Đề bài: Cảm nhận về bài Tự thuật trong Vũ trung tuỳ bút
Bài làm:
Bạn đang xem: Cảm nhận về bài Tự thuật trong Vũ trung tuỳ bút
Vũ trung tùy bút là một tác phẩm đặc sắc của Phạm Đình Hổ mà ở đó những lễ nghi, phong tục, tập quán và những sự kiện lịch sử xảy ra trong xã hội được ông ghi lại hết sức giản dị, sinh động và hấp dẫn. Bên cạnh đó, ông còn nói chuyện, thổ lộ những suy nghĩ, tâm trí, tấm lòng của chính mình – một bậc nho sĩ tài danh. Điều đó được thể hiện trong bài Tự thuật .
Phần đầu tác phẩm, Phạm Đình Hổ giới thiệu về gia cảnh của mình. Ông sinh năm Mậu Tý (1768) niên hiệu cảnh hưng thời Lê. Xuất thân trong một gia đình quý tộc quan lại từ nhỏ nên ông đã được được tiếp xúc với những thú vui tiêu khiển của tầng lớp quý tộc “cây, đá, hoa chim” thế nhưng ông không ham mê trái lại chỉ quan tâm đến việc “lập thân hành đạo” và muốn “được lấy văn thơ nổi tiếng ở đời để cho người ta biết con cháu nhà nọ, nhà kia”. Như vậy, Phạm Đình Hổ ngay từ khi còn nhỏ đã có chí của kẻ làm trai. Nhớ đến thời thơ ấu, tác giả liền theo mạch cảm xúc mà nhớ tới cha mẹ thân sinh “Thấm thoắt 20 năm mà lời dạy bảo còn văn vẳng bên tai. Nay đến bước đường cùng lận đận, biết còn đội gạo vì ai! Chỉ than thở cùng trời xanh, chứ biết gửi lòng mình vào đâu”. Ông nhắc lại điển tích Tử Lộ, một học trò nghèo mà học giỏi của Khổng Tử, thuở hàn vi từng đội gạo nuôi mẹ già. Chi tiết này cho thấy tấm lòng hiếu thảo lúc nào cũng muốn được đền đáp công ơn của cha mẹ của tác giả.
Sau khi đã giới thiệu về gia cảnh của mình, tác giả nhìn lại bản thân và ghi lại rất chân thật những “cái tật” của chính mình. Thời trẻ, kinh sử thì có vỡ ra được một ít, chữ Nôm không biết hết, bản đàn, lời thơ có thoảng qua nhưng lại lờ mờ không hiểu gì cả. Năm 16 tuổi được dạy đánh cờ nhưng nước cờ chưa cao nên “hễ đánh với ai là bị thua”. Khi đã thông hiểu được chiến thuật công thủ của chơi cờ rồi thì lại “không để trí vào nữa”. Còn như trò cờ bạc ông cũng không ham vì “chả hiểu cái thuật nó ra thế nào”. Sau đó ông còn kể ra việc mình nghiện chè tàu “Tuy khay chén thiếu thốn, tiền không đủ mua chè mà vẫn nghiện. Các thứ chè thơm tho đều mua nếm qua cả; muốn chừa mà không chừa được”. Nói ra rất chân thật những cái tật ấy có lẽ tác giả muốn nhắn nhủ đến mọi người những chuyện rượu, chè, cờ bạc. Hãy cố mà mà tu thân và lập chí, đừng ăn chơi đua đòi, sa ngã.
Tiếp sau đó, tác giả kể cho người đọc về hoàn cảnh sống, nếp sống và cung cách sinh hoạt thường ngày của mình. Là một người có chí lập thân từ rất sớm. Lên chín tuổi đã học sách hán thư. Ông học với một niềm say mê “Các sách cổ, thơ cổ ta thường ham xem lắm, không lúc nào rơi tay”. Không chỉ đam mê sách vở mà đời sống tinh thần của tác giả cũng rất phong phú và tinh tế. Tác giả làm bạn với hoa với trăng. Hồng liên, bạch liên, mẫu đơn, thanh liễu …lung linh, gợi cảm dưới ánh trăng huyền ảo. Tác giả thả hồn mình theo những tiếng sáo mục đồng trên đồng nội để tận hưởng cảnh yên bình khi chiều về. Có lẽ tình yêu thiên nhiên yêu cuộc sống là ngọn nguồn cảm hứng của những bài thơ để đời của ông.
Đến đây có thể nói, bài Tự thuật là một trang tùy bút đặc sắc và vô cùng chân thật của Phạm Đình Hổ. Qua đây, ta thấy được chí lập thân và nhân cách cao đẹp của một bậc nho sĩ tài danh. Sống thế nào để làm nên sự nghiệp? Sống thế nào để có đời sống tinh thần phong phú?
Tác phẩm Vũ trung tuỳ bút do Phạm Đình Hổ sáng tác, là một trong số những tác phẩm nổi bật của chương trình ngữ văn lớp 9. Ngoài bài làm văn Cảm nhận về bài Tự thuật trong Vũ trung tuỳ bút, các bạn học sinh và giáo viên tham khảo thêm các bài làm văn mẫu khác như Giới thiệu một vài nét về Phạm Đình Hổ và tác phẩm Vũ trung tuỳ bút, Bình luận về Việc thi cử được Phạm Đình Hổ nói đến trong Vũ trung tuỳ bút, hay cả phần Soạn bài Vũ trung tùy bút. Hi vọng với những tài liệu này hỗ trợ cho quá trình học tập của các bạn học sinh dễ dàng và đạt kết quả tốt nhất.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục