Đề bài: Cảm nhận về tình yêu làng của ông Hai trong truyện Làng
Cảm nhận về tình yêu làng của ông Hai trong truyện Làng
Bạn đang xem: Cảm nhận về tình yêu làng của ông Hai trong truyện Làng
I. Dàn ý Cảm nhận về tình yêu làng của ông Hai trong truyện Làng (Chuẩn)
1. Mở bài:
Giới thiệu về nhà văn Kim Lân và truyện ngắn Làng:- Kim Lân là cây bút chuyên viết về đề tài nông thôn và người nông dân- Làng là một tác phẩm xuất sắc của ông, với nhân vật chính là ông Hai – một người nông dân nghèo nhưng có tình yêu làng, yêu quê hương sâu sắc.
2. Thân bài:
a. Khái quát chung:– Truyện ngắn Làng viết vào đầu những năm tháng kháng chiến chống Pháp.- Truyện kể về ông Hai, một lão nông nghèo phải rời làng di tản cư.- Ông Hai có một lòng yêu quê hương sâu sắc nhưng lại bị đặt trong tình huống thử thách ngặt nghèo: làng ông theo giặc.- Ông đau đớn, tủi nhục muôn phần cho tới khi tin cải chính về làng ông tới.- Ông Hai là đại diện cho những người nông dân nghèo nhưng luôn hướng về quê hương, đất nước và cách mạng.
b. Cảm nhận về tình yêu làng của ông Hai:
– Tình cảm của ông Hai dành cho làng khi ông ở nơi tản cư:+ Nghe theo lời của Uỷ ban kháng chiến, ông Hai rời làng lên khu tản cư, thế nhưng thâm tâm ông vẫn luôn hướng về làng.+ Khi cuốc đất, trồng trọt, ông luôn nghĩ về làng, nghĩ tới những ngày “cùng làm việc với anh em”.+ Những lúc ấy, ông thấy mình như “trẻ ra”, ông nhớ làng, nhớ mọi người, “Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá”.+ Yêu làng, ông luôn chăm chú nghe ngóng tin tức về kháng chiến, tin tức về làng của ông.
– Tâm trạng đau đớn, buồn khổ của ông Hai khi nghe tin làng theo giặc:+ Ông Hai nghe tin “làng Chợ Dầu theo Việt gian” từ những người đàn bà mới lên tản cư.+ Nghe tin đó, ông Hai giật mình, lắp bắp hỏi: “Nó… Nó vào làng Chợ Dầu hở bác?”, khi nghe lời khẳng định chắc nịch của người đàn bà: “Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây” khiến ông lão “lặng đi”, “tưởng như đến không thở được”+ Sau đó, ông Hai trở về nhà trong niềm đau đớn, tủi nhục, “cúi gằm mặt mà đi”.+ Về tới nhà, ông “nằm vật ra giường”, nghĩ tới con, nước mắt ông “giàn ra”, chua xót “Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư?”.+ Đau đớn, ông rít lên: “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”: Đây là tiếng thét căm hờn của một con người với tình yêu quê hương cháy bỏng.+ Niềm hy vọng, nỗi đau giằng xé trong tâm hồn ông: một mặt ông không tin làng ông theo giặc, mặt khác ông nghĩ rằng ” không có lửa làm sao có khói?”.+ Suốt những ngày tháng sau đó, ông Hai quanh quẩn trong nhà trong nỗi sợ hãi. Bất cứ đám đông, tiếng cười nói nào cũng khiến ông “chột dạ”, sợ hãi.+ Đến khi mụ chủ nhà đánh tiếng đuổi, ông Hai đứng trước sự lựa chọn, trở về làng hay chọn kháng chiến. Và câu trả lời của ông Hai chắc nịch là chọn kháng chiến “về làng là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ”.+ Ở lâu trong nhà, ông chỉ đành tâm sự cùng đứa con trai. Ông nói để thoả nỗi mong nhớ về làng cũng là “để ngỏ lòng mình”+ Ông Hai là điển hình cho người nông dân trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn luôn hướng về quê hương, cách mạng một lòng.
– Niềm vui sướng của ông Hai khi nghe tin cải chính:+ Tin cải chính đến bất ngờ, hồi sinh ông Hai.+ Sau bao ngày ủ rũ, ông Hai lại trở lại “tươi vui, rạng rỡ”, ông mua quà cho con, chạy sang nhà bác Thứ mà kể: “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ, đốt nhẵn”.+ Niềm vui sướng, hân hoan trào dâng, một sự hả hê không lời nào tả xiết+ Câu chuyện khép lại trong sự vui sướng và niềm hân hoan vô bờ của ông Hai.
c. Đánh giá nội dung, nghệ thuật:
– Nội dung:+ Câu chuyện về ông Hai với tình yêu làng sâu đậm+ Ông là đại diện cho những người nông dân nghèo của Việt Nam luôn một lòng hướng về quê hương, Tổ quốc.
– Nghệ thuật:+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật xuất sắc+ Tạo nên tình huống độc đáo, kịch tính+ Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật hết sức thành công.
3. Kết bài:
Cảm nhận chung về nhân vật
II. Bài văn mẫu Cảm nhận về tình yêu làng của ông Hai trong truyện Làng (Chuẩn)
Kim Lân là nhà văn chuyên viết về đề tài nông thôn và những người nông dân nghèo trong xã hội Việt Nam. Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng để lại cho thế hệ sau trong đó phải kể tới truyện ngắn Làng. Nhân vật trung tâm của tác phẩm là ông Hai – một người nông dân nghèo nhưng lại có một tình yêu làng vô cùng sâu sắc.
Truyện ngắn Làng được viết vào đầu những năm tháng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Truyện kể về ông Hai cùng tình yêu làng, sự gắn bó tha thiết của ông với ngôi làng nhỏ của mình. Thế nhưng, khi kháng chiến bùng nổ, tình yêu làng của ông bị đặt trong một tình huống ngặt nghèo: làng Chợ Dầu của ông theo giặc. Tin tức đó đã khiến cho ông Hai – một con người yêu làng, luôn tự hào về cái làng của mình phải đau đớn, tủi nhục muôn phần. Đến khi tin cải chính đến, ông Hai mới được trở về con người thực của mình, vui sướng, hớn hở khoe với mọi người việc ngôi nhà của mình bị giặc đốt. “Làng” của Kim Lân đã tái hiện chân thực hình ảnh những người nông dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp: yêu làng, yêu nước, giàu tinh thần cách mạng. Ông Hai – nhân vật chính trong tác phẩm cũng là đại diện cho những người nông dân nghèo nhưng luôn một lòng yêu quê hương, một lòng hướng tới kháng chiến, hướng tới Cụ Hồ.
Xuyên suốt trong truyện ngắn Làng, ta cảm nhận được một cách vô cùng rõ ràng tình yêu làng của ông Hai, từ những ngày còn ở làng, cho tới khi đến nơi tản cư rồi nghe tin làng theo giặc. Bất cứ thời điểm nào, khoảnh khắc nào, ta cũng đều thấy ngời sáng trong những trang truyện là tình yêu tha thiết của ông Hai đối với ngôi làng Chợ Dầu của mình. Khi còn ở làng, ông Hai cùng anh em hăng hái tham gia công việc kháng chiến. Nghe theo lời của Uỷ ban kháng chiến, ông Hai rời làng lên khu tản cư. Thế nhưng sâu thẳm trong ông là nỗi nhớ, là ước mong, khao khát được trở về ngôi làng của minh. Đến nơi tản cư, tình yêu làng của ông Hai được bộc lộ rõ nét hơn, lúc nào ông cũng nhớ và nghe ngóng tin tức về ngôi làng yêu quý của mình. Chẳng vậy mà khi cuốc đất trồng trọt, làm ruộng, ông vẫn luôn nhớ về những ngày được “cùng làm việc với anh em”, “cũng đào, cũng cuốc mê man suốt ngày”. Ông nhớ về những ngày tháng còn được ở làng, còn được cùng làm việc với anh em làng xóm mà ông Hai “thấy mình như trẻ ra”. Ông muốn được “về làng”, “muốn được cùng anh em đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá, …”, nỗi khát khao trở về bùng cháy trong tâm hồn ông lão. Đó là bởi ông yêu làng, tình yêu làng của ông thấm đượm trong từng công việc mà ông làm ở nơi tản cư này. Tất cả đều gợi lên trong ông nỗi nhớ mãnh liệt về ngôi làng nhỏ bé của mình, về làng Chợ Dầu mà ông yêu quý “Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá!”.
Yêu làng, muốn được biết thông tin về làng, vậy nên lúc nào ông cũng chăm chỉ đến phòng thông tin để nghe ngóng tin tức kháng chiến dù rằng ông không biết chữ và chỉ đến để “nghe lỏm” người ta đọc báo. Ông Hai, một lão nông nghèo, phải rời xa quê hương của mình vì nhiệm vụ kháng chiến, nhưng lúc nào trong lòng ông vẫn luôn đau đáu nỗi nhớ về ngôi làng của mình, lúc nào cũng mong muốn được trở về quê hương cùng anh em, xóm làng chiến đấu chống lại kẻ thủ.
Tình yêu làng của ông Hai càng được thể hiện rõ khi mà ông được đặt trong một thử thách ngặt nghèo. Đó là tin tức làng ông theo giặc được những người đàn bà từ dưới Gia Lâm thông báo. Những người đàn bà mới lên khu tản cư ngồi nghỉ chân, nói chuyện với nhau dưới bóng cây và loáng thoáng nói về làng Chợ Dầu , ông chỉ nghe thấy loáng thoáng hai tiếng Chợ Dầu, nhưng cũng đã khiến cho ông Hai giật mình “lắp bắp hỏi lại: Nó …Nó vào làng Chợ Dầu hở bác? Thế ta giết được bao nhiêu thằng?”. Thế nhưng đáp lại lời ông Hai chỉ là lời chỏng lỏn, đỏng đảnh của người đàn bà tản cư: “Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây”. Câu nói của người đàn bà như một tiếng sét ập thẳng vào tai ông Hai. Cái tin đó đã khiến cho ông choáng váng đến độ “cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rần rần. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở nổi”. Ông Hai hỏi lại trong niềm hy vọng mong manh rằng cái tin ông nghe chỉ là một tin đồn: “Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ lại…”. Vậy nhưng đáp lại lời ông Hai chỉ là lời khẳng định chắc chắn của người đàn bà rằng: “Việt gian từ thằng chủ tịch đi cơ ông ạ”. Có thể nói, tin tức mà người đàn bà mang tới cho ông Hai là một sự chấn động, đánh thẳng vào tình yêu làng trong tâm hồn ông. Cũng kể từ lúc đó, ông Hai như biến thành một con người khác, mang trong mình một sự tủi nhục, đau đớn của một kẻ tội đồ với dân tộc.
Sau khi nghe được cái tin dữ, ông Hai trở về nhà trong nỗi nhục nhã, ông “cúi gằm mặt xuống mà đi”. Kim Lân đã vô cùng xuất sắc khi miêu tả những giằng xé trong tâm hồn của lão nông già ấy. Đó là nỗi đau, là niềm tủi hờn khi tình yêu làng thiêng liêng của ông bị vấy bẩn. Ông Hai “nằm vật ra giường”, nhìn lũ con nhỏ đang chơi, ông “tủi thân” bật khóc. Nước mắt “giàn ra” trong khuôn mặt già nua khắc khổ của ông. Đối với những người nông dân nghèo, giọt nước mắt chỉ xuất hiện khi nỗi đau đó đã lên tới tột đỉnh và với ông Hai, giọt nước mắt kia không chỉ là nỗi đau mà còn là sự tủi hổ khi nghĩ về ngôi làng mình hằng yêu quý, là niềm thương xót cho những đứa con thơ dại của mình. Những đứa con thơ của ông, còn chưa hiểu gì, chưa biết gì đã trở thành ” trẻ con làng Việt gian” “bị người ta rẻ rúng, hắt hủi”. Đó còn là giọt nước mắt khi tình yêu làng, niềm tự hào về làng bao lâu nay của ông bất chợt bị “vấy bẩn” với cái tin tức rằng làng ông theo Việt gian. Đau xót, tủi hờn, ông Hai “rít lên” trong đau đớn: “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”. Đó là tiếng thét của một con người yêu làng tha thiết nhưng lại bị phản bội một cách đau đớn, khốn khổ. Trong thâm tâm ông, niềm tin và nỗi đau hòa vào nhau, giằng xé lẫn nhau. Ông không tin rằng ngôi làng mà ông yêu quý lại có thể trở thành một ngôi làng “Việt gian bán nước” như người đàn bà nói. Thế nhưng “ai người ta hơi đâu bịa tác ra những chuyện ấy làm gì”. Để tới cuối cùng, niềm hy vọng nhỏ nhoi đó của ông Hai sụp đổ, vỡ vụn. trong đau đớn “Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian”. Đó là tiếng nói buồn bã mà đau xót của một trái tim luôn hướng về quê hương, từ một tâm hồn không lúc nào ngơi tự hào về làng quê của mình.
Suốt những ngày tháng sau đó, ông Hai trở nên gắt gỏng với vợ mình và không dám ra khỏi nhà. Ông lão sợ hãi, không dám để ai nhắc tới những tin tức tồi tệ kia, nỗi đau đớn, dằn vặt bủa vây lấy tâm hồn ông. Ông Hai “trằn trọc”, “rũ ra trên giường” và “thở dài”, ông lo lắng bị mụ chủ nhà đuổi khỏi nơi ở, rồi sẽ không ai dám chứa chấp gia đình ông, những người dân của ngôi làng Việt gian bán nước. Cũng từ ngày nghe cái tin dữ ấy, ông Hai biến thành một con người khác. Nếu như trước đây, ông thường hay ra khỏi nhà, đi đến phong thông tin thì giờ đây, ông chỉ dám “quanh quẩn trong cái gian nhà chật chội ấy mà nghe ngóng”. Ông không dám bước ra khỏi nhà, không dám cả sang nhà bác Thứ đế mà tâm sự. Và như một lẽ đương nhiên, ông sợ hãi trước những lời người ta nói chuyện, những tiếng “Việt gian, cam – nhông, tiếng Tây”. Và đến cả cái tin dữ, ông cũng né tránh gọi là “chuyện ấy”. Nỗi đau, sự nhục nhã ê chề đã khiến cho ông Hai trở nên ủ rũ, mệt mỏi và chán chường, chẳng dám đối mặt với câu chuyện đau xót về cái làng của mình. Với ông Hai – một lão nông cần cù, yêu làng hơn tất cả thì cái tin làng Chợ Dầu của ông theo giặc quả là một cú sốc, một nỗi uất ức, tủi nhục đến khôn cùng. Ngôi làng mà ông luôn yêu quý, tự hào nay trở thành Việt gian bị mọi người căm ghét. Khi mụ chủ nhà biết việc và đánh tiếng đuổi gia đình ông đi, ông Hai buộc phải đưa ra một lựa chọn khó khăn, chọn làng hay nước? Với ông Hai – một con người với tình yêu làng tha thiết, tưởng chừng đã có lúc ông nghĩ rằng “Hay là quay về làng?”, thế nhưng suy nghĩ đó lập tức bị ông bác bỏ. Bởi tình yêu làng có lớn lao bao nhiêu nhưng khi làng đã theo giặc “thì phải thù”, “về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ”.
Quanh quẩn trong ngôi nhà bé tí trọ đã khiến ông Hai bị dồn nén. Nỗi nhớ làng, mong nhớ về quê hương, ông gửi vào đứa con trai bé bỏng của mình. Ông hỏi nó về quê hương, để khắc sâu vào tâm trí nó rằng quê hương nó là làng Chợ Dầu, cùng là để truyền cho nó tình yêu làng sâu đậm của mình. Trong nỗi đau khổ đang giằng xé lấy tâm can ông, trò chuyện với con cũng là cách để ông Hai có thể vơi bớt những nỗi niềm trong tâm tư của mình, cũng là “để ngỏ lòng minh”, “để mình lại minh oan cho mình”. Ông Hai là điển hình cho những người dân quê Việt Nam hồn hậu, chất phác, dù trong hoàn cảnh đau đớn vẫn không nguôi một tình yêu quê hương sâu nặng!
Thế nhưng, may thay, cái tin cải chỉnh về làng ông lại đến bất ngờ, làm hồi sinh ông lão già. Cái tin ấy đã rũ sạch những đau khổ, tủi cực của ông Hai và ông lại trở lại “tươi vui, rạng rỡ”. Ông Hai mua quà cho con, rồi lật đật chạy sang nhà bác Thứ mà khoe trong niềm hạnh phúc vô bờ: “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ! Đốt nhẵn”. Có lẽ chẳng người nông dân nào lại vui sướng đến vậy khi căn nhà mình gắng công gây dựng lại bị thiêu rụi sạch sẽ. Thế nhưng, với ông Hai, điều đó lại mang đến một niềm sung sướng, một sự hả hê mà không một lời nào tả xiết. Bởi nó là minh chứng cho sự trong sạch của làng Chợ Dầu của ông, và cũng là minh chứng cho tấm lòng trong sạch của ông đối với Cách mạng, với cụ Hồ. Câu chuyện kết lại trong âm thanh náo nức, hân hoan, vỡ oà của ông Hai – một lão nông với tình yêu làng đậm đà, sâu nặng.
Kim Lân đã dựng lên hình ảnh của một ông Hai với tình yêu làng sâu đậm vô cùng thành công. Ông là đại diện cho những người dân quê nghèo nhưng mang trong mình tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc, dù cho có trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình yêu ấy vẫn luôn dạt dào, mạnh mẽ, lớn mạnh trong tâm hồn của họ.
Về nghệ thuật, tác giả đã xây dựng nhân vật ông Hai vô cùng độc đáo. Kim Lân đã đặt nhân vật vào một tình huống thử thách để thấy được tình cảm sâu nặng của ông đối với làng quê của mình. Bằng việc đặc tả cử chỉ, nét mặt, giọng nói của nhân vật, nhà văn đã khiến nhân vật ông Hai hiện lên thật sống động cùng tình yêu làng vô cùng sâu sắc. Và thêm vào đó, nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật cũng là một phần tạo nên thành công cho truyện ngắn Làng!
Tình yêu làng của ông Hai đã được nhà văn Kim Lân thể hiện rất xuất sắc. Đó là tình yêu của những người dân dành cho quê hương của minh. Tình yêu ấy thống nhất cùng tình yêu đất nước và tinh thần kháng chiến đã làm nên chiến thắng của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.
—————-HẾT—————
Làng là một tác phẩm rất xuất sắc của nhà văn Kim Lân. Thông qua các bài viết Phân tích diễn biến cốt truyện trong truyện ngắn Làng của Kim Lân, Phát biểu cảm nghĩ của về truyện Làng của Kim Lân, Đóng vai ông Hai kể lại truyện ngắn Làng của Kim Lân, Phân tích diễn biến cốt truyện trong truyện ngắn Làng của Kim Lân, các em sẽ được tìm hiểu rõ hơn về tình cảm yêu làng của ông Hai, thứ tình cảm yêu quê hương thống nhất với tình yêu đất nước cũng như tình thần kháng chiến của người nông dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục