Đề bài: Đoạn văn cảm nhận khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Đoạn văn cảm nhận khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Bạn đang xem: Đoạn văn cảm nhận khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính
I. Dàn ý Đoạn văn cảm nhận khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Chuẩn)
1. Mở đoạn
Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và khổ thơ 5,6.
2. Thân đoạn
a. Hình ảnh những chiếc xe không kính
– Những “chiếc xe từ trong bom rơi” bị bom đạn của kẻ thù tàn phá đến méo mó, biến dạng.→ Hiện thực dữ hội, khốc liệt của cuộc chiến tranh.- Những chiếc xe cùng nhau tụ họp thành “tiểu đội”, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ chuyên chở quân lương, vũ khí chi viện cho miền Nam ruột thịt.→ Nghệ thuật nhân hóa đã làm cho những chiếc xe vô tri, vô giác trở nên sống động, có sự sống, tình cảm như những người chiến sĩ thực thụ
b. Tình đồng chí, đồng đội
– Gặp gỡ, trở thành bạn bè trên “đường đi tới”.
– Cái bắt tay qua “cửa kính vỡ” chứa nhiều ý nghĩa:+ Cái bắt tay thể hiện niềm vui khi gặp gỡ+ Là lời động viên, san sẻ những khó khăn, thử thách và tiếp thêm cho nhau sức mạnh để vượt qua những chặng đường gian khó phía trước.
– Cùng chia sẻ những ngọt bùi trong cuộc sống sinh hoạt:+ Hội ngộ, sum vầy cùng nhau bên bếp Hoàng Cầm.+ Cùng nhau chung bát đĩa, thân thiết như những người trong gia đình.→ Bếp lửa ấm áp và những bữa cơm sum vầy ấm cúng đã kết nối tâm hồn, thắt chặt thêm mối quan hệ đồng chí giữa những người lính.
c. Niềm tin, quyết tâm chiến đấu mạnh mẽ
– Cụm từ “lại đi” được lặp lại hai lần đã thể hiện được quyết tâm, lí tưởng cao đẹp.- “Trời xanh” lại là ẩn dụ cho hòa bình, cho tương lai tươi sáng của cả dân tộc, đất nước.→ Những người lính lái xe mang trong mình niềm tin và quyết tâm mạnh mẽ để tiến về miền Nam, tất cả vì một lí tưởng chung: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
3. Kết đoạn
Khẳng định giá trị 2 đoạn thơ
II. Những Đoạn văn cảm nhận khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính hay nhất
1. Đoạn văn cảm nhận khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính, mẫu 1 (Chuẩn)
“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là một trong những bài thơ hay nhất về người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn xưa. Những người lính hiện lên trong trang thơ Phạm Tiến Duật là những con người ngang tàn, dũng cảm; họ luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Không những thế, trong khổ thơ 5,6, nhà thơ Phạm Tiến Duật còn làm nổi bật vẻ đẹp của tình đồng đội, đồng chí và lí tưởng đấu tranh cao đẹp của những người lính. Những “chiếc xe từ trong bom rơi” bị bom đạn của kẻ thù tàn phá đến méo mó, biến dạng. Hiện thực dữ dội, ác liệt là vậy thế nhưng qua chất trẻ, sự lạc quan, hóm hỉnh của những người lính, những chiếc xe ấy vẫn hiện lên thật đáng yêu “Những chiếc xe từ trong bom rơi/ Đã về đây họp thành tiểu đội”. Những chiếc xe từ khắp ngả đường đã cùng nhau tụ họp thành “tiểu đội”, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ chuyên chở quân lương, vũ khí chi viện cho miền Nam ruột thịt. Nghệ thuật nhân hóa đã làm cho những chiếc xe vô tri, vô giác trở nên sống động, có sự sống, tình cảm như những người chiến sĩ thực thụ. Trên đường đi, những người lính cũng chỉ có thể gặp nhau trong thoáng chốc. Dù “Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới”, thế nhưng họ chỉ có thể trao đổi, giao lưu qua cái “bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi”. Cái nắm ấm nồng tình đồng đội, đồng chí. Cái bắt tay ấy không chỉ là lời chào hỏi mà còn là lời động viên, sẻ chia để tiếp thêm sức mạnh cho hành trình gian khó phía trước. Cái bắt tay ấy thật đơn giản nhưng lại ấm áp và ý nghĩa biết bao. Tình đồng đội, đồng chí còn được gắn kết qua những giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi trên đường hành quân. Những người lính hội ngộ, sum vầy cùng nhau bên bếp Hoàng Cầm, cùng nhau chung bát đĩa, thân thiết như những người trong gia đình. Bếp lửa ấm áp và những bữa cơm sum vầy ấm cúng đã kết nối tâm hồn, thắt chặt thêm mối quan hệ đồng chí giữa những người lính. Sau giây phút gặp gỡ, nghỉ ngơi chóng vánh cùng đồng đội, những người lính lái xe lại tiếp tục hành trình chi viện của mình “Lại đi, lại đi trời xanh thêm”. Cụm từ “lại đi” được lặp lại hai lần đã thể hiện được quyết tâm, lí tưởng cao đẹp. “Trời xanh” lại là ẩn dụ cho hòa bình, cho tương lai tươi sáng của cả dân tộc, đất nước. Những người lính lái xe mang trong mình niềm tin và quyết tâm mạnh mẽ để tiến về miền Nam, tất cả vì một lí tưởng chung: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
2. Đoạn văn cảm nhận khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính, mẫu 2 (Chuẩn)
Bài thơ về tiểu đội xe không kính là bản “anh hùng ca” về những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn “máu lửa”. Trong khổ thơ 5, 6 của bài thơ, nhà thơ Phạm Tiến Duật tiếp tục khắc họa hiện thực khốc liệt của chiến tranh thông qua những “chiếc xe không kính”, qua đó làm nổi bật lên vẻ đẹp của những người lính lái xe. Hình ảnh “Những chiếc xe từ trong bom rơi” gợi ra không khí ác liệt, dữ dội của chiến tranh, bom đạn của kẻ thù đã tàn phá những chiếc xe, khiến chúng trở nên méo mó, biến dạng đến đến đáng thương. Thế nhưng, trải qua “bom giật, bom rung”, những chiếc xe ấy vẫn kiên cường chạy về phía trước, cùng hợp lại thành “tiểu đội” để tiến về miền Nam. Những người lính đến từ những vùng quê khác nhau, họ vốn không quen biết, thế nhưng họ lại cùng có chung tình yêu nước, lí tưởng cứu nước cao đẹp. Những người lính gặp nhau “suốt dọc đường đi tới” nên họ coi nhau như bạn bè, người thân. Cái bắt tay qua “cửa kính vỡ” chứa đựng thật nhiều ý nghĩa, đó không chỉ là cái bắt tay thể hiện niềm vui khi gặp gỡ mà còn là lời động viên, san sẻ những khó khăn, thử thách và tiếp thêm cho nhau sức mạnh để vượt qua những chặng đường gian khó phía trước. Nếu như ở khổ thơ thứ 5, những người lính lái xe có dịp gặp gỡ, qua cái bắt tay để làm quen và trở thành bạn bè thì trong khổ thơ thứ 6, tình đồng đội, đồng chí càng trở nên khăng khít khi họ cùng nhau trải qua những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi. Bếp Hoàng Cầm được dựng giữa trời để làm chín thức ăn, ngọn lửa từ bếp Hoàng Cầm còn kết nối những tấm lòng, làm cho tình đồng chí, đồng đội thêm phần thắm thiết. Những người lính lái xe hội ngộ với nhau sau chặng đường hành quân vất vả, họ cùng chung bát đĩa, cùng nhau sẻ chia bữa cơm thiếu thốn nhưng ấm tình đồng đội. Trong cái khốc liệt của chiến tranh, nếu lí tưởng cứu nước là động lực để những người lính lái xe bất chấp những hiểm nguy để tiến về miền Nam thì tình đồng chí lại là nguồn sức mạnh giúp họ thêm mạnh mẽ, kiên cường nơi chiến trường hiểm nguy ấy. Sau bữa cơm sum họp thân mật và những giây phút nghỉ ngơi chóng vánh “Mắc võng chông chênh đường xe chạy”, những người lính tiếp tục lên đường. ‘Câu thơ “Lại đi, lại đi trời xanh thêm” gợi ra nhiều liên tưởng thú vị, đó không chỉ là hành trình liên tục của những chiếc xe mà còn là quyết tâm tiến về miền Nam của những người lính lái xe. Hình ảnh “trời xanh” không chỉ mang ý nghĩa tả thực mà nó còn là biểu tượng cho sự sống, hòa bình và cả hi vọng về một chiến thắng lẫy lừng, một tương lai tươi sáng. Những người lính mang theo quyết tâm mạnh mẽ tiến về miền Nam để mang lại “trời xanh” cho dân tộc. Thông qua chất liệu hiện thực độc đáo, giọng thơ ngang tàng, trẻ trung lại có sự biến hóa linh hoạt, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã làm nổi bật lên hình ảnh của những người lính lái xe, những con người ” Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
————-HẾT—————-
Hi vọng rằng, với những gợi ý trên đây, các em sẽ có thêm những tư liệu tham khảo hữu ích cho bài viết của mình. Bên cạnh đó, để củng cố kiến thức về tác phẩm, các em có thể tham khảo thêm: Đoạn văn cảm nhận khổ 3, 4 Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Đoạn văn phân tích vẻ đẹp của người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Đoạn văn phân tích tinh thần lạc quan của những người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phân tích khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục