Xây dựng 2 tình huống trong mối quan hệ giữa GV với học sinh tiểu học; giữa GV với cha mẹ học sinh. Đề xuất cách giải quyết và giải thích lý do tại sao lại lựa chọn cách giải quyết đó. Các tình hướng được trường THPT Ngô Thì Nhậm sưu tầm và đăng tải, hy vọng sẽ giúp các thầy cô có thêm kinh nghiệm để ứng xử không dẫn đến những điều bất lợi cho bản thân và góp phần giáo dục học sinh, giữ tốt quan hệ với phụ huynh. Chúc quý thầy cô thành công!
Câu hỏi: Xây dựng 2 tình huống trong mối quan hệ giữa GV với học sinh tiểu học; giữa GV với cha mẹ học sinh. đề xuất cách giải quyết và giải thích lý do tại sao lại lựa chọn cách giải quyết đó?
Xây dựng tình huống trong mối quan hệ giữa GV với học sinh tiểu học. Đề xuất cách giải quyết và giải thích lý do tại sao lại lựa chọn cách giải quyết đó?
Tình huống 1: GVCN và học sinh mới
Tình huống:
Lớp bạn đang chủ nhiệm có 1 học sinh từ trường khác chuyển đến. Học sinh trong lớp không thích chơi với học sinh này mặc dù em cũng rất hiền và hòa đồng (đặc biệt học giỏi hơn các học sinh khác trong lớp). Bạn đã tổ chức sinh hoạt lớp và nhắc nhở cách ứng xử của học sinh trong lớp để giảm sự ganh tị nhưng chưa có hiệu quả.
Câu hỏi được đặt ra: Bạn sẽ làm gì, xử lý như thế nào để tất cả các em trong lớp hòa đồng cùng bạn học sinh mới này?
Hướng giải quyết:
- Không nên nóng vội. Nếu thực sự học sinh mới đó hiền và hoà đồng thì bạn bè trong lớp sẽ gần gủi và mất dần thành kiến rất nhanh. Giáo viên cũng không nên quán triệt học sinh không được thành kiến với bạn điều này dễ gây cho học sinh có suy nghĩ là học sinh mới đó được cô giáo bênh vực và càng thành kiến hơn.
- Giáo viên nên gặp riêng học sinh mới để hướng dẫn em tiếp cận với các bạn trong lớp, luôn luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động của lớp với thái độ tích cực không được kiêu ngạo…, như thế thì thành kiến sẽ nhanh chóng mất đi.
Tình huống 2: GVCN và học sinh trong lớp
Tình huống:
Trong lớp bạn chủ nhiệm có một em học sinh trước đây rất ngoan và chăm học, nhưng thời gian gần đây có biểu hiện bỏ một số tiết học và kết quả học tập đi xuống. Sau khi tìm hiểu thì biết rằng bố mẹ em đó mới li hôn và em đã bỏ tiết đi chơi game. Khi bạn gọi riêng em đó để nhắc nhở thì em đó trả lời: “Bố mẹ có thương em đâu, không ai quan tâm cả thì em cố gắng học làm gì, không sớm thì muộn em cũng phải bỏ học thôi”.
Câu hỏi đặt ra: Bạn sẽ làm gì trong tình huống này?
Hướng giải quyết:
Trong trường hợp này, tốt nhất bạn nên nhẹ nhàng khuyên em đó hãy bình tĩnh, vì tương lai của mình mà em hãy xem lại những hành động trong thời gian vừa qua. Ngoài tình cảm gia đình dành cho em thì còn có thầy cô, các bạn luôn quan tâm, đứng đằng sau giúp đỡ em, em không nên biểu hiện như thế mà phụ lòng mọi người. Đồng thời GVCN cũng nên về nhà học sinh đó tìm hiểu, gặp mặt người đại diện nuôi em để phối hợp khuyên răn em. GVCN cần có thái độ ân cần, quan tâm hơn đối với em đó, luôn động viên nhắc nhở, trò chuyện sau các giờ học, theo dõi biểu hiện của em trong các ngày tiếp theo để có thể phối kết hợp với các thầy cô trong trường nếu em đó chưa tiến bộ.
Tình huống 3: Học sinh vi phạm là con của hiệu trưởng
Tình huống:
Ngân là học sinh do bạn chủ nhiệm và còn là con của Hiệu trưởng của trường. Trong một lần thi kiểm tra định kì bị giáo viên coi thi bắt quả tang Ngân đang quay cóp bài và còn có lời lẽ thiếu lễ phép với giáo viên đó. Bạn cũng chứng kiến được sự việc đó.
Câu hỏi đặt ra: Là GVCN trong trường hợp này bạn sẽ ứng xử lí như thế nào?
Hướng giải quyết:
Kiên quyết để cho giám thị xử lý theo đúng nguyên tắc, đồng thời giải thích cho em đó biết mức độ vi phạm của mình và có hướng khắc phục. Nhưng để không gây căng thẳng trong mối quan hệ của bạn và em đó, đồng thời tránh tiếng “thấy người quen mà không giúp”, bạn có thể nói với em là bạn sẽ nói với Hội đồng kỷ luật nâng đỡ em nếu như em thực sự có quyết tâm khắc phục khuyết điểm.
Trấn an để em yên tâm, em vi phạm lần đầu thì các thầy cô chỉ lập biên bản để nhắc nhở em thôi chứ không có gì nặng nề cả. Nếu em thực sự nhận thấy lỗi của mình và có ý thức sửa chữa thì thầy cô sẽ sẵn sàng giúp đỡ em”. Với những lời lẽ chí tình ấy của bạn chắc chắn rằng dù không nhận được “sự bào chữa hiệu quả” của bạn nhưng học sinh đó cũng không giữ tâm lý bất bình, tức giận với bạn.
Sau kì thi nên gặp riêng em học sinh đó trao đổi một cách thẳng thắn.
Tình huống 4: Học sinh xé bài kiểm tra
Tình huống:
Sau khi trả bài kiểm tra định kỳ cho lớp, bạn quay lên bục giảng chữa bài để cho các em rút kinh nghiệm thì bỗng nghe tiếng xé và vò giấy. Khi quay lại thì thấy Nam đã xé tan bài làm được một điểm của mình trước sự ngơ ngác của các bạn trong lớp.
Câu hỏi đặt ra: Trong trường hợp này, bạn nên làm gì?
Hướng giải quyết:
Bạn nên dành ít phút xuống chỗ em học sinh đó để phân tích về hành động vừa rồi của em ấy. Bạn có thể nói: “Cô biết bài hôm nay của em bị điểm kém và em rất buồn. Nhưng em đã kịp xem lại bài của mình nguyên nhân tại sao không? Em nói là “bài của em thì em xé”, đúng bài đó là của em nhưng dù sao đó cũng là bài cô đã cẩn thận xem xét, đánh giá và chỉ ra cái sai cho em để lần sau em cố gắng hơn. Thế mà không ngờ công sức của em trong một tiết và cả của cô bị em xé toạc thành những mảnh giấy vụn.
Nếu đặt trường hợp em sau này sẽ là một giáo viên như cô, có một học sinh làm việc đó ngay trước mặt em thì em nghĩ sao? Nhưng thôi, dù sao em cũng đã trót làm, lần đầu cô có thể thông cảm. Cô mong rằng em hiểu những điều cô nói và cố gắng hơn trong những bài làm sau. Cô tin là em làm được”.
Đồng thời bạn cũng nên khéo léo nhắc nhở các em trong lớp rút kinh nghiệm để lần sau không có những phản ứng nóng nảy như thế.
Tình huống 5: Học sinh tham gia phá hoại tài sản nhà trường
Tình huống:
Nếu có một bạn học sinh của lớp bạn chủ nhiệm, tham gia vào việc phá hoại tài sản của nhà trường. Đến khi bạn hỏi về sự việc này thì không có em nào nhận lỗi nhưng bạn lại không có bằng chứng chính xác về việc em đó đã làm?
Câu hỏi đặt ra: Bạn sẽ xử lý như thế nào trong trường hợp này?
Hướng giải quyết:
Vào giờ sinh hoạt lớp, GVCN sẽ nói với các em rằng: “ Các em đã biết rằng tài sản của nhà trường không chỉ có riêng các em sở hữu mà nó là của chung. Nếu các em biết gìn giữ thì nó luôn đẹp có thể sử dụng trong rất nhiều năm mà nó vẫn như mới. Nếu lớp mình có bạn nào đã chót tham gia vào việc phá hoại tài sản của nhà trường thì hãy đứng lên nhận lỗi thì các em chỉ bị phạt nhẹ. Nếu bây giờ các em mà sợ hay ngại không nhận thì sau giờ có thể gặp riêng cô thú nhận về việc mình đã làm. Cô sẽ không nói ra tên người làm trước lớp. Các em mà không thú nhận lỗi lầm mình đã gây ra thì nhà trường vẫn có cách tìm ra và đưa ra các quyết định kỷ luật đến em đó vì đã vi phạm quy định nhà trường mà không trung thực , không dám chịu trách nhiệm về hành vi của mình sẽ không bao giờ có thể tiến bộ được ’’.
Tình huống 6: Phát hiện chữ ký giả mạo trong sổ liên lạc của học sinh
Tình huống:
Một lần cô (thầy) giáo trả sổ liên lạc cho học sinh, yêu cầu các em mang về nhà cho bố mẹ xem và ký tên. Thế nhưng, khi cô (thầy) giáo thu lại sổ phát hiện chữ ký trong sổ liên lạc của một em học sinh có chữ kí giả mạo.
Câu hỏi đặt ra: Nếu bạn là GVCN lớp đó thì bạn sẽ làm gì?
Hướng giải quyết:
Trong trường hợp này, bạn nên gặp riêng em học sinh đó yêu cầu giải thích : “tại sao em lại làm như vậy? ’’ và phân tích cho học sinh đó hiểu rằng việc làm của em là hoàn toàn sai, khuyên nhủ em lần sau không được tái phạm nữa. Sau đó, thông báo sự việc với phụ huynh và cùng phối với gia đình để giáo dục học sinh tốt hơn.
Xây dựng tình huống trong mối quan hệ giữa GV với cha mẹ học sinh. Đề xuất cách giải quyết và giải thích lý do tại sao lại lựa chọn cách giải quyết đó?
Tình huống 1: GVCN và cha mẹ học sinh
Tình huống:
Có PHHS đến nhờ GVCN xin Nhà trường cho con lên lớp (do thi lại không đủ điểm).
Câu hỏi đặt ra: Nếu bạn là giáo viên chủ nhiệm của lớp đó thì sẽ xử lý trường hợp này ra sao?
Hướng giải quyết:
Phân tích cho phụ huynh hiểu tác hại của việc ngồi nhầm lớp
Chỉ ra những nhược điểm trong học tập của em học sinh đó so với các bạn trong lớp và các bạn thi lại nhưng đủ điều kiện lên lớp
Đề nghị phụ huynh không đến xin nhà trường về việc nói trên vì quan điểm của Nhà trường cũng thống nhất như vậy để đảm bảo chất lượng bền vững
Tình huống 2: GVCN và phụ huynh học sinh
Tình huống:
Trong một cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm, có một số người chưa đồng tình chủ trương tổ chức ăn bán trú cho học sinh của nhà trường, bởi lý do phải đóng đậu thêm tiền tốn kém, điều kiện chăm sóc con ở nhà tốt hơn.
Câu hỏi được đặt ra: Là Giáo viên chủ nhiệm, bạn hãy trình bày cách giải quyết của mình để thực hiện được chủ trương bán trú của nhà trường?
Hướng giải quyết:
Phân tích tác dụng của việc tổ chức bán trú tại trường (có lợi cả về sức khỏe, tiết kiệm thời gian, kinh phí, an toàn,…)
Đặc biệt tổ chức bán trú sẽ là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng dạy học buổi 2.
Giới thiệu cho phụ huynh biết một số mô hình bán trú có chất lượng trong và ngoài tỉnh, đồng thời thuyết phụ phụ huynh ủng hộ chủ trương lớn của ngành.
Tình huống 3: Phụ huynh xin GVCN cho con được nghỉ tập văn nghệ
Tình huống:
Một phụ huynh đến gặp xin cho con mình được nghỉ tập văn nghệ vì lí do tập văn nghệ ảnh hưởng nhiều đến việc học tập các môn văn hóa.
Câu hỏi đặt ra: Nếu bạn là GVCN của em học sinh đó, bạn nên trả lời phụ huynh như thế nào?
Hướng giải quyết:
Khen ngợi khi phụ huynh có một đứa con ngoan, học giỏi, đặc biệt có năng khiếu văn nghệ rất tốt, có nhiều tố chất hoạt động xã hội rất được thầy cô và ban bè mến mộ. Nếu được bồi dưỡng sớm thì sẽ rất phát triển.
Phân tích cho phụ huynh biết: Năng khiếu văn nghệ của trẻ em là hết sức quan trọng, nhất là trong xã hội ngày nay, năng khiếu văn nghệ, ca hát rất dễ tạo cơ hội cho con người thành đạt về mọi mặt.
Tham gia hoạt động văn nghệ trong trường học thực chất là một hoạt động học tập rèn luyện, có tác dụng bổ trợ cho các việc học văn hóa.
Nhà trường sẽ sắp xếp lịch sinh hoạt hợp lý cho đội văn nghệ nhà trường, trong đó có cả con bác.
Tình huống 4: GVCN và lời nhờ vả của phụ huynh
Tình huống:
Khi tiếp xúc với phụ huynh của một học sinh cá biệt, phụ huynh đó năn nỉ bạn với câu “trăm sự nhờ thầy”. Nếu là giáo viên chủ nhiệm, lúc đó bạn phải ứng xử thế nào?
Hướng giải quyết:
Giáo viên chủ nhiệm phát biểu cám ơn sự tín nhiệm của phụ huynh học sinh đối với bản thân sau đó nhẹ nhàng nói về vai trò và trách nhiệm của nhà trường – gia đình và xã hội trong việc giáo dục con em. Giáo viên chủ nhiệm không quên cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với gia đình để giúp đỡ học sinh không ngừng tiến bộ.
Tình huống 5: Phụ huynh đánh con trước mặt giáo viên
Tình huống:
Lớp bạn đang chủ nhiệm có một học sinh vi phạm nghiêm trọng nội quy của nhà trường. BGH đã yêu cầu bạn phải đưa em đó về tận nhà để nói chuyện với phụ huynh. Nhưng khi chưa kịp để giáo viên trình bày tường tận mọi việc, thì phụ huynh của em đã đứng dậy tát em học sinh tới tấp vì đã làm “xấu mặt” gia đình. Vào địa vị của người giáo viên chủ nhiệm này, bạn xử lý tình huống này như thế nào?
Hướng giải quyết:
Đứng trước tình huống khó xử này bạn nên thật bình tĩnh và khéo léo. Trước tiên, bạn cần tìm cách chấm dứt ngay hành động đánh con của phụ huynh, sau đó phân tích để phụ huynh nhận ra rằng trong việc giáo dục con cái bằng bạo lực sẽ không bao giờ đem lại kết quả tốt đẹp mà đôi khi việc đó còn phản tác dụng. Hãy để cho phụ huynh thật bình tĩnh, bạn mới bắt đầu câu chuyện của mình một cách thật nhẹ nhàng, cởi mở.
Bạn phải giải thích cho phụ huynh hiểu rằng nhà trường luôn coi trọng vai trò của gia đình trong việc phối hợp để giáo dục học sinh, nhất là khi chúng phạm lỗi. Dù đó có thể là một học sinh chưa ngoan, hay nghịch ngợm, thường vi phạm nội quy của trường, lớp nhưng nhà trường không bao giờ mong muốn gia đình lại giáo dục em bằng bạo lực. Vì các em đang ở độ tuổi còn quá nhỏ và với các em mọi thứ chỉ như vừa mới bắt đầu, thế nên sự nhẹ nhàng, ân cần nhưng tuyệt đối nghiệm khắc mới có tác dụng khi chúng có lỗi. Bạo lực hay sự xúc phạm quá đáng chỉ khiến tình hình xấu đi làm chúng dễ nảy sinh tâm lý chống đối và trở nên ương ngạnh hơn mà thôi.
Tình huống 6: Phụ huynh nhận xét không tốt về đồng nghiệp
Tình huống:
Có một phụ huynh nào đó trực tiếp đến gặp bạn nói những điều không tốt về một đồng nghiệp đang dạy lớp con của họ. Phụ huynh này cho rằng cô giáo kia thiếu nhiệt tình trong việc dạy dỗ học sinh, đặc biệt là cô giáo có định kiến và ít quan tâm với con em họ nên con họ không muốn đi học. Phụ huynh đó có ý muốn xin con sang học lớp của bạn và yêu cầu bạn giữ kín câu chuyện mà họ đã nói với bạn. Trong trường hợp này, nếu bạn là cô giáo đang trao đổi với phụ huynh thì sẽ xử lý như thế nào?
Hướng giải quyết:
Thật sự đây là một tình huống rất tế nhị và có tính nghiêm trọng. Tế nhị đó chính là làm sao để bảo vệ uy tín cho đồng nghiệp và không bị đồng nghiệp hiểu lầm; nghiêm trọng ở chỗ là nếu thực sự là có định kiến của giáo viên đối với học sinh thì dứt khoát phải có ngay biện pháp can thiệp để không làm ảnh hưởng đến con đường học vấn của học sinh đó. Trước phụ huynh, giáo viên nên tìm cách bảo vệ đồng nghiệp và cũng lưu ý với họ rằng không nên thổi phồng, nói quá mọi việc, mặt khác cũng cần đánh giá được mức độ, tính chất sự việc qua lời trình bày của phụ huynh, để từ đó thật khéo léo để từ chối nguyện vọng xin chuyển lớp của phụ huynh vì ngoài thẩm quyền giải quyết của giáo viên.
Tốt nhất là giáo viên hãy phân tích cho phụ huynh hiểu về trách nhiệm cũng như quan hệ phối hợp giữa phụ huynh với giáo viên, không thể nào đổ hết trách nhiệm lên giáo viên rằng không quan tâm hay dạy không tốt con của họ; phân tích để phụ huynh biết rằng việc bố trí học sinh theo lớp, phân công giáo viên đứng lớp hoàn toàn không thuộc thẩm quyền của mỗi giáo viên. Từ đó đề nghị phụ huynh trực tiếp lên làm việc với BGH trường để đề đạt nguyện vọng.
*****************
Trên đây là 16 mẫu tình huống để các thầy cô lựa chọn cho câu hỏi “xây dựng 2 tình huống trong mối quan hệ giữa GV với học sinh tiểu học; giữa GV với cha mẹ học sinh. Đề xuất cách giải quyết và giải thích lý do tại sao lại lựa chọn cách giải quyết đó”. Hy vọng sẽ giúp các thầy cô có thêm kinh nghiệm để ứng xử không dẫn đến những điều bất lợi cho bản thân và góp phần giáo dục học sinh, giữ tốt quan hệ với phụ huynh.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Hướng dẫn giáo viên