Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ của mình khi đọc bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới
Phát biểu cảm nghĩ của mình khi đọc bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới
Bạn đang xem: Phát biểu cảm nghĩ của mình khi đọc bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới
Bài làm
Đất nước ta đang trên đà phát triển, ngày một văn minh hiện đại hơn đòi hỏi mỗi cá nhân nhất là thế hệ trẻ phải chuẩn bị hành trang kĩ càng cho bản thân mình để bắt kịp thời đại và hội nhập với thế giới. Khi đọc những dòng văn trong tác phẩm Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới của tác giả Vũ Khoan, ta mới càng thấy thấm thía hơn điều đó.
Tác phẩm được viết vào năm 2001, đây là thời kì đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, bước qua thế kỉ XXI với những cơ hội và thách thức đang chờ đón. Bởi vậy tác phẩm Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới như một lời thúc giục, thức tỉnh thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước cần hiểu rõ nghĩa vụ của mình với Tổ quốc, góp công sức, trí tuệ của mình để xây dựng Việt Nam ngày càng văn minh, hiện đại. Mở đầu bài báo, tác giả Vũ Khoan đã nêu lên trách nhiệm của thế hệ trẻ trong thời kì hội nhập thế giới “Lớp trẻ Việt Nam cần nhận ra những cái mạnh, cái yếu của con người Việt Nam để rèn những thói quen tốt trước khi bước vào nền kinh tế mới”. Thật vậy, việc tự nhận thức ưu điểm, nhược điểm của bản thân là vô cùng quan trọng bởi “Từ cổ chí kim, bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử”, con người là vốn quý nhất, con người chính là chủ thể của mọi hoạt động để tạo ra mọi của cải vật chất phục vụ nhu cầu của chính mình. Nếu không tự nhận thức được bản thân, chúng ta sẽ không nắm bắt được điểm mạnh để phát huy và điểm yếu để khắc phục, tự hoàn thiện bản thân hơn, nhất là trong “nền kinh tế tri thức sẽ phát triển mạnh mẽ thì vai trò của con người lại càng nổi trội”. Như vậy, chỉ đọc những dòng đầu của tác phẩm, ta cũng có thể nhận thấy Vũ Khoan đã khẳng định yếu tố con người là quan trọng nhất trong mọi thời đại và đặc biệt trong thời đại “chuyển tiếp giữa hai thế kỉ, và hơn thế nữa, là sự chuyển tiếp giữa hai thiên niên kỉ” lại càng cần thiết. Tiếp đó, tác giả cũng chỉ ra những nhiệm vụ vô cùng cấp thiết của đất nước khi bước qua thế kỉ mới này, đó là “thoát khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đồng thời lại phải tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức”. Những nhiệm vụ cấp thiết mà ông đã chỉ ra đều dựa trên tình hình thực tế của đất nước lúc bấy giờ và đòi hỏi con người phải giải quyết bài toán nan giải đó.
Muốn giải được bài toán này, chúng ta cần nhận thức rõ ràng về cái mạnh, cái yếu của con người Việt Nam. Với cách lập luận, bình luận vô cùng ngắn gọn, khúc chiết, tác giả Vũ Khoan đã nhìn thẳng vào thực tế của người dân Việt Nam để giúp người đọc nhận ra những ưu điểm, hạn chế của chính chúng ta. Điểm mạnh đầu tiên của người Việt ta là “thông minh, nhạy bén với cái mới” nhưng song hành với nó chính là điểm yếu “lỗ hổng về kiến thức cơ bản do thiên hướng chạy theo môn học thời thượng”, “lối học chay, học vẹt” khiến khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế. Nói đến đây, hẳn bạn cũng giống như tôi phải thẳng thắn thừa nhận rằng người Việt Nam rất sáng tạo, thông minh nhưng lại bị kìm kẹp bởi hoàn cảnh khiến “cái khó bó cái khôn”, lâu dần trở nên trì trệ, mất khả năng sáng tạo và không chịu tư duy, đổi mới. Cái mạnh tiếp theo của chúng ta phải kể đến đó là sự cần cù, chịu khó và điều này vô cùng cần thiết, hữu ích “trong một nền kinh tế đòi hỏi tinh thần kỉ luật cao và thái độ nghiêm túc”. Vậy nhưng nó cũng tồn tại một hạn chế đó chính là “người Việt Nam ta cần cù thì cần cù thật, nhưng lại thiếu đức tính tỉ mỉ” và “thường dựa vào tính tháo vát của mình, hành động theo phương châm nước đến chân mới nhảy, liệu cơm gắp mắm” chứ không cẩn trọng, tỉ mỉ trong khâu chuẩn bị công việc, thiếu sự nhìn xa trông rộng. Ngoài ra, ta cũng có thói quen làm ăn theo phương thức sản xuất nhỏ lẻ, thoải mái và thanh thản nên “chưa có được thói quen tôn trọng những quy định nghiêm ngặt của công việc là cường độ khẩn trương”. Cuối cùng, tác giả cũng chỉ ra nhiều thói xấu của người Việt trong làm ăn, kinh doanh như thói đố kị, thói sùng ngoại hoặc bài ngoại, tính khôn vặt, bóc ngắn cắn dài, không coi trọng chữ “tín”,… Chắc hẳn, khi đọc những điều này, bạn sẽ phải giật mình vì chợt nhận ra có bản thân mình trong đó, dù là mang trong mình điểm mạnh hay vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế nêu trên, thì, chúng ta cũng phải “lấp đầy hành trang bằng những điểm nạnh, vứt bỏ những điểm yếu”, tự nhận thức được điều đó để hình thành cho mình những thói quen tốt đẹp từ những việc nhỏ nhặt nhất, có như vậy mới có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong mỏi của Bác Hồ năm xưa.
Quả thật, với cách hành văn vô cùng rõ ràng, rành mạch, cách lập luận chặt chẽ, dẫn chứng đầy sức thuyết phục, bài báo Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan đã mở ra cho người đọc, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam những nhận thức vô cùng mới mẻ, đầy đủ về cơ hội, thách thức khi hội nhập với thế giới và những điểm mạnh, điểm yếu chúng ta cần phát huy/ khắc phục để đưa Việt Nam vươn ra biển lớn. Bài báo này không chỉ đúng đắn trong hoàn cảnh nước ta lúc bấy giờ mà còn vô cùng cần thiết và hữu ích cho chúng ta trong mọi thời, đặc biệt là thời kì công nghệ 4.0 như hiện nay.
——————-HẾT——————-
Bên cạnh bài Phát biểu cảm nghĩ của mình khi đọc bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, để học tốt các em có thể tham khảo thêm: Phân tích văn bản Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, Sơ đồ tư duy Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, Suy nghĩ về việc chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, Tóm tắt Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục