Expressway là gì?
Đường cao tốc – danh từ, trong tiếng Anh được gọi là Expressway hoặc Freeway.
Đường cao tốc là đường được thiết kế để các phương tiện lưu thông với tốc độ cao, với lối vào và lối ra được kiểm soát, có dải phân cách giữa hai chiều, mỗi chiều có hai hoặc nhiều làn đường.
Đường cao tốc là đường dành riêng cho xe ô tô và một số loại xe chuyên dùng được phép đi vào theo qui định của Luật Giao thông đường bộ, có dải phân cách phân chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt mà dải phân cách này xe không đi được lên trên.
Đường cao tốc không giao nhau cùng mức với một hoặc một số đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định. (Theo Qui chuẩn Việt Nam QCVN 41:2016/BGTVT)
Đường cao tốc cho phép dòng lưu thông không bị cản trở vì không có đường giao cắt cùng mức với các hệ thống đường bộ thông thường khác hoặc với đường sắt nên không có xung đột khi chạy xe, hay nói cách khác, xe luôn chạy theo đường một chiều. Các tuyến đường bộ hay đường sắt khi giao cắt với đường ô tô cao tốc phải đi khác mức, tức là chui xuống dưới hay vượt lên trên con đường này. Xe cộ ra vào đường cao tốc bằng các làn tách, nhập dòng xe dẫn đế các lối ra, vào (ramps) cho phép sự thay đổi tốc độ lái xe giữa đường cao tốc và đường thông thường. Trên đường cao tốc, hai chiều lưu thông được tách ra bằng dải phân cách ở giữa (ví dụ như một dải đất trồng cây cỏ hay dải tường bê tông…).
Phần lớn các quốc gia kỹ thuật tiên tiến đều có một hệ thống đường cao tốc rộng khắp. Đường cao tốc đã mang sự linh động cho giao thông đường bộ đến hầu hết các nơi trên thế giới, cải tiến sự hiệu quả nhiên liệu, góp phần cải thiện sự giao lưu văn hóa và kinh tế giữa các cộng đồng.
Lịch sử của Expressway
Các xa lộ có giới hạn lối ra vào như ngày nay đã tiến hóa trong nữa đầu thế kỷ 20. Đường công viên Long Island, do tư nhân đầu tư và khánh thành năm 1908 là đường lộ có giới hạn lối ra vào đầu tiên trên thế giới. Nó gồm có nhiều đặc điểm như ngày nay trong đó phải kể là các lối dành cho đổi chiều lưu thông, có hàng rào an toàn và mặt đường được gia cố bằng bê tông.
Đa số các xa lộ có giới hạn lối ra vào có nguồn gốc bắt đầu vào thập niên 1920 để đáp ứng với việc sử dụng xe hơi tăng nhanh, nhu cầu di chuyển nhanh hơn giữa các thành phố và cũng là kết quả của sự cải tiến trong quy trình làm mặt đường, kỹ thuật và vật liệu. Các xa lộ cao tốc ban đầu được gọi là “các xa lộ đôi”. Mặc dù được phân cách, chúng vẫn mang ít nét giống như các xa lộ cao tốc ngày nay.
Xa lộ đôi đầu tiên trên thế giới được khánh thành vào năm 1924 giữa thành phố Milan và Varese và hiện nay là một phần của các đường cao tốc A8 và A9 tại Ý. Xa lộ này mặc dù được phân cách nhưng chỉ có một làn xe mỗi chiều và không có nút giao thông lập thể. Ngay sau đó không lâu vào năm 1924, Đường công viên Bronx River được khánh thành thông xe. Đường công viên The Bronx River là con đường đầu tiên tại Bắc Mỹ có sử dụng một dải đất để phân cách các làn xe ngược chiều. Nó được xây dựng băng qua một công viên và tại đó các đường phố khác băng ngang nó bằng các cầu vượt. Autobahn Bonn-Cologne bắt đầu được xây dựng vào năm 1929 và được thị trưởng Cologne khánh thành năm 1932.
Qui hoạch phát triển mạng đường cao tốc Việt Nam
Chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 qui hoạch xác lập mạng đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km gồm:
Tuyến cao tốc Bắc – Nam
– Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, tổng chiều dài 1.814 km.
– Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây, tổng chiều dài là 1.269 km.
Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc
– Tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn, dài 143 km;
– Tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, dài 105 km;
– Tuyến cao tốc Hà Nội – Việt Trì (Phú Thọ) – Lào Cai, dài 264 km;
– Tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, dài 62 km;
– Tuyến cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Kạn) – Bắc Kạn, dài 43 km;
– Tuyến cao tốc Láng (Hà Nội) – Hòa Lạc (Hà Nội), dài 30 km;
– Tuyến cao tốc Hòa Lạc (Hà Nội) – Hòa Bình, dài 26 km;
– Tuyến cao tốc Nội Bài (Hà Nội) – Bắc Ninh – Hạ Long (Quảng Ninh), dài 176 km;
– Tuyến cao tốc Hạ Long (Quảng Ninh) – Móng Cái (Quảng Ninh), dài 128 km;
– Tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh, dài 160 km;
– Tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng), dài 144 km;
– Tuyến cao tốc Đoan Hùng (Phú Thọ) – Tuyên Quang, dài 18 km;
– Tuyến cao tốc Chợ Bến (Hòa Bình) – Yên Mĩ (Hưng Yên), dài 35 km;
– Tuyến cao tốc Phủ Lí (Hà Nam) – Nam Định, dài 25 km.
Hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên
– Tuyến cao tốc Hồng Lĩnh (Hà Lĩnh) – Hương Sơn (Hà Tĩnh), dài 34 km;
– Tuyến cao tốc Cam Lộ (Quảng Trị) – Lao Bảo (Quảng Trị), dài 70 km;
– Tuyến cao tốc Qui Nhơn (Bình Định) – Pleiku (Gia Lai), dài 160 km.
Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam
– Tuyến cao tốc Biên Hòa (Đồng Nai) – Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) – Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), dài 76 km;
– Tuyến cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) – Liên Khương (Lâm Đồng) – Đà Lạt (Lâm Đồng), dài 208 km;
– Tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một (Bình Dương)
– Chơn Thành (Bình Phước), dài 69 km;
– Tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài (Tây Ninh), dài 55 km;
– Tuyến cao tốc Châu Đốc (An Giang) – Cần Thơ – Sóc Trăng, dài 200 km;
– Tuyến cao tốc Hà Tiên (Kiên Giang) – Rạch Giá (Kiên Giang) – Bạc Liêu, dài 225 km;
– Tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, dài 150 km.
Hệ thống đường vành đai cao tốc tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hà Nội:
– Vành đai 3, dài 54 km;
– Vành đai 4, dài 125 km;
– Vành đai 5, dài 246 km (tổng chiều dài Vành đai 5 – thành phố Hà Nội dài 331,5 km).
Thành phố Hồ Chí Minh:
– Vành đai 3, dài 89 km;
– Vành đai 4, dài 198 km.
Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, căn cứ nhu cầu thực tế về nguồn lực, nhu cầu vận tải sẽ nghiên cứu thực hiện đầu tư một số tuyến đường cao tốc, trong đó ưu tiên các tuyến sau:
Hà Giang – Tuyên Quang; Lai Châu – Bảo Hà (Lào Cai); Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên; Pleiku (Gia Lai) – Cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai); Chơn Thành (Bình Phước) – Cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước); Thanh Thủy (Nghệ An) – Rộ (Nghệ An); nút giao Cao Bồ (Ninh Bình) – Thịnh Long (Nam Định). (Theo Quyết định Số: 326/QĐ-TTg)
Sự khác biệt giữa đường cao tốc Freeway và Highway
Đường cao tốc hay đường có kiểm soát lối ra vào là loại xa lộ được thiết kế riêng cho các phương tiện giao thông lưu thông với tốc độ cao. Loại đường này được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau trên thế giới, như Freeway, Highway, Expressway, Motorway, Autobahn, Autopista, Autoroute.
Freeway được định nghĩa là đường cao tốc hạn chế truy cập, không thu lệ phí cầu đường. Tất cả các xe được phép chạy mà không phải trả bất kỳ loại phí nào. Freeway là thuật ngữ chung dùng cho những tuyến đường không dành cho người đi bộ, xe đạp, xe ngựa, tín hiệu hay các nút giao thông.
Highway được định nghĩa là đường cao tốc công cộng có thể thu lệ phí cầu đường. Phí cầu đường dành cho tất cả các loại phương tiện có tính thuế một lần hoặc nhiều lần chạy.
Cả Freeway và Highway đều là những tuyến đường chính nối các thành phố với các khu vực khác nhau. Freeway và Highway đều là đường cao tốc công cộng, kết nối các thị xã, thành phố quan trọng, nhiều người sử dụng 2 từ này thay thế cho nhau, tuy nhiên vẫn có một số khác biệt giữa chúng.
Sự khác biệt lớn nhất giữa Freeway và Highway đó là lượng lưu thông trên Highway thường nhiều hơn so với Freeway. Những người đi du lịch đường dài thường sử dụng Freeway để di chuyển, do Freeway cho phép các phương tiện di chuyển với tốc độ cao hơn đáng kể so với Highway. Mặc dù có quy định cụ thể về tốc độ cho phương tiện di chuyển trên Highway và Freeway nhưng Freeway thường cho phép di chuyển với tốc độ cao hơn.
Một sự khác biệt nữa là Freeway có xu hướng chạy qua các khu vực có dân cư ít hơn, trong khi Highway chạy qua những nơi đông đúc hơn. Vì lý do này, Freeway được cho là sự lựa chọn tốt hơn cho những người di chuyển đường dài.
Thông thường, không có các nút giao thông trên Freeway, trong khi có thể có đến một vài nút giao thông trên Highway. Có các trạm thu phí tại một số điểm đặc biệt trên Highway, trong khi đó Freeway không có bất kỳ trạm thu phí nào.
Về làn xe, Freeway có nhiều làn xe hơn Highway, thường là hơn 4 làn xe, Highway thường có 2-4 làn đường. Mặt khác, Freeway có dải phân cách và rào cản giữa 2 làn đường ngược chiều, trong khi Highway thường không có dải phân cách. Freeway có lối vào lối ra và không có đèn giao thông, đảo giao thông, điểm dừng đỗ; trong khi các yếu tố này đều có trên Highway.
Thông thường Freeway được điều hành bởi chính quyền Trung ương, trong khi Highway thuộc sở hữu của Nhà nước. Hầu hết công việc sửa chữa, bảo trì Highway và Freeway đều được thực hiện bởi chính quyền các tiểu bang.
Tốc độ giới hạn trên Highway ở Mỹ được thiết lập bởi chính quyền từng tiểu bang. Giới hạn tốc độ có thể dao động từ mức thấp nhất trong đô thị là 56km/h đến mức cao nhất ở khu vực nông thôn là 137km/h. Một số tiểu bang có giới hạn tốc độ thấp hơn cho xe tải vào ban đêm và đôi khi có những giới hạn tốc độ tối thiểu.
Giới hạn tốc độ cao nhất thường từ 121-137 km/h ở các bang phía Tây và 110km/h ở các bang phía Đông. Ở Hawaii giới hạn tối đa 97km/h. Washington, D.C. và quần đảo Virgin thuộc Mỹ có giới hạn tốc độ tối đa 90km/h, Guam và Samoa có giới hạn tốc độ là 70km/h. Một số khu vực như Idaho, Montana, Nevada, South Dakota, Texas, Utah, Wyoming có giới hạn tốc độ tối đa là 130km/h.
********************
Đăng bởi: Trường THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Tổng hợp