Đề bài: Đoạn văn phân tích tâm trạng Phương Định khi cơn mưa đá tới
Đoạn văn phân tích tâm trạng Phương Định khi cơn mưa đá tới
Bạn đang xem: Đoạn văn phân tích tâm trạng Phương Định khi cơn mưa đá tới
I. Dàn ý Đoạn văn phân tích tâm trạng Phương Định khi cơn mưa đá tới (Chuẩn)
1. Mở đoạn:
– Giới thiệu tác giả Lê Minh Khuê, tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” và tâm trạng của Phương Định khi cơn mưa đá tới.
2. Thân đoạn:
a. Niềm vui thích khi cơn mưa đá tới:
– Cơn mưa đá đến bất ngờ “lanh canh gõ trên nóc hầm”, khi Phương Định thấy “đau, ướt ở trên má”:+ Nó đã khiến cho cô cảm thấy vui mừng, reo lên trong hớn hở “Mưa đá! Cha mẹ ơi! Mưa đá!”.+ Cơn mưa đã đánh thức “niềm vui thích con trẻ trong cô” “nở tung ra, say sưa, tràn đầy”.+ Nó đã mang tới cho cô niềm vui trọn vẹn, xoá nhoà những phút giây mệt mỏi, căng thẳng ở nơi chiến trường.
b. Sự tiếc nuối khi cơn mưa qua đi:
– Cơn mưa “tạnh rất nhanh như khi mưa đến” để lại trong lòng Phương Định niềm tiếc nuối vô bờ.+ Hai câu văn “tạnh mất rồi”, “Sao chóng thế?”: diễn tả niềm nuối tiếc, sự buồn bã, thất vọng khi cơn mưa qua nhanh.+ Thậm chí Phương Định còn “tiếc không nói nổi”.
c. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ những kỉ niệm thơ ấu:
– Cơn mưa qua đi là lúc Phương Định nhớ về quê hương của mình.- Nỗi nhớ của cô mơ hồ, mờ nhạt “hình như, cái gì đấy”
d. Đánh giá chung:
– Phương Định là cô gái ngây thơ, trong sáng, với những rung cảm rất nhẹ nhàng, tinh tế trong tâm hồn.
e. Nghệ thuật:
– Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật rất tinh tế: tâm trạng vui vẻ khi cơn mưa tới, nuối tiếc khi cơn mưa quá và nhớ về quá khứ.
3. Kết đoạn:
– Khẳng định lại hình ảnh của Phương Định.
II. Những Đoạn văn phân tích tâm trạng Phương Định khi cơn mưa đá tới hay nhất
1. Đoạn văn phân tích tâm trạng Phương Định khi cơn mưa đá tới, mẫu 1 (Chuẩn)
Những cô gái thanh niên xung phong kiên cường trên tuyến đường Trường Sơn là hình ảnh đẹp đẽ vô cùng của thế hệ trẻ trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Và hình ảnh đó được tác giả Lê Minh Khuê thể hiện thật rõ ràng qua nhân vật Phương Định trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi”. Phương Định là một cô nữ trinh sát mặt đường không chỉ gan dạ, dũng cảm mà còn vô cùng ngây thơ và trong sáng. Cô có một tâm hồn giàu những xúc cảm, mơ mộng và điều đó đã thể hiện thật rõ ràng khi cơn mưa đá tới trên cao điểm Trường Sơn. Khi mây kéo về ùn ùn trên cửa hang của ba cô gái trẻ, Phương Định vẫn không biết sẽ có mưa đá. Chỉ khi cô thấy “đau, ướt ở má”, Phương Định mới biết rằng cơn mưa đá trong rừng đã tới thật nhanh. Cảm xúc đầu tiên của cô là sự vui thích, say mê, niềm “vui thích cuống cuồng”. Cô reo lên rộn rã “Mưa đá! Cha mẹ ơi! Mưa đá!” và “chạy vào, bỏ trên bàn tay đang xòe ra của Nho mấy viên đá nhỏ”. Đó là “niềm vui con trẻ”, niềm vui hồn nhiên, tràn đầy của những cô gái tuổi 17. Khi cơn mưa đá tới, tâm trạng của Phương Định như vỡ oà ra, sung sướng đến cực điểm. Phương Định ví von niềm vui của cô trước cơn mưa đá là một “niềm vui con trẻ”, “nở tung ra, say sưa, tràn đầy”. Nhưng cơn mưa đá trên cao điểm Trường Sơn đến vội và đi nhanh như một cơn gió. Cơn mưa tạnh đột ngột “rất nhanh như khi mưa đến” khiến cho Phương Định “bỗng thẫn thờ, tiếc không nói nổi”. Cơn mưa qua khiến cho cô nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ cả những kỉ niệm thơ ấu. Những thước phim trong đầu cô quay thật chậm rãi, chỉ là những điều gì rất mơ hồ “cái gì đấy”, “hình như” nhưng lại khiến cô quay quắt trong nhớ nhung. Hình ảnh gần gũi nhất hiện ra trong kí ức của Phương Định là mẹ, là “cái cửa sổ, hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố”. Lê Minh Khuê đã thành công tái hiện những cảm xúc, những rung động rất nhẹ trong tâm hồn của cô thanh niên Phương Định bằng những lời miêu tả nội tâm xuất sắc.
2. Đoạn văn phân tích tâm trạng Phương Định khi cơn mưa đá tới, mẫu 2 (Chuẩn)
Phương Định là nhân vật chính trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của tác giả Lê Minh Khuê. Cô là người nữ thanh niên xung phong gan dạ, dũng cảm vô cùng và cũng là một người con gái tuổi 17 đầy những mộng mơ, luôn nhớ về quê hương. Điều đó đã thể hiện thật rõ qua tâm trạng của Phương Định khi cơn mưa đá tới. Cơn mưa đá tới chân cao điểm của các cô gái trinh sát nhanh đến nỗi chính Phương Định cũng không rõ là nó tới. Chỉ khi nghe thấy tiếng “lanh canh gõ trên nóc hang” và cảm giác “đau, ướt ở má”, Phương Định mới biết có mưa đá. Cơn mưa đá khiến cho cô phải “vui thích cuống cuồng”. Cơn mưa đá bất ngờ ấy đã đánh thức “niềm vui con trẻ” của cô, để nó “nở tung, say sưa, tràn đầy”. Giữa chiến tranh tàn khốc, ác liệt, chỉ vừa nãy thôi Nho còn bị thương, Phương Định phải phá bom một mình nguy hiểm, thế nhưng ở giờ phút này, tiếng cười của các cô gái giòn tan, hồn nhiên và đầy trong sáng. Không một chút âu lo, nhọc nhằn nào hằn in trên đôi mắt của Phương Định nữa. Nhưng cơn mưa đá đã “tạnh rất nhanh như khi mưa đến” và nó đã khiến Phương Định hụt hẫng, bâng khuâng, “thẫn thờ, tiếc không nói nổi”. Tiếng xuýt xoa “tạnh mất rồi”, “sao chóng thế?” là sự luyến tiếc đầy buồn bã của Phương Định. Tâm trạng của cô lại bất chợt chùng xuống, lặng đi. Cô đang nhớ về Hà Nội của mình. Cô nhớ quê hương, nơi có mẹ, có những kỉ niệm tuổi thơ bên “cái cửa sổ”, “những ngôi sao to trên bầu trời” hay “là cây, hoặc là cái vòm tròn của nhà hát, hoặc là bà bán kem…”. Những kí ức tuổi thơ ùa về khiến Phương Định bồi hồi, khiến cô phải thốt lên “chao ôi, có thể là tất cả những cái đó”. Có thể thấy, thường trực trong trái tim của Phương Định là những cảm xúc, những nỗi nhớ và chỉ cần một cần mưa đá đã đánh thức được những khoảng lặng bình yên của tuổi thơ trong tâm hồn cô. Lê Minh Khuê đã khéo léo miêu tả tâm trạng, những rung động nội tâm nhẹ nhàng mà sâu sắc của cô, để ta có thể thấy được hình ảnh dịu dàng phía sau sự dũng cảm, gan dạ, quên mình của cô thanh niên xung phong ấy.
3. Đoạn văn phân tích tâm trạng Phương Định khi cơn mưa đá tới, mẫu 3 (Chuẩn)
“Những ngôi sao xa xôi” là một trong những tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê viết về những người nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Họ là những cô trinh sát mặt đường gan dạ, dũng cảm, luôn đặt nhiệm vụ lên trên tất cả. Thế nhưng họ vẫn chỉ là những cô gái 17, 18, rất trẻ trung vậy nên tâm hồn họ tràn đầy những xúc cảm, những ngây thơ, trong sáng vô ngần. Điều này được thể hiện qua tâm trạng của nhân vật Phương Định trong một lần cơn mưa đá tới. Phương Định, Nho hay Thao chẳng hề biết trước cơn mưa đá tới cho đến khi những viên đá “lanh canh gõ trên nóc hang”, khi Phương Định “thấy đau, ướt ở má”. Và sự bất ngờ ấy đã tạo nên sự vui thích, niềm say mê đến vô cùng cho Phương Định. Tiếng reo mừng hớn hở của cô “Mưa đá! Cha mẹ ơi! Mưa đá” đã chứng minh cho niềm vui, cho sự “vui thích cuống cuồng” của cô. Cơn mưa đá tới khiến tâm trạng của cô vỡ oà trong niềm sung sướng vô bờ bến. Giây phút ấy, cô quên đi trách nhiệm nặng nề trên vai, quên đi khói lửa ác liệt của chiến trường, chỉ còn lại niềm vui, sự hồn nhiên, ngây thơ của tuổi 17. Vậy nhưng cơn mưa đá đến và đi thật vội “tạnh rất nhanh như khi mưa đến”. Tiếng thờ dài, xuýt xoa tiếc nuối của Phương Định vang lên “tạnh mất rồi”, “sao chóng thế?”, đó là sự luyến tiếc không nỡ khi niềm vui con trẻ qua đi nhanh quá. Và kế đó là nỗi nhớ quê hương, nhớ nhà, nhớ những kỉ niệm thơ ấu bừng lên trong lòng cô. Qua chi tiết cơn mưa đá tới, ta có thể thấy Phương Định là một người con gái rất nhạy cảm, ngây thơ và trong sáng. Cô có những rung cảm hết sức tinh tế, nhẹ nhàng. Và Lê Minh Khuê đã thật khéo léo khi khắc hoạ tâm trạng đầy phức tạp của Phương Định từ niềm vui khi cơn mưa tới, nỗi tiếc nuối khi nó qua đi, và những cảm xúc mơ hồ nhớ về quê hương. Phương Định là hình ảnh đẹp, là biểu tượng của những bông hoa Trường Sơn xinh đẹp, mạnh mẽ, gan dạ trong kháng chiến chống Mỹ năm xưa.
—————-HẾT——————
Để tìm hiểu về tác phẩm Những ngôi sao xa xôi cũng như vẻ đẹp của những nữ chiến sĩ thanh niên xung phong, các em không nên bỏ qua những bài văn mẫu đặc sắc khác như: Đoạn văn cảm nhận về ba cô gái thanh niên xung phong trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi, Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Phương Định trong một lần phá bom, Đoạn văn cảm nhận về nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục