Đề bài: Miêu tả tài sắc của kiều qua 12 câu thơ trong bài Chị em Thúy Kiều
Miêu tả tài sắc của kiều qua 12 câu thơ trong bài Chị em Thúy Kiều
Bạn đang xem: Miêu tả tài sắc của kiều qua 12 câu thơ trong bài Chị em Thúy Kiều
I. Dàn ý Miêu tả tài sắc của kiều qua 12 câu thơ trong bài Chị em Thúy Kiều (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu đoạn trích: Nguyễn Du đã xây dựng thành công hình ảnh một cô Thúy Kiều “tài sắc vẹn toàn” qua đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”
2. Thân bài
* Giới thiệu đoạn trích:
Nằm ở phần đầu của tác phẩm – “Gặp gỡ và đính ước”.
* Phân tích
– Miêu tả Vân để làm nổi bật Kiều+ “Vân xem trang trọng khác vời” vẻ đẹp cao sang, quý phái.+ Vân đẹp từ khuôn mặt, mái tóc, nụ cười, làn da, vẻ đẹp sánh ngang với hương hoa, mây trời, trắng sáng, tuyết trắng, ngọc ngà – những tinh hoa của thiên nhiên đất trời.→ Vẻ đẹp vượt xa mọi chuẩn mực thiên nhiên.
– Miêu tả vẻ đẹp của Kiều+ “Kiều càng sắc sảo mặn mà” Kiều mặn mà hơn về tâm hồn, sắc sảo hơn về trí tuệ.+ Bút pháp ước lệ để làm nổi bật vẻ đẹp của Kiều.+ Vẻ đẹp của Kiều khiến thiên nhiên cũng phải đố kị.+ Tài năng của Kiều đạt chuẩn mực của lễ giáo phong kiến: cầm, kì, thi, họa.+ Sử dụng kết hợp nhiều biện pháp như so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, liệt kê…→ Cách thể hiện con người quen thuộc trong thơ ca trung đại Kiều đẹp theo đúng chuẩn mực của lễ giáo phong kiến.
* Đánh giá:
– Thấy được tài sử dụng ngôn từ của Nguyễn Du “bậc thầy ngôn từ”- Tấm lòng nhân đạo của ông
3. Kết bài
Khẳng định lại giá trị của tác phẩm
II. Bài văn mẫu Miêu tả tài sắc của kiều qua 12 câu thơ trong bài Chị em Thúy Kiều (Chuẩn)
M.Gorki từng nói “Văn học là nhân học” quả không sai. Mỗi tác phẩm ra đời dù viết về thế giới của chim muông cây cỏ hay một thế giới nào khác thì qua những nhân vật xuất hiện trong tác phẩm ta vẫn nhận ra dấu ấn của cuộc sống con người. Hay có thể nói như Nguyễn Minh Châu” “Cuộc sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm chính là con người”. Vậy trong thế giới nghệ thuật, nhân vật là nơi gửi gắm nội dung tác phẩm cũng như thông điệp của người nghệ sĩ. Nếu để tác phẩm “sống” trong lòng người đọc thì trước hết nhân vật văn học phải mang tính điển hình. Và Nguyễn Du – đại thi hào của nền văn học Việt Nam đã làm được điều ấy. Người nghệ sĩ tài ba đã xây dựng thành công hình ảnh một Thúy Kiều “tài sắc vẹn toàn” qua 12 câu thơ đầu đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”:
“Đầu lòng hai ả tố nga…Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”
Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” nằm ở phần đầu của tác phẩm – “Gặp gỡ và đính ước”. Bằng tài năng của mình đại thi hào đã xuất sắc khi sử dụng biện pháp đòn bẩy dùng Vân để làm nổi bật vẻ đẹp của Kiều.
Trước hết, bốn câu thơ đầu Nguyễn Du đã giới thiệu một cách khái quát nhất về hai chị Thúy Kiều:
“Đầu lòng hai ả tố ngaThúy Kiều là chị, em là Thúy Vân”
Bằng hai câu thơ ngắn gọn, tác giả đã cung cấp cho người đọc thông tin về hai chị em: Chị là Thúy Kiều còn em là Thúy Vân. Tài tình thay với hai từ “tố nga” nghĩa là người con gái đẹp Nguyễn Du đã cho chúng ta thấy hai chị em Thúy Kiều đều là những người con gái đẹp. Cả hai không chỉ xinh đẹp mà còn toát lên vẻ trong sáng, thuần khiết:
“Mai cốt cách tuyết tinh thầnMỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”
Có thể thấy, Nguyễn Du đã lấy những gì đẹp đẽ nhất của thiên nhiên để miêu tả vẻ vẻ đẹp của hai nàng là vẻ đẹp thanh tao của mai “mai cốt cách”, là sự trắng trong, tinh khiết của tuyết “tuyết tinh thần”. Ở đây, bằng bút pháp ước lệ kết hợp với phép ẩn dụ thi hào Nguyễn Du đã gợi lên vẻ đẹp hài hòa cả về hình thức lẫn tâm hồn của hai chị em. Vẻ đẹp của hai cô đều đạt tới mức tuyệt mĩ “mười phân vẹn mười” nhưng mỗi người lại mang một nét đẹp riêng.
Không chỉ giới thiệu chung về hai chị em mà Nguyễn Du còn đi sâu miêu tả vẻ đẹp riêng của hai nàng, đặc biệt là tài sắc của Thúy Kiều. Bốn câu tiếp theo tác giả dành trọn lời khen của mình về Thúy Vân:
“Vân xem trang trọng khác vờiKhuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nangHoa cười ngọc thốt đoan trangMây thua nước tóc tuyết nhường màu da”
Câu thơ đầu tiên khi gợi tả Thúy Vân, Nguyễn Du đã giới thiệu khái phát nhất vẻ đẹp của Vân- một vẻ đẹp cao sang, quý phái: “Vân xem trang trọng khác vời”. Bằng bút pháp ước lệ tượng trưng, phép ẩn dụ, nhân hóa “khuôn trăng, nét ngài, hoa cười ngọc thốt”, tác giả đã cho ta thấy vẻ đẹp của Thúy Vân là vẻ đẹp đầy đặn, phúc hậu, tính cách thì đoan trang, thùy mị. Đặc biệt khuôn mặt của Vân đầy đặn, tươi sáng. So sánh với vầng trăng nét như mày ngài miệng cười tươi thắm như hoa, giọng nói trong trẻo thốt ra từ hàm răng ngọc ngà là những “lời hay ý đẹp”…. Nguyễn Du đã mượn hình ảnh đẹp đẽ tinh khôi của thiên nhiên đất trời để so sánh với vẻ đẹp của nàng. Với vẻ đẹp ấy thiên nhiên sẵn sàng chấp nhận chịu ” thua” ” chịu nhường”: ” Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”
Nghệ thuật nhân hóa khiến thiên nhiên như có hình thể và tính cách của con người. Những làn mây trên không trung không đẹp bằng mái tóc mượt mà của Vân. Hình ảnh “tuyết” vốn là biểu tượng của sự thanh khiết, trong trẻo nhưng ở đây, tuyết cũng phải nhún nhường trước màu làn da mịn màng trắng trẻo của Vân. Từ “nhường” và từ “thua” được sử dụng thật tài tình không chỉ cho chúng ta thấy được vẻ đẹp của vân mà tác giả còn dự báo về số phận của nàng, một chặng đường bình yên phẳng lặng. Có thể nói Vân đẹp hơn những gì mỹ lệ của thiên nhiên – một vẻ đẹp tạo sự hòa hợp với tự nhiên, tạo hóa. Như vậy, chỉ bằng vài nét chấm phá bức chân dung của thúy vân hiện lên thật nghiêm trang và phúc hậu khiến ai cũng phải ngợi khen.
Bên cạnh đó, nói đến “Truyện Kiều” thì chúng ta không thể không nói đến nhân vật chính của tác phẩm – Thúy Kiều.
Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Du miêu tả Thúy Vân trước rồi mới tả Kiều mà ẩn đằng sau đó là cả một dụng ý nghệ thuật. Bằng cách sử dụng thủ pháp đòn bẩy tác giả đã làm bật vẻ đẹp của Kiều. Thúy Vân đã đẹp nhưng Kiều còn đẹp hơn. Đại thi hào tả kỹ tả đẹp để Vân trở thành “tuyệt thế giai nhân” để rồi khẳng định Kiều còn hơn hẳn:
“Kiều càng sắc sảo mặn mà”
Ở đây từ “càng” đứng trước hai từ láy liên tiếp “sắc sảo” “mặn mà” làm nổi bật vẻ đẹp của Kiều: sắc sảo về trí tuệ mặn mà về tâm hồn. Nếu Thúy Vân được miêu tả như người con gái đẹp hoàn hảo đằm thắm thì vẻ đẹp của Kiều lại vượt lên trên cái hoàn hảo ấy trở thành cái đẹp tuyệt mỹ, toàn bích. Một chữ ” mặn mà ” thật đúng với con người Kiều biết bao!
Khác với Thúy Vân khi gợi tả vẻ đẹp Kiều Nguyễn Du không liệt kê không miêu tả chi tiết, cụ thể mà ngòi bút của ông chỉ ngưng đọng ở đôi mắt – một đôi mắt hoàn mỹ:
“Làn thu thủy nét xuân sơn”
Với bút pháp ước lệ tượng trưng kết hợp với phép ẩn dụ đã gợi đôi mắt trong sáng long lanh như làn nước mùa thi “làn thu thủy”, hàng lông mày thanh tú như dáng núi mùa xuân”nét xuân sơn”. Có thể nói, bằng bút pháp đặc tả Nguyễn Du đã để vẻ đẹp của Kiều hội tụ ở đôi mắt – cửa sổ tâm hồn thể hiện phần tinh anh và trí tuệ. Đồng thời đây cũng là vẻ đẹp ước lệ, tượng trưng thường gặp trong thơ văn cổ. Những nghệ thuật ấy đã tiếp tục đưa sắc đẹp của Thúy Kiều đến tuyệt đỉnh khiến cho:
“Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”
Nếu với Thúy Vân – một người con gái có vẻ đẹp đoan trang, phúc hậu, tính chất điềm đạm, thiên nhiên sẵn sàng “thua” “nhường” thì vẻ đẹp của Kiều lại khiến cho hoa cũng phải ” ghen” liễu cũng phải “hờn”. Hay nói cách khác, nhìn vẻ đẹp của Thúy Kiều thiên nhiên tạo hóa nhận ra khuyết điểm của mình để rồi mặc cảm với chính mình mà ghen mà đố kỵ. Nghệ thuật so sánh ẩn dụ được sử dụng một cách tài tình khiến cho tính chất đố kỵ của thiên nhiên với vẻ đẹp Kiều càng tăng lên gấp bội. Ở đây hoa và liễu là những loài vô tri vô giác vậy mà cũng phải ghen phải hờn trước vẻ đẹp “mười phân vẹn mười” của nàng Kiều. Bên cạnh đó qua từ “ghen” và “hờn” Nguyễn Du còn hé mở cho chúng ta thấy những cơn sóng gió bão tố của cuộc đời như chờ trực để vùi dập thân phận nàng. Điều này khiến cho ta liên tưởng đến một câu nói muôn thuở:
“Hồng nhan thì bạc mệnh/ Hồng nhan thì đa truân”
Như vậy nếu nàng Vân mang nét đẹp đoan trang, đài các, một vẻ đẹp dịu dàng, hài hòa với tự nhiên thì Kiều lại mang nét đẹp sắc sảo nhưng lại đối nghịch với thiên nhiên, tạo hóa. Có thể nói, bằng cả cái tâm và cái tài của mình đại thi hào Nguyễn Du đã xuất sắc miêu tả tài sắc Thúy Kiều một cách tuyệt mỹ.
Qua đó, chúng ta thấy được tài sử dụng ngôn từ của Nguyễn Du cùng tấm lòng nhân đạo cao cả của ông. Nhà thơ đã thể hiện thái độ trân trọng, ngợi ca với vẻ đẹp của con người mà ở đây chính là Thúy Kiều. Nguyễn Du đã sử dụng những hình ảnh đẹp nhất, những ngôn từ hoa mỹ nhất để miêu tả vẻ đẹp con người phù hợp với cảm hứng ngưỡng mộ ngợi ca giá trị con người. Qua phần khắc họa chân dung chị em Thúy Kiều, Nguyễn Du còn thể hiện những dự cảm về cuộc đời và số phận của hai chị em.
Như vậy, chúng ta được chiêm.ngưỡng một bức chân dung nàng Kiều tuyệt mỹ qua cái nhìn của Nguyễn Du. Kiều trở thành nhân vật điển hình trong thế giới văn học và sống mãi trong lòng người đọc. Cũng như vậy “Truyện Kiều” dù trải qua nhiều thế kỷ nhưng vẫn không bao giờ phai mờ. Như ai đó nhận định “Văn chương chân chính dù được sáng tác ở một thời đại đã cách xa vẫn có khả năng gợi mở, định hướng giá trị sống cho con người ở hiện tại”.
Sau khi tìm hiểu xong nội dung bài Miêu tả tài sắc của kiều qua 12 câu thơ trong bài Chị em Thúy Kiều, các em học sinh có thể tham khảo thêm những bài văn hay lớp 9 khác như: Phân tích đoạn trích chị em Thúy Kiều, Cảm nhận về vẻ đẹp và tài năng của Thúy Kiều trong Chị em Thúy Kiều, Phân tích nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều, So sánh tài sắc của Thuý Vân và Thuý Kiều được thể hiện qua đoạn trích Chị em Thúy Kiều.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục