Kết bài bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải
Kết bài bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải
Bạn đang xem: Kết bài bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải
1. Kết bài số 1:
Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải không chỉ gợi mở bức tranh thiên nhiên xứ Huế tuyệt đẹp khi đất trời vào Xuân mà qua đó nhà thơ còn thể hiện tình yêu thiên nhiên tha thiết, lời ước nguyện được góp mùa xuân nhỏ của mình để làm nên mùa xuân lớn của đất nước thật đẹp, thật tha thiết, đặc biệt xét trong hoàn cảnh sáng tác của bài thơ khi nhà thơ đang chống chọi với bệnh tật thì lời nguyện ước này lại thiêng liêng, đáng quý hơn cả, đúng như nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Sử đã từng nhận định “ở giữa mùa thu của cuộc đời mình, ông vẫn hướng về mùa xuân tuyệt mĩ”.
2. Kết bài số 2:
Mùa xuân nho nhỏ khép lại nhưng sắc tím của bông hoa, âm thanh vang vọng của tiếng chim chiền chiện và cả lời nguyện ước tha thiết của nhà thơ Thanh Hải vẫn cứ vấn vương không thôi trong tâm hồn người đọc. Mùa xuân nho nhỏ mang người đọc đến biết bao cảm xúc đặc biệt, đó là cái hào hứng, hạnh phúc khi đón nhận những thanh sắc, sự sống đẹp đẽ đang bừng nở của mùa xuân, mang đến niềm tin tất thắng vào công cuộc đấu tranh, xây dựng của đất nước và cảm động hơn cả, xúc động hơn cả đó chính là nguyện ước chân thành của nhà thơ Thanh Hải, mong muốn dâng hiến mùa xuân nhỏ của bản thân để làm nên mùa xuân lớn của đất nước.
3. Kết bài số 3:
Thanh Hải không phải người đầu tiên hay người viết hay nhất, ấn tượng nhất về mùa xuân, thế nhưng trong cảm nhận của tôi “Mùa xuân nho nhỏ” của ông chính là khúc ca xuân tha thiết, thấm đượm cảm xúc nhất. Hòa chung với sự sống bừng nở khi xuân về, nhà thơ đã rất tinh tế thể hiện cảm xúc yêu thương, tình yêu mãnh liệt của mình đối với thiên nhiên, đất nước. Bức tranh mùa xuân của Thanh Hải đâu chỉ được làm nên bởi những hình ảnh đẹp đẽ, âm thanh ấn tượng của bông hoa tím biếc, của con chim chiền chiện, của hạt sương long lanh mà trở nên lấp lánh, đáng quý hơn bởi nó thấm đượm cái “tình” của nhà thơ. Tình yêu của nhà thơ không chỉ biểu hiện qua những cảm xúc dạt dào trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước mà còn được bộc lộ qua tâm nguyện dâng hiến chân thành mà thiết tha.
4. Kết bài số 4:
Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được nhà thơ Thanh Hải sáng tác trong những ngày tháng cuối đời của mình, thế nhưng lời thơ không có chút gì bi quan hay trăn trở về hoàn cảnh riêng, ngược lại bằng tình yêu thiết tha cùng những cảm nhận tinh tế nhất, nhà thơ vẫn mang đến cho độc giả một thi phẩm “tuyệt bút” về mùa xuân. Điều đáng quý nhất trong bài thơ này chính ở khát khao lặng lẽ mà cháy bỏng của nhà thơ: mong muốn được dâng hiến tất cả những gì đẹp đẽ, tươi sáng nhất của cuộc đời mình cho đất nước.
5. Kết bài số 5:
Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ kết thúc bằng làn điệu Nam ai, Nam bình tha thiết của xứ Huế, đó cũng chính là tiếng lòng thiết tha của nhà thơ Thanh Hải với cuộc đời này. Đứng trước mùa xuân của đất trời, mùa xuân của đất nước, nhà thơ xúc động thể hiện tình yêu, sự gắn bó của mình với đất nước, quê hương. Tình yêu ấy chân thành, xúc động hơn cả bởi lời nguyện ước trong phần cuối bài thơ, muốn được cống hiến cho sự tươi đẹp của đất nước, thầm lặng góp một mùa xuân nho nhỏ của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc, làm nên sự sống muôn đời cho đất nước mà nhà thơ luôn thương yêu, trân trọng.
——————HẾT——————-
Sau khi đã nắm được cách viết kết bài cho bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, các em học sinh có thể vận dụng những kiến thức đã học trên lớp cùng với việc tham khảo một số Bài văn hay lớp 9 khác như: Mở bài bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải, Phân tích 3 khổ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ, Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Cảm nhận và suy ngẫm của em về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ để hoàn thiện những đề bài có liên quan đến bài thơ Mùa xuân nho nhỏ.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục