Trong số những người góp công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, nhà sư Vạn Hạnh và người con của xứ Thanh – Thái sư Đào Cam Mộc được xếp ở vị trí đệ nhất khai quốc công thần. Đào Cam Mộc quê ở xã Định Tiến, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Người chủ trương đưa Lý Công Uẩn lên ngôi là Sư Vạn Hạnh, nhưng người thực thi chủ trương đó lại là Đào Cam Mộc. Về việc này, Đại Việt sử ký toàn thư viết như sau: Sau khi vua Lê Đại Hành mất, các vua về sau ăn chơi xa xỉ, không màng gì tới triều chính và muôn dân trăm họ, trong nước người dân ca thán, bên ngoài giặc Tống đang chờ thời cơ mang quân sang xâm lược nước ta.
Trước thế giặc lăm le ngoài bờ cõi, lòng người dân phân tâm, lúc này dân gian đồn rằng trên cây cổ thụ bị sét đánh ở châu Cổ Pháp hiện lên dòng chữ: “Gốc cây thăm thẳm/ Ngọn cây xanh xanh/ Dao chặt cây rụng/ Mười tám hạt thành/ Cành đông xuống đất/ Cây khác lại sinh/ Đông mặt trời mọc/ Tây sao náu hình/ Khoảng sáu bảy năm. Thiên hạ thái bình”. Nội dung những dòng chữ này ý nói vua non yếu, bầy tôi cường thịnh, họ Lê mất, họ Lý nổi lên, trải sáu hoặc bảy năm thì thiên hạ thái bình… Đến khi Long Đĩnh băng hà, vua nối ngôi còn bé, Lý Công Uẩn cùng với Hữu điện tiền chỉ huy sứ là Nguyễn Đê, mỗi người được đem 500 quân tùy long (quân hầu của vua) vào làm túc vệ. Chi hậu Đào Cam Mộc dò biết Lý Công Uẩn có ý muốn được truyền ngôi, nên nhân lúc vắng người, hỏi để gợi xem: “Mới rồi chúa thượng ngu tối bạo ngược, làm nhiều việc bất nghĩa, trời chán ghét nên không cho hết thọ, con nối thơ ấu không kham nổi nhiều khó khăn. Mọi việc phiền nhiễu thần linh không ưa, dân chúng nhao nhác, mong tìm chân chúa. Sao Thân vệ không nhân lúc này nghĩ ra mưu cao, quyết đoán sáng suốt, xa xem dấu cũ của Thang Vũ, gần xem việc làm của Đinh Lê, trên thuận lòng trời, dưới theo ý dân, mà cứ khư khư giữ tiểu tiết làm gì”. Lý Công Uẩn thận trọng, ngại Đào Cam Mộc có bụng khác, giả giận mắng rằng: “Sao ông nói thế, tôi phải bắt ông nộp quan”. Ông thong thả nói với Lý Công Uẩn: “Tôi thấy thiên thời nhân sự như thế, cho nên mới dám phát ngôn. Nay ông lại muốn cáo giác tôi, thì tôi không phải là người sợ chết”. Lúc đó, Lý Công Uẩn mới thổ lộ: “Tôi đâu nỡ cáo giác ông, chỉ sợ lời nói tiết lộ thì chết ráo, nên răn ông đó thôi”.
Hôm khác, ông lại nói với Lý Công Uẩn: “Người trong nước ai cũng nói họ Lý khởi nghiệp lớn, lời sấm đã hiện ra rồi, đó là cái họa đã hiện ra rồi không thể che dấu được nữa. Chuyển họa thành phúc chỉ trong sớm chiều. Đây là lúc trời trao, người theo, Thân vệ còn nghi ngại gì nữa”. Lý Công Uẩn nói: “Tôi đã hiểu ý ông, không khác gì ý của Vạn Hạnh, nếu thực như lời ấy thì nên tính kế thế nào?”. Đào Cam Mộc bèn trả lời: “Thân vệ là người khoan thứ, nhân từ, lòng người chịu theo. Hiện nay, trăm họ mệt mỏi kiệt quệ, dân không chịu nổi, Thân vệ nên lấy ân đức mà vỗ về, thì người ta tất xô nhau mà kéo về như nước chảy chỗ thấp, có ai ngăn được”. Đào Cam Mộc biết việc cần kíp, sợ sinh biến, mới nói chuyện với khanh sĩ và các quan, ai cũng vui theo. Ngay ngày hôm ấy, đều họp cả ở trong triều bàn rằng: “Hiện nay, dân chúng ức triệu khác lòng, trên dưới lìa bỏ, mọi người chán ghét tiên đế hà khắc bạo hành ngược không muốn về… có lòng suy tôn quan Thân vệ… nhân lúc này cùng nhau sách lập Thân vệ làm Thiên tử”. Thế rồi cùng nhau dìu Lý Công Uẩn lên chính điện, lập làm Thiên tử, lên ngôi Hoàng đế. Trăm quan đều lạy rạp dưới sân, trong ngoài đều hô “vạn tuế” vang dậy cả trong triều. Đại xá cho thiên hạ, Lý Công Uẩn lấy niên hiệu Thuận Thiên năm 1010 mở đầu vương triều Lý.
Ngoài công lớn trong việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, Đào Cam Mộc còn có công giúp Lý Công Uẩn xây dựng cơ nghiệp nhà Lý buổi ban đầu, nên được Lý Công Uẩn rất tin dùng, phong làm Nghĩa Tín hầu và gả con gái trưởng là công chúa An Quốc. Khi triều chính tạm ổn định, tháng 2 năm Thuận Thiên thứ nhất (1010) nhà vua cùng phò mã Đào Cam Mộc đi kinh lí các tỉnh miền ngoài để tìm đất định đô lâu bền. Quyết định dời đô về Thăng Long của Lý Thái tổ cũng có một phần đóng góp ý tưởng và công sức của Đào Cam Mộc. Ông mất năm Ất Mão (Thuận Thiên) năm thứ 6 (1015) và được truy phong là Thái sư Á vương. Thật tự hào hiện nay, bên trái ngôi Đền Đô, thờ Lý Bát Đế ở Đình Bảng tỉnh Bắc Ninh là khu Nhà Võ chỉ, nơi thờ những quan võ tiêu biểu triều Lý có bia khắc 4 chữ “Nghĩa Liệt Anh Hùng” là nơi thờ ba vị tướng: Đào Cam Mộc, Lê Phụng Hiểu (đều quê Thanh Hóa) và Lý Thường Kiệt (làm Tổng trấn Thanh Hóa 19 năm). Trong 216 năm (1009-1225) trị vì, với 9 đời vua, vương triều Lý đã để lại những dấu ấn khá đậm nét, Đại Việt nói chung, Thanh Hóa nói riêng có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt, mở đầu cho nền văn minh Đại Việt rực rỡ.
Tháng 7 năm Canh Tuất (1010), Lý Công Uẩn đã có một quyết định lịch sử là dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, rồi đổi tên là Thăng Long. Tiếp đó, nhà Lý cho đổi 10 đạo thời Đinh – Tiền Lê làm 24 lộ, châu Hoan, châu Ái làm trại (1). Từ khi kinh đô dời ra Thăng Long, Ái châu trở thành miền xa triều đình. Tuy nhiên, do vị trí chiến lược quan trọng trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, nhất là qua các đời Khúc – Dương – Ngô – Tiền Lê, nên Thanh Hóa được nhà Lý quan tâm đặc biệt. Những thập niên đầu nhà Lý, tình hình Ái châu khá phức tạp. Một số vụ bạo loạn với mức độ khác nhau đã xảy ra, như các vụ Cử Long (1011), Giáp Đại Nãi (1029), Ngũ Huyện Giang (1050-1051), buộc triều đình phải tiến hành trấn áp. Để củng cố nhà nước quân chủ, thực hiện quản lý quốc gia thống nhất, triều đình đã cử những đại thần vào “coi giữ”, chẳng hạn Thái úy Lý Thường Kiệt đã có 19 năm (1082 – 1101) làm Tổng trấn Thanh Hóa. Vì vậy, từ thế kỷ XI, “xu hướng tự quản của tầng lớp thổ hào cũng như tổ chức công xã nông thôn còn tồn tại mờ nhạt trên đất Thanh Hóa”.
Về mốc lịch sử 1029, năm xuất hiện sớm nhất của Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là một đơn vị trực thuộc chính quyền Trung ương, tại tờ 20, quyển 21, sách Cương mục có đoạn chép: “Xưa, thời Hùng Vương là quận Cửu Chân, đời Ngô – Tấn – Tống, cũng theo đó. Đời Lương Vũ đế đổi Cửu Chân thành Ái Châu, đời Tùy trở lại tên gọi là quận Cửu Chân. Đời Đường thì phân tách và bố trí thành hai quận Ái Châu và Cửu Chân. Triều Đinh Lê gọi là Ái Châu. Triều Lý đổi thành trại. Năm Thiên Thành thứ hai (1029) đổi làm Thanh Hóa phủ”. Toàn bộ không gian và địa giới phủ Thanh Hóa thời bấy giờ về cơ bản ổn định như ngày nay.
Với sự ra đời Danh xưng Thanh Hóa năm 1029 như là một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, “cùng với sự phát triển của quốc gia Đại Việt, hòa nhập vào xu thế chung của dân tộc, cũng từ thế kỷ XI, Thanh Hóa đã trở thành một khu vực không chỉ ổn định, mà còn gắn bó chặt chẽ với nhà nước quân chủ tập quyền Lý, xây dựng nên kỷ nguyên Đại Việt huy hoàng”.
********************
Đăng bởi: Trường THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Tổng hợp