Thị Mầu được biết đến là nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng “Quan Âm Thị Kính”.
Nội dung tác phẩm Quan âm Thị Kính
Ban đầu, “Quan Âm Thị Kính” được cho là tác phẩm khuyết danh, nhưng về sau lại có đến 2 giai thoại về 2 tác giả. Theo đó, nhà nghiên cứu Hoa Bằng cho rằng “Quan Âm Thị Kính” là tác phẩm của Nguyễn Cấp – một nhà văn sống vào nửa đầu thế kỷ 19.
Theo Gia phả họ Đỗ ở Bắc Ninh do Dương Xuân Thự cung cấp, thì truyện thơ “Quan Âm Thị Kính” do Đỗ Trọng Dư (1786 – 1868) sáng tác.
Gia phả ghi chép lại, ông Đỗ Trọng Dư là người xã Đại Mão, huyện Siêu Loại, xứ Kinh Bắc; nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Sau khi bị bãi quan về quê, chán nản với thế sự, Đỗ Trọng Cư soạn “Quan Âm Thị Kính” để tỏ nỗi lòng.
Năm 1876, con ông là cử nhân Đỗ Trọng Vĩ chép lại, đến năm 1948, thì tác phẩm (bản bằng chữ Quốc ngữ) được in ra (trên bản in đề rõ là của Đỗ Trọng Dư).
Đến nay vẫn tồn tại hai giai thoại này về tác giả của “Quan Âm Thị Kính”. Trong văn học và sân khấu, “Quan Âm Thị Kính” là tác phẩm được yêu thích, có sức sống trường tồn, được chuyển thể nhiều lần qua nhiều thế hệ, sức ảnh hưởng chỉ sau “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.
Ở sân khấu chèo, cảnh “Thị Mầu lên chùa” luôn nằm trong danh sách những trích đoạn kinh điển nhất mọi thời, cũng như “Quan Âm Thị Kính” luôn là niềm cảm hứng bất tận cho các kịch bản cải biên.
Nhân vật Thị Mầu trong tác phẩm “Quan Âm Thị Kính” là con gái của phú ông giàu có trong làng, tính tình lẳng lơ. Một ngày, Thị Mầu đi lễ chùa, gặp sư Kính Tâm thì đem lòng yêu. Tình yêu không được đền đáp càng khiến Thị Mầu say mê. Vốn thói lẳng lơ, Thị Mầu có thai với đầy tớ trong nhà. Bị phạt vạ, Thị Mầu liền vu cho Kính Tâm. Sau này khi sinh con, Thị Mầu đã mang con bỏ lại ở cổng chùa.
Thị Kính (sư Kính Tâm) và Thị Mầu chính là 2 tuyến nhân vật đối trọng làm nên sự kinh điển cho tác phẩm.
Nếu Thị Kính là biểu tượng cho sự cam chịu, nhẫn nhịn, Thị Mầu chính là sự bứt phá, nổi loạn, vùng vẫy khỏi mọi định kiến kiểm tỏa của xã hội.
“Oan Thị Kính” là nỗi oan của người phải gánh biết bao cay đắng, cơ cực từ người đời dù không hề phạm tội. “Oan Thị Mầu” là cách nói ẩn dụ về những người có lỗi nhưng vẫn kêu oan, vẫn la làng.
Sau bao cay đắng chịu oan, Thị Kính nuôi con của Thị Mầu đến năm 3 tuổi thì mất. Lúc này, mọi nỗi oan của Thị Kính mới được thấu tỏ. Đức Thích Ca xét Kính Tâm đã tu thành chính quả, bèn cho siêu thăng làm Quan Âm, tục gọi Quan Âm Thị Kính.
Thị Kính là hình ảnh biểu tượng của chính diện, trong khi, Thị Mầu là “đào lẳng”, là phản diện trong quan niệm dân gian.
Nhiều năm về sau, khi “Quan Âm Thị Kính” được chuyển thể trên nhiều loại hình sân khấu, được đánh giá, nhìn nhận lại giá trị nhân sinh, nhân vật Thị Mầu cũng được nhiều nhà nghiên cứu, phê bình nhìn nhận lại.
Trong đó, Thị Mầu cũng có nét đáng thương của người phụ nữ dám yêu, dám nổi loạn giữa xã hội phong kiến kìm kẹp.
Thị Mầu, hay Thiện Sĩ (người chồng của Thị Kính) đã xuất hiện trong đời để giúp Kính Tâm đối diện với gian nan, thử thách mà thành chính quả. Nhờ có sự hiểu lầm của Thiện Sĩ, nhờ có sự vu vạ của Thị Mầu, Kính Tâm mới thể hiện được sự nhẫn nại, nhân văn, bao dung trong mình, để vượt qua hết những kiếp nạn ở trần gian.
Nếu không có Thiện Sĩ, không có Thị Mầu gây oan trái, Thị Kính sẽ mãi mãi chỉ là người phụ nữ bình thường, sống cuộc đời như bao người.
Bởi vậy, Thị Mầu giống như phép ẩn dụ trong câu đúc kết nhân sinh, ở đời- mỗi người chúng ta gặp đều là những người cần phải gặp.
Mỗi cuộc gặp gỡ trong đời đều có giá trị riêng, mỗi người chúng ta gặp đều có lý do, họ có thể mang tới hạnh phúc, có thể mang tới cay đắng, có thể mang tới bài học… Tất cả, đều là những điều chúng ta cần có ở cuộc đời này.