Quan hệ sản xuất là gì?
Trước khi đi vào tìm hiểu về khái niệm quan hệ sản xuất, chúng tôi sẽ trình bày một số khái niệm liên quan đến quan hệ sản xuất để các bạn có thể hiểu vấn đề rõ ràng hơn:
Sản xuất là quá trình hoạt động có mục đích của con người tác động vào thế giới tự nhiên nhằm tạo ra của cải, vật chất phục vụ cho nhu cầu của con người.
Sản xuất vật chất giữ vai trò nền tảng trong ba yếu tố của sản xuất xã hội (sản xuất vật chất, sản xuất tinh thần và sản xuất bản thân con người).
Bạn đang xem: Quan hệ sản xuất là gì? Quan hệ sản xuất gồm những yếu tố cấu thành nào?
Vậy, quan hệ sản xuất là gì?
Quan hệ sản xuất là từ dùng để chỉ mối quan hệ giữa người và người trong quá trình sản xuất vật chất (sản xuất và tái sản xuất xã hội) thể hiện ở quan hệ về mặt sở hữu đối với tư liệu sản xuất; quan hệ trong tổ chức, quản lý sản xuất; quan hệ về mặt phân phối sản phẩm sản xuất ra.
Quan hệ sản xuất được hình thành một cách khách quan trong quá trình phát triển của lịch sử, không phụ thuộc vào ý chí của con người. Quan hệ sản xuất được hình thành trên cơ sở một trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
Để phân biệt hình thái kinh tế – xã hội này với hình thái kinh tế – xã hội khác thì quan hệ sản xuất là tiêu chí quan trọng cần phải xét đến. Và đây cũng là quan hệ cơ bản quyết định tất cả các quan hệ xã hội khác của con người.
Quan hệ sản xuất gồm những yếu tố cấu thành nào?
Xét về kết cấu, quan hệ sản xuất được cấu thành từ ba quan hệ:
- Quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất;
- Quan hệ tổ chức quản lý và trao đổi hoạt động với nhau;
- Quan hệ phân phối sản phẩm lao động.
Ba quan hệ này trong quan hệ sản xuất thống nhất với nhau.
Quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất
Sở hữu là quan hệ xã hội giữa người với người trong việc chiếm hữu của cải trong xã hội nhất định, mối quan hệ này đòi hỏi phải có hai người trở lên. Như vậy, sở hữu về tư liệu sản xuất là quan hệ giữa người và người hoặc giữa các cộng đồng người trong việc chiếm hữu về tư liệu sản xuất xã hội.
Sở hữu về tư liệu sản xuất giữ vai trò quyết định đối với các quan hệ khác vì đây là quan hệ trung tâm của quan hệ sản xuất. Bởi lẽ, ai nắm trong tay tư liệu sản xuất, người đó sẽ quyết định việc tổ chức, quản lý sản xuất cũng như phân phối sản phẩm.
Sở hữu về tư liệu sản xuất có hai hình thức cơ bản, đó là sở hữu tư nhân và sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất.
Quan hệ trong tổ chức và quản lý sản xuất
Đây là quan hệ trong việc tổ chức sản xuất và phân công lao động giữa các tập đoàn người. Quy mô, tốc độ, hiệu quả của nền sản xuất được quyết định bởi quan hệ này. Nó có khả năng thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của nền sản xuất xã hội.
Quan hệ phân phối sản phẩm lao động
Là quan hệ giữa các tập đoàn người trong việc phân chia các nguồn lực, của cải xã hội. Phân phối sản phẩm lao động là một khâu quan trọng trong quá trình tái sản xuất xã hội.
Quan hệ này có vai trò thúc đẩy tốc độ của nền kinh tế, tăng nhịp điệu sản xuất và năng động hóa toàn bộ đời sống kinh tế xã hội. Ngược lại, nếu quan hệ phân phối sản phẩm lao động không được thực hiện tốt thì có thể làm trì trệ, kìm hãm quá trình sản xuất.
Tóm lại, trong các yếu tố cấu thành quan hệ sản xuất, quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất giữ vai trò quyết định đối với quan hệ quản lý, tổ chức sản xuất và quan hệ phân phối sản phẩm lao động.
Ngược lại, quan hệ quản lý tổ chức sản xuất và quản lý phân phối sản phẩm lao động cũng tác động trở lại đến quan hệ sở hữu. Chúng có thể góp phần thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của quan hệ sở hữu. Để bảo đảm cho quá trình tái sản xuất xã hội diễn ra không ngừng và liên tục đòi hỏi các khâu phải có sự thống nhất và liên thông.
Quan hệ sản xuất trong mối quan hệ với lực lượng sản xuất
Quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất là hai mặt có quan hệ mật thiết với nhau trong phương thức sản xuất.
Biện chứng giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất
Quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất là mối quan hệ khách quan, vốn có của mọi quá trình sản xuất. Nội dung kinh tế của quá trình sản xuất là lực lượng sản xuất. Hình thức xã hội của quá trình sản xuất là quan hệ sản xuất. Để tiến hành sản xuất vật chất, con người phải thực hiện mối quan hệ “đôi” này. Quan hệ sản xuất sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu một trong hai quan hệ này.
Lực lượng sản xuất giữ vai trò quyết định
Sản xuất xã hội luôn có khuynh hướng biến đổi không ngừng theo chiều tiến bộ. Sự biến đổi đó bắt nguồn từ sự biến đổi và phát triển của lực lượng sản xuất, trước hết là công cụ lao động.
Trong quá trình lịch sử, lực lượng sản xuất luôn vận động và biến đổi. Nó luôn là yếu tố khách quan. Chính vì là yếu tố động nhất và cách mạng nhất nên lực lượng sản xuất giữ vai trò quyết định trong mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.
Sự phát triển của lực lượng sản xuất đến một mức độ nhất định sẽ làm cho quan hệ sản xuất trở nên không còn phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất nữa.
Sự tác động của quan hệ sản xuất với sự lực lượng sản xuất
Quan hệ sản xuất được xây dựng trên cơ sở trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, do lực lượng sản xuất quyết định. Tuy nhiên, quan hệ sản xuất có tính độc lập tương đối so với lực lượng sản xuất và tác động trở lại sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Mục đích xã hội của nền sản xuất, hình thức tổ chức, quản lý sản xuất, khuynh hướng phát triển của các nhu cầu về lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần được quy định bởi quan hệ sản xuất. Từ đó, hệ thống những yếu tố tác động trở lại đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất được hình thành.
Nếu quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, nó sẽ tạo địa bàn thuận lợi cho sự phát triển của lực lượng sản xuất. Khi đó, quan hệ sản xuất sẽ thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.
Ngược lại, nếu quan hệ sản xuất không phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất thì sẽ kìm hãm, cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Tác động theo chiều hướng tiêu cực của quan hệ sản xuất đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất chỉ mang ý nghĩa tương đối. Quan hệ sản xuất không phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, sớm muộn gì cũng được thay thế bằng một quan hệ sản xuất mới phù hợp hơn. Đó là xu thế tất yếu của sự phát triển sản xuất, phát triển kinh tế.
Các loại hình quan hệ sản xuất cơ bản hiện nay ở Việt Nam
Nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, không có nghĩa là xóa bỏ các quan hệ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, mà chỉ phát triển sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất.
Hiện nay trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nên việc duy trì và phát triển hình thức sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất là một yêu cầu khách quan mang tính quy luật. Bởi vì, trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, thì sở hữu tư nhân như một bộ phận tự nhiên của quá trình kinh tế nhiều thành phần cũng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển sản xuất nâng cao đời sống của nhân dân. Mặt khác, duy trì và phát triển kinh tế tư nhân, thì đồng thời với nó là thu hút nguồn lực về vốn, về lao động, về quá trình chuyển giao công nghệ mới, v.v… Nhưng nó đều thông qua sự quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nhà nước xã hội chủ nghĩa sẽ giữ vai trò quyết định và điều tiết chung đối với các hình thức sở hữu này phải phục vụ cho lợi ích của nhân dân.
Trong cơ cấu kinh tế xã hội chủ nghĩa hiện nay ở Việt Nam, thì hình thức sở hữu công cộng ngày càng được hoàn thiện và phát triển. Trong đó kinh tế quốc doanh bao giờ cũng giữ vai trò chủ đạo, quyết định đối với nền kinh tế hiện nay. Cho nên, xét về loại hình quan hệ sản xuất cơ bản hiện nay ở nước ta bao gồm quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa dựa trên cơ sở sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất và quan hệ sản xuất cũ dựa trên hình thức sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, nhưng nó thống nhất và mang tính mâu thuẫn trong một cơ cấu kinh tế thống nhất – kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa và dưới sự quản lý của nhà nước.
Ý nghĩa trong đời sống xã hội của quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất
Quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất có ý nghĩa phương pháp luận rất quan trọng. Trong thực tiễn, muốn phát triển kinh tế phải bắt đầu từ phát triển lực lượng sản xuất, trước hết là phát triển lực lượng lao động và công cụ lao động. Muốn xóa bỏ một quan hệ sản xuất cũ, thiết lập một quan hệ sản xuất mới phải căn cứ từ trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, không phải là két quả của mệnh lệnh hành chính, của mọi sắc lệnh từ trên ban xuống, mà từ tính tất yếu kinh tế, yêu cầu khách quan của quy luật kinh tế, chống tuỳ tiện, chủ quan, duy tâm, duy ý chí.
Nhận thức đúng đắn quy luật này có ý nghĩa rất quan trọng trong quán triệt, vận dụng quan điểm, đường lối, chính sách, là cơ sở khoa học để nhận thức sâu sắc sự đổi mới tư duy kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong quá trình cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn quan tâm hàng đầu đến việc nhận thức và vận dụng đúng đắn sáng tạo quy luật này, đã đem lại hiệu quả to lớn trong thực tiễn. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát, là sự vận dụng quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong phát triển kinh tế ở Việt Nam hiện nay.
********************
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Tổng hợp