Quyền trẻ em là gì?
Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn. Quyền trẻ em nhằm đảm bảo cho trẻ em không chỉ là người tiếp nhận thụ động lòng nhân từ của người lớn, mà các em là những thành viên Tham gia tích cực vào quá trình phát triển của chính mình.
Quyền trẻ em là một bộ phận không thể thiếu của quyền con người.
Công ước Quốc tế về quyền trẻ em là Luật quốc tế để bảo vệ quyền trẻ em, bao gồm 54 điều khoản. Công ước đề ra các quyền cơ bản của con người mà trẻ em trên toàn thế giới đều được hưởng, và được Liên hợp quốc thông qua năm 1989. Hầu hết tất cả các các nước trên thế giới đồng tình và phê chuẩn Công ước Quốc tế về quyền trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20 tháng 2 năm 1990. Và đối với Việt Nam, những người có độ tuổi dưới 16 tuổi được coi là trẻ em.
Trẻ em là gì?
Công ước quốc về quyền trẻ em năm 1989 quy định : Trẻ em là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi, trừ khi pháp luật quốc gia thành viên quy định tuổi thành niên sớm hơn. Theo quy định tại điều 1 luật trẻ em năm 2016 sửa đổi bổ sung năm 2018 quy định: Trẻ em là người dưới 16 tuổi.
Mỗi trẻ em là một con ngườ với các đặc điểm riêng về mặt tâm và sinh lý, các đặc điểm và khả năng của trẻ em khác nhau theo từng độ tuổi và sự trưởng thành. Năng lực của trẻ em được hình thành thay đổi do sự phát triển, trẻ em có quyền được sống trưởng thành và khỏe mạnh trong tình yêu thương của gia đình và cộng đồng,
Các quyền cơ bản của trẻ em
Quyền trẻ em bao gồm 9 nhóm quyền cơ bản như sau:
Quyền được khai sinh và có quốc tịch
Mọi trẻ em khi sinh ra đều có quyền được khai sinh. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Giấy khai sinh có giá trị toàn cầu. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân sau này mà có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh.
Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng
Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức. Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con; tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội, theo đó:
– Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
– Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường và các tổ chức xã hội trong việc giáo dục con.
– Cha mẹ hướng dẫn con chọn nghề; tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động xã hội của con.
– Khi con gặp khó khăn không thể tự giải quyết được, cha mẹ có thể đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện việc giáo dục con.
– Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
– Cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra.
Cha mẹ Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Quyền được sống chung với cha mẹ
Trẻ em có quyền sống chung với cha mẹ. Không ai có quyền buộc trẻ em phải cách ly cha mẹ, trừ trường hợp vì lợi ích của trẻ em. Các trường hợp trẻ em buộc phải cách ly cha mẹ được pháp luật quy định, gồm:
– Cha và mẹ đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù.
– Cha mẹ bị Tòa án quyết định hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyết định không cho cha mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
– Trẻ em bị quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục…
Khi phải sống cách ly cha mẹ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng của trẻ em được bảo đảm như sau:
– Trong trường hợp, cha và mẹ đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù, thì trẻ em phải sống cách ly cha, mẹ và được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tổ chức chính trị – xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế, trừ trẻ em dưới ba mươi sáu tháng tuổi.
– Trong trường hợp bị Tòa án quyết định hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên, thì trong thời gian thi hành quyết định của Tòa án, trẻ em được giúp đỡ, bảo vệ lợi ích; Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con, thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự.
– Trong các trường hợp này, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức việc chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế cho trẻ em phải sống cách ly cha mẹ theo các hình thức giao cho người thân thích của trẻ em, giao cho gia đình thay thế hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em tại địa phương để chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế.
– Cơ quan có chức năng bảo vệ và chăm sóc trẻ em các cấp có trách nhiệm xác minh điều kiện, hoàn cảnh sống, khả năng kinh tế của người thân thích, gia đình thay thế, cơ sở trợ giúp trẻ em để đề xuất người chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế đối với trẻ em phải sống cách ly cha mẹ; liên hệ và thực hiện quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế; thường xuyên kiểm tra điều kiện sống của trẻ em phải sống cách ly cha mẹ sau khi giao cho người chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế.
– Trong thời gian trẻ em ở trường giáo dưỡng hoặc cơ sở cai nghiện, cha mẹ, người giám hộ của trẻ em này có trách nhiệm thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ; trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện phải tạo điều kiện để trẻ em giữ mối liên hệ với gia đình, gia đình thay thế; Ủy ban nhân dân, các cơ quan, đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội cấp xã, nơi có trẻ em vào trường giáo dưỡng hoặc cơ sở cai nghiện, có biện pháp cụ thể để giúp đỡ trẻ em tiến bộ và tái hòa nhập gia đình, cộng đồng khi trở về.
Quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể nhân phẩm và danh dự
Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn cho trẻ em. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Quyền được chăm sóc sức khỏe
Trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ. Trẻ em dưới sáu tuổi được chăm sóc sức khoẻ ban đầu, được khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập.
Quyền được học tập
Trẻ em có quyền được học tập, đối với bậc tiểu học trẻ em không phải đóng học phí, theo đó:
– Giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở là các cấp học phổ cập. Gia đình, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập; học hết chương trình giáo dục phổ cập; tạo điều kiện cho trẻ em theo học ở trình độ cao hơn.
– Nhà trường và các cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm thực hiện giáo dục toàn diện về đạo đức, tri thức, thẩm mỹ, thể chất, giáo dục lao động hướng nghiệp cho trẻ em; chủ động phối hợp chặt chẽ với gia đình và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
– Cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông phải có điều kiện cần thiết về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để bảo đảm chất lượng giáo dục.
– Nhà nước có chính sách phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng, trợ cấp xã hội để thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục.
Quyền được vui chơi giải trí hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch
Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí lành mạnh, được hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi, theo đó:
– Gia đình, nhà trường và xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện để trẻ em được vui chơi, giải trí, hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi.
– Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quy hoạch, đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em thuộc phạm vi địa phương. Không được sử dụng cơ sở vật chất dành cho việc học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của trẻ em vào mục đích khác làm ảnh hưởng đến lợi ích của trẻ em.
– Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ trẻ em vui chơi, giải trí.
– Xuất bản phẩm, đồ chơi, chương trình phát thanh, truyền hình, nghệ thuật, điện ảnh nếu có nội dung không phù hợp với trẻ em thì phải thông báo hoặc ghi rõ trẻ em ở lứa tuổi nào không được sử dụng.
Quyền được phát triển năng khiếu
Trẻ em có quyền được phát triển năng khiếu. Mọi năng khiếu của trẻ em đều được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, theo đó:
– Gia đình, nhà trường và xã hội có trách nhiệm phát hiện, khuyến khích, bồi dưỡng, phát triển năng khiếu của trẻ em.
– Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia bồi dưỡng, phát triển năng khiếu của trẻ em; tạo điều kiện cho nhà văn hoá thiếu nhi, nhà trường và tổ chức, cá nhân thực hiện việc bồi dưỡng, phát triển năng khiếu của trẻ em.
Quyền có tài sản
Trẻ em có quyền có tài sản, quyền thừa kế theo quy định của pháp luật. Tài sản riêng của trẻ em bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của trẻ em, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của trẻ em và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của trẻ em cũng là tài sản riêng của trẻ em. Cha mẹ có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo quản lý, bảo vệ, định đoạt tài sản riêng của trẻ em và đảm bảo quyền dân sự của trẻ em về tài sản, theo đó:
– Cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em; đại diện cho trẻ em trong các giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật.
– Cha mẹ, người giám hộ hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan phải giữ gìn, quản lý tài sản của trẻ em và giao lại cho trẻ em theo quy định của pháp luật.
– Trường hợp trẻ em gây ra thiệt hại cho người khác thì cha mẹ, người giám hộ phải bồi thường thiệt hại do hành vi của trẻ em đó gây ra theo quy định.
Các văn bản pháp lý quan trọng về bảo vệ quyền trẻ em
– Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em thông qua năm 1989, được Việt Nam phê chuẩn ngày 20/02 năm 1990
– Nghị định thư không bắt buộc bổ sung Công ước quyền trẻ em về trẻ em tham gia vũ trang 2000
– Nghị định thư không bắt buộc bổ sung Công ước quyền trẻ em về buôn bán m.ạ.i d.â.m trẻ em 2000
– Luật trẻ em năm 2016 số 102/2016/QH13 và Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật trẻ em
Nguyên tắc về quyền trẻ em
Các nguyên tắc của Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 là những quy định bắt buộc phải tuân thủ khi thực hiện bất kỳ quyền nào của trẻ em, được quy định trong Công ước. Các nguyên tắc của Công ước là công cụ định hướng giúp diễn giải rõ ràng tinh thần và thông điệp của Công ước. Các nguyên tắc này phải được bảo đảm thực hiện bất kỳ điều khoản nào của 31Công ước. Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 bao gồm bốn nguyên tắc:
Nguyên tắc thứ nhất: Không phân biệt đối xử trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Nguyên tắc này được thể hiện qua các điều 5, 17, 27, 38, 41 của Công ước. Trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ, của các thành viên trong gia đình mở rộng, của cộng đồng theo phong tục địa phương, của những người giám hộ pháp lý, những người chịu trách nhiệm về mặt pháp lý với đứa trẻ trong việc chỉ bảo và hướng dẫn trẻ thực hiện những quyền trong Công ước, phù hợp với mức độ phát triển về năng lực của trẻ em có quyền được có mức sống thích đáng để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và xã hội. Muốn đạt được điều này, cha mẹ hoặc những người chịu trách nhiệm về trẻ em phải bảo đảm các điều kiện sống cần thiết cho sự phát triển của trẻ em theo năng lực và khả năng tài chính của mình.
Nhà nước, dựa theo khả năng thực tế của mình, phải thi hành các biện pháp thích hợp, giúp cha mẹ và những người chịu trách nhiệm về trẻ em thực hiện quyền này.
Trong các cuộc xung đột vũ trang, phải bảo đảm tôn trọng những quy tắc về Luật Nhân đạo quốc tế liên quan đến trẻ em, không được để trẻ em dưới 15 tuổi trực tiếp tham gia chiến sự, không tuyển mộ trẻ vào lực lượng vũ trang đồng thời dùng mọi biện pháp có thể để bảo vệ và chăm sóc những trẻ em bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang.
Tóm lại, luôn phải tạo mọi điều kiện để thực hiện quyền trẻ em theo luật quốc tế và pháp luật của quốc gia thành viên, tức là mọi trẻ em đều được hưởng quyền trẻ em theo công ước quốc tế và quốc gia.
Nguyên tắc thứ hai, xem lợi ích của trẻ em là mối quan tâm hàng đầu trong mọi hành động liên quan đến trẻ em. Nguyên tắc này được thể hiện trong Điều 3 của Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989. Đó là mọi hoạt động liên quan tới trẻ em, do các cơ quan, tổ chức của nhà nước hay tư nhân như phúc lợi xã hội, tòa án, hành chính hoặc pháp luật đều phải đặt lợi ích của trẻ em lên hàng đầu khi thực hiện bất kỳ công việc gì.
Phải dành cho trẻ em sự bảo vệ và chăm sóc cần thiết, cân nhắc đến quyền và nghĩa vụ của cha mẹ, người giám hộ hợp pháp hay bất kỳ cá nhân nào có trách nhiệm pháp lý với trẻ em, trên cơ sở đó, tiến hành biện pháp lập pháp và hành pháp thích hợp.
Những tổ chức, cơ quan, cơ sở chịu trách nhiệm chăm sóc hoặc bảo vệ trẻ em phải tuân thủ các tiêu chuẩn đã được nhà nước quy định, đặc biệt trong lĩnh vực bảo đảm an toàn và sức khỏe cho trẻ. Nhà nước phải kiểm tra giám sát về số lượng, trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân viên ở đó có thích hợp với việc chăm sóc trẻ không.
Nguyên tắc thứ ba, trẻ em có quyền được sinh tồn và phát triển. Nguyên tắc này được thể hiện rõ trong Điều 6 của Công ướcquốc tế về quyền trẻ em năm 1989. Phải thừa nhận mọi trẻ em đều có quyền vốn có là được sống. Vì thế, phải bảo đảm đến mức tối đa sự sống còn cũng như sự phát triển của trẻ em.
Nguyên tắc thứ tư, ý kiến của trẻ em phải được tôn trọng. Nguyên tắc này được thể hiện rõ trong Điều 12 của Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989. Theo nguyên tắc này, trẻ em phải được bảo đảm để có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình, được quyền tự do phát biểu những vấn đề tác động đến trẻ em.
Quan điểm của trẻ em phải được coi trọng một cách thích đáng, tương ứng với độ tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ. Muốn làm tốt điều này, phải tạo cơ hội để trẻ có thể nói lên ý kiến của mình trong bất kỳ quá trình tố tụng tư pháp hoặc hành chính nào có liên quan đến trẻ, trực tiếp hoặc thông qua một người đại diện hay một cơ quan thích hợp, theo cách thức phù hợp với những quy tắc, thủ tục của pháp luật quốc gia.
Số điện thoại của tổng đài bảo vệ trẻ em
Dựa theo quyết định số 555/ QĐ-LĐTBXH ngày 11/5/2018, Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Truyền Thông là đơn vị sự nghiệp công lập , trực thuộc Cục Trẻ em – Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, có chức năng tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, tư vấn, tham vấn về các quyền của trẻ em.
Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em là dịch vụ công đặc biệt thành lập theo quy định của Luật trẻ em 2016, chịu sự quản lý của Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Truyền Thông thuộc Cục Trẻ em, thực hiện các nhiệm vụ:
1. Tiếp nhận thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân qua điện thoại
2. Liên hệ với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc có thẩm quyền; khai thác thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng về nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em để kiểm tra thông tin, thông báo, tố giác ban đầu.
3. Chuyển, cung cấp thông tin, thông báo, tố giác hoặc giới thiệu trẻ em có nguy cơ hoặc bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em.
4. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em trong phạm vi toàn quốc để đáp ứng việc tiếp nhận, trao đổi, xác minh thông tin, thông báo, tố giác về trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi.
5. Hỗ trợ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với từng trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; theo dõi, đánh giá việc xây dựng và thực hiện kế hoạch này.
6. Tư vấn tâm lý, pháp luật, chính sách cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, người chăm sóc trẻ em.
7. Lưu trữ, phân tích, tổng hợp thông tin để cung cấp, thông tin, thông báo, tố giác khi có yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, đối với vụ việc xâm hại trẻ em và các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất cho cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em và các cơ quan khác có thẩm quyền, trách nhiệm về bảo vệ trẻ em
Tổng đài Quốc Gia BVTE là dịch vụ công đặc biệt thành lập theo quy định của Luật trẻ em 2016 với với ba số 111 là những số hàng đầu, ngắn và dễ nhớ, nhằm mục tiêu thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em.
Tổng đài hoạt động 24/24 và các cuộc gọi đến tổng đài là hoàn toàn miễn phí cước gọi và cước tư vấn.
Tháng 10/2013, Tổng đài được lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ triển khai Đường dây nóng phòng chống mua bán người trên nền tảng đường dây trợ giúp em. Đây là dự án hợp tác giữa Bộ và cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Từ đây, Tổng đài chính thức tiếp nhận thông tin, tư vấn và chuyển tuyến để giải cứu và hỗ trợ cho các nạn nhân của mua bán người. Qua hơn 7 năm thực hiện nhiệm vụ của Đường dây nóng phòng chống mua bán người, Tổng đài đã tiếp nhận gần 20.000 cuộc gọi về phòng chống mua bán người, trong đó, có 15.000 cuộc gọi cung cấp thông tin chung về hoạt động của đường dây nóng và phòng chống mua bán người, 4.317 cuộc gọi tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân, 406 cuộc gọi chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người. Tổng đài đã đóng góp vào những nỗ lực chung của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng chống mua bán người cũng như tái hòa nhập cộng đồng cho những nạn nhân bị mua bán.
Bên cạnh hoạt động tư vấn qua điện thoại, từ năm 2013 Tổng đài đã phát triển mạnh hoạt động đánh giá và trị liệu tâm lý trực tiếp cho trẻ em. Thực hiện tiếp nhận và hỗ trợ tâm lý miễn phí cho trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực, trẻ em bị mua bán trở về; Đánh giá, tham vấn và trị liệu tâm lý cho hàng chục trẻ bị tự kỉ, chậm phát triển ngôn ngữ, trí tuệ, trẻ em bị trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi…Cơ sở trị liệu tâm lý cho trẻ em của Tổng đài 111 đã thực hiện 1650 lượt đánh giá, tham vấn tâm lý cho trẻ em, 35.000 lượt can thiệp, trị liệu tâm lý cho trên 300 trẻ em tự kỉ, chậm phát triển, trẻ em bị trầm cảm, rối loạn hành vi.., trị liệu, giúp cho hàng trăm trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục vượt qua khủng hoảng, sang chấn tâm lý trở lại cuộc sống bình thường.
Bên cạnh đó, Chương trình Truyền hình vì trẻ em ra đời theo thông báo số 155/TB ngày 24/4/1993 và Quyết định số 63/QĐ-THVN ngày 18/5/1993 của Ủy ban BVCSTE Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam, dưới sự quản lý và chịu trách nhiệm của Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Truyền thông, thuộc Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Hoạt động truyền hình theo Giấy phép số 288/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp ngày 22/9/2014.
Truyền hình vì trẻ em thực hiện các nhiệm vụ:
1. Cập nhật, phản ánh được những vấn đề nóng, nổi cộm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của trẻ em, việc thực hiện Quyền trẻ em, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em
2. Tư vấn về phương pháp chăm sóc, nuôi dạy trẻ như: Kỹ năng bảo vệ con trước nguy cơ xâm hại tình dục, quy trình can thiệp khi trẻ bị lạm dụng, xâm hại; Kỹ năng chăm sóc trẻ khi trẻ đi học mẫu giáo; Phương pháp xử lý khi trẻ nói dối, trộm đồ; các tình huống ứng xử giữa cha, mẹ con cái và giữa trẻ với bạn bè…
3. Cung cấp những thông tin bổ ích dưới hình thức chương trình Talk cùng chuyên gia về những vấn đề xoay quanh việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
4. Cầu nối cho các bậc phụ huynh và công chúng thể hiện tiếng nói, mong muốn, ý kiến về những vấn đề quan tâm như: Sân chơi cho các em, quyền phát biểu ý kiến của trẻ em, vấn đề học thêm, bạo lực học đường….
********************
Đăng bởi: Trường THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Tổng hợp