Luật an ninh mạng được quốc hội Việt Nam ban hành vào năm nào?
Luật An ninh mạng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV (kỳ họp thứ 5) thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2018 và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019. Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 Điều.
Sự cần thiết ban hành Luật An ninh mạng
– Không gian mạng là lĩnh vực mới, tác động sâu rộng vào mọi mặt đời sống xã hội. Từ khi mạng internet xuất hiện, đã tạo ra nhiều lợi ích cho con người. Tuy nhiên, cũng mang lại những thách thức to lớn. Không gian mạng trở thành nơi “trú ẩn an toàn” cho loại tội phạm mới: “Tội phạm mạng”. Các hành vi trên không gian mạng có thể xâm hại tới độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bí mật nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
– Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới. Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4 trong nhóm 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng máy tính ma (máy tính kết nối internet bị hacker, nhiễm virus máy tính…). Hậu quả của việc mất an ninh mạng để lại nhiều hệ lụy phức tạp, ví dụ như: website cảng hàng không bị tin tặc tấn công ảnh hưởng tới hoạt động điều hành bay và đe dọa an toàn bay; tài khoản ngân hàng của khách hàng bị đột nhập và rút hết tiền; sử dụng mạng xã hội để đăng, phát thông tin sai trái, bịa đặt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức….
– Để đảm bảo an ninh mạng ngoài giải pháp kỹ thuật, cần phải có hành lang pháp lý cụ thể. Giải pháp kỹ thuật hiện nay không đủ để đối phó với tấn công mạng hiện đại, do trách nhiệm pháp lý chưa cụ thể, rõ ràng; biện pháp của các cơ quan chức năng chưa chủ động, chặt chẽ, đồng bộ. Do đó, việc xây dựng và ban hành Luật An ninh mạng xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của tình hình an ninh mạng trong nước, yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của Hiến pháp năm 2013, cụ thể:
Một là, đáp ứng yêu cầu cấp bách của tình hình an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội như:
(1) Phòng ngừa, đấu tranh hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền an ninh quốc gia, kích động biểu tình, phá rối an ninh trật tự…
(2) Phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả của các hoạt động tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, chống chiến tranh mạng;
(3) Bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và áp dụng các biện pháp cần thiết, tương xứng.
Hai là, khắc phục những tồn tại hạn chế cơ bản trong công tác bảo vệ an toàn ninh mạng như:
(1) Tồn tại cách hiểu chưa rõ ràng giữa an ninh mạng và an toàn thông tin mạng dẫn tới một số vấn đề còn chồng chéo, trùng lặp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng giữa các bộ, ngành chức năng
(2) Chưa có văn bản luật quy định về công tác an ninh mạng nên chưa đủ cơ sở pháp lý để lực lượng chức năng đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Ba là, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng.
Bốn là, bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc.
Năm là, bảo đảm sự phù hợp với thông lệ quốc tế, khi đã có rất nhiều quốc gia trên thế giới ban hành Luật An ninh mạng.
Ý nghĩa của việc ban hành Luật An ninh mạng
Trong tình hình hiện nay, việc ban hành Luật An ninh mạng là hết sức cần thiết, trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc ý kiến góp ý hợp lý của các chuyên gia, nhà khoa học, cử tri và nhân dân, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Luật An ninh mạng ra đời đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển đất nước, tập trung bảo vệ lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên không gian mạng. Cụ thể:
– Thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng; Phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet.
– Bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện đại, trước việc không gian mạng đã xâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và hiện diện trong hầu hết các hoạt động của con người. Luật An ninh mạng, tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng, các tổ chức, cá nhân được hoạt động trên một môi trường không gian mạng quốc gia sẽ được bảo đảm an toàn, lành mạnh, hạn chế tối đa các yếu tố, nguy cơ xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
– Trong thực tiễn, việc không quản lý được dữ liệu người dùng và dữ liệu quan trọng quốc gia đã và đang ảnh hưởng tới lợi ích, an ninh quốc gia. Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động và tội phạm đang gia tăng việc sử dụng không gian mạng để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, trong khi cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong điều tra, xác minh, truy tìm, xử lý các trường hợp vi phạm này vì toàn bộ dữ liệu đều được đặt ở nước ngoài.
– Tài khoản cá nhân sẽ được bảo vệ tốt hơn khi Luật An ninh mạng được ban hành. Không có việc cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh mạng kiểm soát toàn bộ thông tin người dùng mạng, mà chỉ có thể yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng và không được lạm quyền. Luật An ninh mạng không cấm sử dụng internet, không cấm mạng xã hội (Facebook, Youtube, Google, Zalo…) như thông tin xuyên tạc.
– Luật An ninh mạng phù hợp với thông lệ quốc tế, không cản trở hoạt động của doanh nghiệp, không cản trở Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế. Qua rà soát các văn bản cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1994), Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS), Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS)… Luật An ninh mạng ban hành không vi phạm các cam kết quốc tế. Hiện nay nhiều quốc gia đã ban hành Luật An ninh mạng.
Phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng
Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (Điều 1).
Những hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng
Những hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng như sau:
– Sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi sau:
+ Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (điểm b, khoản 1, Điều 8).
+ Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc (điểm c, khoản 1, Điều 8).
+ Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác (điểm d, khoản 1, Điều 8).
+ Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng (điểm đ, khoản 1, Điều 8).
+ Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội (điểm e, khoản 1, Điều 8).
– Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (khoản 2, Điều 8).
– Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (khoản 3, Điều 8).
– Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng (khoản 4, Điều 8).
– Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi (khoản 5, Điều 8).
– Hành vi khác vi phạm quy định của Luật An ninh mạng (khoản 6, Điều 8).
Việc quy định các hành vi bị nghiêm cấm nêu trên nhằm:
– Góp phần ngăn chặn các nguy cơ và hành vi có thể gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng.
– Là căn cứ pháp lý quan trọng để bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
– Là công cụ để lực lượng chức năng triển khai các biện pháp được giao.
Luật An ninh mạng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như thế nào?
Luật An ninh mạng được ban hành nhằm ngăn chặn toàn bộ các nguy cơ và hành vi có thể gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Cụ thể:
– Bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân được hoạt động trên một môi trường không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, hạn chế tối đa các yếu tố, nguy cơ xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
– Bảo vệ chặt chẽ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng. Với tiến bộ của khoa học công nghệ, thông tin cá nhân sẽ được phân tích, tổng hợp, hình thành bản sao mô phỏng con người thật trên không gian ảo, bao gồm cả thói quen và cách ứng xử, dần hình thành một loại cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khác so với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Nhà nước quản lý. Khi đó, vấn đề cá nhân sẽ trở thành vấn đề quốc gia.
– Bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài về sự quản lý, tương thích các quy định pháp luật và trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện.
Không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Luật An ninh mạng còn là căn cứ pháp lý chủ yếu và quan trọng để bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, là công cụ để lực lượng chức năng triển khai các biện pháp được giao.
Tình trạng đăng tải thông tin xấu, độc, chống Nhà nước, làm nhục, vu khống
Hiện nay các thế lực thù địch, phản động đang triệt để sử dụng không gian mạng để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng. Chúng triệt để sử dụng các trang web, blog, trang mạng xã hội đăng tải các bài viết, hình ảnh, clip với nội dung xuyên tạc tình hình chính trị trong nước, nói xấu chế độ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phản bác chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do, dân chủ, nhân quyền, đàn áp tôn giáo, dân tộc, gây chia rẽ mối quan hệ giữa nhân dân với chính quyền, với Đảng, giảm sút niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lợi dụng các sự kiện chính trị trong nước và các vụ việc phức tạp để kêu gọi tụ tập đông người, kích động người dân xuống đường tuần hành, biểu tình, gây rối an ninh, trật tự, gây bạo loạn, lật đổ chính quyền nhân dân. Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, các đối tượng đã sử dụng gần 3.000 trang mạng, với hàng trăm nghìn lượt bài viết chống Đảng, Nhà nước. Số lượng tin bài có nội dung xấu, phản động tăng đột biến trong thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.
Dưới góc độ an ninh, vấn đề kiểm soát thông tin xấu, độc, phản cảm trên mạng xã hội như thế nào?
Vấn đề kiểm soát thông tin xấu, độc, phản cảm trên mạng xã hội là trách nhiệm chung của toàn xã hội, do Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm chính.
Dưới góc độ an ninh, Luật An ninh mạng có đề cập tới các biện pháp xử lý thông tin có nội dung chống Đảng, Nhà nước, làm nhục, vu khống trên không gian mạng. Đây là nội dung liên quan trực tiếp tới an ninh quốc gia đã được quy định trong Bộ Luật Hình sự quy định về hình phạt và tội phạm, còn Luật An ninh mạng chỉ quy định các biện pháp phòng ngừa, xử lý đối với các hoạt động trên không gian mạng.
Hiện nay, các thông tin xấu, độc, phản cảm chủ yếu tồn tại trên các trang mạng xã hội nước ngoài nhưng các trang mạng này hầu như không bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật Việt Nam, dẫn tới tình trạng khó theo dõi, xử lý, điều tra các hành vi vi phạm. Thực trạng này xuất phát từ 3 bất cập chính:
– Một là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước về viễn thông, internet và thông tin trên mạng còn bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thực tế. Trong đó phải kể đến pháp luật về an ninh mạng, quản lý thuê bao, báo chí và an toàn thông tin mạng.
– Hai là, hạn chế về giải pháp công nghệ, đầu tư phương án kỹ thuật để ngăn chặn hiệu quả các thông tin xấu độc.
– Ba là, sự bất hợp tác hoặc thiếu thiện chí của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet nước ngoài khi cung cấp thông tin qua biên giới vào Việt Nam.
********************
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Tổng hợp