Tiến công hoả lực bằng vũ khí công nghệ cao là phương thức tiến hành chiến tranh kiểu mới, đồng thời là biện pháp tác chiến của địch. Thực tế trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, chủ nghĩa đế quốc đã khai thác các thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất để chế tạo các kiểu vũ khí hiện đại hòng giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh như: công nghệ hồng ngoại, công nghệ nhìn đêm, công nghệ gây nhiễu.
Nhiều loại vũ khí “thông minh” ra đời và được sử dụng lần đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam… Tuy nhiên, cuộc chiến tranh Việt Nam đã chứng kiến sự thất bại thảm hại của địch trong việc sử dụng các loại vũ khí hiện đại nhất lúc đó trước trí thông minh, sự sáng tạo và lòng dũng cảm vô song của con người Việt Nam.
Chiến tranh tương lai (nếu xảy ra) đối với đất nước ta, địch sẽ sử dụng phương thức tiến công hoả lực bằng vũ khí công nghệ cao là chủ yếu. Nhằm mục đích giành quyền làm chủ trên không, làm chủ chiến trường, phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng, đánh gục khả năng chống trả của đối phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng tiến công trên bộ, trên biển, đổ bộ đường không và các hoạt động bạo loạn lật đổ của lực lượng phản động nội địa trong nước, gây tâm lí hoang mang, lo sợ trong nhân dân.
Qua đó gây sức ép về chính trị để đạt mục tiêu chính trị hoặc buộc chúng ta phải chấp nhận điều kiện chính trị do địch đặt ra.
Nếu chiến tranh xảy ra trên đất nước ta, có thể xuất phát từ nhiều hướng: trên bộ, trên không, từ biển vào, có thể diễn ra cùng một lúc ở chính diện và trong chiều sâu, trên phạm vi toàn quốc với một nhịp độ cao, cường độ lớn ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh.
Tiến công hoả lực bằng vũ khí công nghệ cao của chủ nghĩa đế quốc vào Việt Nam (nếu xảy ra) có thể là một giai đoạn trước khi đưa quân đổ bộ đường biển hoặc đưa quân tiến công trên bộ, với quy mô và cường độ ác liệt từ nhiều hướng, vào nhiều mục tiêu cùng một lúc. Đánh phá ác liệt từng đợt lớn, dồn dập, kết hợp với đánh nhỏ lẻ liên tục ngày đêm, có thể kéo dài vài giờ hoặc nhiều giờ, có thể đánh phá trong một vài ngày hoặc nhiều ngày,…
Nghiên cứu, khảo sát một số cuộc chiến tranh cục bộ gần đây, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao ngày càng nhiều (vùng Vịnh lần thứ nhất vũ khí công nghệ cao 10%, chiến dịch “Con Cáo sa mạc” 50%, Nam Tư 90%).
– Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh, ngày 17/1/1991 Mĩ phóng 45 quả tên lửa hành trình Tomahawk có 7 quả bị hỏng, 1 quả bị lực lượng phòng không bắn rơi còn 37 quả trúng mục tiêu, tỉ lệ: 67%. Trong chiến dịch “Con Cáo sa mạc” từ ngày 16 đến ngày 19/12/1998 Mĩ sử dụng 650 lần/chiếc máy bay phóng 415 quả tên lửa hành trình trong đó có 325 quả tên lửa Tomahawk phóng từ tàu biển, 90 quả AGM-86 phóng từ máy bay, dự kiến khả năng 100/147 mục tiêu của Irắc bị phá huỷ. Tuy nhiên tên lửa hành trình của Mĩ và liên quân chỉ đánh trụng khoảng 20%, vì Irắc đã có kinh nghiệm phòng tránh.
– Chiến tranh Irắc lần hai (2003) chỉ sau 27 ngày đêm tiến công, Mĩ, Anh đã thực hiện 34.000 phi vụ, phóng hơn 1000 quả tên lửa hành trình các loại, trong đó có hơn 800 quả tên lửa Tomahawk, hơn 14.000 bom đạn có điều khiển chính xác.
Từ những khảo sát thực tế trên, rút ra một số điểm mạnh và yếu của vũ khí công nghệ cao như sau:
– Điểm mạnh: + Độ chính xác cao, uy lực sát thương lớn, tầm hoạt động xa. + Có thể hoạt động trong những vùng nhiễu, thời tiết phức tạp, ngày, đêm, đạt hiệu quả cao hơn hàng chục đến hàng trăm lần so với vũ khí thông thường. + Một số loại vũ khí công nghệ cao được gọi là vũ khí “thông minh” có khả năng nhận biết địa hình và đặc điểm mục tiêu, tự động tìm diệt…
– Điểm yếu: + Thời gian trinh sát, xử lí số liệu để lập trình phương án đánh phá phức tạp, nếu mục tiêu “thay đổi” dễ mất thời cơ đánh phá. + Dựa hoàn toàn vào các phương tiện kĩ thuật, dễ bị đối phương đánh lừa. + Một số loại tên lửa hành trình có tầm bay thấp, tốc độ bay chậm, hướng bay theo quy luật… dễ bị bắn hạ bằng vũ khí thông thường. + Tác chiến cộng nghệ cao không thể kéo dài vì quá tốn kém. Dễ bị đối phương tập kích vào các vị trí triển khai của vũ khí công nghệ cao. + Dễ bị tác động bởi địa hình, thời tiết, khí hậu dẫn đến hiệu quả thực tế khác với lí thuyết.