Đề bài: Cảm nghĩ của em về 2 câu thơ cuối bài Sang thu
Cảm nghĩ của em về 2 câu thơ cuối bài Sang thu
Bạn đang xem: Cảm nghĩ của em về 2 câu thơ cuối bài Sang thu
I. Dàn ý Cảm nghĩ của em về 2 câu thơ cuối bài Sang thu (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về bài thơ Sang thu và hai câu thơ cuối của bài
2. Thân bài
– Khái quát nội dung những khổ đầu: khắc họa những biến chuyển từ mơ hồ đến rõ nét của cảnh vật khi đất trời “chuyển mình” sang thu.- Khái quát nội dung 2 câu thơ cuối: tiếp tục phát hiện ra những thay đổi của thiên nhiên, vạn vật, từ đó bộc lộ những suy ngẫm mang tính triết lí.
– Phân tích chi tiết:+ “Sấm” là một hiện tượng tự nhiên, thường xuất hiện trước và sau những cơn mưa mùa hạ cũng là biểu tượng cho những nghịch cảnh, biến động bất thường của cuộc sống.+ “Hàng cây đứng tuổi” là những cây cổ thụ đã được trồng lâu năm; gợi liên tưởng đến những con người từng trải, đã từng bước qua mọi thăng trầm, biến cố của cuộc đời nên vững vàng, bản lĩnh.=> Bước sang thu, những cơn mưa rào đã vơi bớt, sấm cũng không “rền vang” như khi giữa hạ, bởi vậy mà nó cũng không còn gây giật mình, bất ngờ cho con người.=> Người từng trải đã đi qua những khó khăn, thăng trầm nên sẽ không nao núng trước những sóng gió, biến cố bất thường.
3. Kết bài
Cảm nghĩ chung
II. Bài văn mẫu Cảm nghĩ của em về 2 câu thơ cuối bài Sang thu (Chuẩn)
Hữu Thỉnh là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Ông viết nhiều, viết rất hay về con người, về mùa thu. Những vần thơ của ông mộc mạc, bình dị mà gợi bao cảm xúc bâng khuâng, lưu luyến. Tiêu biểu nhất cho tài năng và phong cách thơ văn của Hữu Thỉnh có thể kể đến là Sang thu. Sang thu không chỉ mở ra bức tranh tuyệt đẹp của đất trời trong khoảnh khắc chuyển giao từ hạ sang thu mà còn chứa đựng những suy ngẫm sâu sắc về con người, cuộc đời của nhà thơ, điều này được thể hiện rõ nét nhất trong hai câu thơ cuối của bài.
Trong những khổ thơ đầu, nhà thơ Hữu Thỉnh đã tập trung khắc họa những biến chuyển từ mơ hồ đến rõ nét của cảnh vật khi đất trời “chuyển mình” sang thu. Đến hai câu thơ cuối, nhà thơ tiếp tục phát hiện ra những thay đổi của thiên nhiên, vạn vật, từ đó kết nối với cuộc đời con người và bộc lộ những suy ngẫm mang tính triết lí:
“Sấm cũng bớt bất ngờTrên hàng cây đứng tuổi”
“Sấm” là một hiện tượng tự nhiên, thường xuất hiện trước và sau những cơn mưa mùa hạ. “Hàng cây đứng tuổi” là những cây cổ thụ đã được trồng lâu năm. Bước sang thu, những cơn mưa rào đã vơi bớt, sấm cũng không “rền vang” như khi giữa hạ, bởi vậy mà nó cũng không còn gây giật mình, bất ngờ cho con người. Thế nhưng, ý nghĩa, thông điệp mà nhà thơ Hữu Thỉnh muốn gửi gắm trong hai câu thơ kết lại nhiều hơn thế. Nhà thơ không chỉ đơn thuần tái hiện lại những thay đổi của tự nhiên nữa mà đã có sự kết nối chặt chẽ với cuộc đời, với con người.
Sấm và hàng cây đứng tuổi được nhắc đến trong hai câu thơ cuối mang tính đa nghĩa, nó không chỉ mang nghĩa tả thực khi gợi nhắc về hiện tượng, sự vật của tự nhiên mà còn biểu tượng cho cho những biến động và sự từng trải của con người. Sấm cũng giống như những nghịch cảnh, những biến động bất thường của cuộc sống, nó có thể đến bất ngờ khiến cho con người phải nao núng, sợ hãi. Cây đứng tuổi lại gợi liên tưởng đến những con người từng trải, đã từng bước qua mọi thăng trầm, biến cố của cuộc đời nên vững vàng, bản lĩnh. Họ đã từng đối diện, trải qua tất cả những biến động dữ dội của cuộc đời nên sẽ không nao núng trước những sóng gió, biến cố bất thường “Sấm cũng bớt bất ngờ- Trên hàng cây đứng tuổi”.
Như vậy, có thể thấy nhà thơ Hữu Thỉnh không chỉ tinh tế trong cảm nhận và phát hiện những thay đổi của cảnh vật, đất trời trong khoảnh khắc giao mùa mà còn mang đến những suy nghĩ, chiêm nghiệm về đời người: Cuộc đời con người sẽ trải qua những phút giây rộn rã, náo nhiệt như mùa hạ và trở nên dịu dàng, lắng sâu hơn khi sang thu. Con người khi đã trải qua mọi biến động của cuộc đời sẽ trở nên bản lĩnh, vững vàng trước những khó khăn của hoàn cảnh.
——————HẾT—————-
Để khám phá bức tranh thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu, bên cạnh bài Cảm nghĩ của em về 2 câu thơ cuối bài Sang thu, các em có thể tham khảo thêm những bài văn mẫu đặc sắc khác như: Cảm nhận của em về bài thơ Sang Thu, Phân tích cảm hứng thu sâu sắc và tinh tế của Hữu thỉnh trong bài Sang thu, Cảm nhận của em về bức tranh thu trong bài thơ Sang thu, Nét đẹp chuyển thu trong bài thơ Sang thu.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục