Trùng tang là hiện tượng gây bất an cho hàng ngàn, hàng vạn gia đình lâu nay, mỗi khi gia đình có tang, nhất là sau những cái tang bất thình lình do tai nạn, bệnh tật hiểm nghèo… Đây không còn là khái niệm xa lạ đối với mỗi người dân Việt Nam, người Việt có một ý niệm lâu đời với khái niệm này. Vậy trùng tang là gì? Góc nhìn khoa học về trùng tang như thế nào? Hãy tìm hiểu câu trả lời ngay trong bài viết sau đây nhé!
Trùng tang là gì?
Trùng tang là như thế nào? Đây chính là hiện tượng mà trong gia đình có người thân vừa mất sau đó lại xảy ra liên tiếp những cái chết của người thân khác trong một khoảng thời gian ngắn. Thời gian này thường là sau 3 ngày an táng cho người mất trước hoặc trong vòng 49 ngày hay chưa hết xả tang thì lại có người qua đời.
Trùng tang là gì?
Hiện nay, có không ít người cho rằng hiện tượng trùng tang này là một hiện tượng bí ẩn, khó lý giải và gia đình nào không may mắc phải hiện tượng này thì phải cậy nhờ thế giới tâm linh để hóa giải.
Trùng tang liên táng là gì?
Hiện tượng trùng tang liên táng được xem là khá nghiêm trọng bởi gia đình có người mất liên tiếp nhau, tang trùng tang. Liên táng ở đây có nghĩa chôn liên hoàn, liên tiếp. Thời gian thường xảy ra nhanh vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng lại có người chết, nhẹ thì có thể là vài người nhưng cũng không ít trường hợp nhiều người trong họ chết theo…
Trùng tang có thật không? Góc nhìn khoa học về trùng tang
Theo quan niệm Phật giáo
Theo quan niệm Phật giáo thì không có hiện tượng trùng tang. Tinh thần của đạo Phật luôn cho rằng việc sinh, tử hoàn toàn do nghiệp đã tạo ra ở kiếp trước. Đối với những bậc Thánh nhân đã đắc đạo, sớm thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi thì đã tự tại với việc sinh tử. Còn với con người là những bậc phàm phu tục tử thì vẫn còn phải chịu kiếp luân hồi và sinh hay tử là hai hiện tượng bình thường trong tiến trình luân hồi đó.
Dưới góc nhìn khoa học
Theo các nhà khoa học thì hiện tượng trùng tang chỉ là một hiện tượng mang tính ngẫu nhiên. Nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng, hiện tượng trùng tang tương tự như một loài vật sống ký sinh trên xác người chết phạm vào giờ trùng. Đó chính là một trường năng lượng xấu tồn tại cùng với trường năng lượng của người chết phạm trùng.
Theo ý kiến của các nhà khoa học thì “Vì trong mối quan hệ này không có sự tiếp xúc xác thịt trực tiếp giữa hài cốt người chết và tần số của trùng nên tất yếu phải có phần sóng vô hình của đôi bên tham gia vào. Đó có thể là một hiện tượng cộng hưởng sóng mang tính chất huyết thống, dòng họ. Do tần số đôi bên khác nhau nhiều, nên theo lý thuyết về nhạc, loại cộng hưởng này mang tên cộng hưởng Harmonic (tần số này là bội số của tần số kia). Đó là cơ chế cộng hưởng Harmonic hình thái huyết thống”. Chính vì thế cũng có thể lý giải được hiện tượng trùng tang chỉ xuất hiện ở những người cùng huyết thống với người chết còn con dâu, con rể trong nhà thì không bị ảnh hưởng. (Theo vietnamnet.vn).
Giải mã trùng tang
Quan niệm dân gian ám ảnh con người
Theo quan niệm dân gian, hiện tượng trùng tang là hiện tượng một gia đình có người nhà chết đúng vào các giờ trùng, rơi vào kiếp sát (Dần, Thân, Tỵ, Hợi), sau đó lần lượt những người thân của người đó cũng chết theo cho đến khi số người chết đủ 3, 5, 7 hoặc 9 người.
Chẳng hạn một gia đình chia sẻ như sau: Gia đình họ có người anh trai chết đúng vào giờ Dần, ngày Dần, chưa qua 49 ngày thì mẹ mất. Một năm sau cậu em út cũng tử vong do tai nạn. Gia đình khiếp sợ và đi xem bói thì họ bảo là bị “trùng tang”.
Dân gian cũng cho rằng nguồn cơn của thảm họa này là do “âm binh” nổi loạn, vì vậy cách duy nhất để hóa giải là phải nhốt “trùng” (nhốt vong). Người ta đồn đoán chùa Hàm Long (Thuận Thành, Bắc Ninh) là nơi nhốt trùng lớn nhất cả nước (!). Và mỗi gia đình khi gửi vong đến đây sẽ được phát bùa để đeo trong vòng ba năm nhằm tránh họa. Thực tế, hầu hết những gia đình có người mới mất đều đi xem vong, và đeo hoặc dán các loại bùa chú này ở nhà.
Sự trùng hợp tạo sự hoảng sợ
Theo quan điểm của ngành thống kê học, trùng tang chỉ đơn giản là sự trùng hợp mang tính ngẫu nhiên. Sự trùng hợp giữa các sự biến ngẫu nhiên xảy ra thường xuyên hơn sự hình dung của người bình thường như chúng ta.
Bách khoa thư các hiện tượng dị thường, xuất bản năm 1996 tại Mỹ, trong mục Trùng hợp nhấn mạnh: “Sự trùng hợp xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Chúng khiến chúng ta vui sướng, bối rối và sửng sốt. Chúng gây phiền nhiễu và tạo sự hoảng sợ… Chúng có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta; nơi chúng ta làm việc; người chúng ta chung sống; và nhiều đặc trưng cơ bản của cuộc sống hàng ngày có vẻ dựa trên sự trùng hợp”.
Vậy bản chất của sự trùng hợp là gì? Đó là luật số lớn trong lý thuyết xác suất và thống kê. Định luật này phát biểu đơn giản như sau: Với một mẫu xét đủ lớn, bất kỳ hiện tượng kỳ lạ nào cũng có thể xảy ra.
Năm 1953, nhà toán học Littlewood cho rằng, một hiện tượng được xem là hiếm gặp đến mức gây ngạc nhiên khi có xác suất 1/1.000.000 (một trên một triệu). Chẳng hạn trúng xổ số giải độc đắc khi quay với 6 số chính là một hiện tượng đáng ngạc nhiên, vì có xác suất đúng bằng như vậy. Tuy nhiên nếu xổ số được quay hàng ngày, với dân số gần 90 triệu người như nước ta hiện nay, hiện tượng được xem là hiếm gặp đến mức gây ngạc nhiên đó cũng xảy ra 90 lần một ngày, tức hơn 30.000 lần một năm trên toàn cõi Việt Nam. Ngay cả khi nó chỉ xảy ra hàng tháng, kết quả cũng là 1.000 lần một năm. Còn với 7 tỷ người trên toàn hành tinh, cái sự kiện “hiếm gặp” đó sẽ xảy ra như cơm bữa!
Với các hiện tượng hiếm gặp hơn nữa thì sao? Chẳng hạn một người đàn bà người Mỹ đã hai lần trúng số đặc biệt tại New Jersey trong vòng bốn tháng. Nếu mỗi lần người thắng chỉ mua một vé, xác suất của sự biến đó chỉ là 1 trên 17 ngàn tỷ. Vậy tại sao nó đã xảy ra?
Câu trả lời vẫn là luật số lớn. Với một người, xác suất chỉ là 1 trên 17 ngàn tỷ. Nhưng với 300 triệu người Mỹ trong vòng 120 ngày, xác suất trúng số độc đắc kép chỉ là 1 trên 30, một con số khá lớn để có thể xảy ra không ít lần trong cuộc sống.
Với các hiện tượng trùng hợp khác, sự xuất hiện còn thường xuyên hơn nữa. Chúng ta cần bao nhiêu người để hai trong số đó có ngày sinh trùng nhau? Một năm có 365 ngày, nên chúng ta có thể nghĩ tới con số 366 người. Tuy nhiên tạp chí Người Mỹ khoa học đã tính toán và đưa ra câu trả lời là 23 người. Chúng ta có thể rất ngạc nhiên, nhưng các phép tính cho thấy, chỉ 23 người là đủ để xác suất của sự trùng hợp đó lớn hơn 0,5 – một con số đảm bảo nó sẽ xảy ra hơn là không xảy ra. Và sự trùng hợp về thời tiết giữa hai ngày kế tiếp nhau (tiên đoán “thời tiết ngày mai giống hôm nay”) có xác suất lớn đến mức, nó xảy ra 70 trong 100 lần dự báo, tức có xác suất 0,7 – một con số rất lớn về mặt thống kê.
Quay trở lại sự trùng tang, người viết không đưa ra xác suất chính xác của sự trùng hợp giữa ngày và giờ “sát” theo quan niện dân gian. Nhưng với dân số cả nước lên tới gần 90 triệu người, với khoảng thời gian dài tới 1.000 ngày (gần 3 năm), theo luật số lớn, chắc chắn nó là con số lớn đến mức, sự “trùng tang” xảy ra nhiều đến mức đủ làm khiếp sợ không ít gia đình. Tuy nhiên xin hãy bình tĩnh, đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi.
Quan trọng là tâm lý thoải mái
Có thể có thực tế là những gia đình sau khi người thân mất, nếu tổ chức cầu cúng sẽ tránh được sự trùng tang?
Sự cầu cúng chỉ là yếu tố tâm lý. Nhờ các hoạt động cầu cúng (như nhốt “vong”) mà những người đang hoảng sợ sẽ tĩnh tâm trở lại, khiến họ bình tĩnh hơn trong mọi tình huống. Và cũng một phần do tâm hồn đã thư thái trở lại, tâm lý thoải mái, diễn tiến của các căn bệnh có thể gây tử vong cũng sẽ tốt hơn. Theo kiến thức về y khoa tùy theo mặt bệnh mà yếu tố tâm lý có thể ảnh hưởng từ 9 đến 40% tổng số người bệnh. Y học cho rằng niềm tin có thể giúp con người khỏe mạnh hơn về thể chất và tinh thần là vì vậy…
Tuy nhiên, niềm tin phổ biến “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên hiểu theo quan điểm đúng đắn của môn tâm lý học hiện đại, chứ không phải theo các quan điểm siêu hình từ hàng ngàn năm trước, khi hiểu biết của con người còn rất sơ khai, mông muội.
Hiểu biết một cách đúng đắn dưới góc độ khoa học sẽ chiến thắng được nỗi sợ hão huyền về “trùng tang”. Và đó là cách tốt nhất để có tâm lý thoải mái đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống “vô thường”.
Bảng tính trùng tang – Cách tính trùng tang theo quan niệm cổ nhân
Có 2 cách để tình trùng tang như sau:
Cách tính thứ nhất:
Trùng tang có thể là thời gian lúc mất, trùng năm (như người tuổi Dần mất năm Dần), trùng ngày (như người tuổi Sửu mất ngày Sửu), trùng giờ (như người tuổi Ngọ mất giờ Ngọ).
Cách tính thứ hai:
Là tính trùng tang theo cách lập bảng sau dễ nhớ và theo 4 bước:
- Bước 1: Đầu tiên tính tuổi chết theo chẵn chục (10, 20…) khi hết tuổi chẵn tính tiếp các tuổi lẻ theo thứ tự 1,2,3…đến tuổi mất, tính đến đâu thì ghi lại cung đó.
- Bước 2: Sau đó tính tiếp đến tháng chết vào cung ngay sau cung tính năm, khởi từ tháng Giêng, ghi lại cung đó.
- Bước 3: Tính tiếp đến ngày chết vào cung ngay sau cung tính tháng khởi từ ngày mùng 1, ghi lại cung đó.
- Bước 4: Sau cùng đến giờ chết vào cung ngay sau cung tính ngày khởi từ Tý, ghi lại cung đó. Chú ý giờ âm lịch chỉ chia một ngày ra 12 giờ: Tý (23-01 giờ), Sửu (01-03 giờ)… Hợi (21-23 giờ).
Sau khi tính xong thì đưa ra kết luận.
Nếu căn cứ vào phép tính Trùng tang như trên thì cả nam và nữ những người chết mà có tuổi âm lịch (bằng năm dương lịch hiện tại – năm sinh theo dương lịch + 1) bằng: 10, 13, 16, 19, 22, 25, 28, 31, 34, 37, 40, 43, 46, 49, 52, 55, 58, 61, 64, 67, 70, 73, 76, 79, 82, 85, 88, 91… sẽ rơi vào trùng tang. Từ đó quy nạp ngược lại theo hệ Can Chi thì những người có tuổi: Tý, Ngọ, Mão, Dậu nếu chết vào một trong các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thì rơi vào trùng tang hoặc: Dần, Thân, Tỵ, Hợi nếu chết vào một trong các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi thì rơi vào trùng tang hoặc Thìn, Tuất, Sửu, Mùi nếu chết vào một trong các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi có nghĩa là sẽ bị trùng tang.