Vấn đề giải quyết thủ tục hành chính ngày càng được quan tâm do nhu cầu của công dân ngày càng tăng. Để đáp ứng thực tiễn, cơ chế một cửa ra đời như một hình thức cải cách thủ tục nhằm đem lại hiệu quả, tiết kiệm thời gian. Cơ chế này đã được áp dụng tới các cơ quan hành chính cấp địa phương nhằm cải cách thủ tục hành chính từ cấp thấp nhất. Với mục đích đơn giản hóa và công khai minh bạch các thủ tục hành chính, hỗ trợ thời gian giao dịch giữa người dân và các cơ quan hành chính được rút ngắn. Vậy, người dân cần hiểu rõ cơ chế một cửa là gì và quy chế, nguyên tắc thực hiện cơ chế một cửa để có thể hạn chế thời gian khi thực hiện các giao dịch tại các cơ quan hành chính.
Luật sư tư vấn pháp luật miễn phí qua điện thoại 24/7:
* Căn cứ pháp lý
– Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 04 năm 2018 quy định Về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;
– Thông tư 01/2018/TT-VPCP ngày 23 tháng 11 năm 2018 Hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 04 năm 2018 quy định Về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
1. Cơ chế một cửa là gì?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, có định nghĩa về cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính như sau:
Cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính là phương thức tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân của một cơ quan có thẩm quyền thông qua Bộ phận Một cửa quy định tại Khoản 3 Điều này.
Cơ chế một cửa có hai dạng: Một là giải quyết trong nội bộ một cơ quan; Hai là có sự kết hợp của các cơ quan mới có thể giải quyết được vấn đề. Cơ chế một cửa theo dạng hai là cơ chế một cửa liên thông.
Cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính là phương thức phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết một thủ tục hành chính hoặc một nhóm thủ tục hành chính có liên quan với nhau, theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân thông qua Bộ phận Một cửa quy định tại Khoản 3 Điều này.
Ngoài ra, cơ chế một cửa quốc gia là việc cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp. Cơ quan quản lý nhà nước quyết định cho phép hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; cơ quan hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp.
2. Cơ chế một cửa tiếng Anh là gì?
Cơ chế một cửa tiếng Anh có nghĩa là: The one-stop-shop mechanism.
The one-stop-shop mechanism in administrative procedure settlement is a method of receiving dossiers, processing and returning the results of the settlement of administrative procedures, monitoring, monitoring and evaluating the settlement of administrative procedures for organizations. individuals of a competent authority through the One-Stop Department.
3. Quy chế, nguyên tắc thực hiện cơ chế một cửa
*Quy chế thực hiện cơ chế một cửa
Quy trình cơ chế một cửa giải quyết thủ tục hành chính bắt đầu từ việc nộp hồ sơ của công dân và tiếp nhận hồ sơ từ phía cơ quan nhà nước. Việc tiếp nhận hồ sơ theo một chiều, tức là nhân dân có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính sẽ đề xuất, kiến nghị thông qua nộp hồ sơ. Tổ chức, cá nhân có nhiều cách để nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền như:
– Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan chức năng;
– Thông qua dịch vụ: có thể là dịch vụ công qua bưu chính công ích theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật;
– Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.
Công dân sẽ được sẽ được cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả sau khi nộp hồ sơ thành công. Và có thể tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ thông qua một Mã số hồ sơ được cấp trên các website trực tuyến Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.
Đối với bên chức năng, cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ theo đúng quy định, xử lý xem xét, thẩm định hồ sơ để đảm bảo vấn đề có công dân phải được giải quyết. Sau đó chuyển đến bộ phận chức năng (trong nội bộ cơ quan) hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp liên thông.
Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc phân công cán bộ, công chức, viên chức có chuyên môn, nhiệm vụ phù hợp với vấn đề cần giải quyết. Họ sẽ tiến hành giải quyết, trình phê duyệt kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Đây là những bước căn bản để nhân dân cùng nắm được quy trình làm việc của cơ quan nhà nước cũng như biết vai trò và trách nhiệm của mình trong những giai đoạn nào. Mỗi bước giải quyết thủ tục hành chính lại có những quy định riêng về phương thức giải quyết và thời gian tiến hành để đảm bảo cơ quan có thẩm quyền làm đúng trách nhiệm và quy trình nhằm đảm bảo lợi ích của người dân. Vì vậy trong từng trường hợp cụ thể, nhân dân có quyền hỏi và được biết quy trình giải quyết thủ tục hành chính của mình, nghĩa vụ của công dân và trách nhiệm của cơ quan nhà nước.
* Nguyên tắc thực hiện cơ chế một cửa
– Lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền.
– Việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được quản lý tập trung, thống nhất.
– Giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện, đúng pháp luật, công bằng, bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền.
– Quá trình giải quyết thủ tục hành chính được đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, giám sát, đánh giá bằng các phương thức khác nhau trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và có sự tham gia của tổ chức, cá nhân.
– Không làm phát sinh chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân ngoài quy định của pháp luật.
– Cán bộ, công chức, viên chức cơ quan có thẩm quyền thực hiện trách nhiệm giải trình về thực thi công vụ trong giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.
– Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế có liên quan đến thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
4. Ưu và nhược điểm của cơ chế một cửa
* Ưu điểm của cơ chế một cửa
– Giúp khắc phục sự rườm rà về thủ tục, từ đó tiết kiệm thời gian và tránh sự chồng chéo về mặt giấy tờ.
– Làm tinh giản, gọn nhẹ bộ máy nhà nước
– Thống nhất chi phí đối với việc thực hiện các thủ tục hành chính.
* Nhược điểm của cơ chế một cửa
Những thành tựu đã đạt được, đem lại sự thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính thời gian qua với hiệu quả cao, dần đáp ứng được nhiều nhu cầu của công dân. Những thành tựu này cần phát huy và phát triển hơn nữa. Để làm được điều này, chúng ta cần nhìn nhận vào những hạn chế nhằm xác định vấn đề và đưa ra biện pháp khắc phục.
Cơ chế “một cửa” cũng còn có chỗ chưa phù hợp. Qua thời gian vận hành, tới nay, Trung tâm một đầu mối đã bộc lộ một số hạn chế, trong đó hạn chế lớn nhất là tính chất không triệt để của nó. Đó là:
– Chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng về dịch vụ hành chính của công dân.
– Chưa được giao nhiệm vụ tiếp nhận và hoàn trả toàn bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của một cấp hành chính.
-Việc đầu tư các trang thiết bị chưa mang tính đồng nhất mà chỉ mới tập trung tại các nơi trọng điểm và cấp cao, từ đó làm giảm năng suất làm việc và tăng thời gian giải quyết các thủ tục liên quan.
– Việc giải quyết thủ tục hành chính còn chậm trễ, ùn tắc do sự không đồng đều trong chuyên môn đào tạo của cán bộ, công chức nhà nước.
– Việc tách các phòng ban dẫn đến sự liên kết chưa thực sự chặt chẽ cùng với sự thay đổi các thủ tục thường xuyên dẫn đến thời gian xử lý bị kéo dài và có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan.
– Mới chỉ khắc phục được sự phiền hà trong phạm vi cấp hành chính, chưa được tiến hành đồng bộ giữa ngành với ngành, giữa ngành với cấp chính quyền quận huyện.
– Chưa có địa vị pháp lý trong bộ máy hành chính như các cơ quan chuyên môn; mô hình tổ chức chưa ổn định, cán bộ công chức chưa yên tâm làm nhiệm vụ.
– Lãnh đạo các ngành, các cấp chưa quan tâm đầy đủ đến Trung tâm một cửa về cơ sở vật chất và bồi dưỡng kỹ năng cũng như các điều kiện làm việc khác cho công chức thực thi công vụ.
– Một số khó khăn trong nội bộ của cơ quan thẩm quyền trong cơ chế một cửa:
– Một số văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên chưa rõ ràng, còn chồng chéo về thẩm quyền xử lý; phân cấp giữa Thành phố với quận, huyện trong một số lĩnh vực chưa hợp lý, gây tranh luận giữa công chức thực thi công vụ với công dân.
– Các cơ quan chức năng chưa bao quát hết được công việc của bộ phận tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ hành chính.
– Trình độ chuyên môn của cán bộ tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ chưa được chuẩn hóa và bồi dưỡng thường xuyên. Các quy chế chưa được thực hiện nghiêm, gây phiền hà cho công dân.
– Thực hiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính chưa thật sự bảo đảm, cụ thể là: chưa mở sổ theo dõi đầy đủ 100% thủ tục hành chính theo quy định; một số lĩnh vực không có phiếu hẹn tiếp nhận và trả kết quả dẫn đến một số hồ sơ liên thông trễ hạn nhưng không được thống kê; việc tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chưa đúng quy định như: chưa xuất phiếu hướng dẫn hồ sơ, phiếu thông báo hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết…
– Đơn vị chưa phát huy tối đa cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có, chưa chủ động trong việc ứng dụng phần mềm một cửa điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính.
– Việc theo dõi các hồ sơ giải quyết chưa thực hiện chặt chẽ; còn nhiều hồ sơ trễ hạn chưa được kiểm soát để thực hiện xin lỗi theo quy định.
– Giải quyết thủ tục hành chính phải thông qua các hội đồng, liên ngành còn thiếu tính linh hoạt (chờ nhiều hồ sơ mới thực hiện họp thông qua, thay vì có thể xin ý kiến bằng văn bản).
Trên đây là những thông tin cơ bản về cơ chế một cửa là gì, quy trình giải quyết thủ tục hành chính qua bộ phận và cơ chế một cửa là gì. Qua thực tiễn thấy được những hạn chế nhằm cho công dân nắm được vừa để theo dõi, kiểm soát vừa để hỗ trợ cơ quan chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như giải quyết được vấn đề cho nhân dân.