Đề bài: Phân tích đoạn thơ: Cho gươm mời đến… xuống trướng tiền tha ngay trong Thúy Kiều báo ân báo oán
Phân tích đoạn thơ: Cho gươm mời đến… xuống trướng tiền tha ngay trong Thúy Kiều báo ân báo oán
Bạn đang xem: Phân tích đoạn thơ: Cho gươm mời đến… xuống trướng tiền tha ngay trong Thúy Kiều báo ân báo oán
Bài văn mẫu Phân tích đoạn thơ: Cho gươm mời đến… xuống trướng tiền tha ngay trong Thúy Kiều báo ân báo oán
Trong nền văn học trung đại của Việt Nam, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc, được xếp vào hàng một trong những tác phẩm kinh điển nhất. Truyện kể về cuộc đời đầy khổ cực và trái ngang của người con gái tài sắc vẹn toàn tên Thúy Kiều, dựa trên một tác phẩm có tên là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Tác phẩm mang nhiều giá trị to lớn, bao gồm cả giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực sâu sắc, mà chủ yếu là nói về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Trong trích đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán, ta sẽ thấy một Thúy Kiều khác hẳn không còn yếu đuối, cam chịu, mà nàng đã trở nên mạnh mẽ sẵn sàng trừng phạt kẻ đã hại mình, nhưng sâu trong nội tâm nàng vẫn là người con gái lương thiện và hiểu lý lẽ.
Sau nhiều lần khổ sở, đày đọa ở lầu xanh thì Kiều gặp được Từ Hải – một vị anh hùng, đem lòng yêu mến và cứu thoát Kiều khỏi kiếp kỹ nữ. Kiều có cuộc sống mới và quay về trả ơn báo oán vợ chồng Thúc Sinh, Hoạn Thư. Phân cảnh đầu tiên đó là cảnh Thúy Kiều gặp lại Thúc Sinh, lúc này đây khi Kiều đã có chỗ dựa vững chắc, tuy nhiên nàng vẫn nhớ đến ân xưa Thúc Sinh từng yêu thương và đưa nàng ra khỏi lầu Ngưng Bích. Điều đó thể hiện cái tâm tính thiện lương, trọng tình nghĩa của nàng Kiều. Thế nên việc đầu tiên nàng muốn làm là trả hết ân nghĩa cho người xưa, dù sự cứu giúp của Thúc Sinh cũng đã gián tiếp khiến nàng chịu nhiều khổ sở, nhục nhã.
Thúc Sinh khi được mời đến gặp Kiều vì không biết cớ sự lại nghĩ đến chuyện cũ, thì đâm ra trong lòng cũng chột dạ và lo sợ vô cùng, chàng Thúc đã còn đâu phong thái ngời ngời năm xưa, chỉ còn cảnh “Mặt như chàm đổ mình dường dẽ run”. Thúc Sinh vốn chẳng làm gì nên tội, chỉ có điều chàng là kẻ bạc nhược, sợ vợ, không dám bảo vệ người con gái mình yêu, khiến Kiều nhiều phen khổ sở vì cơn ghen của Hoạn Thư. Có thể năm xưa Kiều chưa từng nhìn rõ bản chất của Thúc Sinh vì yêu chàng, nhưng nay thấy cảnh nhát gan sợ sệt này có lẽ Kiều đã hoàn toàn buông bỏ được, bởi vốn dĩ Thúc Sinh không đáng. Tuy giờ đã có quyền thế trong tay, nhưng Kiều không vì thế mà tỏ ra hống hách, ngạo mạn, nàng vẫn đối đãi với Thúc Sinh một cách hữu lễ, dịu dàng, “Nghĩa nặng nghìn non, Lâm Tri người cũ chàng còn nhớ không?”. Kiều gợi nhắc lại chuyện cũ và cũng nhấn mạnh với Thúc Sinh rằng ân nghĩa khi xưa của Thúc nàng chưa từng quên, nó tựa như ngàn ngọn núi vẫn đè nặng trên vai nàng. Tuy Kiều và Thúc Sinh vốn là Sâm Thương cách biệt, không thể ở bên nhau trọn đời, nhưng cũng từng có khoảng thời gian hạnh phúc, Kiều là người hiểu biết sao có thể gạt sang bên mà coi như không có được. Cách ví von “Sâm Thương” như thế cũng thể hiện được cái tài hoa, thông tuệ của nàng Kiều trong đối đáp.
Để trả đủ ân tình cho Thúc Sinh, Kiều đã sai người đem tặng chàng “Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân” để báo ân. Tuy nhiên ân oán rõ ràng, Thúc Sinh nàng trả ơn nhưng còn vợ chàng là Hoạn Thư thì phải chịu trừng phạt, Kiều cũng báo trước với Thúc Sinh điều nàng sắp làm, để Thúc Sinh liệu đường. Sâu xa hơn cả Kiều cũng muốn nhắc lại những đau khổ của nàng trước kia, Kiều chung quy cũng là phận đàn bà, thù dai nhớ lâu vẫn còn đó, nàng ân oán phân minh rạch ròi, người có ơn thì trả, kẻ có tội thì phải phạt là thế. Câu “Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau”, thể hiện cái sự mạnh mẽ, lại có phần mỉa mai, bởi khác với những từ ngữ tỏ ý kính trọng, biết ơn thì ở đây “kẻ cắp” với “bà già” lại mang phong vị dân gian, chợ búa, giễu cợt, rất phù hợp để nói về người phụ nữ ranh ma như Hoạn Thư, đồng thời cũng nói về cuộc đối đầu sắp tới của hai người phụ nữ cũng kẻ tám lạng người nửa cân. Qủa thực, Kiều đã trưởng thành mà mạnh mẽ hơn tất thảy, dù là lễ nghĩa hay lý lẽ ranh ma nàng đều có thể đối phó được.
Sau màn báo ân Thúc Sinh, Kiều cho người đưa Hoạn Thư đến. Khác hẳn với những lời dịu dàng, hữu lễ Kiều nói với Thúc Sinh, thì với Hoạn Thư, Kiều lại dùng những lời lẽ sâu cay, trong đó còn bao hàm cả ý mỉa mai, chế giễu:
“Tiểu thư cũng có bây giờ đến đâyĐàn bà dễ có mấy tayĐời xưa mấy mặt đời này mấy ganDễ dàng là thói hồng nhaCàng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều”
Không chỉ là lời mỉa mai, chế giễu mà trong đó còn là lời cảnh cáo, dằn mặt Kiều dành cho Hoạn Thư. Nay vị thế của hai người đã đổi thay, Kiều ung dung ngồi xem Hoạn Thư quỳ gối chịu tội, cái cách xưng hô thật mỉa mai “Tiểu thư”, làm cho Hoạn Thư vừa nhục nhã vừa đau khổ. Kiều cũng nhắc chuyện “đời xưa” với “đời nay” ý chỉ rằng, thế sự dễ đổi dời, nay thế nhưng mai chẳng biết ai sẽ hơn ai, nhắc Hoạn Thư khi xưa chỉ biết làm việc ác mà không nghĩ tới sẽ có ngày hôm nay, không biết chừa đường lui cho bản thân, đó là cái sai lớn nhất. Lời lẽ của Kiều rất sâu cay, tựa như đánh vào lòng người “Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều”, chỉ rõ cho Hoạn Thư biết được rằng khi xưa nàng ta đối xử với Kiều như nào thì nay cũng phải chịu nhận trừng phạt như vậy.
Hoạn Thư là người phụ nữ tuy lòng dạ độc ác, nhưng cũng rất thông minh, thấy Kiều giọng điệu cay nghiệt, aanh thép vậy thì cũng rất biết điều mà “Khấu đầu dưới trướng liệu điều kêu ca”. Lý lẽ của nàng ta cũng sức khôn lanh, toàn lựa chỗ có lợi cho mình mà nói.
“Rằng tôi chút phận đàn bàGhen tuông thì cũng người ta thường tìnhNghĩ cho khi gác viết kinhVừa ra khỏi cửa dứt tình chẳng theoLòng riêng riêng những kính yêuChồng chung chưa dễ ai chiều cho ai”
Qủa thật đọc vào lời của Hoạn Thư thấy nàng ta lý lẽ cũng rất vẹn toàn, đánh vào tâm lý phụ nữ của Kiều, rằng đều là phận đàn bà thế nên việc ghen tuông là chuyện rất đỗi bình thường, thêm nữa lại phải kiếp chồng chung, là nỗi đau đớn muôn đời của phụ nữ, chính đó Kiều ắt cũng hiểu rõ. Thứ hai Hoạn Thư lại nhắc đến chuyện đánh ghen khi xưa chỉ đơn giản là bắt Kiều chép kinh, viết sách, rồi khi Kiều bỏ trốn Hoạn Thư cũng chẳng đuổi theo. Kết lại những lý lẽ giảo hoạt trên Hoạn Thư cũng rất khôn ngoan mà nhún nhường nhận hết tội lỗi về mình “Trót lòng gây việc chông gai” và rất khôn khéo xin Kiều tha tội: “Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng”.
Trước những lời tự biện hộ một cách kín kẽ và khéo léo như thế, một người vốn lương thiện và thấu hiểu nhân tình thế thái cũng phải mủi lòng mà gật gù khen: “Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời”. Suy cho cùng Kiều khen thế cũng là do tấm lòng thương cảm cho thân phận phụ nữ, khi chẳng may nàng lỡ làm kẻ chen chân vào mối quan hệ của vợ chồng Hoạn Thư, khiến nàng ta gặp nhiều đau khổ, âu những việc khi xưa nàng ta làm cũng do ghen tuông mù quáng mà ra cả. Đặc biệt những lý lẽ chuẩn xác của Hoạn Thư đã đưa Kiều vào thế khó xử, nếu Kiều không tha thì mang cái tiếng nhỏ nhen, không thông tình đạt lý, còn nếu mà tha thì Hoạn Thư chưa hẳn đáng được như thế. Nhưng dẫu sao Kiều cũng là người con gái thiện lương, thông đạt lý lẽ, đọc nhiều sách vở nên với kiểu người như Hoạn Thư Kiều cũng không trách, thậm chí còn cảm thấy thương cảm vì cùng phận đàn bà. Hơn thế, dù Kiều có thực sự trừng phạt Hoạn Thư đi chăng nữa thì chưa chắc lòng nàng đã thấy thoải mái hơn, chi bằng cứ thứ tha, ai lại sống cuộc sống của người đó, có phải là hơn không, bởi quá khứ không thể quay lại lần nữa, chỉ có cách hướng về tương lai. Vậy thì trả thù liệu còn ý nghĩa gì không? Chính vì vậy Kiều quyết định tha cho Hoạn Thư “Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay”.
Đoạn trích Thúy Kiều báo ân báo oán, đã lột tả hết được vẻ đẹp trong tính cách của nàng Kiều. Đối với người có ơn với mình là Thúc Sinh thì hết mực ân cần, lời nói hòa nhã, trang trọng, còn ngược lại đối với Hoạn Thư thì, lời nói của nàng cay nghiệt, sâu sắc, khiến kẻ đối diện phải tím tái mặt mày. Đồng thời qua đó ta càng thấu hiểu thêm về một nàng Kiều trọng tình trọng nghĩa, ân oán phân minh, lại vô cùng thấu hiểu lý lẽ, có tấm lòng cảm thông sâu sắc cho thân phận phụ nữ.
——————HẾT———————
Tìm hiểu về tác phẩm Truyện Kiều nói chung, đoạn trích Thúy Kiều báo ân báo oán nói riêng, bên cạnh bài Phân tích đoạn thơ: Cho gươm mời đến… xuống trướng tiền tha ngay trong Thúy Kiều báo ân báo oán, các em không nên bỏ qua: Phân tích giá trị nhân đạo của Nguyễn Du qua đoạn trích Thúy Kiều báo ân báo oán, Phân tích hình tượng nhân vật Thúy Kiều trong đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán, Phân tích hình tượng nhân vật Hoạn Thư trong đoạn trích Kiều báo ân báo oán, Phân tích hình tượng nhân vật Thúc Sinh trong đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục