Đề bài: Hình ảnh thiên nhiên trong hai bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng giêng
Hình ảnh thiên nhiên trong hai bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng giêng
Bạn đang xem: Hình ảnh thiên nhiên trong hai bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng giêng
I. Dàn ý Hình ảnh thiên nhiên trong hai bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng giêng (Chuẩn)
1. Mở bài
· Hồ Chí Minh là một nhà thơ yêu thiên nhiên.· Hai bài thơ mà người sáng tác ở chiến khu Việt Bắc: Cảnh khuya và Rằm tháng giêng đã thể hiện hình ảnh thiên nhiên thơ mộng.
2. Thân bài
a. Hình ảnh thiên nhiên trong bài Cảnh khuya:· Âm thanh: tiếng suối trong trẻo.· Hình ảnh: trăng, cây cổ thụ, hoa…· Vẻ đẹp: Cảnh như vẽ, hữu tình (điệp từ “lồng”)· Con người: Thao thức vì việc nước.=> Vừa hài hòa với thiên nhiên, vừa nổi bật cao đẹp…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Hình ảnh thiên nhiên trong hai bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng giêng tại đây.
II. Bài văn mẫu Hình ảnh thiên nhiên trong hai bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng giêng (Chuẩn)
Bác Hồ là nhà cách mạng lớn, một con người có nhân cách vĩ đại, và Người còn là một nhà thơ tài hoa, có lòng yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp. Ở chiến khu Việt Bắc, trong những năm kháng chiến chống Pháp, Người có nhiều bài thơ tứ tuyệt đặc sắc, trong đó có bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng giêng đã khắc họa lên bức tranh đêm trăng tuyệt đẹp ở chiến khu, đặc tả nét đẹp thiên nhiên tuyệt vời qua ngòi bút thơ đặc sắc.
Cả hai bài thơ trên đều được sáng tác trong một thời kỳ gian khổ của đất nước, thế nhưng ý thơ thật đẹp. Đặc biệt là bài thơ Cảnh khuya, viết trong một đêm trăn trở vì việc nước:
Tiếng suối trong như tiếng hát xaTrăng lồng cổ thụ bóng lồng hoaCảnh khuya như vẽ, người chưa ngủChưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Cảnh thiên nhiên được cảm nhận bằng nhiều giác quan, mà đầu tiên là những âm thanh trong trẻo của tiếng suối khuya. Âm thanh tiếng suối vang lên trong đêm thật êm đềm như một “tiếng hát xa”. Thủ pháp so sánh giản dị mà thật đắt. Nhà thơ đã ví von một âm thanh của thiên nhiên với một âm thanh vút cao của tiếng hát hay trong đêm khuya. Thật là độc đáo và giàu cảm xúc. Rồi từ âm thanh đó, bức tranh thiên nhiên mở ra với hình ảnh “Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”. Nào trăng vằng vặc soi xuống cổ thụ, rồi bóng cổ thụ lại âu yếm bao trùm lên những bông hoa nhỏ. Điệp từ “lồng” khiến cho ta cảm nhận được sự hữu tình, quấn quýt của phong cảnh thiên nhiên. Đây chính là nét đặc sắc trong bài thơ, thiên nhiên không vô tri vô giác mà tràn đầy cảm xúc. Thơ Bác vốn mang vẻ đẹp cổ điển, nhưng cũng có nét đẹp hiện đại như thế. Vì bức tranh thiên nhiên đẹp quá, nên nhà thơ phải thốt lên “Cảnh khuya như vẽ”. Thiên nhiên đã khắc tạc nên từng nét đẹp tinh tế, còn thi sĩ thì đem nét đẹp ấy vào trong thơ, thể hiện một tâm hồn thanh cao, ung dung. Thế nhưng, thi sĩ không hẳn đang đắm mình vào cảnh đẹp mà quên đi giấc ngủ. Sự lý giải bất ngờ mang lại cho người đọc sự kính phục: “Không ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Như vậy, ta có thể thấy, hình tượng con người vừa hài hòa trong thiên nhiên, lại vừa nổi bật lên thật cao cả…
Cũng từ mạch cảm xúc viết về thiên nhiên của Bác trong kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Hồ Chí Minh còn có bài thơ Rằm tháng giêng rất đặc sắc:
Rằm xuân lồng lộng trăng soiSông xuân, nước lẫn màu trời thêm xuânGiữa dòng bàn bạc việc quânKhuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Bức tranh đêm xuân thật là nên thơ với các chi tiết tả phong cảnh: trăng lấp lánh ánh vàng, sông dạt dào sóng nước và con thuyền trôi nhẹ nhàng trên dòng chảy êm đềm. Tất cả những chi tiết tưởng chừng quen thuộc ấy lại trở nên mới mẻ bởi điệp từ “xuân”. Dòng sông chan chứa màu xuân, nước lấp lánh ánh xuân, và xuân nối đến bao la tận bầu trời khoáng đạt. Chỉ một chữ thôi mà cả bài thơ hữu tình, đẹp mùa xuân rung động lòng người. Đêm rằm của tháng giêng vừa trong sáng, vừa đẹp sâu lắng qua ngòi bút của Bác Hồ. Và con người xuất hiện cũng rất hài hòa trong cảnh vật, giữa mùa xuân đẹp, nhà thơ cũng là nhà cách mạng cùng những người đồng chí “bàn bạc việc quân”. Dù bận bịu việc nước, thi sĩ vẫn không quên thưởng thức thiên nhiên tuyệt đẹp. Trên đường về, trời khuya, có thêm một người bạn đồng hành cùng Bác, đó là “trăng ngân đầy thuyền”. Con thuyền chở đầy ánh trăng trôi nhẹ trên sông, như ru lòng người vào niềm say mê cảnh đẹp đêm rằm… Nhà thơ quả thật vừa là nhà quân sự, vừa là nghệ sĩ yêu thiên nhiên thiết tha.
Hai bài thơ trong nguyên tác đều thuộc thể thơ tứ tuyệt. Điều này tạo nên tính hàm súc, cổ điển cho chúng. Về nội dung đề tài, ta thấy cả hai bài đều viết về trăng rất đẹp, rất hay, cho thấy tác giả là người yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước.
Đặt trong mối quan hệ so sánh, bài thơ Cảnh khuya có những điểm khác nhau với bài Rằm tháng giêng. Ở bài Cảnh khuya, ta thấy đó là bức tranh đẹp trong rừng khuya, lời thơ bộc lộ sự lo âu, trăn trở của tác giả về việc nước. Còn tác phẩm Rằm tháng giêng thì khắc họa một cảnh trăng trên sông trong mùa xuân nhiều cảm xúc. Tâm thế của nhà thơ thể hiện được niềm tin tưởng, thanh thản vô cùng.
Đọc các tác phẩm thơ của Bác, nhất là hai bài trên đây, ta có thể cảm nhận sự cô đọng hàm súc, giàu cảm xúc, sự tinh tế trong miêu tả. Đồng thời, thơ Bác cũng bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn của Người, đó là niềm yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước sâu sắc. Thế hệ trẻ hôm nay, khi đọc thơ Bác thì thêm yêu mến, khâm phục các thế hệ cha anh đi trước, yêu quê hương ta và những đêm trăng dịu hiền…
——————HẾT——————-
Tìm hiểu chi tiết về hai bài thơ, bên cạnh bài Hình ảnh thiên nhiên trong hai bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng giêng, các em có thể tham khảo thêm: Hình ảnh thiên nhiên trong hai bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng giêng của Hồ Chí Minh.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục