Bạo loạn lật đổ ở Việt Nam là gì?
Bạo loạn lật đổ: là hành động chống phá bằng bạo lực có tổ chức do lực lượng phản động hay lực lượng li khai, đối lập trong nước hoặc cấu kết với nước ngoài tiến hành gây rối loạn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội hoặc lật đổ chính quyền ở địa phương hay trung ương.
Về hình thức của bạo loạn, gồm có bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang hoặc bạo loạn chính trị kết hợp với vũ trang. Trên thực tiễn, bạo loạn lật đổ là một thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động gắn liền với chiến lược “diễn biến hoà bình” để xoá bỏ chủ nghĩa xã hội. Khi tiến hành bạo loạn lật đổ, các thế lực thù địch thường kích động những phần tử quá khích, làm mất ổn định trật tự an toàn xã hội ở một số khu vực và trong một thời gian nhất định (thường chỉ diễn ra trong không gian hẹp và thời gian ngắn) tiến tới lật đổ chính quyền ở địa phương hoặc nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Quy mô và phạm vi của bạo loạn lật đổ
Quy mô bạo loạn lật đổ, có thể diễn ra ở nhiều mức độ, từ quy mô nhỏ đến lớn.
Phạm vi địa bàn xảy ra bạo loạn lật đổ có thể ở nhiều nơi, nhiều vùng của đất nước, trọng điểm là những vùng trung tâm về kinh tế, chính trị, văn hoá của Trung ương và địa phương, nơi nhạy cảm về chính trị hoặc ở các khu vực, địa bàn mà cơ sở chính trị của địa phương yếu kém.
Nguyên nhân dẫn đến bạo loạn lật đổ
Bạo loạn thường xảy ra khi đám đông có cảm giác bị đối xử không công bằng hoặc bất đồng quan điểm. Trong lịch sử, bạo loạn đã xảy ra do nghèo đói, thất nghiệp, điều kiện sống tồi tàn, áp bức của chính phủ, thuế hoặc quân dịch bắt buộc, xung đột giữa các nhóm dân tộc, bạo loạn chủng tộc hoặc tôn giáo (bạo lực giáo phái, pogrom), kết quả của một sự kiện thể thao (bạo loạn thể thao, côn đồ bóng đá) hoặc sự thất vọng với các kênh hợp pháp dùng để giải quyết bất bình.
Trong khi các cá nhân có thể cố gắng lãnh đạo hoặc kiểm soát một cuộc bạo loạn, các cuộc bạo loạn thường bao gồm các nhóm vô tổ chức thường xuyên “hỗn loạn và thể hiện hành vi bầy đàn”. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bạo loạn không phải là hành vi phi lý, giống như bầy đàn, mà thực sự tuân theo các chuẩn mực xã hội đảo ngược.
Một số đặc trưng của bạo loạn lật đổ
+ Bạo loạn lật đỗ là hoạt động bằng bạo lực có tổ chức của chủ nghĩa đế quốc và lực lượng phản động để chống phá các nước tiến bộ trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa.
+ Mục đích của bạo loạn lật đỗ nhằm lật đổ chính quyền tiến bộ thiết lập chính quyền phản động ở địa phương hoặc trung ương. Diễn biến hòa bình là quá trình tạo nên những điều kiện, thời cơ cho bạo loạn lật đổ. Cả diễn biến hòa bình và bạo loạn lật đỗ đều cùng bản chất phản cách mạng trong âm mưu chống phá các nước tiến bộ, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa.
Ngoài hai khái niệm trên, cần lưu ý đến hành động gây rối. Đó là hành động quá khích của một số người làm mất ổn định trật tự, an toàn xã hội ở một khu vực (thường là hẹp) trong một thời gian nhất định (thường là ngắn).
Bạo loạn lật đổ các thế lực thù địch đối với Việt Nam
* Âm mưu:
Các thế lực thù địch chú trọng nuôi dưỡng các tổ chức phản động sống lưu vong ở nước ngoài và kết hợp với các phần tử cực đoan, bất mãn trong nước gây rối, làm mất ổn định xã hội ở một số vùng nhạy cảm như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ của Việt Nam. Chúng tiến hành nhiều hoạt động xảo quyệt để lôi kéo, mua chuộc quần chúng nhân dân lao động đứng lên biểu tình chống lại chính quyền địa phương. Vùng Tây Bắc, chúng kích động người H’Mông đòi thành lập khu tự trị riêng. Vùng Tây Nguyên, chúng ra sức tuyên truyền thành lập nhà nước Đề Ga, chờ thời cơ thuận lợi để tiến hành lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
* Thủ đoạn cơ bản:
Kích động sự bất bình của quần chúng, dụ dỗ và cưỡng ép nhân dân biểu tình , làm chỗ dựa cho lực lượng phản động trà trộm, hoạt động đập phá trụ sở, tiến tới uy hiếp khống chế cơ quan quyền lực của địa phương.
Tìm mọi cách để mở rộng phạm vi, quy mô, lực lượng và kêu gọi sự tài trợ tiền của , vũ khí ngoài nước vào để tăng cường sức mạnh.
* Yêu cầu trong phòng chống:
Nâng cao cảnh giác cách mạng, kịp thời phát hiện âm mưu bạo loạn lật đổ. Dự báo đúng thủ đoạn, quy mô, địa điểm và thời gian.
Nguyên tắc xử lí: nhanh gọn-kiên quyết-linh hoạt-đúng đối tượng-không để lan rộng kéo dài.
Sử dụng lực lượng phương thức đấu tranh phù hợp.
Lợi dụng vấn đề dân tộc trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch
Trong chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ chống Việt Nam, các thế lực thù địch luôn coi việc lợi dụng vấn đề dân tộc là một trọng điểm.
Trong những thập kỷ gần đây, chúng ra sức chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, lợi dụng những khó khăn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền kính động, gây mất ổn định, tạo dựng lực lượng chính trị đối lập… kêu gọi sự can thiệp, hỗ trợ từ bên ngoài đế chống phá cách mạng Việt Nam.
Tây Nguyên của Việt Nam là nơi quy tụ đồng bào thuộc nhiều dân tộc khác nhau sinh sống. Các thế lực thù địch đang tập trung vào địa bàn này để chống phá. Được thế lực phản động nước ngoài hỗ trợ, chúng tìm mọi cách vô hiệu hoá vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng và hiệu lực của chính quyền các cấp, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện âm mưu thành lập cái gọi là “nhà nước Đê Ga tự trị”, tạo cớ để nước ngoài nhảy vào can thiệp. Chúng đã gây nên các cuộc bạo loạn chính trị ở nhiều nơi trên địa bàn Tây Nguyên (năm 2001 và 2004).
Một số nét cơ bản về âm mưu, thủ đoạn chống phá hiện nay cho thấy, lợi dụng vấn đề dân tộc đã thực sự trở thành một trọng điểm trong chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam. Qua công tác đấu tranh, chúng ta nhận diện âm mưu, thủ đoạn của địch trong “diễn biến hòa bình” về vấn đề dân tộc với một số nét cơ bản sau:
– Vấn đề dân tộc là một trong những nội dung trọng tâm của “diễn biến hoà bình”, được coi là vấn đề then chốt của địch nhằm phá vở khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, chia rẽ Nhân dân vvới Đảng, Nhà nước.
– Trong vấn đề dân tộc, địch tập trung tuyên truyền nhằm “khoét sâu”, “nới rộng” mâu thuẫn nội bộ dân tộc thông qua triệt để khai thác, nhào nặn thông tin, tuyên truyền tiêu cực về dân sinh, dân trí, dânchủ, môi trường tự nhiên và văn hóa, xã hội.
– Kích động hình thành tâm lý kỳ thị, phân biệt trong một bộ phận Nhân dân; xây dựng ‘ngọn cờ” nhằm tập hợp lực lượng trong đồng bào dân tộc thiểu số.
– Tuyên truyền xuyên tạc về tình hình dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền ở các địa phương. Một mặt nhằm gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mặt khác vừa tạo ‘tiếng vang’, kêu gọi tài trợ, vừa thúc đẩy sự can thiệp, gây sức ép của các tổ chức Quốc tế vào đời sống chính trị nước ta.
Thứ nhất, lợi dụng vấn đề dân tộc với chiên lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch thống nhất với nhau về mục tiêu, nội dung, biện pháp chống phá cách mạng Việt Nam.
Về mục tiêu, việc lợi dụng vấn đề dân tộc với chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đều là loại hoạt động tiến công chông phá cách mạng nước ta, đi đến loại trừ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc.
Về nội dung tiến công, phá hoại, lợi dụng vấn đề dân tộc với chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ diễn ra trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.
Về biện pháp thực hiện, lợi dụng vấn đề dân tộc với chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ chủ yếu bằng các hoạt động phi vũ trang, bằng chính lực lượng từ bên trong có sự trợ lực, răn đe bằng sức mạnh toàn diện ở bên ngoài.
Thứ hai, bắt nguồn từ đặc điểm Việt Nam là quốc gia đa dân tộc và tầm quan trọng đặc biệt của các dân tộc trong cách mạng Việt Nam hiện nay.
Việt Nam là một quốc gia có 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh (chiếm trên 86% dân số cả nước) là dân tộc đa số, còn lại 53 dân tộc (chiếm gần 16% dân số cả nước). Tuy là các dân tộc thiểu số nhưng 53 dân tộc thiểu số có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định đến thành bại của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì thế, Đảng và Nhà nưởc ta luôn quan tâm sâu sắc đến vấn đề dân tộc, coi thực hiện tốt chính sách dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng.