Đề bài: Phân tích bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá của Đỗ Phủ
Phân tích bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá
Bạn đang xem: Phân tích bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá
I. Dàn ý Phân tích bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu khái quát về tác giả và tác phẩm+ Tác giả Đỗ Phủ: Là một trong hai nhà thơ vĩ đại nhất của lịch sử văn học Trung Quốc (cùng với Lý Bạch); vừa làm quan vừa làm thơ+ Tác phẩm “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá”: Chính là hiện thực cho hoàn cảnh, số phận cũng như cuộc đời của Đỗ Phủ cùng gia đình ông.
2. Thân bài
– Phân tích cảnh ngôi nhà bị gió thu tàn phá:+ Khung cảnh ngôi nhà trước trận gió: Gió giật thổi bay mái tranh,…+ Tâm trạng của tác giả: Lo lắng và bất lực…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá tại đây.
II. Bài văn mẫu Phân tích bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá (Chuẩn)
Đỗ Phủ không chỉ là nhà thơ nổi tiếng thời Đường mà ông còn là một trong hai nhà thơ vĩ đại nhất của lịch sử văn học Trung Quốc (cùng với Lý Bạch), vừa làm quan vừa làm thơ, với 1500 bài thơ để lại đã phần nào phản ánh cuộc đời của ông. Trong đó bài thơ “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” chính là hiện thực cho hoàn cảnh, số phận cũng như cuộc đời của Đỗ Phủ cùng gia đình ông, qua bài thơ, người đọc được cảm nhận nỗi thống khổ, bất hạnh của tác giả đồng thời thấy được tấm lòng thiên lương cao cả của Đỗ Phủ.
“Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” là một bài thơ nổi tiếng của Đỗ Phủ, ra đời vào năm 760, cùng năm đó Đỗ Phủ được bạn bè và người thân giúp đỡ dựng một mái nhà tranh bên cạnh khe Cán Hoa ở phía tây kinh thành. Mới ở trong căn nhà tranh được mấy tháng thì trận gió mùa thu kéo đến đã phá nát ngôi nhà của tác giả.
“Tháng tám, thu cao, gió thét già,Cuộn mất ba lớp tranh nhà ta…”
Tiết trời tháng tám vào thu với những cơn gió gào thét “thét già” từng cơn cuồn cuộn kéo đến với mây giông mù mịt sầm trời, cơn gió ấy đã “nhẹ nhàng” cuộn đi từng lớp mái căn nhà tranh của Đỗ Phủ, căn nhà nhỏ với vài tấm tranh mà gió đến đã mang đi mất 3 lớp, đem ra “rải khắp bờ”, “treo tót ngọn rừng xa” và “quay lộn vào mương sa”. Thật trớ trêu khi cơn gió đã cuốn theo những mảnh tranh đi xa, mỗi nơi mỗi ngả, khiến cho tác giả nhìn mà xót xa, lo lắng, nhà đã nghèo nay lại thêm phần rách nát. Trớ trêu thay, lũ trẻ con còn cướp mất những mảnh tranh rồi cười nhạo trước mặt nhà thơ:
“Trẻ con thôn nam khinh ta già không sức,…Quay về, chống gậy lòng ấm ức !”
Những đứa trẻ khinh tác giả tuổi già sức yếu không thể đuổi theo nên đã xô tới cướp giật, cắp những mảnh tranh “đi tuốt vào lũy tre”, mặc kệ cho nhà thơ đang “Môi khô miệng cháy gào chẳng được”, nhìn chúng cướp giật tranh nhà ngay trước mặt mà bất lực không làm gì được tác giả chỉ đành chống gậy quay về lòng đầy ấm ức. Có thể thấy thời buổi loạn lạc khiến cho những đứa trẻ thơ cũng trở nên suy đồi đạo đức, tác giả không chỉ bất lực về hoàn cảnh của riêng mình mà bất lực cho cả hoàn cảnh của xã hội, đất nước. Khi gió đã lặng là lúc mây giông và mưa kéo đến, cơn mưa trong đêm mùa thu khiến cho trời tối đen như mực, lúc này cả gia đình tác giả phải đương đầu với mưa lạnh, giá rét. Mền vải lâu năm đã mòn rách “lạnh tựa sắt”, tấm nằm lót cũng nát tướp vì con đạp, nhà tranh tốc mái dột chẳng chừa chỗ nào trong khi trời vẫn mưa không dứt. Vừa mưa vừa lạnh giá buốt khiến cho con người khó có giấc ngủ, đó chính là sự thiếu thốn đến bần cùng về vật chất trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, không chỉ riêng nhà của Đỗ Phủ mà còn rất nhiều những gia đình khác trong xã hội Trung Quốc thời bấy giờ. Xuất phát từ chính nỗi khổ của mình và gia đình mình, cảm thông cho nỗi khổ chung của dân chúng, Đỗ Phủ đã nói lên ước nguyện của mình:
“Ước được nhà rộng muôn ngàn gian,Che khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo đều hân hoan”
Ước nguyện của tác giả đơn sơ và vĩ đại, cao cả, căn nhà “rộng muôn ngàn gian” không phải cho riêng ông mà là cho khắp mọi người trong thiên hạ. Ông đã đặt nỗi khổ của mọi người lên trên nỗi khổ của mình, chỉ cần có nhà ấy cho dân chúng ở, ông cam chịu “Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được !”. Điều đó đã cho thấy tấm lòng nhân ái, tình thương dân của Đỗ Phủ thật bao la rộng lớn, vĩ đại và cao cả đến nhường nào.
Bằng thể thơ cổ thể với việc sắp xếp các trình tự sự việc trong thơ một cách hợp lí, tuần tự cùng với việc kết hợp các phương thức biểu đạt miêu tả, biểu cảm, tự sự trong bài thơ, nhà thơ Đỗ Phủ đã kể về nỗi khổ của chính mình trong hoàn cảnh căn nhà tranh bị gió thu phá nát. Bài thơ “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” không chỉ mang giá trị hiện thực về xã hội Trung Quốc đương thời mà còn có giá trị nhân đạo nằm trong chính ước nguyện và tấm lòng cao thượng của nhà thơ.
—————HẾT————-
Để thấy được tấm lòng nhân ái của nhà thơ Đỗ Phủ dành cho những con người nghèo khổ, bất hạnh, các em không nên bỏ qua: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá, Giá trị hiện thực và nhân đạo trong bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá, Tấm lòng nhân ái của nhà thơ Đỗ Phủ trong Bài ca nhà tranh bị gió thu phá, Phân tích 5 câu thơ cuối bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục