Đề bài: Dựa vào văn thơ và thực tế lịch sử, chứng minh nhận định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”
Bài làm:
Bạn đang xem: Dựa vào văn thơ và thực tế lịch sử, chứng minh nhận định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”
Việt Nam là một dân tộc nhỏ bé nhưng phải chịu hàng nghìn năm đô hộ bởi nhiều đế quốc tàn bạo, là dân tộc thuộc địa nhưng đã khiến cho cả thế giới phải nể phục bởi tinh thần quật cường, “thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước”. Để làm nên những chiến công vang dội lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu không thể không kể đến những công sức lớn lao cùng tình cảm sâu nặng của nhân dân dành cho đất nước. Bởi vậy, quả không sai khi khẳng định “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”.
“Lòng yêu nước” là khái niệm đã có từ ngàn xưa, từ thuở đầu cha ông ta dựng nước và giữ nước. Đó là tấm lòng một lòng một dạ hướng về đất nước, về nguồn cội với tất cả những gì đẹp đẽ nhất, biết ơn nhất. Con người khi sinh ra đã rung động trước tình yêu đôi lứa, háo hức với tình yêu thiên nhiên, vui vẻ với tình yêu động vật,… Tất cả những tình cảm giản dị ấy đã nuôi dưỡng lên một tình yêu lớn lao hơn, cao cả hơn đó chính là tình yêu đất nước. Như nhà văn Nga Ê-ren-bua từng nói: “Suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn -ga, con sông Vôn -ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở thành lòng yêu Tổ quốc”.
Từ những buổi đầu lịch sử, khi đất nước còn sơ khai, nhân dân ta đã biết đoàn kết lại với nhau để cùng xây dựng cộng đồng. Địa hình đất nước gần với sông, biển nên việc đắp đập thủy lợi là vô cùng cần thiết để đưa nước đến gần với bà con để làm nông nghiệp. Từ nguồn gốc đó, nhân dân ta đã cùng làm ăn sinh sống để rồi hình thành những phong tục tập quán văn hóa truyền thống từ ngàn đời. Đặc biệt, tinh thần ấy càng được nêu cao trong những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược dưới thời Ngô Quyền, Lý Nam Đế, Trần Hưng Đạo,… Không chỉ trong thực tế lịch sử mà trong văn học Việt Nam từ xưa cũng đã ghi nhận những áng thơ tuyệt tác bày tỏ được “lòng nồng nàn yêu nước”. Một trong số đó là Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt:
Nam quốc sơn hà nam đế cưTuyệt nhiên định phận tại thiên thưNhư hà nghịch lỗ lai xâm phạmNhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước được bộc lộ rõ ràng hơn khi đất nước gặp phải chiến tranh xâm lược. Giờ đây, yêu nước không chỉ là đoàn kết mà cao hơn, yêu nước chính là đứng lên chiến đấu bảo vệ lãnh thổ toàn vẹn cho đất nước. Trong những câu thơ của mình, Lý Thường Kiệt đã thay người dân khẳng định – Sông núi nước Nam vua Nam ở. Hay nói cách khác đó là sự khẳng định niềm tự tôn, thiêng liêng, bất khả xâm phạm của nước Nam và toàn thể nhân dân đất Việt. Chính vì lẽ đó, nhân dân Việt Nam quyết gìn giữ mảnh đất thiêng liêng này bởi đây là việc làm chính nghĩa. Còn lũ giặc tham lam độc ác kia, “chúng bay nhất định sẽ bị đánh tơi bời”.
Tinh thần đó cũng được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thể hiện trong bài Hịch tướng sĩ với những câu nói đầy khí chất :”Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa. Chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gối trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”.
Lòng yêu nước của nhân dân ta như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình dài của dân tộc. Đến những năm phải đối mặt với hai đế quốc hùng mạnh trên thế giới là Pháp và Mỹ, lòng yêu nước càng khiến cho dân tộc Việt Nam trở nên mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ năm 1945, Người nói :”Thà đốt cháy cả dãy Trường Sơn, thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước”. Đó là khoảnh khắc lịch sử huy hoàng của dân tộc, từng trái tim như ngộp thở để cùng nhau chờ đợi giây phút đứng lên đánh tan quân thù, trả lại bình yên cho dân tộc. Bộ đội cùng nhân dân đã kháng chiến anh dũng, kết hợp sức mạnh toàn dân và sức mạnh quân sự, sức mạnh thời đại để tiến hành kháng chiến. Chính Hữu trong bài thơ “Đồng chí” có viết:
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnhSốt run người vầng trán ướt mồ hôiÁo anh rách vaiQuần tôi có vài mảnh váChân không giàyThương nhau tay nắm lấy bàn tay
Hay Phạm Tiến Duật trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” cũng bày tỏ:
Không có kính rồi xe không có đènKhông có mui xe thùng xe có xướcXe vẫn chạy vì miền Nam phía trướcChỉ cần trong xe có một trái tim.
Dù kháng chiến khổ cực là vậy, dù vất vả gian nan là vậy nhưng những người chiến sĩ, những người dân Việt Nam chưa bao giờ chùn bước bỏ cuộc. Họ lấy khó khăn làm động lực, lấy thử thách làm mục tiêu để chiến đấu và vượt qua nó. Càng trải qua chiến tranh thì tinh thần quật cường và lòng yêu nước của họ lại càng mạnh mẽ và bền bỉ hơn bao giờ hết.“Lòng nồng nàn yêu nước” không chỉ được thể hiện trong chiến tranh, trong những cuộc kháng chiến mà còn được thể hiện trong thời bình với tình yêu thiên nhiên, yêu những điều giản dị mà thân thương trong cuộc sống thường nhật của con người. Để đất nước đạt được những thành quả đổi mới như ngày hôm nay, ấy là công lao vô cùng to lớn của những con người hy sinh thầm lặng, cống hiến tuổi trẻ của mình. Đó là anh thanh niên, cô kỹ sư, bác họa sĩ trong tác phẩm “Lặng lẽ SaPa” của Nguyễn Thành Long. Anh thanh niên làm khí tượng trên đỉnh núi cao 2860m, quanh năm cô độc nhưng không cô đơn vì trong anh luôn sáng bừng lý tưởng được cống hiến chút công sức bé nhỏ của mình cho sự nghiệp dựng xây đất nước. Đúng như cái tên “lặng lẽ”, mặc dù công việc ấy của anh không được biết đến nhiều, thậm chí là chẳng ai để ý thế nhưng anh vẫn thấy thật vui và yên bình. Tình yêu đất nước là một điều gì đó vô cùng thiêng liêng. Nó là sợi chỉ đỏ nối dài từ thời này qua thời khác, từ người này qua người khác. Để rồi khi nhìn lại, ta thấy thật biết ơn và tự hào.
Còn đây, yêu nước với Nguyễn Tuân là đi tìm “chất vàng mười của thiên nhiên và con người tây bắc” trong “Người lái đò sông Đà”. Người nghệ sĩ chắt chiu từng cảnh đẹp của thiên nhiên cũng giống như chắt chiu từng cảm xúc tự hào dành cho đất nước. Ông phát hiện đằng sau sự hung bạo, dữ tợn của con sông Đà là “áng tóc trữ tình tuôn dài” vừa dịu dàng vừa mềm mại. Ông phát hiện đằng sau hình ảnh người lái đò nhỏ bé là người nghệ sĩ vừa khéo léo vừa quả cảm. Ông phát hiện đằng sau vẻ hoang sơ của thiên nhiên Tây Bắc là bức tranh tuyệt mỹ, yêu kiều mà phải đi sâu tìm kiếm mới có thể khám phá hết được.
Quả thật, lòng nồng nàn yêu nước không chỉ là truyền thống quý báu từ ngàn đời của dân tộc mà sẽ là tình cảm xuyên suốt trong nhân dân đến mai sau. Lòng yêu nước là nền tảng vững chắc nhất cho sức mạnh của dân tộc. Bởi vậy, mỗi người dân phải luôn có ý thức giữ gìn, phát huy và bảo vệ truyền thống ấy để đất nước được phồn vinh và thịnh vượng.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục