Đề bài: Thuyết minh về cây hoa đào
Bạn đang xem: Thuyết minh về cây hoa đào
Bài văn mẫu Thuyết minh về cây hoa đào
I. Dàn ý Thuyết minh về cây hoa đào
1. Mở bài
– Giới thiệu về cây hoa đào: Là loài cây đặc trưng và không thể thiếu trong ngày tết của miền Bắc Việt Nam.
2. Thân bài:
– Giới thiệu chung về cây hoa đào (đặc trưng như thế nào? Là biểu tượng cho mùa xuân, …)- Nguồn gốc của cây hoa đào:+ Được biết đến là có nguồn gốc từ Ba Tư cổ nhưng cũng có thể xuất phát từ Trung Quốc+ Là một loài cây thân gỗ, có hoa và quả+ Sự tích về cây hoa đào: Được dùng như một loài cây để xua đuổi tà ma
– Đặc điểm và hình dáng của cây hoa đào:+ Là một loài cây thân gỗ, ưa phát triển vào mùa xuân miền nhiệt đới+ Một cây hoa đào bao gồm thân gỗ, lá, hoa và quả.
– Phân loại đào: Người ta có nhiều cách phân loại đào khác nhau:+ Đào bích và đào phai+ Đào cánh đơn và cánh kép+ Ngoài ra còn có loại đào đặc biệt là đào cánh trắng.
– Công dụng của cây hoa đào:+ Cây hoa đào có tác dụng làm đẹp, trưng bày trong ngày tết.+ Hoa đào có tác dụng làm đẹp
– Cách thức gieo trồng và chăm sóc cây hoa đào:+ Thường được gieo trồng bằng cành cây.+ Đào sẽ ra hoa vào những tháng giáp Tết, chính vì vậy trước tết tầm hai tháng, người thợ vườn đào sẽ chăm sóc để hoa đào ra đúng dịp tết âm lịch.+ Đào là loài cây ưa sự ấm áp pha chút lạnh.
– Ý nghĩa của cây hoa đào:+ Là một loài cây không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán hằng năm của dân tộc.+ Mang niềm vui, may mắn cũng như tài lộc vào nhà.
3. Kết bài
– Khẳng định lại ý nghĩa của cây hoa đào- Cây hoa đào là biểu trưng không thể thiếu của dân tộc ta.
II. Bài văn mẫu Thuyết minh về cây hoa đào
1. Thuyết minh về cây hoa đào, mẫu số 1:
Mỗi mùa xuân đến người người nhà nhà lại nô nức, tụ họp đón xuân sang, cũng chẳng biết từ bao giờ thú chơi hoa ngày Tết lại trở thành một thói quen của người dân ta. Ai cũng định bụng sắm cho mình một chậu hoa xinh, bảo là cho có không khí của ngày xuân, cũng phải, mùa xuân thì hoa nở, cứ có hoa là thấy mùa xuân đến. Trong số muôn ngàn loài hoa tươi đẹp ấy, thì người miền Nam vẫn ưng chọn hoa mai, còn người miền Bắc thì lại dành trọn sự yêu thích với hoa đào. Đào đã đi vào đời sống, ngấm vào máu thịt của nhân dân ta tự thuở nào không biết nữa, chỉ nhớ rằng trong ca dao đào cũng vương lại bóng “Rằng đây thu cúc, xuân đào/Mơ xe mận lại gió chào trăng thu”. Trong thơ ca Việt Nam cũng không ít nghệ sĩ đã đưa hoa đào vào làm biểu tượng của mùa xuân, ví như Nguyễn Bính trầm tư, ngẫm ngợi với “Hôm nay còn xuân, mai còn xuân/Một cánh đào rơi nhớ cố nhân”- (Xuân tha hương) hay một Vũ Đình Liên ngậm ngùi, tiếc nuối với “Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua”- (Ông đồ).
Đào là loại cây thân gỗ nhỏ, có tên khoa học là Prunus Persica Rosaceae, thuộc học Hoa hồng (Rosaceae). Nhiều nguồn tin cậy cho rằng đào có xuất xứ từ Trung Quốc, rồi theo con đường tơ lụa có mặt ở Ba Tư (Iran) vào khoảng thế kỷ II trước Công nguyên. Về phân loại dựa theo tính chất dính giữa hạt và cùi thì có hai loại là “hột dính” và “hột rời”, theo màu sắc thịt quả thì loại quả cùi thịt vàng có sự cân bằng giữa vị chua và vị ngọt, còn loại quả cùi thịt trắng thì lượng đường rất cao, ăn ngọt đậm. Ngoài ra còn có loại đào lông và đào trơn, đào lông là do gen trội quy định, còn đào trơn thì do gen lặn quy định, chính vì vậy đôi khi ta có thể thấy hiện tượng gốc đào lông nhưng lại mọc ra loại quả trơn nhẵn, mượt mà, nhưng mùi vị quả thì không thay đổi. Đào chủ yếu phân bố ở một số nơi có khí hậu lạnh lẽo, ôn hòa như Nhật Bản, phổ biến nhất ở Trung Quốc, mọc nhiều ở miền Bắc Việt Nam, và nó cũng có mặt ở một số các nước Trung Á, Đông Á, và một số các quốc gia Châu Âu và Bắc Mỹ. Ở Việt Nam ta và Trung Quốc đến tầm mùa đông khoảng tháng 10 trở đi là mùa đào chín, nhân dân ta thường quen thuộc với loại đào có thịt trắng, vị ngọt thanh, còn các quốc gia ở bên kia đại dương lại thích giống đào có màu vàng cam, vị chua chua ngọt ngọt, thường dùng làm một món nước giải khát bổ dưỡng. Ở nước ta hiện nay dù đào không phổ biến, nhưng cũng có đầy đủ các giống đào kể trên.
Những bài văn Thuyết minh về cây hoa đào hay nhất
Vì đặc điểm sinh học, đào là loài cây thân gỗ nhỡ, tùy thuộc vào giống mà có thể cao từ khoảng 3 đến 10 mét, sống lâu năm, sinh trưởng phát triển khá chậm. Lá có hình mũi mác, bề mặt lá trơn nhẵn, mặt dưới thì hơi thô, mép lá có hình răng cưa nhỏ. Phiến lá dài từ 5-15cm, bề rộng từ 1-3cm tùy giống. Cây trưởng thành lá có màu lục đậm, lá non thì mỏng và có màu xanh nõn, thông thường cây sẽ tự rụng lá vào mùa đông, để chuẩn bị ra hoa vào mùa xuân. Thân cây đào thường ít khi mọc thẳng, càng già gốc cây càng trở nên sần sùi và cong queo, tán cây khá rộng. Qủa đào là loại quả hạch, ăn ngọt, hai bên quả có rãnh dọc, thông thường khi quả chín thì ngả sang màu hồng đào, nhìn rất ngon mắt. Ở miền Bắc nước ta đào là một thứ trái cây khá được ưa chuộng. Hoa đào là bộ phận đáng chú ý nhất của cây, được cao là phần làm nên những giá trị của đào ở nhiều phương diện. Hoa đào có màu hồng phớt, gồm 5 cánh như hoa mai, nhị hoa nhiều và có màu hồng tía. Đào là cây ra ít trái, nhưng lại rất nhiều hoa, đặc biệt là giống đào chủ cho ra hoa để chơi xuân thì lại càng nhiều, một cành, một thân như vậy phải có tới trăm ngàn bông. Đặc biệt nở là nở cùng một lượt, thế nên những cây đào lớn khi nhìn xa xa chẳng khác nào một cây bông màu hồng. Không chỉ cảnh hoa nở đẹp mà cảnh hoa rơi cũng là một phong cảnh hữu tình hiếm thấy, những cánh hoa hồng dịu, từ từ theo gió đáp xuống mặt đất tựa như tuyết, khiến người ta không khỏi bồi hồi xao xuyến ngỡ như đứng trong mộng. Ở Việt Nam ta hoa đào rất được ưa chuộng trong các dịp tết, các gốc đào này thường cao dưới 2 mét, được chăm sóc rất kỹ càng, tạo hình và cắt tỉa cẩn thận, gần tết nghệ nhân trồng đào sẽ có kỹ thuật “ép” và kích giúp đào ra hoa đúng dịp tết. Hoa đào trưng tết dù cây nhỏ, thế nhưng hoa và nụ cực kỳ nhiều, nở ra rất đẹp, mang cảm giác xuân sắc vô cùng. Đấy gọi là đào bích – đào chuyên để chơi xuân.
Ở nước ta hiện nay đào có hai công dụng chính là trồng để thu hoạch quả, và một bộ phận khác được trồng làm cây cảnh phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán của dân tộc. Về quả đào ngoài việc ăn trực tiếp, thì cũng được dùng trong công nghệ chế biến thực phẩm, là nguyên liệu đầu vào của các loại nước giải khát, bánh, mứt,…
Trong văn hóa đào là loại cây có nhiều ý nghĩa biểu tượng. Nếu ai đã từng có tuổi thơ say mê bộ phim Tây Du Ký kinh điển của Trung Quốc, chắc cũng ấn tượng với cảnh Tôn Ngộ Không ăn trộm đào của Tây Vương Mẫu, bởi tương truyền rằng thứ đào này có liên quan mật thiết đến tuổi thọ của con người, ai ăn vào một miếng thì có thể trường sinh bất lão. Như vậy ở Trung Quốc đào được xem là thứ quả tượng trưng cho sự trường thọ. Còn hoa đào tuy không được nhắc đến phổ biến như quả, nhưng với người Trung Quốc nó cũng có những ý nghĩa gần tương tự hoa mai, biểu trưng cho sự thanh khiết cao quý của con người. Không chỉ vậy với những đặc tính ngon ngọt, thanh khiết khi mới nếm thử và vẻ ngoài hấp dẫn, mơn mởn nên “đào” ở Trung Quốc cũng như Việt Nam thường được ví với người con gái trẻ đẹp, xuân sắc. Ở nước ta có một thời gian dài “đào” được coi là từ dùng để ám chỉ các cô gái làng chơi, chuyên mua vui cho khác bằng việc ca hát. Hiện nay tuy đã hiếm người gọi, nhưng trong một số trường hợp, người ta vẫn dùng từ này để ám chỉ kiểu phụ nữ không đứng đắn. Trong văn hóa Việt Nam, người ta coi trọng ý nghĩa của hoa đào hơn quả đào, đặc biệt là nhân dân miền Bắc. Hoa đào, khác với quả đào, thường được dùng để ẩn dụ vẻ trẻ trung, yếu đuối, xinh đẹp của các cô gái trong thành ngữ “liễu yếu đào tơ”. Trong dịp Tết hoa đào trở thành biểu tượng của mùa xuân, tượng trưng cho sự sung túc, sum họp đoàn viên, và sự rực rỡ tươi sáng của cả một năm mới. Có thể nói rằng nhân dân miền Nam trân trọng hoa mai như thế nào thì người miền Bắc cũng đối với đào y như thế.
Không chỉ trong đời sống thường ngày đào còn là một văn, thi liệu quen thuộc của các tác giả. Thi Phật Vương Duy từng viết những lời thơ đầy cảm thán về vẻ đẹp của hoa đào trong Đào nguyên hành rằng “Xuân lai biến thị đào hoa thuỷ/Bất biện tiên nguyên hà xứ tầm. Nguyễn Trãi cũng không tiếc lời ca tụng trong Đào hoa thi: “Một đoá đào yêu khéo tốt tươi /Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười”, hay Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có đôi lời trong bài vịnh đào của mình rằng: “Tiên thụ thuỳ tương quán lý tài?/Hảo xuân nhất độ hảo hoa khai”. Và sau đó trong thơ Mới cũng có một số nhà thơ mượn hoa đào làm mùa xuân ví như Vũ Đình Liên khi xót xa cho ông đồ già, hay Nguyễn Bính trong lúc chạnh lòng nhớ quê. Có thể thấy một điểm chung nhất giữa các tác giả ấy là luôn đặt hoa đào trong khung cảnh mùa xuân, mùa xuân với hoa đào đã trở thành hai hình tượng gắn bó, không chia lìa đặc trưng của văn học phương Đông ta.
Đào, hoa đào là một loài cây, một loài hoa đẹp, xứng đáng nhận được những lời tán dương trân trọng, cũng như sự yêu mến của những người yêu hoa, chơi hoa và dịp Tết. Bởi đào không chỉ mang đến giá trị kinh tế, mà ẩn chứa bên trong đó còn là những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt ta, là biểu tượng đặc trưng của cả một nền văn hóa phương Đông vốn phong phú, đa dạng.
——————-HẾT BÀI 1————————-
Để có thêm kiến thức phong phú về những loài hoa đồng thời củng cố kĩ năng viết văn thuyết minh, bên cạnh bài thuyết minh về cây hoa đào, các em không nên bỏ qua những bài văn thuyết minh đặc sắc khác như: Thuyết minh về hoa đồng tiền, Thuyết minh về hoa sen, Thuyết minh về hoa cúc, Thuyết minh về cây hoa mai.
2. Thuyết minh về cây hoa đào, mẫu số 2:
Cứ mỗi độ tết đến xuân về, nhà nhà lại sắm sửa đồ dùng để đón tết. Nào là bánh chưng, bánh tét, nào kẹo, mứt, hạt dưa, … để đón năm mới về. Và không thể thiếu ở trong mỗi gia đình là những bông hoa tươi, những cành đào thắm, những đóa mai vàng để không khí xuân sang thêm rực rỡ. Trong đó, ở miền Bắc, những cây hoa đào là loài cây được ưa chuộng nhất mỗi độ xuân về.
Nếu như người Nam Bộ ưa dùng nhành mai vàng thì ở miền Bắc, người ta lại ưa dùng những cành đào hồng. Cùng với quất và mai, cây hoa đào là một trong những loài hoa được sử dụng nhiều nhất mỗi dịp tết. Đào được cho rằng có nguồn gốc từ Ba Tư hoặc Trung Quốc. Nhưng điều này khó ai có thể biết rõ được bởi cây đào đã được người dân Việt truyền tay nhau trồng nên từ biết bao đời nay. Vậy tại sao cây hoa đào lại là loài cây được người dân ưu ái, ưa dùng nhất mỗi khi dịp tết? Bởi vì hoa đào thường nở đúng dịp tết. Tuy thời gian nở hoa ngắn, nhưng lại mang một vẻ đẹp mà các loài hoa khác không thể có được. Còn theo truyền thuyết trong dân gian kể lại rằng, khi xưa, trên núi Sóc Sơn, có một vị thần cai quản nhân gian, giúp dân trồng trọt, trừ yêu. Nhưng ngày tết, vị thần này phải lên trời để dự tiệc bàn đào. Điều này khiến cho dân chúng cảm thấy lo sợ. Vậy nên, thần đã bẻ một nhành cây mọc trên núi, rồi đưa cho người dân để trong nhà để xua đuổi tà ma. Sau đó, nhành cây này được mọi người chia nhau nhân giống rộng khắp nơi. Từ đó mà hình thành nên cây hoa đào cũng như truyền thống chơi đào của người dân khi tết về.
Cây hoa đào là một loài cây thân gỗ, thẳng đứng, sống lâu năm, thuộc họ hoa hồng. Thân cây cao khoảng từ một tới ba mét tùy thuộc vào môi trường sống cũng như quá trình chăm sóc mà cây có thể cao thấp tùy theo yêu cầu của người trồng cây. Thân đào có màu nâu, trơn bóng. Các cành cây thì mảnh dẻ tỏa ra bốn hướng. Trên mỗi cành cây là lá đào mọc thành chùm, tầm ba đến bốn lá. Lá đào thon dài, độ khoảng mười lăm centimet. Không như hoa mai miền Nam ưa cái nắng nóng, hoa đào lại ưa cái thời tiết se se lạnh bốn mùa của miền Bắc. Chính vì vậy, đào thường trổ hoa vào những ngày giáp tết, khi cái lạnh còn chưa qua hết và cái ấm vùa mới sang . Hoa đào màu hồng nhưng cũng có giống đào màu trắng. Hoa có năm cánh, hình tròn, xếp khít thành một vòng. Nhụy hoa màu vàng và có cuống hình ống. Hoa đào thành nụ trong cái rét nên chỉ chờ khi tiết trời ấm áp để bung nở, vừa đúng dịp xuân về. Khi đào kết quả thì có dạng tròn, thường được bao phủ một lớp lông tơ mịn bên ngoài, vị ngọt và khá giòn.
Thuyết minh về cây hoa đào lớp 9
Cây hoa đào trông vậy nhưng nếu thật tinh mắt thì mới thấy, đào được phân ra thành nhiều loại khác nhau. Nếu dựa theo màu sắc của cánh hoa, ta có đào bích và đào phai. Đào bích là loại đào có hoa màu hồng đậm, thường được trồng ở các vùng giáp với Hà Nội, còn đào phai là loại đào có cánh màu hồng nhạt. Đào phai chính là loại đào được người ta ưa chuộng nhất, cũng là loại đào được trồng trong cung vua ngày xưa. Người ta biết đến những vườn đào Nhật Tân nổi tiếng, những vườn đào rộng bát ngát bãi bồi sông Hồng chính là nơi trồng loại đào phai này bởi đào phai chỉ có thể trồng ở đất kinh kì Hà Nội. Ngoài ra, người ta còn phân loại đào theo số lượng cánh hoa thành đào đơn và đào kép. Nhưng giống đào đặc biệt nhất phải kể ra là loại đào trắng chỉ có ở Sapa. Đào trắng thân thấp, hoa trắng có năm cánh, ưa cái lạnh giá buốt của Sapa. Người sành chơi đào nếu muốn có phải lặn lội săn tìm loài đào tận những khu rừng ở Sapa để mang về chơi dịp tết.
Bởi vì hoa đào thường được bày trong ngày tết nhưng vào độ một tháng trước tết, chúng ta có thể thấy đào được bày bán khắp mọi nơi. Những bông hoa đào cứ chen nhau tỏa hương sắc làm rực rỡ cả một góc của chợ hoa. Người chơi đào có khi chơi cả chậu, có khi lại chỉ chơi một cành đào phải nhỏ. Nhưng thấy đào, người ta dường như thấy cả tết, thấy cả một mùa xuân đầy may mắn về. Vậy nên, ai đi xa mà trở về quê hương, người ta thường chọn một cành đào để mang về. Đó là món quà xa quê, món quà của lòng mong mỏi được trở về sum họp với gia đình. Vậy nên cây hoa đào không chỉ để trưng bày dịp tết, có giá trị về mặt thẩm mĩ, mà nó còn có tác dụng làm đẹp cho con người. Từ xưa, những người phụ nữ đã truyền nhau cách làm đẹp từ những cánh hoa đào này, đặc biệt là dùng để chăm sóc da.
Để có một cành đào đẹp trưng trong ngày tết thì trước đó cả tháng, người trồng đào đã bắt đầu ươm mầm, chăm bẵm cho cây. Những cây đào được ươm sẵn thành những cây cao khoảng một mét. Cách khoảng một tháng trước tết, đào được người trồng chăm sóc kĩ cho ra nụ hoa và uốn theo thế có sẵn, mà thường là thế rồng phượng uốn lượn, … Vì cây đào ưa đất thịt, đất bùn, ưa không gian thoáng rộng và thường ra nụ trong dịp gió lạnh nên người trồng đào phải canh gió, canh lạnh cho cây. Đến khi nụ đào nở he hé, người trồng đào phải giữ nụ bằng kinh nghiệm và kĩ thuật của mình để canh cho đào nở đúng dịp tết. Đào ta ưa cái lạnh âm ẩm chứ không phải là rét buốt như đào của đất Sapa. Chờ tới khi gió xuân ấm về, cả vườn đào chợt bung tỏa hồng rực thì đó cũng là lúc tết đã về.
Cũng như bánh chưng, hoa đào đã trở thành nét đặc trưng không thể thiếu của không khí tết miền Bắc. Đó là loài cây báo hiệu mùa xuân về. Người ta quan niệm rằng nếu có một cành đào trong nhà ngày đầu năm thì năm đó, gia chủ sẽ đón tài lộc và may mắn cả năm. Bởi vậy, đào còn là sự may mắn, sự phúc lộc.
Dịp tết là lúc những người con trở về nhà cũng là lúc để những người xa quê hương tưởng nhớ lại quê hương. Trở về nhà với cành đào trên tay, tức là đã mang tết về nhà, mang tình thân về sum họp. Hoa đào muôn đời nay vẫn là biểu tượng của mùa xuân, của may mắn và hạnh phúc. Và nó sẽ luôn luôn là như vậy.
———————HẾT——————-
Để có thể hoàn thành tốt bất cứ đề bài thuyết minh nào được giao, bên cạnh dạng bài Thuyết minh về một loài hoa, các em không nên bỏ qua những bài văn thuyết minh lớp 8 đặc sắc khác như: Thuyết minh một danh lam thắng cảnh, Thuyết minh về một đồ dùng học tập, Thuyết minh về một giống vật nuôi, Thuyết minh về một món ăn.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục