5 Đề đọc hiểu Tổ quốc nhìn từ biển có đáp án chi tiết được THPT Ngô Thì Nhậm biên soạn và tổng hợp từ các đề thi học kì môn Ngữ Văn 7 sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em nắm chắc kiến thức trong quá trình ôn luyện và trả lời đúng các câu hỏi trong kì thì sắp tới.
Đọc hiểu Tổ quốc nhìn từ biển – Đề số 1
Đọc kỹ đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 3:
Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa Ngàn năm trước con theo cha xuống biển Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc Các con nằm thao thức phía Trường Sơn Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa Trong hồn người có ngọn sóng nào không…
(Trích Tổ quốc nhìn từ biển – Nguyễn Việt Chiến)
Câu 1: Tư tưởng chủ đạo của đoạn thơ trên là gì? (0.75 điểm)
Lời giải:
Tư tưởng chủ đạo của đoạn thơ: Hình ảnh Tổ quốc Việt Nam trong một góc nhìn mới – nhìn từ biển đảo quê hương. Trong góc nhìn đó Tổ quốc hiện lên với bao đau thương mất mát không chỉ bởi thiên nhiên dữ dội mà cả những kẻ thù đang lăm le bờ cõi. Tổ quốc gắn bó với con người từ truyền thuyết xa xưa của dân tộc khi Lạc Long Quân và Âu Cơ chia con lên rừng xuống biển và cả ngày nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Câu 2: Trong đoạn thơ có mấy lần hình ảnh người mẹ xuất hiện, đó là những lần nào, có ý nghĩa gì? (1.5 điểm)
Lời giải:
Trong đoạn thơ có 3 lần hình ảnh người mẹ xuất hiện:
– Lần 1: Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
– Lần 3: Mẹ Âu Cơ không hẳn đã yên lòng
Lần 1 và lần 3 là hình ảnh mẹ Âu Cơ, người mẹ đầu tiên của dân tộc xuất hiện trong truyền thuyết sinh ra đàn con trong bọc trứng, chia nhau lên rừng xuống biển, một hình ảnh giàu sức gợi về vẻ đẹp cao cả vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam…
– Lần 2: Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn
Là hình ảnh người mẹ trong hiện thực, xuất hiện gián tiếp qua hình ảnh chiếc áo bạc màu với bao vất vả lo toan, sự so sánh liên tưởng giữa mẹ và biển cả.
Câu 3: Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5 đến 6 dòng) để trình bày suy nghĩ của anh (chị) về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. (0.75 điểm)
Lời giải:
– Đảm bảo yêu cầu của một đoạn văn về hình thức cũng như nội dung.
– Đoạn văn viết có chủ đề, trình bày được suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với chủ quyền biển đảo
Lưu ý: Tuỳ theo mức độ câu trả lời của học sinh mà giáo viên có thể ghi điểm, nhưng không quá số điểm tối đa đã được ghi theo từng câu.
Bài mẫu 1:
Em là một học sinh hiện đang theo học ở trường THCS Gia Thị Định. Qua những bài học của thầy cô, qua các kênh thông tin và báo đài, em được biết thêm nhiều điều về biển đảo và quê hương mình. Từ đó, trong em dấy lên tình yêu thương và tự hào về lịch sử hào hùng và sự cố gắng kiên cường phát triển không ngừng của biển đảo quê hương. Cùng với đó, là nhận thức về trách nhiệm của bản thân mình với biển đảo tổ quốc. Ở lứa tuổi học sinh, em chưa thể đóng góp được nhiều, nhưng em chắc chắn rằng em vẫn có thể làm được nhiều việc khác. Đơn giản từ việc tham gia khẳng định chủ quyền biển đảo quốc gia trên các diễn đàn quốc tế, các cuộc nói chuyện với bạn bè năm châu. Rồi tham gia viết thư, vẽ tranh ca ngợi vẻ đẹp và sự phát triển của biển đảo quốc gia. Và cả việc thể hiện sự quan tâm dành cho các chú lính hải quân đã chấp nhận rời xa gia đình đến bảo vệ vùng trời nơi khơi xa. Chờ khi lớn hơn nữa, chắc chắn em sẽ cố gắng để cống hiến được nhiều hơn nữa. Bởi thế hệ học sinh chúng em chính là tương lai của tổ quốc. Nếu chúng ta không hành động từ ngay bây giờ thì phải chờ đến khi nào?
Bài mẫu 2:
Hiện nay, vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam chính là một trong những vấn đề nhạy cảm, mang tính thời sự, chính trị quốc gia. Theo như thời sự báo đài đưa tin, Trung Quốc đã có những hành vi xâm phạm vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền của Việt Nam: kẻ đường lưỡi bò, đặt giàn khoan tùy tiện hay đưa tàu thuyền vào biển Việt Nam. Dưới nỗ lực đàm phán và giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phía Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động như vậy vì nó là vi phạm công ước quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng đưa ra được những bằng chứng chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai hòn đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Hơn nữa, các quốc gia bạn bè cũng lên tiếng về hành động vi phạm chủ quyền vô căn cứ của Trung Quốc. Về phía nhân dân, cả nước Việt Nam chung lòng thống nhất hướng về biển đảo, hướng về với lòng biết ơn những người lính hải đảo đang hy sinh thầm lặng từng ngày bảo vệ chủ quyền đất nước. Tuy nhiên, có 1 bộ phận nhỏ người dân thiếu hiểu biết, bị các đối tượng xấu kích động, xúi giục gây nên bạo loạn ở 1 số vùng. Có thể nói, đây chính là vấn đề nhạy cảm của quốc gia nên theo em, đối với vấn đề biển đảo Việt Nam, người dân cần có tinh thần cảnh giác trước các đối tượng xấu lợi dụng kẽ hở chính trị của Việt Nam mà phản động, người dân cần đoàn kết chung lòng yêu nước bằng tinh thần yêu nước sáng suốt, trong sạch. Đồng thời, hoạt động tuyên truyền để tình yêu biển đảo được thấm nhuần trong tư tưởng của biết bao thế hệ trẻ. Tóm lại, vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam chính là một trong những vấn đề mà nhà nước cần đấu tranh về lâu, về dài và cần sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam.
Đọc hiểu Tổ quốc nhìn từ biển – Đề số 2
Đọc kỹ đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:
Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Bạn đang xem: 5 Đề đọc hiểu Tổ quốc nhìn từ biển có đáp án chi tiết
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn
Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo
Lạc Long cha nay chưa thấy trở về
Lời cha dặn phải giữ từng thước đất
Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi
(Nguyễn Việt Chiến, Tổ quốc nhìn từ biển, NXB Phụ nữ, Hà Nội, 2015, tr. 5 – 6)
Câu 1. Nhan đề Tổ quốc nhìn từ biển gợi cho em những cảm xúc, suy nghĩ gì?
Lời giải:
Nhan đề “Tổ quốc nhìn từ biển” cũng vậy: ngắn gọn, giản dị, cho người đọc hình dung tổng quát nhất về nội dung của bài thơ – về điểm nhìn mà tác giả chọn – suy ngẫm, tình cảm dành cho Tổ quốc dưới góc nhìn của những con người gắn liền với biển, với đảo, ngày đêm gìn giữ, bảo về chủ quyền thiêng liêng của dân tộc; gợi mở cho người đọc những sự hào hứng riêng đối với cách tiếp cận mới khi nói về chủ đề tổ quốc; ngoài ra sự tối giản của nhan đề cũng cho thấy một âm hưởng trầm hùng nhất định của bài thơ.
Câu 2. Hai dòng thơ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển / Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa đã gợi nhớ đến truyền thuyết dân gian nào? Theo em, việc nhà thơ gợi lại truyền thuyết đó nhằm mục đích gì?
Lời giải:
– Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ
– Tác dụng: Gợi nhớ nguồn gốc, cội nguồn cưa chúng ta.
Câu 3. Biển đảo Việt Nam được nhà thơ miêu tả qua những hình ảnh nào? Qua những hình ảnh đó, em cảm nhận được gì về lịch sử của dân tộc?
Lời giải:
Biển đảo Việt Nam được nhà thơ miêu tả qua những hình ảnh:
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không.
=> Qua những hình ảnh đó em thấy được dân tộc Việt Nam có một lịch sử hào hùng, bên cạnh đó là một lòng đoàn kết của dân tộc ta.
Câu 4. Tình cảm của tác giả với quê hương, đất nước được thể hiện như thế nào trong đoạn thơ?
Lời giải:
Tình cảm mà tác giả thể hiện trong bài thơ đó chính là tình cảm tự hào, ngưỡng mộ, yêu quê hương, yêu đất nước. Tự hào với nền lịch sử mà đất nước đã có được.
Câu 5. Chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong hai dòng thơ: Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả / Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn.
Lời giải:
– Biện pháp tu từ so sánh ở đây chính là: Biển cần lao với áo mẹ bạc sơn.
– Tác dụng: tăng tính biểu đạt cho câu thơ, tăng sức gợi hình gợi cảm.
Câu 6. Giải thích nghĩa của cụm từ ngọn sóng trong dòng thơ: Trong hồn người có ngọn sóng nào không. Chỉ ra sự khác biệt về nghĩa của cụm từ ngọn sóng trong ngữ cảnh này với cụm từ ngọn sóng trong câu: “Nhìn ngọn sóng ngoài khơi xa, lòng em lại trào dâng bao nỗi niềm khó tả.”.
Lời giải:
Cụm từ ngọn sóng trong dòng thơ Trong hồn người có ngọn sóng nào không được dùng với nghĩa ẩn dụ: ngọn sóng trong lòng là sự trăn trở không nguôi, là nỗi lòng đau đáu hướng về biển đảo quê hương của những con người yêu nước
Còn cụm từ ngọn sóng trong câu Nhìn ngọn sóng ngoài khơi xa, lòng em lại trào dâng bao nỗi niềm khó tả được dùng theo nghĩa gốc, chỉ sóng biển.
Đọc hiểu Tổ quốc nhìn từ biển – Đề số 3
Đọc kỹ đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:
Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi
(Trích Tổ quốc nhìn từ biển – Nguyễn Việt Chiến)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Lời giải:
Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm
Câu 2: Nhân vật trữ tình đã gửi gắm cảm xúc, tâm tư gì vào đoạn thơ?
Lời giải:
Nhân vật trữ tình đã gửi gắm những suy ngẫm, tự hào về lịch sử dân tộc, nhìn từ góc độ công cuộc giữ gìn biển đảo, trách nhiệm của mỗi con người trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Câu 3: Tìm và phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ?
Lời giải:
Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ là: phép điệp cú pháp (Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/ Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát). Hiệu quả nhấn mạnh cảm xúc tự hào, suy ngẫm lắng đọng về lịch sử đau thương mà hùng tráng của dân tộc.
Câu 4: Đoạn thơ mang đến cho người đọc nhận thức gì về Tổ quốc xưa và nay?
Lời giải:
Đoạn thơ mang đến cho người đọc nhận thức về Tổ quốc xưa và nay: Một đất nước luôn phải đối đầu với nạn ngoại xâm, nhân dân phải hi sinh máu xương để bảo vệ từng tấc đất, thước biển nhưng vẫn bất khuất, hiên ngang.
Đọc hiểu Tổ quốc nhìn từ biển – Đề số 4
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa Trong hồn người có ngọn sóng nào không Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo Lạc Long cha nay chưa thấy trở về Lời cha dặn phải giữ từng thước đất Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ Thương Hòn Mê bão tố phía âm u…”
(Nguyễn Việt Chiến – Tổ quốc nhìn từ biển)
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản?
Lời giải:
Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
Câu 2: Giải thích nghĩa của từ “sóng” trong 2 câu thơ sau:
“Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa Trong hồn người có ngọn sóng nào không”
Lời giải:
Sóng 1: Những nguy cơ, hiểm họa đang liên tục bủa vây quanh biển.
Sóng 2: Thái độ, tình cảm, ý chí, hành động trong lòng mỗi người…
Câu 3: Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ ẩn dụ trong khổ thơ?
“Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ Thương Hòn Mê bão tố phía âm u…”
Lời giải:
Biện pháp tu từ ẩn dụ: mưa nguồn chớp bể, mây mù, sóng dữ, bão tố…
Hiệu quả: Thể hiện một cách kín đáo những hiểm họa đe dọa đến sự bình yên của biển và nguy cơ mất an toàn lãnh thổ. Bộc lộ nỗi lo lắng, trăn trở của nhà thơ.
Câu 4: Từ 2 câu thơ: “Lời cha dặn phải giữ từng thước đất – Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi”, anh/chị hãy viết đoạn văn trình suy nghĩ của mình về trách nhiệm của thanh niên hiện nay đối với biển đảo Việt Nam?
