Naropa là một học giả Ấn Độ lừng danh – một tăng sĩ, một hành giả yogi vĩ đại, và một nhân vật kỳ bí, xuất hiện trong lịch sử vào thế kỷ thứ 11, đánh dấu sự mở đầu của một truyền thống tâm linh đặc sắc trong hệ thống triết học Phật giáo.
Ngài đản sinh trong hoàng tộc Bà la môn nhưng ngay từ thuở nhỏ đã bộc lộ xu hướng độc lập, đặc biệt, trong lĩnh vực học thuật nghiên cứu và thiền định. Thuận theo nguyện vọng của cha mẹ, Ngài bằng lòng cuộc hôn nhân sắp đặt với một thiếu nữ trẻ trung cũng thuộc đẳng cấp quý tộc Bà la môn. Sau 8 năm chung sống, cả hai đồng lòng gỡ bỏ hôn nhân và cùng theo đuổi đời sống xuất gia phạm hạnh.
Vào năm 28 tuổi, Đức Naropa tới tham học cả Kinh điển và Mật điển tại Đại học Nalanda – đại học Phật giáo lừng danh thời đó. Ngài trở thành một học giả trứ danh và một bậc biện tài vô ngại. Điều đáng nói trong truyền thống tranh biện thời đó là kẻ thua cuộc sẽ lập tức trở thành đệ tử của người chiến thắng. Sau cùng, Đức Naropa đã thành tựu danh hiệu vinh quang “Bậc trấn giữ Cổng thành phương Bắc” của Nalanda, Ngài tham gia nhiều cuộc tranh biện, chiến thắng và thu phục vô số đệ tử.