Biện chứng chủ quan là gì?
Biện chứng khách quan là cụm từ được dùng để chỉ biện chứng của các tồn tại vật chất; còn biện chứng chủ quan là cụm từ được dùng để chỉ biện chứng của ý thức.
Ta nhận thấy, trên thực tế thì sẽ có sự đối lập giữa quan điểm duy vật và quan điểm duy tâm trong việc thực hiện giải quyết vấn đề về mối quan hệ giữa biện chứng khách quan và biện chứng chủ quan.
Theo quan niệm duy tâm thì biện chứng chủ quan chính là cơ sở của biện chứng khách quan. Bên cạnh đó thì theo quan điểm duy vật lại khẳng định biện chứng khách quan là cơ sở của biện chứng chủ quan.
Ph. Ăngghen khẳng định nội dung sau: Biện chứng gọi là khách quan thì nó sẽ chi phối trong toàn bộ giới tự nhiên, còn biện chứng khi gọi là chủ quan, tức tư duy biện chứng, thì nó sẽ phản ánh sự chi phối trong toàn bộ giới tự nhiên.
Sự đối lập nhau trong quan niệm đó cũng chính là cơ sở quan trọng để thực hiện việc phân chia phép biện chứng thành: phép biện chứng duy tâm và phép biện chứng duy vật.
Ví dụ về biện chứng chủ quan
Một ví dụ minh họa cho khái niệm chủ quan đó là khi giải quyết một vấn đề. Hai người có thể đưa ra hai phương án khác nhau và đều có những lý luận để bảo vệ ý kiến của mình. Nếu như là một trong hai người trên thì chúng ta sẽ bị cái nhìn phiến diện của bản thân làm ảnh hưởng đến sự đánh giá hai phương án giải quyết.
Khi đó, trường hợp sẽ là biện chứng khách quan khi cùng là 1 trường hợp giải quyết vấn đề của 2 người nhưng sẽ cần có một người khác để đưa ra những đánh giá và nhận xét. Vấn đề duy nhất đó là người thứ 3 cần thật công tâm, tỉnh táo và không được thiên vị bất cứ ai trong hai người.
Mối quan hệ biện chứng giữa khách quan và chủ quan
Khách quan và chủ quan là hai mặt, hai yếu tố không thể tách rời trong mọi hoạt động của mỗi chủ thể. Nhưng tính chất của hoạt động nhận thức và cải tạo thế giới lại luôn đòi hỏi chủ thể phải giải quyết mối quan hệ giữa khách quan và chủ quan sao cho phù hợp với vai trò, vị trí thực sự của con người trong thế giới – nghĩa là phải phù hợp với lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng trong việc giải quyết vấn đề cơ bản của triết học.
Trong mối quan hệ giữa khách quan và chủ quan thì suy đến cùng, khách quan bao giờ cùng là cơ sở, tiền đề và giữ vai trò quyết định chủ quan. Bởi vì, các điều kiện, khả năng và quy luật khách quan, không những luôn tồn tại độc lập không lệ thuộc vào chủ thể, luôn buộc chủ thể phải tính đến trước tiên trong mọi hoạt động, mà còn là cội nguồn làm nảy sinh mọi tri thức, tình cảm, ý chí và nguyện vọng của chủ thể. Cả lí luận và thực tiễn đều cho thấy, nếu chỉ bằng nỗ lực chủ quan của mình, con người chưa và không bao giờ xóa bỏ được bất cứ một điều kiện, khả năng hay quy luật khách quan nào. Trái lại, chính những điều kiện khách quan hợp thành hoàn cảnh, môi trường sống và hoạt động hiện thực của con người và chính việc con người nhận thức được sự vận động, biến đổi của những khả năng và quy luật khách quan là điểm xuất phát, là tiền đề làm nảy sinh ở họ những dự kiến, những kế hoạch, hình thành nên trong họ ý chí, quyết tâm hành động cải biến hiện thực vì nhu cầu lợi ích của mình.
Do bản chất năng động vốn có của mình quy định nên con người luôn vươn tới tự do trong mọi hoạt động. Nhưng con người chỉ được tự do hành động trong chừng mực họ nhận thức được ngày càng sâu sắc hơn các điều kiện, khả năng và quy luật khách quan. Không phải thế giới khách quan khuôn theo ý chí, nguyện vọng chủ quan của con người, mà trái lại, ý chí, nguyện vọng của con người chỉ đúng khi nó phản ánh được sự vận động biến đổi của những điều kiện, khả năng và quy luật vốn có của thế giới khách quan. Nói cách khác, khách quan quy định nội dung và sự vận động biến đổi của chủ quan.
Giữa các chủ thể có sự khác nhau là ở tính năng động chủ quan trong nhận thức và hành động. Nhưng giới hạn của tính năng động ấy cũng do khách quan quy định. Chủ thể không thể tùy thích đặt ra cho mình những nhiệm vụ, không thể tự mình sáng tạo ra những mục tiêu, phương pháp khi mà quy luật khách quan không cho phép, khi mà điều kiện lịch sử chưa chín muồi. Nói cách khác, mọi hoạt động của con người chỉ là sự phản ánh và hiện thực hóa những nhu cầu đã chín muồi của đời sống xã hội. Những nhiệm vụ mà con người phải giải quyết là những nhiệm vụ do lịch sử đề ra và quy định nội dung, biện pháp giải quyết. Chúng ta đạt được những thành công trong việc cải tạo hiện thực là do sự phản ánh đúng và hành động theo những quan hệ tất yếu của hiện thực chứ không phải là do những ảo tưởng chủ quan của mình. Tuy vậy, trong khi khẳng định khách quan là nhân tố có vai trò quyết định, triết học Mác-Lênin không những không phủ nhận mà còn đánh giá cao vai trò của tính năng động chủ quan.
Quan điểm trên đây của triết học Mác – Lênin xuất phát từ việc giải quyết mối quan hệ giữa con người và thế giới khách quan thông qua thực tiễn, xem con người là một thực thể xã hội năng động và hoạt động bản chất của nó là hoạt động thực tiễn cải tạo thế giới, sáng tạo ra đời sống xã hội của chính mình. Chính vì vậy, mặc dù phạm trù chủ quan trước hết phản ánh phẩm chất và năng lực trí tuệ – tinh thần của chủ thể, nhưng vai trò thực sự của nó lại chỉ có thể được đánh giá qua toàn bộ hoạt động của con người so với thế giới khách quan. Nói đến vai trò của nhân tố chủ quan là nói đến vai trò của con người trong hoạt động (nhận thức và thực tiễn) để cải biến và thống trị thế giới của họ. Con người, do bản chất xã hội của họ quy định, nên luôn có nhu cầu và khả năng tổ chức các hoạt động khám phá thế giới khách quan. Trên cơ sở đó, con người nâng cao tri thức, phát triển ý chí, tình cảm của mình theo hướng ngày càng phù hợp hơn với điều kiện, khả năng và quy luật khách quan của hiện thực. Cũng nhờ đó mà đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ cũng như chủ trương, biện pháp mà con người vạch ra ngày càng đúng đắn hơn, ít mang tính chất chủ quan duy ý chí hơn. Nói cách khác, đó cũng chính là quá trình nhân tố chủ quan của chủ thể ngày càng được khách quan hóa. Đồng thời, chính điều đó lại góp phần nâng cao quyền lực của con người trong việc làm biến đổi thế giới khách quan theo ý chí, nguyện vọng và nhu cầu của họ. Điều đó cũng có nghĩa con người ngày càng trở thành chủ thể thực sự của thế giới khách quan, hay thế giới khách quan ngày càng bị chủ quan hóa bởi hoạt động cải biến của con người.
Vai trò đặc biệt trên đây của nhân tố chủ quan được thể hiện tập trung ở phương thức nó biến các quy luật, các điều kiện và các khả năng khách quan vốn tồn tại và vận động dưới dạng các “xu hướng có thể” thành hiện thực theo hướng thỏa mãn tốt nhất nhu cầu, lợi ích của chủ thể. Thông thường, trong tự nhiên, các “xu hướng có thể” tự phát biến thành hiện thực khi đủ điều kiện cần thiết, nhưng trong xã hội quá trình đó lại phụ thuộc một cách quyết định vào vai trò của nhân tố chủ quan.
Mặc dù mọi hoạt động của con người đều phải dựa vào những điều kiện khách quan nhất định, nhưng con người không thụ động chờ đợi sự chín muồi của điều kiện khách quan, mà trái lại, có thể dựa vào năng lực chủ quan của mình để phát hiện các điều kiện khách quan và dựa vào các điều kiện đó để tổ chức, xúc tiến tạo ra những điều kiện khách quan khác cần thiết cho những nhiệm vụ cụ thể của mình. Bằng cách đó, con người có thể thúc đẩy nhanh hơn tiến trình biến khả năng thành hiện thực. Tương tự, trong một phạm vi, một sự vật hiện tượng cụ thể, tiến trình khách quan có thể có nhiều con đường, nhiều khả năng phát triển. Ở đây, vai trò của con người có thể dựa vào năng lực vốn có của mình để lựa chọn, tác động sao cho chỉ một con đường, một khả năng khách quan nào đó phù hợp nhất với tiến trình lịch sử cụ thể và nhu cầu của mình. Bằng cách đó, như thực tế lịch sử cho thấy, con người có thể đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình phát triển của sự vật mà vẫn bảo đảm tính lịch sử tự nhiên của nó. Cuối cùng, vai trò to lớn của nhân tố chủ quan còn thể hiện ở chỗ, mặc dù không xóa bỏ hoặc sáng tạo ra bất cứ quy luật khách quan nào, nhưng bằng năng lực chủ quan của mình, con người có thể điều chỉnh hình thức tác động của quy luật khách quan và kết hợp một cách khéo léo sự tác động tổng hợp của nhiều quy luật theo hướng phục vụ tốt nhất cho mục đích của mình. Sở dĩ như vậy là vì tính tất yếu về sự tác động của quy luật khách quan không mâu thuẫn với tính phong phú về hình thức và trật tự tác động của nó trong những điều kiện cụ thể khác nhau; mà việc làm biến đổi những điều kiện này lại nằm trong khả năng thực tế của con người.
Tóm lại, “thế giới không thỏa mãn con người, và con người quyết định biến đổi thế giới bằng hành động của mình” . Nhưng hành động biến đổi thế giới của con người chỉ có hiệu quả khi nó được thực hiện bởi những công cụ, phương tiện vật chất và phù hợp với quy luật vốn có của thế giới vật chất, nghĩa là hành động ấy luôn là một thể thống nhất giữa nhận thức và thực tiễn. Quá trình thực tiễn – nhận thức – thực tiễn là một quá trình vô tận với sự chuyển hóa không ngừng giữa khách quan và chủ quan theo hướng đứa con người trở thành chủ thể thực sự của thế giới khách quan. Đó chính là quá trình biện chứng “khách quan hóa chủ quan và chủ quan hóa khách quan”, chống “khách quan chủ nghĩa” và chống “chủ quan duy ý chí”.