Lời giải:
– Trách nhiệm của thanh niên hiện nay đối với biển đảo Việt Nam:
Nhận thức được biển đảo Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với những hiểm nguy, sự phức tạp và khắc nghiệt từ các hoạt động của Trung Quốc.
Điều đó đòi hỏi thanh niên phải dũng cảm, mưu trí, chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, sẵn sàng hy sinh xương máu, kiên quyết đứng lên bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Đọc hiểu Tổ quốc nhìn từ biển – Đề số 5
Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
***
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn
***
Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không?
(Trích Tổ quốc nhìn từ biển – Nguyễn Việt Chiến)
Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ.
Lời giải:
Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm
Câu 2: Nêu ý nghĩa của từ bão giông trong câu thơ đầu.
Lời giải:
Ý nghĩa của từ “bão giông” trong câu thơ đầu là: Chỉ giông bão từ thiên nhiên và giông bão từ những hiểm họa đối với chủ quyền của đất nước.
Câu 3: Truyền thuyết nào được gợi lại trong đoạn thơ? Ý nghĩa của việc gợi lại truyền thuyết đó.
Lời giải:
Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ được gợi lại trong đoạn thơ. Tác giả nhắc lại truyền thuyết này nhằm:
– Gợi nhắc về cội nguồn dân tộc
– Nhắc nhở chúng ta về sự toàn vẹn và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
– Khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ý thức đoàn kết đấu tranh vì Tổ quốc.
Câu 4: Từ đoạn thơ, hãy viết một đoạn văn ngắn thể hiện ý thức trách nhiệm của bản thân đối với Tổ quốc.
Lời giải:
Học sinh viết đoạn văn thể hiện rõ cảm nhận của mình về những hiểm họa đang đe dọa an ninh, chủ quyền, hòa bình của đất nước từ biển. Nêu lên tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm của bản thân về chủ quyền của Tổ quốc, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc khi cần.
Bài mẫu 1:
Mỗi con người sinh ra đều mang trong mình một sứ mệnh riêng, nhưng hơn tất cả, sứ mệnh chung của chúng ta đặc biệt là giới trẻ thì trách nhiệm đối với đất nước là một sứ mệnh vô cùng quan trọng. Vậy trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương đất nước là gì? Trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương, đất nước là trách nhiệm giữ gìn nền độc lập, tích cực xây dựng nước nhà ngày càng vững mạnh. Mỗi chúng ta khi sinh ra được sống trong nền hòa bình đã là một sự may mắn, chính vì vậy chúng ta cần phải cống hiến nhiều hơn để phát triển nước nhà vững mạnh, có thể chống lại mọi kẻ thù. Mỗi người khi học tập, lao động, tạo lập cho mình một cuộc sống tốt đẹp cũng chính là cống hiến cho tổ quốc. Bên cạnh đó, mỗi chúng ta cần phải yêu thương, giúp đỡ đồng bào, đoàn kết với mọi người vì điều đó không chỉ giúp cho chúng ta được yêu thương, trân trọng mà còn thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Là một học sinh trước hết chúng ta cần học tập thật tốt, nghe lời ông bà cha mẹ, lễ phép với thầy cô. Có nhận thức đúng đắn về việc giữ gìn và bảo vệ tổ quốc. Luôn biết yêu thương và giúp đỡ những người xung quanh,… Tuy nhiên vẫn còn có nhiều bạn chưa có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước, chỉ biết đến bản thân mình, coi việc chung là việc của người khác,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án. Mỗi chúng ta cần phải cố gắng không chỉ vì tương lai của mình mà còn để xây dựng đất nước giàu đẹp xứng đáng với những gì được hưởng.
Bài mẫu 2:
Từ thuở xa xưa thanh niên Việt Nam đã ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình đối với đất nước. Trong thời chiến họ luôn là lực lượng tiên phong trong các phong trào đánh giặc cứu nước, luôn là lực lượng nòng cốt của cách mạng, xả thân vì tổ quốc mà không tiếc thời tuổi trẻ. Vậy chúng ta những thanh niên may mắn được sinh ra trong thời bình, chúng là phải có trách nhiệm như thế nào để gìn giữ và bảo vệ tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng đã được đổi bằng xương máu của biết bao thế hệ đi trước, phải làm gì để xứng đáng hưởng được những thành quả ngày hôm nay. Mỗi chúng ta phải xác định cho mình một lí tưởng sống cao đẹp, phải có ước mơ và hoạch định ra cho mình một kế hoạch cụ thể, phải rèn đức luyện tài, phải hiểu được vai trò đất nước đối với chúng ta, có như vậy chúng ta mới xác định được đúng đắn nhiệm vụ của mình đối với đất nước. Chúng ta ra sức học tập cũng là đang thực hiện nhiệm của của mình với đất nước, nó không phải là một cái gì đó sâu xa như các bạn nghĩ nó chỉ đơn giản là làm tốt bổn phận của mình để phấn đấu trở thành một công dân tốt góp phần xây dựng một đất nước giàu đẹp vững mạnh. Như vậy trách nhiệm của thanh niên ở thời chiến hay thời bình đều do ý thức mỗi con người tuy nhiên nó lại được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau.
Bài mẫu 3:
Đất nước ta đang bước vào một thế kỉ mới, một thời kì hội nhập kinh tế mới, một thời kì toàn cầu hóa để phát triển cùng các nước láng giềng. Vì vậy mỗi người, mỗi cá nhân chúng ta cần phải góp phần vào việc giúp đất nước phát triển, và trách nhiệm của những thanh niên hiện nay là rất quan trọng, những người thanh niên cần phải chuẩn bị hành trang của mình đầy đủ, để có thể đi tới một nơi thật xa mà gần trong tương lai chúng ta. Hành trang ở đây không phải là những vật dụng cần thiết cho một chuyến đi, mà là những tri thức, kĩ năng, thói quen được coi là những điều kiện cần và đủ để thanh niên có thể đi đến một nơi thật xa mà gần trong tương lai của họ, và cũng chính là điều kiện để họ có thể giúp cho đất nước phát triển hơn hoặc bằng so với các nước láng giềng. Vì vậy trách nhiệm của thanh niên hiện nay là rất quan trọng có thể quyết định tương lai của đất nước sau này. Thế mà, có những thanh niên đã không ý thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước hiện nay là quan trọng như thế nào, mà chỉ việc lo ăn chơi mà không cố gắng học tập để có thể giúp cho tương lai của mình và đất nước. Về trách nhiệm của mỗi chúng ta thì phải ra sức cố gắng học tập thật tốt và không tham gia vào các tệ nạn của xã hội mà làm cho đất nước bị thụt lùi so với các nước bạn bè. Thanh niên phải xác định được lý tưởng sống của mình và tương lai của mình để có thể giúp cho đất nước phát triển tốt hơn trong tương lai.
Bài mẫu 4:
Mỗi chúng ta, ai cũng là những phần tử nhỏ bé trong một xã hội rộng lớn, chính vì thế việc chung sức xây dựng quê hương, đát nước là trách nhiệm của tất cả mọi người chứ không phải của riêng một ai. Việc xây dựng đất nước là trách nhiệm của tất cả mọi người, riêng với học sinh – Là một đối tượng nhỏ tuổi, lại đang ngồi trên ghế nhà trường, thiết nghĩ mỗi người học trò cần phải xác định được mục đích học tập của mình là gì và phải nỗ lực hết mình để hoàn thành mục đích đã đề ra ấy. Chúng ta phải thật sự nhiệt huyết và tận tâm với việc học của chính mình vì học tập là để kiến tạo tương lai và xây dựng một đất nước giàu mạnh, vững bền. Bên cạnh đó, tuổi trẻ cũng cần năng nổ, nhiệt tình hơn trong các hoạt động, phong trào tập thể, cần là người đi đầu để lôi kéo mọi người tham gia để cùng nhau xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh. Nếu mỗi người, ai cũng ý thức một chút, ai cũng cố gắng và tận tâm hơn nữa với công việc, ai cũng không quản ngại cống hiến cho tổ quốc thì ắt đất nước của chúng ta sẽ ngày càng phát triển. Và đây cũng chính là cách để mỗi cá nhân thể hiện trách nhiệm của mình đối với việc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
******************
Trên đây là 5 bộ đề Tổ quốc nhìn từ biển đọc hiểu trắc nghiệm, tự luận có đáp án chi tiết. Hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn tập thật tốt để bước vào kì thi học kì sắp tới. Chúc các em luôn đạt điểm cao trong các bài thi nhé.
Đăng bởi: THPT Ngô Thì Nhậm
Chuyên mục: Giáo Dục