Đề bài: Phân tích Hoàng Lê nhất thống chí
Phân tích Hoàng Lê nhất thống chí
Bạn đang xem: Phân tích Hoàng Lê nhất thống chí
I. Dàn ý Phân tích Hoàng Lê nhất thống chí (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu về nhóm tác giả Ngô gia văn phái và tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí”.
2. Thân bài:
a. Trình bày khái quát về nhóm tác giả Ngô gia văn phái và tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí”:
– Nhóm tác giả Ngô gia văn phái bao gồm hai tác giả chính là Ngô Thì Chí và Ngô Thì Du.+ Ngô Thì Chí (1753 – 1788) từng làm quan dưới thời vua Lê Chiêu Thống và tuyệt đối trung thành với nhà Lê. Ông là tác giả của 7 hồi đầu của “Hoàng Lê nhất thống chí”.+ Ngô Thì Du (1772 – 1840) làm quan dưới thời nhà Nguyễn đến năm 1827 thì về nghỉ và là tác giả của 7 hồi tiếp theo của “Hoàng Lê nhất thống chí”.
– Đoạn trích được học là hồi thứ 14 của “Hoàng Lê nhất thống chí” có nội dung tái hiện lại chân thực hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, đồng thời cho thấy sự thảm bại của tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống.
b. Phân tích tác phẩm:
– Hình tượng người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ:+ Mạnh mẽ và quyết đoán trong mọi tình huống.+ Trí tuệ nhanh nhạy, sáng suốt hơn người, nhạy bén trước thời cuộc.+ Ý chí quyết chiến quyết thắng, có tầm nhìn xa trông rộng, khao khát hòa bình.+ Tài điều binh khiển tướng như thần.→ Vua Quang Trung là anh hùng dân tộc quả cảm, tài trí, giàu lòng nhân ái, là linh hồn của nghĩa quân Tây Sơn , của chiến thắng vĩ đại.
– Sự thất bại thảm hại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của bè lũ bán nước hại dân Lê Chiêu Thống:+ Quân Thanh: Tướng bất tài (Tôn Sĩ Nghị kiêu căng, tự mãn chủ quan kéo quân vào xâm chiếm thành Thăng Long), quân vô dụng (Khi quân Tây Sơn đánh vào thì bỏ chạy toán loạn, giày xéo lên nhau mà chết), tham sống sợ chết.+ Vua tôi Lê Chiêu Thống: Chỉ biết chầu chực, cầu cạnh, luồn cúi dựa vào thế lực quân Thanh, chạy bán sống bán chết để trốn sang Tàu.→ Sự nhục nhã, hèn hạ của vua tôi Lê Chiêu Thống và số phận bi đát của lũ cướp nước và bán nước.
c. Đánh giá:
– Lựa chọn trình tự kể theo diễn biến các sự kiện lịch sử, ngôn ngữ kể, tả chân thực, gây ấn tượng mạnh đã thể hiện thái độ của tác giả với từng đối tượng khác nhau như vua Quang Trung, quân Thanh, vua Lê Chiêu Thống.- Đoạn trích đã thể hiện quan điểm lịch sử đúng đắn, tinh thần yêu nước thương dân của nhóm tác giả, lên án lũ bán nước và cướp nước.
3. Kết bài:
– Khái quát lại giá trị tác phẩm.
II. Bài văn mẫu Phân tích Hoàng Lê nhất thống chí (Chuẩn)
Chiến tranh đã khép lại nhưng trong sử sách nước nhà vẫn còn tô đậm dấu ấn của trận Ngọc Hồi – Đống Đa với chiến thắng thần tốc, vang dội đất trời đã khiến chúng ta nhớ đến một vị vua tài ba, anh dũng đó chính là vua Quang Trung. Tuy tương quan lực lượng chênh lệch nhưng nhờ có những vị tướng giỏi với tài điều binh khiển tướng đã giúp cho quân dân ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Chính vì vậy, nhóm tác giả Ngô gia văn phái trong “Hoàng Lê nhất thống chí” đã tái hiện lại hoàn cảnh nước ta khoảng 30 năm cuối thế kỉ 18, đặc biệt là qua đoạn trích hồi thứ 14 ta đã thấy được hình tượng vua Quang Trung và sự thất bại của quân bán nước và cướp nước.
Nhóm tác giả Ngô gia văn phái bao gồm hai tác giả chính là Ngô Thì Chí và Ngô Thì Du. Ngô Thì Chí (1753 – 1788) là em ruột của Ngô Thì Nhậm, ông từng làm quan dưới thời vua Lê Chiêu Thống và tuyệt đối trung thành với nhà Lê. Có nhiều nguồn tài liệu cho rằng ông là tác giả của 7 hồi đầu của “Hoàng Lê nhất thống chí”. Ngô Thì Du (1772 – 1840) là anh em chú bác ruột của Ngô Thì Chí tuy học giỏi nhưng không đỗ đạt gì. Ông làm quan dưới thời nhà Nguyễn đến năm 1827 thì về nghỉ và là tác giả của 7 hồi tiếp theo của “Hoàng Lê nhất thống chí”. Đoạn trích được học là hồi thứ 14 của “Hoàng Lê nhất thống chí” đã tái hiện lại chân thực hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, đồng thời cho thấy sự thảm bại của tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống.
Trong tác phẩm, vua Quang Trung – Nguyễn Huệ được miêu tả sắc nét với tài cầm quân “bách chiến bách thắng”, có tính quyết đoán và nhiều phẩm chất tốt đẹp khác. Ông sẵn sàng lắng nghe ý kiến của thuộc hạ để hiểu lòng dân, lên ngôi vua giữ lòng người rồi mới xuất quân ra Bắc chiến đấu. Khi đến Nghệ An ông lại cho vời người cống sĩ vào để hỏi rằng chuyến đi này của ông liệu thắng hay bại cho thấy rằng ông làm mọi việc là vì dân cho nên việc nhỏ nhất cũng phải theo ý kiến của dân. Khi nghe vị cống sĩ trả lời “Chúa công đi ra chuyến này, không quá mười ngày, quân Thanh sẽ bị dẹp tan” thì vua Quang Trung “mừng lắm” vì sự quyết tâm này của ông đã được nhân dân ủng hộ. Ông lập tức cho người kén lính và chỉ trong một thời gian rất ngắn, nhà vua đã có “hơn một vạn quân tinh nhuệ” trong tay. Nhờ có trí tuệ nhanh nhạy, sáng suốt hơn người, nhạy bén trước thời cuộc và vô cùng khéo léo nên ông đã thuyết phục được các binh sĩ “không dám hai lòng”. Khi nói với các binh sĩ, ông đã cho họ ngồi cho thấy rằng ở đây không hề có sự phân biệt giữa vua và lính. Sau khi lấy lịch sử từ các triều đại trước ra để cho binh sĩ thấy nỗi khổ của nhân dân dưới ách thống trị ngoại bang, ông không quên nhất định sẽ phải trừng phạt kẻ phản bội khiến cho các binh sĩ càng thêm đồng lòng, quyết tâm chống giặc hơn. Nhờ vào ý chí quyết chiến quyết thắng, có tầm nhìn xa trông rộng, khao khát hòa bình nên quân Lam Sơn đã giành chiến thắng “thần tốc” ở trận Ngọc Hồi. Lời hứa hẹn đến ngày mồng 7 năm mới thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng của ông được chứng minh bằng tài điều binh khiển tướng như thần. Ông đảm bảo bí mật hành quân, nghi binh tấn công làng Hà Hồi, dùng ván phủ rơm ướt để tấn công làng Ngọc Hồi đã khiến cho quân Thanh hoàn toàn bất ngờ, khi chúng biết được tin tức thì đã không thể chống cự được nữa, chỉ biết giẫm đạp lên nhau mà chạy. Dựa vào những chi tiết trên, chúng ta có thể thấy rằng vua Quang Trung là một vị anh hùng dân tộc quả cảm, tài trí, giàu lòng nhân ái, bậc thiên tài quân sự và cũng chính là linh hồn của nghĩa quân Tây Sơn , của chiến thắng vĩ đại.
Khi nghĩa quân Lam Sơn giành chiến thắng thì cũng là lúc quân tướng nhà Thanh thất bại thảm hại và bè lũ bán nước hại dân Lê Chiêu Thống phải gánh chịu số phận bi đát. Quân Thanh thì có tướng bất tài Tôn Sĩ Nghị luôn kiêu căng, tự mãn chủ quan kéo quân vào xâm chiếm thành Thăng Long chỉ chăm chú việc yến tiệc vui mừng mà không đề phòng bất trắc, “sợ mất mật”, “ngựa không kịp đóng yên”, “người không kịp mặc áo giáp” mà vội vàng chuồn trước. Quân sĩ thì vô dụng cho nên khi quân Tây Sơn đánh vào thì bỏ chạy toán loạn, giày xéo lên nhau mà chết, chúng tham sống sợ chết đến mức tranh nhau qua cầu, xô đẩy nhau rơi xuống nước chết nhiều đến nỗi nước sông Nhị Hà cũng bị tắc không thể chảy được. Vua tôi Lê Chiêu Thống thì chỉ biết chầu chực, cầu cạnh, luồn cúi dựa vào thế lực quân Thanh, chạy bán sống bán chết khi nghe tin quân Tây Sơn đuổi kịp và phải trốn sang Tàu. Đó cũng chính là số phận nhục nhã, hèn hạ của vua tôi Lê Chiêu Thống nói riêng và của toàn bộ lũ bán nước và cướp nước nói chung.
Tác giả đã lựa chọn trình tự kể theo diễn biến các sự kiện lịch sử, ngôn ngữ kể, tả chân thực, gây ấn tượng mạnh đã thể hiện thái độ của mình với từng đối tượng khác nhau như vua Quang Trung, quân Thanh, vua Lê Chiêu Thống. Nhịp điệu nhanh, hối hả ẩn chứa sự hả hê, sung sướng trước chiến thắng oanh liệt của vua Quang Trung và sự thất bại thảm hại của kẻ thù. Nhịp điệu có phần chậm hơn, không giấu giếm được sự ngậm ngùi, xót thương khi miêu tả tỉ mỉ cuộc tháo chạy của vua tôi Lê Chiêu Thống vì họ vốn là những cựu thần của nhà Lê. Đoạn trích đã thể hiện quan điểm lịch sử đúng đắn, tinh thần yêu nước thương dân của nhóm tác giả và từ đó lên án lũ bán nước, cướp nước.
Qua đoạn trích trên, nhóm tác giả đã đem đến cho người đọc một bức tranh “toàn bích” về vị anh hùng oai phong, lẫm liệt và tài giỏi Quang Trung. Đó cũng chính là tấm gương sáng để chúng ta cần học hỏi và noi theo về tinh thần quả cảm, yêu nước. Lòng yêu nước chính là sức mạnh vĩ đại giúp chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.
—————-HẾT—————-
Hy vọng bài Phân tích tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí” trên đây sẽ giúp các em có cái nhìn đa dạng về lịch sử dân tộc và từ đó sẽ giúp các em nắm chắc kiến thức không chỉ với môn văn học mà còn với môn lịch sử. Ngoài ra, các em cũng có thể tham khảo thêm những bài viết sau để hiểu về tác phẩm hơn: Nghệ thuật xây dựng nhân vật vua chúa trong Hoàng Lê nhất thống chí, Sơ đồ tư duy Hoàng Lê nhất thống chí, Phân tích nhân vật Quang Trung trong đoạn trích Hoàng Lê nhất thống chí, Phân tích hồi thứ mười bốn để chứng minh nhận xét: Hoàng Lê nhất thống chí… những trang viết thực và hay.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục