Vật lý 7 bài 11: Độ cao của âm là gì? Âm trầm âm bổng là gì, có tần số như thế nào?. Khi nghe 1 bản nhạc dù chưa học tới khái niệm về nguồn âm và âm các em cũng đã có thể được nghe qua, hoặc tự biết ca sĩ này có âm cao (bổng) hay có âm thấp (trầm). Và về cơ bản thì đa số bạn nam có giọng nói trầm còn bạn nữ sẽ có giọng nói bổng.
Vậy Độ cao của âm có đặc điểm gì? âm trầm âm bổng là gì có tần số như thế nào? chúng ta cùng đi tìm lời giải đáp qua bài viết dưới đây.
I. Dao động nhanh, chậm – Tần số
– Tần số là số dao động trong một giây. Đơn vị tần số là héc (Hz).
– Dao động càng nhanh thì tần số dao động càng lớn.
II. Âm cao (âm bổng), âm thấp (âm trầm)
– Âm phát ra càng cao (càng bổng) khi tần số dao động càng lớn.
– Âm phát ra càng thấp (càng trầm) khi tần số dao động càng nhỏ.
→ Dao động càng nhanh, tần số dao động càng lớn, âm phát ra càng cao (càng bổng).
→ Dao động càng chậm, tần số dao động càng nhỏ, âm phát ra càng thấp (càng trầm).
* Nhận xét:
– Độ cao của âm phụ thuộc vào yếu tố nào? Độ cao của âm phụ thuộc vào tần số dao động của nguồn âm.
– Âm trầm âm bổng khác nhau ở chỗ nào? Âm trầm có tần số dao động (nguồn âm) nhỏ, âm bổng có tần số dao động (nguồn âm) cao.
> Lưu ý:
– Tai người có thể nghe được âm có tần số trong khoảng từ 20Hz đến 20000Hz.
– Những âm có tần số dưới 20Hz gọi là hạ âm. Những âm có tần số lớn hơn 20000Hz gọi là siêu âm.
– Chó và một số động vật khác có thể nghe được âm có tần số thấp hơn 20Hz, cao hơn 20000Hz.
III. Vận dụng
* Câu C5 trang 33 SGK Vật Lý 7: Một vật dao động phát ra âm có tần số 50Hz và một vật khác dao động phát ra âm có tần số 70Hz. Vật nào dao động nhanh hơn? Vật nào phát ra âm thấp hơn?
* Lời giải:
• Theo bài ra, ta thấy:
– Vật dao động có tần số 70Hz sẽ dao động nhanh hơn vật dao động có tần số 50Hz
– Âm phát ra có tần số 70Hz bổng hơn âm phát ra có tần số 50Hz.
* Câu C6 trang 33 SGK Vật Lý 7: Hãy tìm hiểu xem khi vặn cho dây đàn căng nhiều, căng ít thì âm phát ra sẽ cao, thấp thế nào? Và tần số lớn, nhỏ ra sao?
* Lời giải:
• Theo bài ra, ta thấy:
– Dây đàn căng nhiều thì âm phát ra cao (bổng) và tần số âm lớn.
– Dây đàn căng ít thì âm phát ra thấp (trầm) và tần số âm nhỏ.
* Câu C7 trang 33 SGK Vật Lý 7: Cho đĩa trong thí nghiệm ở hình 11.3 quay, em hãy lần lượt chạm góc miếng bìa vào một hàng lỗ ở gần vành đĩa và vào một hàng lỗ ở gần tâm đĩa. Trong trường hợp nào âm phát ra cao hơn? Hãy giải thích?
* Lời giải:
– Khi đĩa quay đều, nếu chạm miếng bìa 1 vào hàng lỗ ở gần vành đĩa thì âm phát ra cao hơn khi chạm bìa vào hàng lỗ ở gần tâm đĩa.
– Giải thích: Kết quả này có được là do vận tốc của các lỗ ở gần vành đĩa lớn hơn vận tốc của các lỗ ở gần tâm đĩa nên số lần va chạm của lỗ với miếng bìa trong 1 giây (tức là tần số âm phát ra) khi chạm bìa với hàng lỗ ở gần vành đĩa lớn hơn tần số âm của miếng bìa chạm vào hàng lỗ ở gần tâm đĩa.
Như vậy, với bài viết này các em cần nhớ một số ý chính sau:
– Số dao động trong một giấy gọi là tần số, đơn vị tần số là héc (ký hiệu: Hz).
– Âm phát ra càng cao (càng bổng) khi tần số dao động càng lớn.
– Âm phát ra càng thấp (càng trầm) khi tần số dao động càng nhỏ.
Hy vọng với bài viết về độ cao của âm ở trên các em đã biết thế nào là âm trầm, âm bổng và tần số của các âm này như thế nào. Mọi góp ý và thắc mắc các em hãy để lại đánh giá dưới bài viết để thầy cô trường THPT Sóc Trăng ghi nhận và hỗ trợ, chúc các em học tốt.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục