Ma nhai là gì?
Ma nhai là thuật ngữ chuyên môn chỉ các văn tự khắc lên vách núi tự nhiên đã có sự gia công bề mặt.
Ma nhai – những trang sử trên đá
Kho tàng văn khắc bằng chữ Hán và chữ Nôm tại danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) gồm 78 bia ma nhai có nội dung, phong cách biểu hiện đa dạng, hình thức độc đáo với nhiều thể loại: ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… Đây là tác phẩm của các vua, quan triều Nguyễn, các vị cao tăng, cùng nhiều thế hệ tao nhân, mặc khách đã từng dừng chân và lưu đề trên vách đá, hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thập niên 60 của thế kỷ XX. Đó là nguồn tư liệu quý, có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và được giới nghiên cứu từ trước đến nay quan tâm.
Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn gồm 6 ngọn núi đá vôi: Thiên Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn. Không phải ngẫu nhiên mà từ xa xưa quần thể danh sơn này từng có tên là Ngũ Chỉ Sơn tức năm ngón tay của Phật, hay Ngũ Uẩn Sơn nghĩa là năm thứ ngăn che làm cho con người không nhận biết được chân tánh của chính mình, theo quan niệm Phật giáo.
Tại đây còn có một quần thể di tích văn hóa, bao gồm một phức hợp di tích danh thắng với các ngôi cổ tự danh tiếng: Thái Bình, Vân Phong, Phổ Đà, Bình An, sau này là Tam Thai, Linh Ứng, Từ Tâm, Tam Tôn, cùng với hệ thống hang động: Huyền Không, Tàng Chơn, Ngoa Nghiêm, Vân Không.
Lịch sử Phật giáo Việt Nam cho thấy, một thời gian sau cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông và sự ra đời của đạo thừa tuyên Quảng Nam (1471), khu vực ngũ Hành Sơn đã sớm định hình là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Đại Việt. Tại đây hiện còn lưu giữ khá nhiều hoành phi – liễn đối, chuông, tượng, pháp khí liên quan đến văn hóa Phật giáo.
Sử sách ghi lại, từ năm 1802, khi Nguyễn Ánh lên ngôi ở Phú Xuân, mở đầu triều Nguyễn, Đà Nẵng trở thành phên dậu quan trọng che chắn phía Nam để bảo vệ kinh đô. Với vai trò quan trọng đó, Đà Nẵng được triều đình nhà Nguyễn quan tâm đặc biệt, các vua thường xuyên đi thị sát và thăm thú nhiều cảnh đẹp nơi đây, trong đó có danh thắng Ngũ Hành Sơn. Năm 1837, trong lần xa giá cuối cùng đến danh thắng này, vua Minh Mạng đã ban sắc đặt tên cụm núi này là Ngũ Hành Sơn.
Năm 1980, danh thắng Ngũ Hành Sơn được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) xếp hạng di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Năm 1980, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng danh thắng Ngũ Hành Sơn là di tích quốc gia đặc biệt.
Hệ thống văn khắc Hán Nôm trên các hang động của Ngũ Hành Sơn vượt trội về số lượng, đa dạng về thể loại, đặc biệt về tác giả có nhà vua, đại thần, các danh nhân, các nghệ sĩ, thi sĩ nổi tiếng của cả nước. Những thông tin từ văn khắc Hán Nôm ở Ngũ Hành Sơn, giúp hậu thể tìm hiểu lịch sử phát triển, đời sống, văn hóa, tín ngưỡng của vùng đất Quảng Nam xưa cũng như quá trình Nam tiến của người Việt trong nhiều thế kỷ.
Mỗi tư liệu văn khắc Hán Nôm trên vách đá, hang động ở danh thắng Ngũ Hành Sơn có thể được xem là một tác phẩm nghệ thuật, tiêu biểu là hai tác phẩm Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc và Phổ Đà Sơn linh trung Phật, cả hai bia này có niên đại vào thế kỷ thứ 17, sớm nhất trong số các bia hiện có ở đây. Nội dung hai văn bia này vừa mang đậm dấu ấn thời chúa Nguyễn, vừa có ý nghĩa rất lớn về mặt sử liệu, giúp xác định những mốc thời gian quan trọng của quá trình phát triển Phật giáo Việt Nam ở Đàng Trong, đồng thời cho phép khẳng định sự truyền bá của Phật giáo Đại Việt từ Đàng ngoài đi vào Đàng trong và vẫn tiếp tục truyền thống Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, tạo ra một tâm thế về mặt đời sống tinh thần của người Việt ở trên vùng đất mới. Khi các thiền sư Trung Hoa vào Đàng Trong sau đó, tiếp thêm nhịp sống cởi mở và sôi động trong giai đoạn cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18.
Về ngự bút của vua Minh Mạng, ngoài các tấm bia khắc đại tự “Vọng giang đài”, “Vọng hải đài” và biển đề “Huyền Không môn”, còn có 7 bia ma nhai đại tự được nhà vua ban chữ. Ngoài ra, vào năm Minh Mạng thứ 6 (1825), nhà vua đã ban tên cho nhiều hang động trong hệ thống danh thắng Ngũ Hành Sơn và được khắc vào vách đá như: động Huyền Không, động Linh Nham, động Lăng Hư, động Vân Thông, động Tàng Chân, hang Vân Nguyệt, hang Thiên Long… Chùm thơ ngự chế đề năm thứ 18 (1837), cho thấy các thi phẩm này được ngự đề nhân chuyến tuần du lần thứ 3 của nhà vua đến Ngũ Hành Sơn.
Rất nhiều tác phẩm thơ, đề từ, đề danh, câu đối khắc trên vách đá, hang động Ngũ Hành Sơn cũng là minh chứng cho thấy có nhiều bậc cao tăng, trí thức, quan lại, thi nhân từng đặt chân đến đây từ thế kỷ thứ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20.
Bia ma nhai nhận bằng di sản tư liệu của UNESCO
Ngày 1/3/, UNESCO trao bằng công nhận ma nhai (văn tự khắc lên vách núi) tại Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Lễ đón bằng công nhận bia ma nhai là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình, tổ chức ngay dưới chân danh thắng Ngũ Hành Sơn. Tại đây, có 78 văn bản bằng chữ Hán, chữ Nôm được khắc trên vách đá và hang động.
Nhiều nhất là tại động Hoa Nghiêm và động Tàng Chơn, mỗi động có 20 ma nhai. Động Huyền Không lưu giữ 3 ma nhai, trong đó có ngự bút của vua Minh Mạng “Huyền Không Động”. Hang Vân Nguyệt Cốc có 3 bia ma nhai ngự bút của vua Minh Mạng năm 1837, khắc ghi tên hang, động.
Thống kê có ba thể loại ma nhai, gồm bi ký Phật giáo thời chúa Nguyễn; ngự bút vua Minh Mạng và thơ đề của các đại thần, quan lại triều Nguyễn; bút tích của các hòa thượng, thiền sư, đạo sĩ. Nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ 17 đến 20.
Bà Miki Nozawa, Trưởng ban Giáo dục, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, nói bộ sưu tập 78 ma nhai đã lưu giữ ký ức về sự giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội giữa Việt Nam với các nước trên con đường hàng hải xuyên khu vực, cũng như vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thế kỷ 17.
“Việc ghi danh ma nhai trong danh mục di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương là sự ghi nhận ý nghĩa, tầm vóc cấp khu vực của bộ sưu tập theo nhiều tiêu chí, như ý nghĩa lịch sử, tính độc đáo và tính xác thực, đồng thời có tính đến sự nhạy cảm về giới”, bà Miki Nozawa nói.
Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch, cho biết bia ma nhai là các tác phẩm trên đá độc đáo ấn tượng, chiếm số lượng ít trong danh sách di sản tư liệu khu vực, thế giới và là đầu tiên ở Việt Nam. Việc công nhận bia ma nhai khởi đầu cho việc khai phá tiềm năng di sản tư liệu đặc biệt giá trị trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Hiện, TP Đà Nẵng đã dập văn bia bằng giấy dó các tác phẩm ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn để tổ chức triển lãm, giới thiệu rộng rãi đến người dân, du khách trong và ngoài nước. Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó chủ tịch TP Đà Nẵng, cho biết thời gian tới thành phố sẽ kiểm tra, giám sát và bảo vệ nghiêm ngặt các ma nhai.
Đến nay, USESCO đã ghi danh 32 di sản của Việt Nam vào danh sách di sản khu vực và thế giới. Riêng di sản tư liệu, hiện có 3 di sản thế giới và 6 di sản châu Á – Thái Bình Dương. Bia ma nhai (Đà Nẵng) và bộ sưu tập văn bản Hán Nôm (Hà Tĩnh) được công nhận là di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ngày 26/11/2022.
********************
Đăng bởi: Trường THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Tổng hợp