Chương trình giáo dục là gì? Chương trình giáo dục nhà trường là gì?
Thuật ngữ chương trình giáo dục xuất hiện từ năm 1820, tuy nhiên phải đến giữa thế kỉ 20, thuật ngữ này mới được sử dụng một cách chuyên nghiệp ở Hoa Kỳ và một số nước có nền giáo dục phát triển. Chương trình giáo dục (Curriculum) có gốc Latinh là Currere, có nghĩa là “to run” (chạy, điều hành hoặc “to run a course” – điều hành một khoá học). Do vậy, định nghĩa truyền thống của chương trình giáo dục là “một khoá học” (Course of Study).
Hầu hết các nhà giáo dục ở giai đoạn đầu xem chương trình GD là một khoá học, một giáo trình – cái hình thành niên một khoá học.
Chương trình học bao gồm các môn học thường xuyên như ngữ pháp, đọc, hùng biện và logic, và toán học (cho các trường tiểu học và trung học) và những môn học tinh tuý nhất của thế giới phương Tây (bắt đầu đưa vào từ trường trung học).
Chương trình học gồm các môn học chủ yếu trong năm lĩnh vực lớn như 1) tiếng mẹ đẻ và ngữ pháp, văn chương và viết; 2) toán học; 3) các môn khoa học; 4) lịch sử; 5) ngoại ngữ. Chương trình học gồm toàn bộ kiến thức của các môn học. Giáo dục được xem như một quá trình nhằm giúp người học nắm bắt các nội dung kiến thức cấu tạo nên các môn học. Chương trình học là một hệ thống các khoá học hay môn học cần phải có để được tốt nghiệp hoặc được cấp chứng nhận đã học xong một ngành học. Chương trình học gồm các môn học cố định như ngữ pháp, đọc, logic, hùng biện, toán và các môn học tinh tuý của thế giới phương Tây.
Định nghĩa chương trình học như là một sản phẩm đã hoàn thiện đã không làm thoả mãn các nhà giáo dục tham gia phát triển chương trình học. Vào đầu thế kỷ này, sự phát triển mạnh mẽ của thông tin đã hàm ý rằng kiến thức không chỉ nằm trong phạm vi các tài liệu in ấn. Với sự phổ biến kiến thức thông qua các phương tiện công nghệ, việc xác định những gì cấu tạo nên các kiến thức thiết yếu là không dễ dàng.
Trong những giai đoạn phát triển tiếp theo, yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội, nhiều môn học mới được đưa thêm vào chương trình giáo dục, sự khác biệt giữa người học đã trở nên rõ rệt hơn đối với giáo viên và các nhà quản lí, định nghĩa về chương trình giáo dục bắt đầu được mở rộng. Các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế chương trình GD bắt đầu phân loại các chương trình giáo dục khác nhau: chương trình giáo dục cho khối cơ bản, khối kĩ thuật, khối thực hành v.v.
Chương trình giáo dục có thể được định nghĩa theo hai hướng
- Đó là một loạt các hoạt động nhằm phát hiện khả năng của mỗi người học.
- Đó là một loạt các hoạt động có chủ định nhằm hoàn thiện người học.
Theo hướng này, vào năm 1935, Hollis và Doak Campbell cho rằng chương trình giáo dục “bao gồm tất cả những hiểu biết và kinh nghiệm mà người học có được sự hướng dẫn của nhà trường”.
Nhiều tác giả khác cũng cho rằng chương trình GD không phải là một sản phẩm được dùng cho lâu dài mà có tính phát triển liên tục, chẳng hạn:
“Chương trình giáo dục là một chuỗi những kinh nghiệm được nhà trường phát triển nhằm giúp người học tăng cường tính kỉ luật, phát triển năng lực tư duy và hành động.”
“Chương trình giáo dục bao gồm tất cả kinh nghiệm mà người học có được dưới sự dẫn dắt của nhà trường.”
“Chương trình giáo dục gồm tất cả những gì người học có được từ một chương trình giáo dục nhằm đạt các mục đích và mục tiêu của nó. Chương trình giáo dục được xây dựng theo khung lí thuyết và nghiên cứu hoặc những thực tiễn nghề nghiệp trong quá khứ hay hiện tại.”
Đến giữa những năm 50 của thế kỉ trước, ảnh hưởng của xã hội tới nhà trường ngày càng rõ hơn, và học sinh không chỉ học được những gì có trong trường học, mà còn tiếp nhận nhiều kinh nghiệm phong phú trong đời sống xã hội. Do vậy, định nghĩa về chương trình GD được mở rộng hơn, không chỉ đơn thuần là những nội dung học được trong nhà trường, chẳng hạn:
“Chương trình giáo dục là tất cả các hoạt động học tập của người học và được kế hoạch hoá bởi trường học nhằm đạt được những mục đích của giáo dục.”
Chương trình giáo dục là một kế hoạch nhằm cung cấp những cơ hội học tập để đạt được những mục đích, mục tiêu cụ thể cho một nhóm đối tượng và ở một nhà trường nào đó.
Vào những năm 60 và tiếp tục sang thế kỷ 21, người ta quan tâm nhiều hơn đến hiệu quả của chương trình GD. Thí dụ:
Chương trình GD không chỉ quan tâm đến những gì người học phải làm trong quá trình học tập, mà còn là những gì họ sẽ học được từ những việc làm đó. Chương trình giáo dục quan tâm đến những kết quả cuối cùng.
Chương trình GD là những hoạt động học tập được hoạch định và chỉ đạo bởi nhà trường nhằm giúp người học phát triển năng lực cá nhân và xã hội một cách liên tục.
Tóm lại, đối với các nhà chuyên môn nghiên cứu về phát triển chương trình GD đến nửa sau của thế kỷ 20, từ curriculum có thể có những nghĩa sau:
- Curriculum – một chương trình học (A program of studies). Ở giai đoạn đầu khi được sử dụng trong giáo dục Hoa Kì, từ curriculum có nghĩa là một chương trình các môn học được tiến hành tuần tự cho một khoá học trong một cơ sở giáo dục.
- Curriculum – như một tài liệu (A Document). Một số nhà giáo dục (James McDonald, 1969) xem curriculum như một công cụ để tiến hành giảng dạy và định nghĩa từ này là “những hoạt động giảng dạy được kế hoạch hoá (planned actions for instruction), tức là xem nó là một tài liệu chính thống của nhà trường về hoạt động dạy học.
- Curriculum – những kinh nghiệm được kế hoạch hoá (Planned Experiences). Một số nhà giáo dục xem curriculum là những kinh nghiệm được kế hoạch hoá trong nhà trường. Thompson và Gregg (1997) cho rằng curriculum bao gồm mọi khía cạnh được kế hoạch hoá trong chương trình của nhà trường. Caswell và Campbell, 1935 định nghĩa curriculum là “Toàn bộ kinh nghiệm mà học sinh có được dưới sự hướng dẫn của các giáo viên”.
Như vậy, đã có sự chuyển dịch từ việc nhấn mạnh tới nội dung của curriculum sang kinh nghiệm, và đó cũng là sự phản ánh qui trình chuyển đổi tư duy trong giáo dục, từ chỗ lấy nội dung môn học làm trung tâm sang lấy người học làm trung tâm.
Curriculum – là sự kết thúc (as an End). Tất cả những định nghĩa mô tả chương trình như những nội dung cần học hay những kinh nghiệm cần có nêu trên đều có nghĩa là hướng tới một đích cuối cùng nào đó. Ngoài ra còn có định nghĩa “curriculum là tất cả những kết quả đầu ra của quá trình học tập mà nhà trường chịu trách nhiệm”. (Popham & Baker, 1970).
Để có thể có cái nhìn tổng quan về các xu hướng khác nhau trong việc định nghĩa khái niệm curriculum, có thể liệt kê ra đây bảng tổng hợp các định nghĩa về curriculum của Oliva (1977):
- Curriculum là tất cả những gì được dạy trong trường.
- Curriculum là tập hợp các môn học.
- Curriculum là nội dung.
- Curriculum là chương trình học tập.
- Curriculum là tập hợp các tài liệu học tập.
- Curriculum là trình tự các môn học.
- Curriculum là tập hợp việc thực hiện các mục tiêu.
- Curriculum là khoá học.
- Curriculum là tất cả những gì diễn ra trong trường bao gồm cả các hoạt động ngoài giờ học, sự hướng dẫn và các mối quan hệ giữa các cá nhân.
- Curriculum là những gì được dùng trong và ngoài trường và do nhà trường điều hành.
- Curriculum là tổ hợp các kinh nghiệm mà người học phải trải nghiệm trong nhà trường.
- Curriculum là những gì mà một người học trải nghiệm như kết quả của một quá trình học tập.
Tới những năm 90 và kéo dài đến những năm đầu của thế kỷ 21, những quan niệm về chương trình GD có những thay đổi to lớn. Ví dụ, William Doll Jr. (1993) cho rằng một hệ thống giáo dục theo trình tự tuyến tính và định lượng như hiện nay sẽ nhường chỗ cho một hệ thống giáo dục đa dạng và phức tạp hơn, ít có tính ổn định hơn. Một hệ thống như vậy, như chính cuộc sống, sẽ luôn vận động và thay đổi.
Cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau trong việc định nghĩa về chương trình giáo dục. Sự khác nhau đó tuỳ thuộc vào quan niệm của các nhà nghiên cứu và các nhà thực hành khi suy nghĩ và thiết kế chương trình. “Từ điển bách khoa quốc tế về giáo dục” (Oxfofd) đã thống kê 9 định nghĩa khác nhau về chương trình giáo dục. Còn Reisse lại tổng hợp được tới 27 định nghĩa khác nhau về chương trình giáo dục, trong đó ông chia thành 3 nhóm khác nhau về mức độ rộng hẹp, nhiều ít các yếu tố cấu thành chương trình. Tuy nhiên, khuynh hướng chung không chỉ bó hẹp trong hai thành phần là nội dung và mục tiêu dạy học. Chương trình đề cập tới những yếu tố khác của quá trình dạy – học.
Còn theo K.Frey, chương trình giáo dục được định nghĩa như sau: “Chương trình giáo dục là sự trình bày, diễn tả có hệ thống việc dạy – học được dự kiến trong một khoảng thời gian xác định mà sản phẩm của sự trình bày đó là một hệ thống xác định các thành tố khác nhau nhằm chuẩn bị, thực hiện và đánh giá một cách tối ưu việc dạy – học”. Đây là định nghĩa được nhiều nhà nghiên cứu và thực hành quan tâm.
Và mặc dù định nghĩa về chương trình giáo dục luôn thay đổi do tác động của xã hội với những bước tiến khổng lồ về khoa học kĩ thuật và công nghệ, chương trình giáo dục hiện nay được xem như là tập hợp các mục tiêu và giá trị có thể được hình thành ở người học thông qua các hoạt động được kế hoạch hoá và tổ chức trong nhà trường, gắn liền với đời sống xã hội. Mức độ đạt các mục tiêu ấy là thể hiện tính hiệu quả của một chương trình GD. Mục đích của việc thiết kế một chương trình giáo dục phụ thuộc vào đối tượng người học của chương trình giáo dục đó.
Ngày nay, quan niệm về chương trình GD đã rộng hơn, đó không chỉ là việc trình bày mục tiêu cuối cùng và bảng danh mục các nội dung giảng dạy. Chương trình vừa cần cụ thể hơn, bao quát hơn, vừa là một phức hợp bao gồm các bộ phận cấu thành:
– Mục tiêu học tập
– Phạm vi, mức độ và cấu trúc nội dung học tập
– Các phương pháp, hình thức tổ chức học tập
– Đánh giá kết quả học tập.
Như vậy, cấu trúc của chương trình bao gồm hai thành phần chính: sự hình dung trước những thành tích mà người học sẽ đạt được sau một thời gian học tập và cách thức, phương tiện, con đường, điều kiện để mong muốn đó trở thành hiện thực.
Có thể xem định nghĩa sau đây đã bao hàm được những ý đó:
Chương trình GD là sự trình bày có hệ thống một kế hoạch tổng thể các hoạt động giáo dục trong một thời gian xác định, trong đó nêu lên các mục tiêu học tập mà người học cần đạt được, đồng thời xác định rõ phạm vi, mức độ nội dung học tập, các phương tiện, phương pháp, cách thức tổ chức học tập, cách đánh giá kết quả học tập v.v nhằm đạt được các mục tiêu học tập đề ra. (Nguyễn Hữu Chí, Viện KHGD 2002).
Như vậy, những thành phần cơ bản của một chương trình GD có thể là
– Nhu cầu đào tạo
– Mục đích, mục tiêu đào tạo
– Nội dung đào tạo
– Phương thức đào tạo
– Các hình thức tổ chức hoạt động đào tạo
– Các hình thức kiểm tra đánh giá kết quả đào tạo.
Chương trình giáo dục mầm non là gì?
Nội dung dung chương trình giáo dục mầm non được ban hành kèm theo Quyết định số /2006/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có nói “Chương trình Giáo dục mầm non là căn cứ để triển khai và chỉ đạo công tác chăm sóc giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non trong cả nước, đồng thời là căn cứ để đào tạo bồi dưỡng giáo viên mầm non, tăng cường cơ sở vật chất và đảm bảo các điều kiện thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non có chất lượng”.
Chương trình giáo dục mầm non mới đã được triển khai trong giảng dạy tại Việt Nam
Giáo dục mầm non là bộ phận quan trọng và nền tảng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Với mục tiêu nuôi dưỡng, dạy dỗ giúp trẻ có thể phát triển về mọi mặt như: thể chất, trí tuệ, đời sống tinh thần,… Từ đó hình thành nên nhân cách tốt, nền tảng kiến thức sơ khai để trẻ đủ hành trang bước vào lớp một.
Mỗi lứa tuổi mầm non lại có một cách giáo dục riêng phù hợp với thể chất, ngôn ngữ và nhận thức của trẻ. Từ đó các chương trình giáo dục mầm non cũng phải có sự thay đổi để hài hòa và mang lại hiệu quả. Trẻ được học tập trong môi trường giáo dục lành mạnh, toàn diện chắc chắn sẽ phát triển rất tốt.
Phát triển nhận thức
Trước khi bước chân vào ngôi trường mầm non, trẻ hoàn toàn sống giới hạn trong môi trường gia đình. Mặc dù cha mẹ có quan tâm và dạy dỗ trẻ nhiều điều nhưng sự phát triển về nhận thức vẫn sẽ không có sự đột phá. Thế giới xung quanh bị giới hạn, trong khi một đứa trẻ lại muốn một môi trường để thỏa sự tò mò, thích khám phá của chúng. Do đó nếu cho trẻ tiếp xúc với môi trường giáo dục mầm non hiện đại, trẻ dần hình thành các kỹ năng như quan sát, phán đoán, so sánh, phân loại,… Và những hiểu biết ban đầu về bản thân, môi trường, xã hội xung quanh dần hình thành.
Trẻ được tiếp xúc với chương trình giáo dục mầm non hiện đại sẽ phát triển toàn diện các kỹ năng
Phát triển ngôn ngữ
Chương trình giáo dục mầm non còn giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ nhanh chóng. Đó là lý do vì sao hầu hết trẻ được đi lớp học hoạt ngôn và biết cách diễn đạt rõ ràng ý muốn của mình hơn so với những trẻ khác. Khả năng tiếp thu ngôn ngữ nhanh giúp trẻ dễ dàng tiếp cận với những ngôn ngữ mới, phát triển kỹ năng đọc viết khi vào lớp một.
Phát triển thể chất
Trẻ mầm non được vui chơi và trải nghiệm những hoạt động trong chương trình giáo dục mầm non mới giúp chúng phát triển khỏe mạnh về thể chất. Thay vì trẻ quanh quẩn ở nhà, chúng được hòa mình vào môi trường xung quanh, tham gia các hoạt động ngoại khóa thú vị. Cải thiện chiều cao cân nặng, linh hoạt di chuyển, hoạt động các cơ quan một cách khéo léo. Đồng thời tạo dựng thói quen chăm sóc sức khỏe, vệ sinh các nhân và giữ an toàn cho bản thân mình.
Thông qua những hoạt động thực tế, trẻ được phát triển thể chất và nâng cao sức khỏe
Phát triển đời sống tinh thần
Khi được học các chương trình giáo dục mầm non hiện đại, trẻ dần phát triển về đời sống tinh thần. Trẻ học được sự bao dung, tình yêu thương, lễ phép với người lớn, không ích kỷ,… Trẻ cũng nhận ra rằng thế giới xung quanh nhiều điều tốt đẹp, từ đó phát triển năng khiếu nghệ thuật đang tiềm ẩn bên trong.
Chương trình giáo dục phổ thông là gì?
Chương trình giáo dục phổ thông (viết tắt CT GDPT) là toàn bộ phương hướng và kế hoạch GDPT, trong đó nêu rõ mục tiêu GDPT, quy định yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực đối với học sinh, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, cách thức đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học, chuyên đề học tập và hoạt động trải nghiệm sáng tạo (gọi chung là môn học) ở mỗi lớp và mỗi cấp học của GDPT.
CT tổng thể là phương hướng và kế hoạch khái quát của toàn bộ CT GDPT, trong đó quy định những vấn đề chung của GDPT, bao gồm: Quan điểm xây dựng CT, mục tiêu CT GDPT và mục tiêu CTGD của từng cấp học, yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung của học sinh cuối mỗi cấp học, các lĩnh vực giáo dục và hệ thống các môn học, thời lượng của từng môn học, định hướng nội dung giáo dục bắt buộc ở từng lĩnh vực giáo dục và phân chia vào các môn học ở từng cấp học đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc, định hướng về phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục và cách thức đánh giá chất lượng giáo dục của từng môn học, điều kiện tối thiểu của nhà trường để thực hiện được CT.
CT môn học là phương hướng và kế hoạch cụ thể của một môn học, trong đó xác định vị trí, vai trò môn học trong thực hiện mục tiêu CT GDPT; mục tiêu và yêu cầu cần đạt của môn học về kiến thức, kỹ năng, thái độ và định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh ở mỗi lớp hoặc cấp học; nội dung giáo dục cốt lõi (bắt buộc) ở từng cấp học đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc; kế hoạch dạy học môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học; định hướng phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, cách thức đánh giá kết quả học tập của học sinh trong môn học.
********************
Đăng bởi: Trường THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Tổng hợp