Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê
Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê
Bạn đang xem: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê
I. Dàn ý Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm.
2. Thân bài:
a. Hai câu thơ đầu:– Phép đối: ” Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi”: Trẻ – già, rời nhà – quay về=> Khoảng thời gian xa quê rất dài.
– Sự đối lập: “Hương âm vô cải, mấn mao tồi”:+ Điều không thay đổi: giọng quê+ Điều thay đổi: tóc mai đã rụng.=> Thời gian có thể làm thay đổi vẻ bên ngoài (mái tóc đã bạc) nhưng không thể đổi thay những gì thuộc về nguồn cội, quê hương (giọng nói).=> Tình cảm thủy chung, son sắt của nhà thơ dành cho quê hương.
b. Hai câu thơ sau:
– Nghịch lí khi trở về cố hương: “Nhi đồng tương kiến bất tương thức/Tiếu vấn: khách tòng hà lai xứ?”+ Trở về quê cũ nhưng lại được gọi là “khách”, trở thành một người xa lạ ngay trên chính quê hương của mình.+”Nhi đồng” là thế hệ mới của quê hương, không nhận ra nhân vật trữ tình là một lẽ dĩ nhiên nhưng điều đó khiến cho nhà thơ không khỏi chua xót.=> Lời thơ thể hiện sự bi hài, hóm hỉnh, thế nhưng ẩn sau lại là nỗi buồn chua xót của thi nhân.
c. Nghệ thuật:– Sử dụng nghệ thuật đối tài tình.- Kết cấu độc đáo, tình huống bất ngờ.- Nhịp thơ chậm rãi cho thấy được tâm tư của nhà thơ.
3. Kết bài:
Khái quát về giá trị bài thơ
II. Bài văn mẫu Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê (Chuẩn)
Hạ Tri Chương là một nhà thơ lớn đời Đường, là bạn “vong niên” với thi nhân Lý Bạch. Ông để lại cho đời hơn hai mươi bài thơ, trong đó bài thơ “Hồi hương ngẫu thư” hay “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” là tác phẩm đặc sắc nhất của ông.
“Thiếu tiểu li gia, lão đại hồiHương âm vô cải, mấn mao tồiNhi đồng tương kiến, bất tương thức,Tiếu vấn: khách tòng hà xứ lai?”
Quê hương là nơi thân thuộc, là nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi người. Ai đi xa quê hương đều nhớ thương khôn nguôi. Như nhà thơ Giang Nam của Việt Nam cũng từng viết:”Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”.
Trong hai câu thơ đầu tiên, nhà thơ Hạ Tri Chương đã nêu rõ cảnh ngộ xa quê của mình.
“Thiếu tiểu li gia, lão đại hồiHương âm vô cải, mấn mao tồi”
(Khi đi trẻ, lúc về giàGiọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao)
Tác giả đã sử dụng phép đối để làm nổi bật hoàn cảnh của mình: thiếu tiểu – lão đại (trẻ – già), li gia – hồi (rời nhà – quay về). Thi nhân đã phải rời xa quê hương, gia đình từ khi còn trẻ, sống tha hương ở nơi xứ người, đến khi già mới có cơ hội quay trở về quê hương. Thời gian cách biệt quê hương của nhà thơ là gần như cả đời người, không phải một vài năm ngắn ngủi. Hạ Tri Chương ra đi vì sự nghiệp, vì chí lớn, nhưng rời xa gia đình, cố hương có ai mà không mong mỏi được trở về, nhất là khi tóc đã đổi màu. Vậy nên có thể thấy, câu thơ đầu tiên là một lời giãi bày, một lời giải thích cho sự “hồi hương” – trở về ngày hôm nay của nhà thơ. Ở câu thơ thứ hai, tác giả xây dựng sự đối lập giữa cái đổi thay và cái không thay đổi. Những âm điệu của quê hương trong giọng nói vẫn vẹn nguyên thế nhưng mái tóc giờ đây đã chẳng còn “xanh” như trước, đã pha thêm những sương gió của đời người. Giọng quê là hơi thở, là bóng dáng của quê hương, của quê cha đất tổ vậy nên dù có tha phương ở nơi nào, nhà thơ cũng luôn giữ gìn tiếng nói ấy. Thời gian có thể thay đổi ngoại hình nhưng không thể làm phai nhạt tình yêu quê hương. Điều này cho thấy sự gắn bó, thuỷ chung son sắt của tác giả với quê hương của mình. Hơn nửa đời người sống trong vinh hoa phú quý, sống giữa chốn phồn hoa – Trường An, thế nhưng cuối đời, ông vẫn trở lại quê hương, vẫn giữ gìn được thanh âm của quê nhà, điều đó thật đáng khâm phục làm sao.
Thế nhưng, tự cuộc đời cũng có những nghịch lí của riêng nó. Và nghịch lí ấy diễn ra khi Hạ Tri Chương khi trở về quê hương:
“Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,Tiếu vấn: khách tòng hà xứ lai?”
(Trẻ con nhìn lạ không chàoHỏi rằng: khách ở chốn nào lại chơi?)
Trở về quê cũ nhưng lại được gọi là “khách”, Hạ Tri Chương bỗng chốc ở trong tình cảnh trở thành một người xa lạ ngay trên chính quê hương của mình. Thế nhưng điều này cũng không bất ngờ, bởi tác giả đã xa quê từ rất lâu, lũ trẻ là thế hệ mới của ngôi làng, vậy nên chúng không biết ông là ai cũng là một điều dễ hiểu. Dẫu vậy nhưng sự ngây thơ, hồn nhiên của những đứa trẻ khi hỏi “khách tòng hà xứ lai” lại vô tình trở thành nỗi đau, niềm chua xót đối với thi nhân về sự thay đổi của sự vật, con người nơi chôn rau cắt rốn. Đọc lời thơ mà ta thấy sự đối lập giữa hai vế của câu thơ, một bên là “tương kiến” – gặp gỡ nhưng bên còn lại lại là “bất tương thức” – không quen biết. Câu thơ tuy diễn tả một tình huống hóm hỉnh thế nhưng đằng sau đó lại mang một nỗi buồn đau man mác, ngậm ngùi, thấm thía của thi nhân. Về lại cố hương, nhưng lại được hỏi là “khách ở chốn nào lại chơi?”, thử hỏi liệu có thể có ai không cảm thấy chua xót trong lòng được chứ, đặc biệt là với một người con yêu quê hương, gắn bó với quê hương như Hạ Tri Chương?
Bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” có kết cấu độc đáo, tình huống bất ngờ khiến cho người đọc cảm nhận được rõ sự thay đổi về tâm trạng của nhà thơ. Nghệ thuật đối lập được vận dụng linh hoạt khiến cho ta cảm nhận rõ nỗi buồn, niềm chua xót cũng như tình yêu quê hương thắm thiết của nhà thơ. Tuy lời thơ mang đầy sự hóm hỉnh, nhưng nhịp thơ chậm rãi, mang tới cảm giác buồn man mác, vô cùng thấm thía.
Với một tình huống bi hài, hóm hỉnh, Hạ Tri Chương đã diễn tả cho chúng ta thấy được nỗi lòng của một người con xa xứ sau nhiều năm trở lại quê hương. Đó là cảm giác vui mừng khi được trở về thế nhưng cũng thấm thía, man mác buồn trước sự thay đổi của con người và cảnh vật. Qua đó, ta thấy được tình cảm thiết tha, sâu nặng mà ông dành cho cố hương của mình.
—————HẾT—————-
Để mở rộng thêm vốn hiểu biết về bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê, bên cạnh bài văn mẫu trên đây, các em không nên bỏ qua những bài văn mẫu đặc sắc khác như: Phân tích bài thơ Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương, Sơ đồ tư duy Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê, Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Hồi hương ngẫu thư, Cảm nhận về tình yêu quê hương trong bài thơ Hồi hương ngẫu thư.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục