Chủ đề của truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh là gì? Đây là câu hỏi số 5 trang 12 SGK Ngữ văn lớp 6 tập 2 sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Mời các em theo dõi bài học dưới đây để biết chính xác chủ đề của truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh nhé.
Chủ đề của truyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh là gì?
Câu hỏi: Chủ đề của truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh là gì?
Trả lời:
Chủ đề của truyện Sơn Tinh, Thuỷ tinh là:
- Thể hiện ước mơ chế ngự thiên tai của người Việt Cổ.
- Suy tôn, ca ngợi công lao dựng nước, giữ nước của các Vua Hùng.
- Xây dựng nên hình tượng của hai nhân vật chính, cái thiện chống lại cái ác.
Thử tưởng tượng em là Thuỷ Tinh và nêu những suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật sau khi bị thua cuộc
Câu hỏi: Thử tưởng tượng em là Thuỷ Tinh và nêu những suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật sau khi bị thua cuộc
Trả lời:
Những suy nghĩ, cảm xúc của em sau khi bị thua cuộc: Giận dữ với những cuộc tấn công dữ dội. Nhưng Thủy Tinh dù phép thuật cao cường vẫn phải khuất phục trước Sơn Tinh dũng mãnh và mưu trí.
Tóm tắt truyện Sơn Tinh, Thuỷ tinh
Vào đời Hùng Vương thứ mười tám, nhà vua có một người con xinh đẹp, thùy mị. Tên của nàng là Mị Nương. Vua hết mực yêu thương nên muốn kén cho con người chồng xứng đáng. Một hôm, có hai chàng trai đến cầu hôn. Một người là Sơn Tinh, chúa tể vùng non cao. Một người là Thủy Tinh, chúa vùng nước thẳm. Hai người đều ngang sức ngang tài, khiến nhà vua không biết chọn ai. Sau khi bàn với các chư hầu, vua đưa ra điều kiện ngày mai ai mang lễ vật đến trước sẽ lấy được Mị Nương làm vợ. Lễ vật gồm có một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng và voi chín ngà gà chín cựa ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi. Hôm sau, Sơn Tinh mang lễ vật đến trước, được rước Mị Nương về làm vợ. Thủy Tinh đến sau, không lấy được Mị Nương đùng đùng nổi giận, dâng nước đánh Sơn Tinh. Hai bên đánh nhau ròng rã mấy tháng trời. Cuối cùng, sức Sơn Tinh vẫn vững vàng mà sức Thủy Tinh đã cạn kiệt, thần nước đành rút quân. Kể từ đó, oán nặng thù sâu, hằng năm, Thủy Tinh đều dâng nước đánh Sơn Tinh. Nhưng lần nào, Thần Nước cũng thua trận.
Truyện Sơn Tinh, Thuỷ tinh
Vua Hùng thứ 18 có một Công chúa đã đến tuổi cập kê, rất xinh đẹp tên là Mỵ Nương. Vua mới ban truyền trong nhân gian tìm nhân tài kén làm phò mã. Vua nước Tây Âu mang cau vàng trầu bạc đến dạm hỏi. Vua Hùng bèn hỏi ý các Lạc Hầu. Họ đáp: “Vua Tây Âu là người hung bạo, lại tuổi già, hình dạng xú quái, làm sao xứng với Mỵ Nương được”. Vua y theo Lạc Hầu mà làm, vì thế mà Văn Lang và Tây Âu hiềm khích từ đó.
Sau có hai chàng trai đến xin hỏi cưới. Cả hai đều rất tài giỏi. Một là Sơn Tinh (Thần Núi Tản Viên – Thánh Tản), hai là Thủy Tinh (Thần Nước). Sơn Tinh chỉ tay đến đâu núi rừng mọc lên đến đấy, muông thú đầy đàn. Thủy Tinh vẫy tay thì nước dâng lên cao, ba ba, thuồng luồng nổi đầy mặt nước.
Nhà vua không biết nên chọn ai, bèn quyết định chỉ gả Mỵ Nương cho người nào đến trước với sính lễ là một trăm ván cơm nếp, một trăm tệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi.
Hôm sau, trời vừa hửng sáng, Sơn Tinh đã đến trước cổng thành với tất cả lể vật cầu hôn công chúa. Vua Hùng rất mừng bèn gả Mỵ Nương cho Sơn Tinh. Thủy Tinh đến trễ, và ngỡ ngàng khi biết Mỵ Nương đã theo chồng là Sơn Tinh. Thần lập tức đuổi theo và kêu binh tướng đánh Sơn Tinh để đòi lại Mỵ Nương.
Hai thần đánh nhau trời long đất lở. Thủy Tinh làm phép dâng nước định dìm chết Sơn Tinh, Sơn Tinh làm phép cho núi dâng cao cản nước. Thủy Tinh càng làm nước dâng cao, Sơn Tinh càng làm núi mình cao hơn. Cuối cùng Thủy Tinh đánh không lại, chịu thua. Từ đó, Sơn Tinh và Mỵ Nương sống vui vẻ bên nhau.
Tuy nhiên, hàng năm cứ vào khoảng tháng 7 âm lịch, Thủy Tinh lại nhớ đến thù xưa và dâng nước lên đánh Sơn Tinh.
Sơn Tinh – Thủy Tinh là một truyền thuyết nổi tiếng, lý giải về hiện tượng lũ lụt và chống lại lũ lụt hàng năm của người Việt Nam xa xưa.
Biên soạn bởi: Trường THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục