Đề bài: Cảm nhận hình ảnh thiên nhiên trong Mùa xuân nho nhỏ và Sang thu
Cảm nhận hình ảnh thiên nhiên trong Mùa xuân nho nhỏ và Sang thu
Bạn đang xem: Cảm nhận hình ảnh thiên nhiên trong Mùa xuân nho nhỏ và Sang thu
I. Dàn ý Cảm nhận hình ảnh thiên nhiên trong Mùa xuân nho nhỏ và Sang thu (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu về tác giả Thanh Hải, Hữu Thỉnh và hai bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Sang Thu.- Dẫn dắt đến đối tượng cần cảm nhận: Hình ảnh thiên nhiên được thể hiện trong 2 bài thơ.
2. Thân bài:
a. Bức tranh thiên nhiên xứ Huế qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ:
– Bức tranh mùa xuân xứ Huế tươi đẹp:+ Thanh Hải sử dụng những hình ảnh chấm phá như hoa, chim, sông, bầu trời để gợi tả mùa xuân.+ Nhà thơ đặt từ “mọc” lên đầu câu thơ: tạo cảm giác bất ngờ, mùa xuân đến bất chợt.+ Âm thanh chim “chiền chiện” – người đưa tin của mùa xuân thì đang ca hót rộn rã.+ Từ “ơi” được nhà thơ đặt lên đầu câu thơ: gợi lên sự tha thiết, thân thương.+ “Từng giọt long lanh rời” : Tiếng chim trên cao gọi xuân như đang cô đặc thành từng giọt mật của mùa xuân rơi xuống mặt đất.+ Nhà thơ đã đón lấy và nâng niu từng giọt → nghệ thuật chuyển đổi cảm giác: mùa xuân như một thực thể hữu hình, con người có thể chạm, nắm, nếm thử.=> Bức tranh mùa xuân tươi đẹp, căng tràn sức sống.
b. Bức tranh giao mùa từ hạ sang thu qua bài thơ Sang thu:
– Bức tranh chớm thu của quê hương vùng đồng bằng Bắc Bộ hiện lên qua những tín hiệu rõ ràng:+ “Hương ổi”: đang lan tỏa trong không khí, đánh thức những giác quan tinh tế nhất của nhà thơ.+ Từ “bỗng”: diễn tả cảm giác ngỡ ngàng, bất ngờ của nhà thơ khi bắt gặp mùi hương ổi chín thơm.+ “Gió se”: làn gió lạnh khô, không còn hơi nóng của mùa hạ.+ “Sương”: màn sương mù buổi sớm đang lan toả khắp ngõ xóm.+ Từ “chùng chình”: diễn tả hành động cố ý chậm lại của màn sương → Nhà thơ đã nhân hóa màn sương khiến chúng như có linh hồn.→ Những dấu hiệu mùa thu rõ ràng khiến cho nhà thơ xúc động, bất ngỡ, không tin vào chính mình “hình như thu đã về”.
– Những vẻ đẹp của thiên nhiên mùa thu:+ Hình ảnh của con sông: chảy trôi lững lờ, “dềnh dàng”, chậm chạp và thong thả.+ Đối lập là hình ảnh của những chú chim “vội vã” chuẩn bị về phương Nam tránh rét.+ Hai từ láy tượng hình “dềnh dàng”, “vội vã”: cho thấy sự đối lập của vạn vật khi thu sang.+ Hình ảnh của “đám mây mùa hạ”: là sự liên tưởng, nhân hoá độc đáo của nhà thơ.+ “Đám mây mùa hạ” dường như còn luyến tiếc cái nóng của mùa hạ nên mới chỉ “vắt nửa mình” sang mùa thu.
– Hình ảnh của thiên nhiên: Mùa thu sang nhưng vẫn còn những cơn nắng của mùa hạ, những cơn mưa và sấm đã vơi dần.
c. Đánh giá chung:
– Hai bài thơ là bức tranh thiên nhiên quê hương đất nước rất đẹp đẽ.- Chứa chan trong đó là tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương của hai nhà thơ Hữu Thỉnh và Thanh Hải.
3. Kết bài:
– Khái quát lại giá trị của 2 bài thơ.
II. Bài văn mẫu Cảm nhận hình ảnh thiên nhiên trong Mùa xuân nho nhỏ và Sang thu (Chuẩn)
Thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho các thi nhân. Nhà thơ Thanh Hải và nhà thơ Hữu Thỉnh cũng góp vào kho tàng thơ ca Việt Nam hai bài thơ về thiên nhiên rất hay đó là “Mùa xuân nho nhỏ” và “Sang thu”. Hai bài thơ, hai cảm xúc nhưng lại chung nguồn cảm hứng và tình yêu với thiên nhiên đất nước được biểu hiện qua những hình ảnh thiên nhiên vô cùng đẹp đẽ.
Nếu như bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải viết về mùa xuân của thiên nhiên, đất nước cùng những khát vọng đẹp đẽ của nhà thơ thì thi phẩm “Sang thu” của Hữu Thỉnh lại viết về khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu. Tuy cùng viết về đề tài thiên nhiên nhưng mỗi thi phẩm lại có những nét đặc sắc riêng, độc đáo.
Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ viết về mùa xuân tươi đẹp xứ Huế. Ngay trong phần mở đầu bài thơ, nhà thơ đã vẽ lên bức tranh mùa xuân tươi đẹp:
“Mọc giữa dòng sông xanhMột bông hoa tím biếcƠi con chim chiền chiệnHót chi mà vang trờiTừng giọt long lanh rơiTôi đưa tay tôi hứng”
Thanh Hải đã không lựa chọn miêu tả chi tiết mùa xuân xứ Huế, ông chỉ sử dụng vài nét chấm phá để vẽ lên bức tranh mùa xuân của mình. Đó là một bông hoa nhỏ “tím biếc” “mọc ” lên giữa “dòng sông xuân”, đó là âm thanh chim “chiền chiện” đang ca hót líu lo giữa bầu trời cao rộng. Tất cả đều đang gợi lên hình ảnh về một mùa xuân tươi vui, rộn rã.
Ở ngay dòng thơ đầu tiên, nhà thơ đã cố ý đặt từ “mọc” lên đầu câu thơ để nhấn mạnh sự đột ngột, bất ngờ của những dấu hiệu về mùa xuân khi xuất hiện. Đóa hoa “tím biếc” phải chăng là một đóa lục bình đang trôi nhẹ trên sông Hương xanh biếc, một biểu tượng của xứ sở Huế thân yêu? Và những chú chim “chiền chiện” – kẻ báo tin của mùa xuân thì đang cất lên những tiếng hót rộn rã mừng mùa xuân đang về. Từ “ơi” được nhà thơ đặt ngay đầu câu thơ như tiếng gọi tha thiết, thân thương với những chú chim đang ca hót. Tiếng hót ấy khiến cho nhà thơ phải bồi hồi, xúc động mà trách cứ trong niềm thương mền:
“Hót chi mà vang trời”
Lời trách cứ ấy nghe thật đậm phong vị của xứ Huế. Tiếng chim trên cao gọi mùa xuân như đang cô đặc lại, lắng xuống, tạo thành những giọt mật của mùa xuân, của thiên nhiên đất trời đang rơi xuống đất. Hay phải chăng đó là những giọt mưa xuân đang phấp phới bay trong không gian ngập sắc xuân? Nhưng dù đó là gì thì cũng khiến nhà thơ Thanh Hải vô cùng xúc động, bồi hồi mà đưa bàn tay “hứng” lấy từng “giọt long lanh” đó. Động tác “hứng” của nhà thơ thật nhẹ nhàng, uyển chuyển bởi nó chứa đựng sự nâng niu, trân trọng mà ông dành cho mùa xuân. Ở đây, Thanh Hải đã sử dụng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, ông đã biến mùa xuân trở thành một thực thể hữu hình để cầm, nắm, chạm, nếm thử một cách thích thú.
Bức tranh thiên nhiên được nhà thơ dựng lên trong tình yêu tha thiết với thiên nhiên, muốn tận hưởng mùa xuân từ những giây phút đầu tiên. Mùa xuân trên quê hương xứ Huế của ông là những hình ảnh thiên nhiên gần gũi nhất, thân thương nhất, giản dị nhất.
Còn đối với nhà thơ Hữu Thỉnh, ông lại chọn viết về mùa thu. Bức tranh chớm thu của quê hương vùng đồng bằng Bắc Bộ hiện lên với những hình ảnh thật giản dị, mộc mạc, thân thương:
“Bỗng nhận ra hương ổiPhả vào trong gió seSương chùng chình qua ngõHình như thu đã về”
Mùa thu đối với Hữu Thỉnh được gợi mở bằng những dấu hiệu thật quen thuộc: đó là hương ổi chín đang lan toả trong làn “gió se” lành lạnh, là màn sương mù bao phủ khắp xóm thôn. Ổi vốn là thức quả quen thuộc của người dân Việt Nam, nó xuất hiện để báo hiệu cho mùa thu của thiên nhiên, đất trời. Và “hương ổi” là thứ đã đánh thức những giác quan tinh tế nhất của nhà thơ, để ông nhận ra sự xuất hiện đột ngột của mùa thu:
“Bỗng nhận ra hương ổiPhả vào trong gió se”
Từ “bỗng” được nhà thơ đặt ở đầu câu thơ cho thấy cảm giác đột ngột, bất ngờ, ngỡ ngàng của nhà thơ khi ông chợt nhận ra mùi thơm của “hương ổi” đang lan tỏa trong không khí. Đó là dấu hiệu của mùa thu, những dấu hiệu sớm nhất, quen thuộc nhất, thêm vào đó là làn gió se lạnh khô đang bao trùm lấy không gian.
Một dấu hiệu khác báo hiệu mùa thu về đó là màn sương mù đang “chùng chình” đi qua ngõ xóm. Động từ “chùng chình” diễn tả sự chậm rãi một cách cố ý. Nhà thơ đã nhân hóa màn sương khiến nó như có linh hồn. Nó đang chậm chạp đi qua từng ngõ nhỏ, báo hiệu sự chớm thu của đất trời. Và cũng chính lúc này, nhà thơ mới giật mình, thảng thốt mà nhận ra rằng:
“Hình như thu đã về”.
Hữu Thỉnh đã tinh tế nắm bắt những tín hiệu chớm thu của đất trời đồng thời ông cũng thấy những chuyển biến của thiên nhiên khi bước vào thu:
“Sông được lúc dềnh dàngChim bắt đầu vội vãCó đám mây mùa hạVắt nửa mình sang thu”
Mùa thu, thiên nhiên lại mang một vẻ đẹp thật khác biệt. Nếu như dòng sông mùa hạ cuồn cuộn chảy những nước thì giờ đây nó lại dịu lại, “dềnh dàng”, chậm chạp, thong thả chảy trong êm đềm. Những chú chim nhỏ mùa hạ đã ca hót suốt mùa thì nay lại “vội vã” chuẩn bị để đi tránh rét. Hữu Thỉnh đã sử dụng biện pháp đối lập cùng hai từ láy tượng hình “dềnh dàng”, “vội vã” để diễn tả sự đối lập của vạn vật khi màu thu sang.
Nhưng đặc biệt nhất trong bức tranh thiên nhiên này phải kể tới hình ảnh “đám mây mùa hạ”. Đám mây ấy chẳng còn mang hơi nóng của mùa hạ nhưng cũng chưa hoàn toàn có được sự thanh thoát, nhẹ nhàng của mùa thu. Đám mây mùa hạ ấy hình như còn tiếc nuối điều gì với mùa hạ mà mới chỉ “vắt nửa mình sang thu”. Đây là hình ảnh miêu tả liên tưởng nhân hoá rất độc đáo trong các tác phẩm thi ca viết về thiên nhiên của Việt Nam!
Mùa thu đã sang thế nhưng đất trời vẫn còn hơi nắng. Những cơn mưa mùa hè bất chợ cũng đã dần vơi đi. Cả những tiếng sấm cũng đã dịu bớt. Tất cả đều báo hiệu một mùa thu đã sang:
“Vẫn còn bao nhiêu nắngĐã vơi dần cơn mưaSấm cũng bớt bất ngờTrên hàng cây đứng tuổi”
Hai bài thơ tuy được viết trong hai hoàn cảnh khác nhau nhưng đều khắc hoạ hình ảnh của thiên nhiên cùng tình yêu thiên nhiên, đất nước tha thiết, niềm cảm hứng dạt dào với cảnh sắc quê hương. Nếu như Thanh Hải cho ta cảm nhận một mùa xuân êm đềm, rộn rã của con người trong thời kì xây dựng đất nước thì Hữu Thỉnh lại mang đến cảm nhận về một mùa thu yên bình, dân dã, quen thuộc. Cả hai thi phẩm đều mang đến cho người đọc những cảnh sắc thiên nhiên quê hương đẹp đẽ, khó quên!
Hai bài thơ Sang thu và Mùa xuân nho nhỏ là hai bức tranh thiên nhiên đầy cảm xúc của hai nhà thơ tài năng Hữu Thỉnh và Thanh Hải. Hai bài thơ đã góp phần vào những thi phẩm viết về thiên nhiên đặc sắc nhất trong thi đàn Việt Nam.
—————-HẾT—————-
Sang thu của Hữu Thỉnh và Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải là hai bài thơ rất hay. Các bài viết: Phân tích bài thơ Sang thu, Phân tích hai khổ đầu bài thơ Sang thu, Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Phân tích khổ đầu bài Mùa xuân nho nhỏ sẽ giúp chúng ta tìm hiểu kĩ hơn về ý nghĩa cũng như những hình ảnh đẹp đẽ trong hai thi phẩm đặc sắc này!
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục