Đề bài: Thuyết minh một lễ hội ngày xuân – Lễ hội đền Trần
Thuyết minh một lễ hội ngày xuân – Lễ hội đền Trần
Bạn đang xem: Thuyết minh một lễ hội ngày xuân – Lễ hội đền Trần
I. Dàn ý Thuyết minh một lễ hội ngày xuân – Lễ hội đền Trần
1. Mở bài
– Giới thiệu khái quát về lễ hội đền Trần – lễ hội ngày xuân đặc sắc
2. Thân bài
a. Nguồn gốc lịch sử của lễ hội– Lễ hội đền Trần gồm lễ khai ấn và lễ hội lớn.- Lễ hội đền Trần ngày xuân được nhiều người biết đến cùng với Lễ hội khai ấn đền Trần, được tổ chức với mục đích tri ân các vị vua Trần.- Nguồn gốc ra đời của lễ hội đền Trần gắn liền với lịch sử của đền Trần:+ Đền Trần ở đường Trần Thừa, thành phố Nam Định, là nơi thờ các vị vua Trần cùng các quan lại phò tá nhà Trần.+ Đền được xây dựng năm 1695, có 3 công trình kiến trúc chính gồm: đền Thiên Trường (đền Thượng), đền Cố Trạch (đền Hạ) và đền Trùng Hoa.- Lễ khai ấn đền Trần đầu tiên được tổ chức vào năm năm 1239. Những năm chống giặc Nguyên Mông, lễ khai ấn bị gián đoạn tới năm 1262 mới được mở lại.- Nhân dân duy trì nhiều năm, đến nay lễ khai ấn Đền Trần vẫn được duy trì, phát triển. Lễ khai ấn được cố định tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm, lúc 11 giờ đêm ngày 14 đến 1 giờ sáng ngày 15.=> Khai ấn vào thời điểm này mang ý nghĩa như tín hiệu đánh dấu kết thúc những ngày tết cổ truyền dân tộc, nhắc nhở nhân dân tiếp tục công cuộc lao động sản xuất.- Ngoài ra, lễ hội đền Trần còn có cả lễ hội lớn được mở vào 15 đến 20 tháng 8 âm lịch hằng năm với nghi thức lễ rước từ các đền xung quanh về dâng hương và tề tựu ở đền Thiên Trường và Cố Trạch.
b. Nghi lễ diễn ra trong lễ hội– Tại đền Cố Trạch, thế hệ lão ông, lão bà khoác lên mình áo dài khăn xếp cùng dân làng tề tựu đông đủ để tham dự lễ tế thánh rồi dự lễ khai ấn.+ Đúng giờ Tý (khoảng 23 giờ – 1 giờ đêm), buổi lễ bắt đầu. Đoàn người rước hòm ấn tiến sang đền Thiên Trường. Họ dâng hương tế cáo trời đất tại bàn thờ Trung thiên, rồi rước ấn vào nội cung, đặt ấn tại ban công đồng làm lễ xin khai ấn.+ Người bồi tế đặt 1 loại giấy dân gian của Việt Nam lên trước tế chính. Giấy sau khi xin dấu son được chia phát cho những người có mặt trong buổi lễ, đem về treo trong nhà để lấy may và xua đuổi rủi ro, tà ám.
– Sáng ngày 15 tháng Giêng, dân làng sẽ tổ chức rước nước.+ Dân làng xin hương rồi nghênh kiệu, làm lễ, tiến ra bờ sông Hồng+ Tại bến Hữu Bị dừng kiệu, chèo thuyền ra giữa sông, múc nước trong vào bình sẵn rồi rước theo đường cũ về đền. Nước trong bình sau đó sẽ được múc ra các bát đặt lên bàn thờ để tiến hành tế nước. Tế xong thì đưa cho con cháu họ Trần uống ghi nhớ cội nguồn tổ tiên.- Đến ngày 16 buổi sáng, lễ tế cá sẽ diễn ra tại đền Thiên Trường.- Bên cạnh đó cũng có rất nhiều trò chơi dân gian đặc sắc. Không khí náo nhiệt, vui tươi, ngập tràn màu sắc và hơi thở truyền thống dân tộc.
c. Ý nghĩa của lễ hội trong văn hóa Việt– Lễ hội đền Trần không chỉ mang giá trị vật thể mà còn có giá trị tinh thần vô cùng sâu sắc.- Lễ hội là một nét đẹp văn hóa độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước.
3. Kết bài
– Khẳng định lại ý nghĩa và giá trị văn hóa của lễ hội đền Trần
II. Bài văn mẫu Thuyết minh một lễ hội ngày xuân – Lễ hội đền Trần
Từ bao đời nay, lễ hội đã trở thành một điểm tựa tinh thần, ghi lại những nét đẹp của phong tục truyền thống Việt Nam. Xuân về, trăm hoa đua nở, hòa chung trong bầu không khí căng tràn sức sống là sự xuất hiện của nhiều lễ hội. Nhắc tới lễ hội ngày xuân, không thể không nhắc lễ hội đền Trần – một trong những lễ hội nổi tiếng của dân tộc Việt Nam.
Lễ hội đền Trần gồm lễ khai ấn và lễ hội lớn. Lễ hội đền Trần ngày xuân được nhiều người biết đến cùng với Lễ hội khai ấn đền Trần, là một trong những lễ hội được tổ chức với mục đích tri ân các vị vua Trần. Nguồn gốc ra đời của lễ hội đền Trần gắn liền với lịch sử của đền Trần. Đền Trần tọa lạc ở đường Trần Thừa, thành phố Nam Định, là nơi thờ các vị vua Trần cùng các quan lại phò tá nhà Trần. Đền Trần được xây dựng năm 1965 trên nền Thái Miếu cũ, tuy nhiên đền đã bị phá hủy bởi giặc Minh vào thế kỉ XV. Đền Trần có 3 công trình kiến trúc chính gồm: đền Thiên Trường (đền Thượng), đền Cố Trạch (đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Đến năm 1705, đền chính thức gọi là Trần Miếu (miếu nhà Trần).
Lễ khai ấn đền Trần đầu tiên được tổ chức vào năm năm 1239. Đây là nghi lễ triều đại nhà Trần thực hiện tế tiên tổ. Những năm chống giặc Nguyên Mông, nhà Trần thực hiện kế sách “vườn không nhà trống” nên rút toàn bộ quân về Thiên Trường, lễ khai ấn bị gián đoạn tới năm 1262 mới được mở lại. Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm lịch sử, ấn cũ của triều Trần bị thất lạc. Mãi đến năm 1822, vua Minh Mạng ghé thăm Thiên Trường biết được, cho khắc lại ấn. Ấn cũ khắc “Trần triều chi bảo”, ấn mới khắc “Trần triều điển cố” ngụ ý nhắc lại tích cũ, dưới đó có thêm câu “Tích phúc vô cương”.
Nhân dân duy trì nhiều năm, đến nay lễ khai ấn Đền Trần vẫn được duy trì, phát triển. Lễ khai ấn được cố định tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm, lúc 11 giờ đêm ngày 14 đến 1 giờ sáng ngày 15. Khai ấn vào thời điểm này mang ý nghĩa như tín hiệu đánh dấu kết thúc những ngày tết cổ truyền dân tộc, nhắc nhở nhân dân tiếp tục công cuộc lao động sản xuất. Ngoài ra, lễ hội đền Trần còn có cả lễ hội lớn được mở vào 15 đến 20 tháng 8 âm lịch hằng năm với nghi thức lễ rước từ các đền xung quanh về dâng hương và tề tựu ở đền Thiên Trường và Cố Trạch.
Nghi lễ trong lễ hội đền Trần rất thú vị. Trước tiên, nói về nghi lễ khai ấn, các bậc bô lão truyền lại rằng vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, đúng rằm tháng giêng, trước sân đền Thượng tổ chức nghi lễ Khai ấn với sự tham gia của bảy làng: Vọc, Lốc, Hậu Bồi, Bảo Lộc, Kênh, Bái, Tức Mặc. Tại đền Cố Trạch, thế hệ lão ông, lão bà khoác lên mình áo dài khăn xếp cùng dân làng tề tựu đông đủ để tham dự lễ tế thánh rồi dự lễ khai ấn. Hòm ấn được đặt trang trọng trên bàn thờ, bên trong có 2 con dấu bằng đồng. Phía trên mặt ẩn nhỏ có hai chữ “Trần Miếu”, còn trên mặt ấn lớn có chữ “Trần triều tự điển tích phúc vô cương”.
Đến đúng giờ Tý (khoảng 23 giờ – 1 giờ đêm), tiếng pháo vang lên báo hiệu buổi lễ bắt đầu. Một cụ già cao tuổi sẽ đứng lên thay mắt dân làng làm lễ, xin rước ấn lên kiệu. Đoàn người rước hòm ấn theo nhịp trống chiêng cùng đèn nến sáng lung linh tiến sang đền Thiên Trường tiếp tục làm lễ. Trước tiên là lễ dâng hương lên bàn thờ Trung Thiên sau đó rước ấn và làm lễ xin khai ấn. Người bồi tế đặt 1 loại giấy dân gian của Việt Nam lên trước tế chính, chiêng trống nổi lên. Chủ tế trịnh trọng đóng ấn mực đỏ vào tờ giấy, cạnh đó ghi rõ ngày, tháng, năm, viết làm sao tính đúng đến cuối phải là chữ sinh. Giấy có dấu son được chia phát cho những người có mặt trong buổi lễ, đem về treo trong nhà để lấy may và xua đuổi rủi ro, tà ám.
Sang tới sáng ngày 15 tháng Giêng, dân làng sẽ tổ chức rước nước. Trước khi bắt đầu, người tế chính vào lễ xin 1 nén hương ở bát hương tổ và 14 nén hương ở các bát hương Hoàng đế. Sau đó cắm vào bát nhang công đồng trên kiệu 8 chân. Cả đoàn rước lễ phục trang nghiêm, nghênh kiệu ra cổng đền, rồi dừng lại làm lễ tế trời đất sau đó mới tiếp tục ra bến sông Hồng.
Tại bến Hữu Bị cách đền khoảng 3km, kiệu dừng lại. Người dân gióng trống khua thuyền đã trang trí cờ hoa ra giữa sông, người tế chính múc nước trong vào bình sẵn. Khi nước đầy bình thì được rước kiệu về theo đường cũ. Nước trong bình sẽ được cho vào các bát và đặt lên bàn thờ làm lễ tế nước. Tế xong thì đưa cho con cháu họ Trần uống ghi nhớ cội nguồn tổ tiên. Đến ngày 16 buổi sáng, lễ tế cá sẽ diễn ra tại đền Thiên Trường. Cá quả, cá chép ứng với hai vị tổ họ Trần là Trần Kinh và Trần Lý được đựng trong thúng sơn đỏ. Làm lễ tế xong thì rước thả ra sông Hồng. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như chọi gà, đấu vật, múa lân, chơi cờ thẻ, đi cầu kiều, hát văn,… Không khí náo nhiệt, vui tươi, ngập tràn màu sắc và hơi thở truyền thống dân tộc.
Cũng giống như những lễ hội khác của dân tộc, lễ hội đền Trần không chỉ mang giá trị vật thể mà còn có giá trị tinh thần vô cùng sâu sắc. Nó là chứng nhân lịch sử hào hùng của dân tộc đồng thời cũng là nơi ghi dấu công lao, gửi gắm lòng tri ân thành kính của bao thế hệ người Việt với thế hệ đi trước. Hiện nay, lễ hội đền Trần còn trở thành một nét đẹp văn hóa độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước. Mỗi năm vào đầu xuân, đền Trần đón tiếp hàng nghìn du khách thập phương về dự đêm khai ấn, bày tỏ lòng thành kính biết ơn và cầu mong những điều tốt đẹp.
Lễ hội đền Trần từ đó đã trở thành một hoạt động văn hóa mang tính nhân văn sâu sắc. Góp phần thể hiện truyền thống yêu nước và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của nhân dân ta. Không chỉ là một lễ hội ngày xuân nổi tiếng, Lễ hội Đền Trần còn là niềm tự hào của người con Nam Định và cả dân tộc Việt Nam.
——————————-HẾT———————————
Trên đây là bài Thuyết minh một lễ hội ngày xuân – Lễ hội đền Trần, để mở rộng kiến thức về những lễ hội truyền thống đặc trưng của Việt Nam, các em tìm hiểu thêm những bài văn hay lớp 9 khác như: Thuyết minh về một lễ hội truyền thống dân tộc, Thuyết minh về một lễ hội truyền thống ở tỉnh Cao Bằng, Thuyết minh về lễ hội đua voi ở Tây Nguyên, Thuyết minh về lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục