niềm đam mê nghệ thuật hội họa, mong muốn cống hiến cho đời những kiệt tác đẹp nhất của mình. Trong đó, nổi bật lên là tình bạn của hai người nghệ sĩ trẻ Xiu và Giôn-xi cùng với người nghệ sĩ già Bơ-men. Xiu và Giôn-xi sống cùng nhau trong một căn hộ nhỏ, cùng nhau trải qua những khó khăn về “cơm áo gạo tiền”. Cùng sống trong khu nhà đó, có cụ Bơ-men, cụ cũng là một người họa sĩ. Nhưng những chật vật về cuộc sống không cho phép cụ theo đuổi mơ ước của mình, để cụ chỉ có thể ngồi làm mẫu vẽ cho những họa sĩ trẻ. Cả cuộc đời cụ mơ ước mình sẽ vẽ được một kiệt tác để đời mà vẫn chưa thực hiện được cho đến khi Giôn-xi mắc căn bệnh viêm phổi nặng rồi mất hết hi vọng khiến cụ và Xiu vô cùng lo lắng.
Ô. Henri đã làm nổi bật lên trong câu chuyện của mình tình bạn giữa những con người nghèo khổ. Một Xiu hết lòng lo lắng cho người bạn của mình, chăm sóc, kiếm tiền chữa bệnh, thuốc thang, động viên Giôn-xi; một cụ Bơ-men với tình yêu thương vô bờ bến dành cho cô gái nghèo Giôn-xi. Và chính tình yêu đó đã giúp cụ vẽ lên một kiệt tác để đời: Một chiếc lá thường xuân cuối cùng. Chính chiếc lá ấy đã vực dậy, làm hồi sinh một con người đã mơ tưởng đến “những nơi xa xôi” – Giôn-xi.
Hình ảnh chiếc lá cuối cùng mà Ô. Henri tạo ra vô cùng giàu ý nghĩa, không chỉ về mặt nghệ thuật mà còn chứa đựng trong đó cả những giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc nữa.
Về mặt nghệ thuật, chiếc lá cuối cùng trên tường ấy là một kiệt tác để đời của cụ Bơ-men – một người nghệ sĩ. Kiệt tác tức là một tác phẩm nghệ thuật hết sức độc đáo, hết sức tuyệt vời, giàu ý nghĩa. Người ta thường nhắc tới các kiệt tác nổi tiếng thế giới như bức tranh nàng Mona Lisa của De Vinci, Sáng tạo của Adam – Michelangelo… Nhưng kiệt tác được tạo nên trong tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” của Ô Henri lại chỉ là một tác phẩm nghệ thuật vô cùng bình thường trên một bức tường. Thế nhưng ẩn sâu trong nó lại chứa đựng một tấm lòng cao cả, lớn lao, một sự hy sinh thầm lặng, không cầu báo đáp.
Về giá trị nhân đạo, Chiếc lá cuối cùng là niềm hy vọng sống cuối cùng gieo vào lòng Giôn-xi – một cô gái đã mất hết niềm tin vào cuộc sống. Chiếc lá ấy đã thực hiện ý nghĩa cuối cùng nhưng vô cùng to lớn của mình là gieo lại niềm hi vọng sống cho một con người, cứu con người ấy thoát khỏi vòng tay của tử thần. Không chỉ thế, nó còn mang trong mình tình yêu thương bao la, vô bờ bến của người họa sĩ nghèo, già cả – Bơ-men đối với Giôn-xi. Tình cảm đó là tình yêu giữa con người với con người với nhau, là sự đồng cảm, yêu thương sâu sắc giữa những người có cùng cảnh ngộ với nhau. Và hơn thế nữa, chiếc là đó được vẽ lên bởi tâm huyết cũng như sự hy sinh cao cả của một con người. Tất cả những giá trị đó đã tạo nên ý nghĩa nhân đạo sâu sắc của chiếc lá thường xuân cuối cùng trên tường – kiệt tác để đời của cụ Bơ men.
Cuối cùng, cụ Bơ-men – người vẽ lên kiệt tác chiếc lá ấy đã không qua khỏi được căn bệnh viêm phổi nặng. Vậy nhưng chiếc lá mà cụ đã vẽ ấy đã giúp hồi sinh một con người. Sự hi sinh thầm lặng mà cao cả của cụ thật đáng trân trọng biết nhường nào. Qua hình ảnh chiếc lá và sự hi sinh của người nghệ sĩ già, tác giả Ô Henri muốn nhấn mạnh với chúng ta mục đích cao cả của nghệ thuật.
Khép lại tác phẩm, nhưng hình ảnh chiếc lá cuối cùng cùng với ý nghĩa của nó ghim lại thật lâu trong lòng người đọc chúng ta. Đó là một hình ảnh thật đơn giản nhưng chứa đựng thật nhiều ý nghĩa lớn lao. Một chiếc lá vừa là một kiệt tác nghệ thuật để đời của một người nghệ sĩ vừa là vật gieo hy vọng, giúp Giôn-xi vượt qua bệnh tật cũng là chiếc lá ghi lại tấm lòng yêu thương cao cả cùng sự hy sinh thầm lặng đáng trân trọng của người nghệ sĩ già – cụ Bơ-men.
—————-HẾT—————-
Chiếc lá thường xuân cuối cùng là hình ảnh đặc sắc mở ra bao bất ngờ và cả những xúc động trào dâng cho độc giả. Tìm hiểu chi tiết hơn về ý nghĩa của chiếc lá cũng như người nghệ sĩ đã sáng tạo ra kiệt tác nghệ thuật ấy, các em có thể tham khảo thêm: Giá trị nhân sinh và thông điệp nghệ thuật trong Chiếc lá cuối cùng, Hình ảnh chiếc lá và sức mạnh hội họa trong kiệt tác của Cụ Bơ men qua Chiếc lá cuối cùng, Phân tích nhân vật cụ Bơ-men trong truyện Chiếc lá cuối cùng, Phân tích truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của nhà văn O. Hen-ri.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục