Đề bài: Đoạn văn phân tích khổ 2 Bếp lửa
Đoạn văn phân tích khổ 2 Bếp lửa
Bạn đang xem: Đoạn văn phân tích khổ 2 Bếp lửa
I. Dàn ý Đoạn văn phân tích khổ 2 Bếp lửa (Chuẩn)
1. Mở đoạn
Giới thiệu tác giả Bằng Việt, bài thơ Bếp lửa, khổ 2 bài thơ.
2. Thân đoạn
a. Năm tháng tuổi thơ gian khổ, khó khăn:
– Thiếu thốn, nhọc nhằn, lên bốn tuổi đã quen mùi khói bếp.- Cùng bà nhóm lửa.- Tuổi thơ ấy còn có bóng đen ghê rợn của chiến tranh, của nạn đói “Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy”
b. Cảm xúc của người cháu khi nghĩ về quá khứ
– Cháu dù đã rời xa quê hương, xa bà nhưng vẫn nhớ về kỉ niệm tuổi thơ, những lần “khói hun nhèm mắt cháu”.- Mùi khói bếp lửa đã in đậm trong tâm hồn của cháu, đến khi nghĩ lại “sống mũi còn cay”.=> Mùi khói bếp gợi về những kỉ niệm tuổi thơ, khơi dậy trong cháu tình thương, sự biết ơn đối với vất vả, hi sinh của bà.
c. Đánh giá về nội dung, nghệ thuật
– Nội dung: khổ thơ là sự hồi tưởng sâu sắc về kỉ niệm tuổi thơ bên bà, cảm nhận nhớ về bà với bao cảm xúc khó tả.- Nghệ thuật: từ láy “đói mòn đói mỏi”, hình ảnh tả thực “khô rạc ngựa gầy”, ngôn ngữ thơ dân giã, bình dị, giọng điệu da diết, khắc khoải.
3. Kết đoạn
Khẳng định giá trị khổ thơ thứ hai, bài thơ Bếp lửa.
II. Những Đoạn văn phân tích khổ 2 Bếp lửa hay nhất
1. Đoạn văn phân tích khổ 2 Bếp lửa, mẫu 1 (Chuẩn)
Bài thơ “Bếp lửa” là bài thơ của Bằng Việt viết về người bà, về những năm tháng tuổi thơ vất vả mà ấm áp bên bà. Trong khổ hai, nhà thơ đã tái hiện lại những năm tháng tuổi thơ bên bà. Bài thơ đưa người đọc trở về với tuổi thơ của tác giả, khi tác giả còn là cậu bé bốn tuổi. Đó là một tuổi thơ đầy những gian khổ, khó khăn. Từ bé, tác giả đã sống bên bà, mùi hương cay nồng của bếp lửa cũng đã trở thành một phần tuổi thơ của người cháu ấy “Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói”. Trong những tháng ngày tuổi thơ ấy, người cháu đã sống bên bà, cùng bà trải qua những ngày “đói mòn đói mỏi”. Nghĩ về tuổi thơ đầy gian khổ ấy, cảm xúc của người cháu bỗng trào dâng mãnh liệt “Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”. Mùi khói bếp lửa cũng như những năm tháng tuổi thơ cơ cực như quyện chặt lấy tâm hồn của cháu, dù có trưởng thành nhưng không bao giờ có thể quên. Bởi, chỉ cần nhớ lại thì cuộc đời bà lam lũ vất vả, nhọc nhằn của bà lại khắc khoải trong tâm hồn. Các từ láy “đói mòn đói mỏi” cùng hình ảnh tả thực “khô rạc ngựa gầy” trong khổ thơ khiến cho nạn đói hiện lên rõ nét, chân thực. Ngôn ngữ thơ dân giã, bình dị, giọng điệu da diết, khắc khoải đã đưa khổ thơ chạm tới được những rung cảm của người đọc đã giúp những hồi tưởng của Bằng Việt sâu sắc và chân thực tới mức người đọc cũng cảm thấy cay cay, nghẹn ngào.
2. Đoạn văn phân tích khổ 2 Bếp lửa, mẫu 2 (Chuẩn)
Bếp lửa của Bằng Việt là tiếng lòng người cháu nơi xa xôi nhớ về bà, nhớ về những kỉ niệm của tuổi thơ có bà, qua đó bày tỏ lòng kính yêu vô hạn và những suy ngẫm sâu sắc về cuộc đời bà. Những kỉ niệm tuổi thơ được gợi nhắc thông qua khổ thơ thứ 2 của bài. Mùi khói bếp đã trở thành một phần tuổi thơ của cháu “Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói”. Mùi khói bếp không chỉ gợi nhớ về cuộc sống bình yên, ấm áp bên bà mà còn làm cháu nhớ về những tháng ngày gian khó, đó là khi nạn đói bao trùm xóm làng “đói mòn đói mỏi”. Cái đói dai dẳng, quay quắt như vắt kiệt sự sống của con người. Bố vất vả mưu sinh đến “khô rạc ngựa gầy”. Cái đói, cái nghèo đã trở thành một phần kí ức mà người cháu không thể nào quên. 5 câu thơ gợi ra hiện thực đen tối của đất nước khi nạn đói bùng nổ, những câu thơ thấm đượm cảm xúc khiến người đọc không khỏi xót xa trước những nhọc nhằn, thăng trầm của hai bà cháu và rất nhiều người lao động nghèo khổ khác. Những kí ức sống động tràn về trong tâm trí khiến cho người cháu như cảm nhận được hương vị cay nồng của khói bếp, để giờ đây khi nhớ lại, người cháu không giấu nổi sự xúc động “đến giờ sống mũi còn cay”. Qua khổ thơ thứ hai, tác giả Bằng Việt đã tái hiện lại những kỉ niệm yêu thương bên bà, đó là những tháng ngày cơ cực, đói khổ nhưng đầy ấm áp bởi có tình thương của bà.
3. Đoạn văn phân tích khổ 2 Bếp lửa, mẫu 3 (Chuẩn)
Trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, tình cảm bà cháu được khơi nguồn từ hình ảnh bếp lửa bình dị mà thấm đượm bao kí ức tuổi thơ bên bà, từ đó bộc lộ tấm lòng kính yêu, biết ơn của tác giả với bà của mình. Đặc biệt, trong khổ thơ thứ 2, tác giả đã đưa người đọc về với những năm tháng tuổi thơ cơ cực nhưng ấm áp bên bà. Thời gian được nhắc đến trong dòng hồi tưởng của người cháu là khi cháu lên bốn tuổi, dấu ấn trong tuổi thơ của cháu là mùi khói bếp, là cuộc sống nghèo đói, gian khổ, chật vật mưu sinh của hai bà cháu. “Đã quen mùi khói” nghĩa là đã thân thuộc, gần gũi và gắn bó từ rất lâu rồi. Cả tuổi thơ của cháu bị bao trùm trong bóng đen của nạn đói, trong cái nghèo, cái khổ. Đó là năm đói mòn, đói mỏi khiến cho hàng triệu người khốn đốn. Trong nạn đói và chiến tranh phải, bố phải vất vả mưu sinh cũng không đủ miếng ăn “khô rạc ngựa gầy”, Mới bốn tuổi nhưng kí ức về cảnh bi thương, nghèo đói xơ xác và chết chóc đã in hằn trong trí nhớ của cháu, để rồi chỉ cần nhớ về làn khói hun nhèm mắt là cháu lại nhớ về năm tháng tuổi thơ khốn khó ấy, nhớ về cái nhọc nhằn, vất vả và sự hy sinh của bà. Khổ thơ thứ hai như một thước phim quay chậm về những năm tháng tuổi thơ bên bà, qua đó thấy được tình cảm thương nhớ chân thành, da diết của tác giả dành cho bà.
—————HẾT—————
Bếp lửa là một trong những tác phẩm tiêu biểu trong chương trình Ngữ văn lớp 9, vì thế các em có thể tự tham khảo và ôn luyện trong các bài sau: Đoạn văn phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa, Đoạn văn phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài Bếp lửa, Đoạn văn nêu cảm nghĩ về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa, Đoạn văn cảm nhận về tình bà cháu trong bài thơ Bếp lửa.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục