Đề bài: Viết đoạn văn phân tích 8 câu thơ cuối của bài Kiều ở lầu Ngưng Bích
Viết đoạn văn phân tích 8 câu thơ cuối của bài Kiều ở lầu Ngưng Bích
Bạn đang xem: Viết đoạn văn phân tích 8 câu thơ cuối của bài Kiều ở lầu Ngưng Bích
I. Dàn ý Viết đoạn văn phân tích 8 câu thơ cuối của bài Kiều ở lầu Ngưng Bích (Chuẩn)
1. Mở đoạn
Giới thiệu ngắn gọn về nội dung đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích và 8 câu thơ cuối đoạn trích.
2. Thân đoạn– Phân tích ngắn gọn nội dung, nghệ thuật 8 câu thơ cuối đoạn trích:+ Điệp ngữ “buồn trông” nhấn mạnh nỗi buồn chất chồng trong thế giới nội tâm Thúy Kiều.+ “Cánh buồn” – “cửa bể” gợi ra không gian mênh mông, rợn ngợp của thiên nhiên và gợi tả nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương của Thúy Kiều nơi đất khách”.+ “hoa trôi man mác” gợi ra sự nhỏ bé, nổi trôi, lênh đênh của một kiếp người nhỏ bé trước cuộc đời rộng lớn – nơi tiềm ẩn bao bão tố, sóng gió trực chờ.+ Từ láy “rầu rầu” tô đậm ấn tượng về nỗi cô đơn, đau khổ tuyệt vọng của Thúy Kiều khi bị giam giữ nơi lầu Ngưng Bích.+ “Gió cuốn mặt duềnh”, “tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi” hình ảnh, âm thanh dữ dội của tự nhiên à gợi ra tương lai sóng gió, nhiều biến cố, tai ương của nàng Kiều.
3. Kết đoạn
Đánh giá chung về giá trị nội dung, nghệ thuật của 8 câu thơ
II. Bài văn mẫu Viết đoạn văn phân tích 8 câu thơ cuối của bài Kiều ở lầu Ngưng Bích (Chuẩn)
1. Viết đoạn văn phân tích 8 câu thơ cuối của bài Kiều ở lầu Ngưng Bích, mẫu 1 (Chuẩn)
Kiều ở lầu Ngưng Bích là một trong những đoạn trích thể hiện rõ nhất tâm trạng đau khổ của Thúy Kiều khi bị cuốn vào vòng xoáy nghiệt ngã của số phận. Đặc biệt, trong tám câu thơ cuối của đoạn trích, tác giả Nguyễn Du đã làm nổi bật được nỗi cô đơn cùng nỗi âu lo và dự cảm không lành về tương lai sóng gió của nàng Kiều. Nhà thơ đã rất khéo léo khi sử dụng điệp ngữ “buồn trông” để làm cho âm hưởng câu thơ trở nên lắng đọng, trầm buồn, qua đó gợi ra dòng suy nghĩ miên man, nỗi buồn như giăng kín trong tâm hồn cô đơn, lạc lõng của Kiều. Hình ảnh cánh buồm thấp thoáng giữa không gian rộng lớn gợi ấn tượng về sự lạc lõng, mờ mịt cũng chính như hoàn cảnh của Thúy Kiều đang bơ vơ nơi đất khách. Cánh hoa nổi trôi gợi ấn tượng về số phận chìm nổi, long đong vô định không biết đi đâu, về đâu. Hình ảnh ngọn cỏ, chân mây, mặt đất dường như cũng thấm đượm tâm trạng của con người mà trở nên “dầu dầu”, héo úa, mịt mờ. “Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”, câu thơ kết mở ra âm thanh dữ dội, đó cũng tựa như những sóng gió, tai họa khủng khiếp sắp sửa giáng xuống cuộc đời của nàng Kiều. Qua bút pháp tả cảnh ngụ tình cùng tài năng miêu tả tâm lí xuất sắc, nhà thơ Nguyễn Du đã khắc họa thành công tâm trạng cô đơn, nỗi lo âu, sợ hãi của Thúy Kiều trước tương lai sóng gió.
2. Viết đoạn văn phân tích 8 câu thơ cuối của bài Kiều ở lầu Ngưng Bích, mẫu 2 (Chuẩn)
Bị giam cầm tại lầu Ngưng Bích, Kiều đã nhớ về Kim Trọng, nhớ về gia đình. Thế nhưng sau tất cả nỗi nhớ khắc khoải, da diết hướng đến người thân, Kiều đã quay trở về với thực tại để đối diện với bi kịch của bản thân. Bức tranh nội tâm của nàng được mở ra bằng điệp ngữ “buồn trông”. Hình ảnh cánh buồm đơn độc, trơ trọi nơi cửa bể không chỉ tô đậm cái lạnh lẽo, mênh mông đến rợn ngợp của không gian mà còn thể hiện nỗi nhớ nhà và cảnh đời lưu lạc của nàng Kiều. Hình ảnh cánh hoa mỏng manh, nhỏ bé kia phải chăng giống như cuộc đời của nàng, lênh đênh, vô định không thấy bến bờ. Câu hỏi tu từ “Hoa trôi man mác biết là về đâu?” càng tô đậm nỗi cô đơn, tuyệt vọng và sự bế tắc đến cùng cực của Thúy Kiều. Khung cảnh xung quanh dường như cũng thấu hiểu được nỗi buồn của con người mà trở nên bi thương, sầu muộn “nội cỏ rầu rầu”, chân mây mặt đất rộng lớn là vậy nhưng chỉ có một màu xanh đơn bạc, không chút sự sống. m thanh dữ dội của sóng ngoài tự nhiên như một điềm báo không lành về tương lai sóng gió, trắc trở của nàng “Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”. Tám câu thơ cuối nhà thơ tập trung miêu tả khung cảnh thiên nhiên của lầu Ngưng Bích thế nhưng qua đó lại làm nổi bật lên bức tranh tâm cảnh đầy xót xa, đau đớn của một kiếp bạc mệnh.
3. Viết đoạn văn phân tích 8 câu thơ cuối của bài Kiều ở lầu Ngưng Bích, mẫu 3 (Chuẩn)
Qua bút pháp tả cảnh ngụ tình, đại thi hào Nguyễn Du đã vô cùng xuất sắc khi tái hiện bức tranh tâm trạng đầy phức tạp, đớn đau của Thúy Kiều trong 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích. Điệp ngữ “buồn trông” được tác giả sử dụng thật tinh tế, khéo léo để diễn tả nỗi buồn triền miên, dai dẳng đang bủa vây, xâm chiếm tâm hồn của Thúy Kiều. Giữa không gian mênh mông, rộng lớn của tự nhiên, hình ảnh cánh buồm như ẩn, như hiện nơi cửa bể chiều hôm gợi ra nỗi nhớ quê nhà và làm cho nỗi cô đơn của Thúy Kiều nơi đất khách thêm sâu đậm, khắc khoải. “Hoa trôi man mác” trên mặt nước mênh mông gợi ra sự nhỏ bé, lạc lõng, mất phương hướng của nàng Kiều giữa dòng đời rộng lớn, nơi tiềm ẩn bao bất trắc, tai họa. Hình ảnh hoa trôi còn diễn tả tâm trạng đau khổ, buồn tủi và những dự cảm về tương lai bất định, không biết đi đâu, về đâu của Kiều. Hình ảnh “nội cỏ rầu rầu” và chân mây mặt đất “một màu xanh xanh” càng tô đậm, làm cho khung cảnh trở nên u ám, heo hắt, khung cảnh ấy cũng như như nỗi lòng cô đơn, sự tuyệt vọng nơi Kiều. Hình ảnh “gió cuốn mặt duềnh” và “ầm ầm tiếng sóng” trong câu thơ cuối khắc họa rõ nét mà cũng ám ảnh nhất về những sóng gió, tai ương bất trắc trong tương lai mà Thúy Kiều phải đối mặt. Chỉ với tám câu thơ ngắn gọn, bốn hình ảnh thiên nhiên và bốn điệp ngữ “buồn trông”, tác giả Nguyễn Du đã hoàn thiện bức tranh tâm cảnh đầy phức tạp trong nội tâm Thúy Kiều.
——————-HẾT——————-
Kiều ở lầu Ngưng Bích là đoạn trích thể hiện rõ nét tài năng nghệ thuật cũng như tấm lòng nhân đạo sâu sắc của đại thi hào Nguyễn Du với một kiếp hồng nhan bạc phận. Khám phá thêm những đặc sắc nội dung, nghệ thuật trong đoạn trích, bên cạnh những đoạn văn mẫu trên đây, các em không nên bỏ qua: Phân tích nét đặc sắc nghệ thuật trong 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Cảm nhận về đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích tâm trạng của Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục
Để lại một bình luận